Truyện dài : ĐỒNG HÀNH | Chương Mười Một
Truyện dài : ĐỒNG HÀNH | Chương Mười Một
Tác giả: Song Nguyễn
11
Khi Chúa dẫn tù nhân Xi-on trở về,
ta tưởng mình như giữa giấc mơ.
(Tv 125,1)
Nhưng rồi, Chúa đã nghe lời những đứa trẻ “mồ côi” của Chúa, giữa lúc những đứa trẻ đang sống những ngày vô vọng. Còn chị phải dao động vì đời sống tinh thần và vật chất đang dần đến chỗ bế tắc. Hơn nữa, chị cũng không nhận được một an ủi nào nơi gia đình, Cha đỡ đầu hay Nhà Dòng; trong khi đó tình hình mỗi lúc một căng thẳng, tin tức đồn đại về cuộc càn quét vẫn được rỉ tai. Bất thần, Chúa đã sai sứ giả của Ngài đến giải thoát chị, chị giống như người từ Xi-on được Chúa đưa về:
Khi Chúa dẫn tù nhân Xi-on trở về,
ta tưởng mình như giữa giấc mơ.
Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại!
Ta thấy mình chan chứa một niềm vui.
(Tv 125,1.3)
Cha sở vắn tắt viết cho chị mấy chữ:
“Dì gửi mấy đứa nhỏ cho người cầm thư nầy, và Dì làm theo lời đề nghị của anh ta”.
Đúng đây là nét chữ của Cha Sở và chữ ký này cũng là của Cha rồi, nhưng nội dung thư vắn gọn quá, làm sao chị hiểu nổi. Chị hỏi người đưa thư:
– Cha nói như thế này nghĩa là làm sao?
Người đưa thư hơi nghiêm nét mặt, anh ta trả lời:
– Xin Dì thông cảm, cứ làm theo ý Cha Sở.
“Làm theo ý Cha Sở”, chị lẩm bẩm nhắc lại. Muốn vậy, ít là Cha cũng cho biết tình trạng mới của mấy đứa trẻ ra sao? Chúng có được nuôi dưỡng bảo đảm không chứ? Chị đánh liều hỏi người đưa thư lần nữa:
– Thế ai nuôi dưỡng mấy đứa nhỏ?
Anh ta hơi gắt với chị:
– Xin Dì đừng thắc mắc, chúng có phải là con bỏ rơi đâu mà Dì phải sợ!
Anh nhấn mạnh vào hai tiếng “bỏ rơi”. A! Như vậy là mấy đứa nhỏ này có người nuôi. Nhưng người ấy là ai?
Thấy chị còn chần chừ, người đưa thư cau mặt, gằn giọng nói với chị. Nhưng có lẽ thấy thái độ năn nỉ tội nghiệp của chị đã làm mềm lòng người đưa thư. Anh tiết lộ:
– Lệnh cấp trên là phải “tiêu thổ kháng chiến”, ai về nhà nấy; mấy em “cô nhi” trả về cho cha mẹ nó, còn Dì không có thân nhân trả về nhà Dòng.
Chị thấy không thể nào đôi co với anh được, phải giải quyết vấn đề ngay. Giữ chúng lại không ổn, mà để chúng đi thì…, thôi chị đành phó thác chúng cho Chúa.
Chị gọi mấy đứa nhỏ tới ra lệnh:
– Chúng con mau thu xếp theo anh đây, để anh đưa chúng con về với cha mẹ hay người thân của chúng con.
Nghe chị nói mấy đứa ngơ ngác nhìn chị xem chị có nổi “mát” không? Nhưng khi thấy chị đang suy nghĩ, chúng lại quay nhìn người lạ. Có lẽ mấy đứa nhìn ra nét quen của người đưa thư sao đó, chúng hơi an tâm.
Người đưa thư nhìn đám trẻ nói:
– Mau lên tụi con, theo chú về nhà.
Chị cũng giục thêm:
– Mau lên tụi con, kẻo anh đây chờ.
Đứa bé nhất, bé được chị cưng nhất, chạy lại ôm cổ chị, bé nói:
– Dì có đi với tụi con về nhà không?
Chị bối rối chưa biết trả lời nó làm sao, vì chính chị cũng chưa biết số phận mình ra sao. Chị vuốt tóc và an ủi nó:
– Con đi trước, rồi Dì đi sau.
