Đong tấm lòng – Tác giả Phêrô Phạm Minh Châu | Tuyển tập Truyện Ngắn Đất Mới 2020
Đong tấm lòng
Phêrô PHẠM MINH CHÂU
Giáo Phận Nha Trang

Vừa bước qua cánh cổng nhà thờ, sơ đã nhìn thấy cô gái ấy. Khuôn mặt, ánh mắt vẫn như ngày nào. Nét cười lấp lánh một màu nắng, không chói lòa nhưng thật tươi. Cô gái ấy đưa mắt nhìn sơ, nhưng ngày trước sơ cứ ngỡ cô ấy điên.
Cũng đã mấy năm rồi sơ mới trở về giáo xứ cũ. Cảnh vật nơi đây nay đổi khác so với ngày trước. Sơ nhìn quanh, dẫu khác lạ nhưng vẫn còn nhiều thứ quen thuộc. Dưới gốc bàng kia, sơ thường đứng lớp giáo lý; giữa khoảng sân rộng lớn này, sơ đã tập tành vũ khúc cho các em. Nhưng tất cả điều ấy chỉ còn là hoài niệm. Nay, sơ làm công việc khác, mới lạ hoàn toàn. Sơ được Bề trên giao nhiệm vụ quản lý căn nhà tình thương của nhà Dòng. Nơi đó, cũng đông đúc trẻ em, người già, nhưng đặc thù công việc lại khác. Bởi từng mảnh đời nơi ấy cần được sự giúp đỡ và san sẻ nhiều hơn, như hai chữ gắn với căn nhà: “Tình Thương”.
Lúc sơ đặt chân vào nhà xứ, mọi người quây quần giữa gian phòng. Ánh nắng chiều vàng hoe đổ xuống hiên nhà làm gương mặt ai cũng ngời sáng. Nụ cười của mọi người như bật lên sự nồng hậu để chào đón sơ trở về với tổ ấm sau một thời gian dài. Sự hiện diện đông đủ của các thành viên trong Hội đồng mục vụ đủ giúp sơ hiểu được cái chân tình của họ đáng quý biết dường nào. Cuộc gặp gỡ để bàn bạc công việc tuy đã được định trước, nhưng có lẽ ai cũng thấy niềm vui được đong đầy hơn, khi tiếng cười cứ vang lên sau những câu chuyện rời rạc. Tất cả đều quen biết, tất cả đều thân thương với những thứ thân thuộc. Riêng câu chuyện về cô gái ấy là mới mẻ đối với sơ. Cuộc trò chuyện hiện tại cũng vì thế được đẩy lùi về một quá khứ xa xăm. Đoạn phim ngược thời gian ấy, sơ chỉ biết được dang dở đôi phần.
Cô gái ấy tên Liên. Gương mặt Liên lúc nào cũng khắc khổ, nhợt nhạt. Da dẻ cô úa vàng như bị bào mòn bởi mưu sinh.
Ngày trước, khi sơ còn ở giáo xứ này, Liên vẫn thường đứng trước cổng nhà thờ mỗi trưa, dẫu trên đầu nắng gắt chói chang. Người ta bảo, Liên làm thêm trong thành phố, đến trưa lại trở về để chăm người cha già bệnh tật cùng đứa con thơ. Ngang qua nhà thờ, cô lại tần ngần nhìn vào bên trong. Liên nhìn gì? Chẳng ai có thể biết. Có lẽ, vì Liên không theo Đạo nên mọi thứ về cô đều ít ỏi. Có lần, sơ tìm gặp Liên. Sơ muốn gặng hỏi vì sao cô đứng trước cổng nhà thờ. Nhưng chưa nói hết câu, Liên đã tháo chạy. Sơ nói với theo vài tiếng, nhưng chẳng biết Liên có chịu nghe hay không? Những ngày tiếp theo, sơ vẫn thấy Liên đứng đó, lặng yên như lệ thường. Nhưng vì bận bịu công việc, sơ chẳng còn quan tâm đến Liên tự lúc nào chẳng hay. Nhiều người cũng tò mò, họ tìm, hỏi vì sao Liên đứng đấy, nhưng cô chỉ im lặng rồi bỏ đi. Được một thời gian, Bề trên chuyển sơ đến vùng đất mới. Trưa ngày rời giáo xứ, sơ có đến nhà thờ để chào Chúa, nhưng không gặp Liên. Hình ảnh về Liên cũng vì thế được sơ cất lại chốn này. Sơ gác lại mọi thứ để đến nơi phục vụ mới.
Bẵng ba tháng sau, mọi người trong xóm Đạo xì xầm. Người ta bảo, Liên mê mẫn cha Phú. Đàn bà góa bụa, không chồng mà cứ tìm đến cổng nhà thờ để làm gì? Cha Phú còn trẻ, năng động, lại thân thiện với bà con giáo dân nên cảm mến cha là điều rất có thể! Dẫu ở xa, sơ cũng nghe biết chút ít tin tức, nhưng chỉ là những mẫu chuyện chắp vá không đầu không đuôi. Rồi hôm cha Phú ra tận cổng mời Liên vào nhà xứ, mọi người càng thêm nghi ngờ. Ai cũng tin cha trong sạch, nhưng họ sợ cha sa chước cám dỗ. Về sau, cuộc gặp gỡ giữa cha và Liên trở nên thường xuyên hơn. Lúc nào cha cũng mở toang các cửa để tiếp đón. Mọi người ngang qua đều nhìn thấy. Khó chịu, ray rứt, nhưng họ chẳng biết mình phải làm sao?
Rồi một hôm, cha Phú thông báo với mọi người, Liên sẽ được rửa tội để tiếp nhận Chúa. Cả nhà thờ chộn rộn hẳn lên, tiếng người xì xầm ngay trong Thánh Lễ. Hiểu chuyện, cha Phú gõ vào mic vài cái xin ngắt lời. Ai cũng tưởng cha phân bua điều gì, nhưng đâu ngờ cha lại yêu cầu sự hiệp thông: “Xin bà con cầu nguyện cho cô gái trẻ được bình an trên con đường đức tin”. Mọi người đều im lặng, nhưng sự rộn ràng lại dư âm đến tận từng hàng quán trong xóm Đạo. Đi đến đâu cũng nghe mọi người kháo nhau chuyện cha Phú mở lòng và thân tình với Liên. Cha nghe biết tất cả, nhưng chẳng muốn phân minh. Cha nhờ mấy người trong giáo họ quan tâm cách đặc biệt đến gia đình Liên. Một vài người trong số họ tỏ vẻ bất bình, cũng ấp a ấp úng muốn hỏi cha đôi điều, nhưng chẳng ai dám ngỏ lời.
Sau ngày rửa tội, Liên đến nhà thờ mỗi hôm. Hang đá Đức Mẹ nhờ vậy mà khang trang hơn ngày trước. Liên chu đáo săn sóc, thay nước, chăm hoa đều đặn mỗi chiều. Trở về từ phố khi đã mệt nhoài, nhưng Liên vẫn ghé thẳng vào nhà thờ. Một vài người thương tình, có vẻ hiểu chuyện thường tìm đến Liên bằng sự quan tâm, hỏi han về đời sống Đạo. Liên chỉ im lặng và mỉm cười. Bản thân cô trước giờ luôn vậy, lầm lủi và lặng thinh. Nhưng không phải ai cũng thân thiện, dẫu cùng là con Chúa, nhiều người vẫn chưa chịu hiểu cho Liên. Từ ánh mắt đến lời nói, sự dị nghị như được ném thẳng vào người cô. Nhiều người độc miệng còn buông lời cay nghiệt, bảo Liên đến nhà thờ đặc kín như tơ để dễ dàng gặp mặt cha mỗi ngày. Cũng phải! Từ một con người không biết gì đến Chúa, một gia đình sống biệt lập với xóm làng, Liên ào ào xuất hiện giữa giáo xứ như một nhân vật chính của bộ phim truyền hình, với đạo diễn là người gương mẫu trong mắt bà con. Điều đó sao tránh được sự hiểu lầm và khinh ghét. Mấy lần gặp cha Phú, Liên vẫn nói cười vui vẻ, nhưng tận sâu trong lòng, Liên lại cảm thấy đau đáu với nỗi buồn. Bởi, mọi người trong xóm Đạo chưa hiểu hết con người của Liên.