Câu chuyện mới đến đó, một người thanh niên nữa từ ngoài đi vào, vì mãi trao đổi với người đưa thư và mấy đứa nhỏ, chị không để ý đến, anh ta hỏi người đưa thư:
– Sao, xong chưa cậu?
Lần này người đưa thư nói lớn hơn:
– Mau lên! Ra đây đi nào!
Mấy đứa nhỏ vẫn còn đứng lì ra. Chị phải làm nghiêm giục tụi nhỏ:
– Thôi tụi con đi đi!
Người đưa thư quay lại phía chị nói:
– Còn Dì theo anh này, – Ông ta chỉ phía người thanh niên vừa tới – anh sẽ đưa Dì ra xe về Nhà Dòng.
Nghe hai tiếng về Nhà Dòng, chị tưởng như sét đánh. Chị vừa buồn vừa lo sợ.
Người đưa thư lôi mấy đứa lớn đi trước, rồi ông ta cầm tay hai đứa nhỏ dắt đi sau. Mấy đứa nhỏ đi còn ngoái cổ lại nhìn chị. Dì cháu nước mắt đầm đìa, chị khóc, chả còn để ý người thanh niên đứng trước mặt, mãi đến lúc anh ta lên tiếng “Nào đi Dì!”. Chị mới nhớ có sự hiện diện của anh ta. Chị ngẩng lên nhìn anh, anh ta vội quay đi chỗ khác. Có lẽ vừa rồi anh cũng bị xúc động chăng! Rồi anh ta quay lại nói với chị:
– Dì sửa soạn mau lên, kẻo gây hoang mang thì nguy hiểm lắm.
Nghe anh nhắc đến hai chữ “nguy hiểm”, chị thấy gai người nổi lên. Lại đi vào nơi nguy hiểm?
Chị hỏi lại người lạ mặt:
– Còn nhà thì sao?
– Dì yên tâm, cô Tươi lái đò sẽ đến ở.
Chị khẽ reo:
– À, cô Tươi lái đò!
Anh hỏi lại chị:
– Dì biết cô Tươi hả.
Không trả lời anh, chị khẽ gật đầu.
Anh ta lại thưa:
– Dì xong chưa, đi, kẻo nói chuyện lâu người ta để ý.
– Tôi lúc nào cũng xong, anh cứ việc khởi hành.
Phải bỏ căn nhà đã ghi bao nhiêu dấu tích, chị cảm thấy nghẹn ngào. Nhất là nghĩ đến lũ trẻ mà người lạ đem đi đầy bí ẩn, nước mắt chị lại trào ra.
Thấy chị khóc, người thanh niên nói như năn nỉ:
– Dì khóc lộ chuyện nguy hiểm lắm.
Chị phải vội vã lau nước mắt làm tỉnh, nhưng ruột gan nóng tựa hỏa lò. Đang đi trước, người thanh niên đi chậm lại, có ý đợi chị đi ngang. Anh khẽ nói:
– Lỡ có người lạ mặt hỏi thăm, Dì cứ nhận tôi là chồng nhá!
Nghe lời anh ta, chị phát ớn. Lại đi vào nguy hiểm nữa sao?
Ra đến cuối làng, trời tối và tối thật mau, tất cả chỉ còn lại một màu đen tối mênh mông, bó buộc chị phải theo gót người thanh niên mới không sợ lạc. Tự nhiên chị cảm thấy bủn rủn cả chân tay, không muốn bước đi nữa.
Cơn sợ hãi nhập cả vào người…
Tâm trí chị vẽ ra những hình ảnh quái đản mà chị đã đọc được trong những sách truyện thuật lại lúc đêm tối. Chính Thánh Vịnh cũng thường mô tả đêm tối là lúc thần lực của ma quỷ hoành hành. Và bây giờ là lúc đêm tối đây. Chị sáp nhập nó với câu mà người thanh niên vừa nói: “Dì cứ nhận tôi làm chồng”. Chị thấy ngại ngại đi lùi về sau. Ngược lại, người thanh niên thấy chị đi chậm lại, anh ta tưởng chị mệt hay tại anh đi nhanh quá, anh ta cũng đi chậm lại. Rồi bất thình lình nắm lấy tay chị, anh ta nói:
– Dì để tôi dẫn đi.