***
Từ nãy đến giờ, sơ vẫn chăm chú đón nhận từng lời từ cha Phú. Câu chuyện ấy như làm cho không khí căn phòng trầm xuống tự lúc nào. Cha kể đến đó thì dừng lại, sơ ngạc nhiên nhìn khung cảnh trước mắt. Mọi người trong bàn đều cúi mặt, chỉ mình cha Phú và sơ phụ trách cộng đoàn nhìn sơ. Cha Phú đưa tay đặt ly nước xuống bàn rồi bất ngờ hỏi:
“Lần đầu tiên gặp chị Liên trước cổng nhà thờ, sơ Trang đã nói gì, sơ nhớ không?”
Sơ lưỡng lự. Ánh mắt sâu hút như cố nhớ về một điều đã xảy ra từ rất lâu trong quá khứ. Sơ đăm chiêu nhìn mọi người rồi kết thúc bằng cái lắc đầu nhẹ tênh. Vẻ mặt sơ ngượng ngùng vì quên mất điều gì đó mình đã từng thốt ra.
“Nhà Chúa luôn rộng mở, Chúa đang đợi chị, chị vào đi, câu nói ấy đã giúp chị Liên mạnh dạn bước vào nhà thờ, sơ Trang ạ!”
Sơ gật đầu như đã nhớ được câu nói mà sơ chợt quên, hay chỉ nói vu vơ trong lần đầu gặp Liên? Sơ cũng không ngờ câu nói ấy lại biến đổi được cả một con người. Con người đã làm sơ cảm thấy khó hiểu và tưởng rằng đó là một người điên. Được một lúc, cha nói tiếp:
“Cái này chị Liên gửi trả cho sơ, hôm sơ đánh rơi, chị ấy đã nhặt được.”
Vẻ mặt ngơ ngác chợt kéo đôi chân mày sơ sát lại. Cha Phú đặt tràng chuỗi xuống mặt bàn. Những hạt hoa hồng lấp lánh nhìn sơ như hớn hở, vì được trở về với người chủ của mình. Sơ nâng niu tràng chuỗi trong tay. Dường như, chuỗi hạt đã được Liên chăm chút nên mới sáng bóng như lúc này. Tràng chuỗi ấy, sơ đã tìm lâu nay, nhưng không biết mình đánh rơi nơi đâu? Sơ ngập ngừng rồi hỏi lại cha:
“Nhưng, nhưng sao chị ấy không trả lại cho con ngày hôm ấy?”
“Bởi nó gợi nhắc về người mẹ của Liên! Mẹ cô ấy đã từng nâng niu tràng hạt lúc còn sống và cả đến khi nhắm mắt xuôi tay nên cô ấy chưa muốn gửi trả! Rồi sơ chuyển xứ, Liên không hay biết nên mới giữ nó lại bên mình. Mấy ngày cuối đời với căn bệnh ung thư gan, Liên cũng nâng niu tràng hạt này như mẹ cô đã từng!”
Sơ vẫn đăm chiêu. Vẻ mặt ai cũng ngạc nhiên. Những lời của cha nói, sao lạ lẫm và bất ngờ quá đỗi! Chẳng lẽ, đây là cái duyên mà Chúa đã đặt để cho sơ, bởi hiện tại sơ đang ngồi đây cũng vì cô gái này. Sơ không hiểu điều gì đang diễn ra!
Như thấu cảm được điều vẫn còn khúc mắc trong lòng sơ, cha Phú trầm ngâm, đưa tay rút tờ giấy mỏng nơi cuốn sổ nhỏ rồi đặt xuống mặt bàn. Sơ đón nhận mảnh giấy với những dòng chữ nghuệch ngoạc do viết vội của một người đã thất thập cổ lai hy.
Kính thưa cha, quý hội đồng mục vụ và bà con!