Chị đang suy nghĩ, lại bị nắm tay thình lình, làm chị đâm hoảng. Chị gỡ tay anh ra và nói:
– Được, anh cứ bỏ tay ra, tôi sẽ theo kịp anh mà.
Anh ta bỏ tay chị ra và trấn an:
– Dì ráng đi một chút nữa, tới lùm cây đàng kia là có thuyền rồi.
Chị cứ ừ hử cho xong chuyện, chứ chị có nhìn thấy gì đằng trước đâu. Rồi để chứng tỏ chị giữ đúng lời đã nói, chị đã cố gắng theo kịp anh, mặc dầu đây là lần đầu chị lội ruộng đêm. Nhưng vì cố gắng quá, chị đã không cẩn thận đủ, nên đâm nhào xuống vũng bùn, và phải ôm chầm lấy anh ta. Người thanh niên xoay người lại, ôm ngang người chị, cố sức kéo chị lên.
Qua được cái hố, chị vừa sợ, vừa mắc cỡ. Mặt chị lúc ấy chắc là kỳ dị lắm, may mà đêm tối nên người thanh niên không nhìn thấy gì, và chắc cũng không gây một suy nghĩ gì cho anh ta.
Bây giờ người thanh niên đi chậm hẳn lại, anh an ủi chị:
– Dì cố gắng một quãng nữa thôi, gần tới nơi rồi.
Quãng nữa thôi! Hồi nãy anh cũng nói gần tới, bây giờ lại một quãng nữa. Quãng nữa dài bao nhiêu và còn bao nhiêu cái hố như vừa rồi. Chị bồi hồi lo sợ, lòng trí bối rối, chị kêu xin Chúa:
Chúa giữ gìn bạn khỏi mọi điều bất hạnh,
giữ gìn cho sinh mệnh an toàn.
Chúa giữ gìn bạn lúc ra vào lui tới,
từ giờ đây cho đến mãi muôn đời.
(Tv 120,7-8)
Đang lội nước mà mồ hôi chị toát ra, chị thấy nó lành lạnh trên trán và chạy dài xuống đến hai bên thái dương. Trở đi, còn biết bao nhiêu khó khăn, mà trở lại, cũng không thể được. Chị thèm cái chết của Dì Năm. Tuy nhiên, Chúa có bao giờ bỏ rơi kẻ trông cậy Chúa.
Bì bõm một hồi, người thanh niên quay lại nói với chị:
– Tới nơi rồi, Dì đứng yên đợi, tôi lại đàng kia kéo thuyền ra.
Đi được mấy bước, không hiểu anh nhớ điều gì, anh trở lại thì thào:
– Dì đứng yên đừng đi tới nữa, không có là nhào xuống rạch.
Chị thầm cám ơn anh, nếu anh không nói kịp thời, chị đã nhào xuống rạch rồi. Chị đứng lại đợi anh, nhưng khổ nỗi chỗ chị đứng đang bị lún, làm chị nhớ câu Thánh Vịnh:
Con bị lún sâu xuống chỗ sình lầy,
chẳng biết đứng vào đâu cho vững.
(Tv 68,3)
Chị đứng dậy, chân này đổi chân kia, cả năm mười phút rồi mà chưa thấy anh đưa thuyền lại, vẫn còn nghe tiếng lào rào như đang gỡ cây cối gì đó, rồi tiếng của người lọp bọp lội bùn, đang phải vận dụng sức để làm việc. Chị thấy thật là tội nghiệp anh, vì chị mà anh phải vất vả.
Sau một hồi hì hục, anh đã kéo con thuyền ra được, anh kê thuyền lại bên chị, anh khẽ nói:
– Dì để tôi cõng Dì lên thuyền cho bảo đảm.
Chị xua tay lắc đầu, miệng nói:
– Thôi được, anh cứ chỉ cho tôi tự leo lên cũng bảo đảm.
Anh nói lại:
– Thuyền nhỏ lắm, Dì không quen leo lên là ụp thuyền đó ạ.
– Không sao! Anh cứ để tôi leo lên, rồi anh coi.
Nói vậy thì nói, chị cũng hồi hộp: vụng về như chị dám nhào lắm à! Mấy lần leo lên thuyền, lần nào cũng siêu vẹo cả. Thế nhưng thà là vậy, còn hơn để anh ta cõng. Kỳ dị lắm!