Cũng chẳng biết nói chi trong giờ phút này, khi kẻ đầu bạc như con phải tiễn kẻ đầu xanh tại nơi con không nghĩ mình sẽ đặt chân đến! Trước khi nói lời cảm ơn, con xin chia sẻ câu chuyện của chính gia đình con:
Cũng hơn 30 năm trôi qua, con mới bước vào nơi này. Mẹ Liên cũng là người Công giáo. Vì sự hà khắc của bản thân con nên Liên không được theo Đạo Chúa mặc dù nó vẫn cứ ước ao. Mẹ Liên mất, nó cũng mất đi ước mơ làm con Chúa năm nào. Rồi gần đây nhất, Liên bảo với con: Liên thấy bóng dáng mẹ nó – là người vợ của con nơi Đài Đức Maria giáo xứ mỗi trưa. Chính tại Đài Mẹ nơi giáo xứ cũ, hai mẹ con đã trốn con trong những lần say xỉn triền miên. Bây giờ, khi tuổi đã già, con mới hối lỗi với những chuyện đã qua. Con đồng ý để Liên được thỏa ước nguyện. Nhưng thật buồn khi nó đã giấu con tất cả mà tìm về với mẹ nó nơi ngôi nhà thờ này.
Con kính cảm ơn Cha, quý ban ngành trong giáo xứ và bà con vì đã yêu thương và đón nhận Liên vào đại gia đình giáo xứ trong suốt thời gian qua. Nay Liên về với Chúa, xin mọi người thương tình tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn Maria được hưởng hạnh phúc Nước Trời.
Con kính cảm ơn Cha và mọi người!
Ánh mắt sơ trở nên sâu hút vì ngỡ ngàng. Chỉ vỏn vẹn mấy dòng chữ, nhưng giải thoát cho một kiếp người. Chỉ đôi kí tự, nhưng chắp nên sự thật ẩn tàng bấy lâu. Những dòng tâm tư ấy ba Liên đã đọc trong Thánh Lễ cuối cùng của cô. Hôm đó, bên dưới cộng đoàn ai cũng nghẹn ngào nước mắt. Họ không dám ngẩng đầu lên vì sợ người khác trông thấy giọt nước nơi khóe mắt họ đã trào ra. Nhưng đúng hơn, họ thấy xấu hổ với Liên, với cha Phú vì những lời phàn nàn, phán xét mà họ đã buột miệng buông ra. Lời cảm ơn vì đã đón nhận Liên hôm ấy nghe êm ái nhưng sắc lẹm, lời ấy tan dần trong gió rồi cứa thật sâu nơi tâm hồn những con người đã từng làm tổn thương Liên.
Đến lúc này, sơ mới biết sự thật.
Buổi chuyện trò chiều hôm ấy cũng dần trở về với những kế hoạch ban đầu. Lòng sơ đã thôi lắng đọng cảm xúc với câu chuyện buồn vừa trôi qua. Ai cũng có tấm lòng. Nhưng đầy hay vơi lại là chuyện khác. Với thực tại trước mắt, mọi người đều muốn đong vào tấm lòng người còn sống những điều tốt đẹp như để xoa dịu linh hồn của kẻ đã vùi sâu dưới ba tấc đất lạnh căm.
Bất chợt có tiếng gọi từ bên ngoài:
“Cha ơi! Ông cháu cái Liên đến rồi!”
Nghe tiếng người, mọi người đưa mắt nhìn về vạt nắng đang đắm mình giữa sân. Sơ cũng gửi ánh nhìn ra phía cổng nhà thờ. Đứa cháu nhỏ đang đẩy chiếc xe lăn chở một cụ già vào bên trong. Họ dừng lại nơi nghĩa đường Phục Sinh trước khi tiến vào nhà xứ. Hai dáng người nhỏ bé thả bóng hình xiêu vẹo trong buổi chiều buồn hiu hắt. Họ lặng yên trước hộc mộ còn mới ngay lối vào. Chính nơi ấy sơ đã thấy Liên cười thật tươi khi vừa bước đến nơi đây. Sơ nhìn hai ông cháu, ánh mắt trìu mến như những lần nhìn thấy Liên trước cổng nhà thờ. Kể từ ngày mai, căn nhà tình thương của sơ sẽ có thêm hai thành viên mới. Sơ sẽ bù đắp cho họ vì chưa kịp đong tấm lòng cho Liên!
Trên bầu trời, ánh chiều vẫn kiên trì đổ từng giọt nắng sau cùng xuống mặt đất. Nhẹ nhàng, an nhiên như cách sơ vẫn thường đong tấm lòng cho những tâm hồn cần đến sơ.
Nơi bàn tay sơ, tràng hạt đang khẽ đung đưa.