Đề nghị của anh không được chị chấp thuận, anh cũng không buồn. Anh đề nghị tiếp:
– Vậy được, Dì cứ việc leo lên, tôi sẽ kìm thuyền phía bên kia.
Chị vận dụng hết sức, cố gắng leo lên. Chị vừa trườn mình rút hai chân lên là con thuyền chao đi chao lại, không nhờ anh vừa kìm vừa kéo chị lên, chắc thuyền đã ụp rồi.
Khi đưa chị lên thuyền rồi, người thanh niên rút sào, lấy trớn đẩy thuyền đi rồi nhảy phóc lên, con thuyền chỉ hơi chao đi chao lại một chút, xong anh dùng sào đẩy con thuyền đi ào ào, dù trời tối mù.
Ngồi yên trên thuyền, chị mới kịp nghĩ đến quần áo. Rờ vào chỗ nào cũng thấy ướt, chắc là chị lấm láp lắm. Giả như có ai nhìn thấy, họ sẽ nghĩ chị thế nào! Có lẽ chị chẳng khác gì con ma mút đâu. Chị tự trách mình quả là chị “khờ khạo” quá; giả biết lúc đợi người thanh niên đi lấy thuyền, hoặc trước khi leo lên thuyền, chị vò đỡ bùn đi thì bây giờ đâu đến nỗi tệ như thế này. Bây giờ đã vậy, khi ra tới đường, leo lên xe càng dị nữa. Chị muốn nói với người thanh niên ngừng thuyền lại để chị gột đỡ mấy chỗ quần áo dính bùn. Nhưng khổ nỗi, từ nãy đến giờ anh ta đang chăm chú vào công việc, bây giờ chị lại khơi chuyện ra, lại phải đối phó mất công, thôi thà để lấm một chút còn hơn.
Nhưng khi con thuyền đang ngoan ngoãn lao đi, người thanh niên chống xào lùi lại phía chị ngồi. Anh nói:
– Này Dì, hồi nãy tôi quên không nhắc! Quần áo Dì có bị bùn đất gì dính vào không vậy?
– Chắc có nhiều anh ạ, tôi thấy nó lộm cộm cả đây.
– Không được đâu! Dì để vậy ra ngoài đường người ta sẽ biết chuyện. Hồi nãy nếu tôi nhớ, tôi đã bảo Dì giặt sơ qua. Mà Dì có một bộ thôi sao?
Chị lặng thinh không trả lời, chị sợ phải nhắc lại cái quá khứ đau thương và sợ chị không thể ngăn được cơn xúc động. Người thanh niên thấy chị không trả lời, anh đề nghị tiếp:
– Dì ngồi yên để tôi dội nước, Dì xoa đỡ trên quần áo cho sạch vết bùn đất đi. Từ đây ra đến bến đò có lẽ cũng kịp khô đó!
Chị nghĩ ngợi phân vân tự hỏi không biết làm như vậy có tiện không. Hay là nói với anh ta để chị vừa dội vừa làm, nhưng chị lại sợ “khờ khạo” như chị cúi xuống nhổm lên làm lộn thuyền, mà để anh ta dội thì… Chị đề nghị:
– Được! Nhưng anh dội cao một chút và đứng xa ra kẻo bắn ướt.
Anh ta vui vẻ nói:
– Được, Dì yên trí. Tôi sợ cho Dì, chứ còn tôi đâu có sợ ướt.
Vừa dội nước cho chị, anh vừa khuyến khích:
– Dì cố vò kỹ một chút, để sót một chút nào coi dị lắm đó.
Chị vừa vò vừa hồi hộp, lo sợ viễn vông. Nhưng rồi cuộc thanh tẩy đã hoàn tất. Chị nói với người thanh niên:
– Xong rồi! Cám ơn nhé! Anh chu đáo quá!
Bảo đảm rồi, người thanh niên lại tiếp tục công việc của anh. Còn chị ngồi nhìn đêm tối suy nghĩ miên man. Bao nhiêu biến cố qua, lần lượt diễn lại trong đầu óc chị, chị thấy rợn người, nếu không có Chúa, hẳn là chị đã chìm sâu trong lòng đất rồi.
Chị thầm cầu Chúa cho trời chóng sáng để chị được thoát ra khỏi cảnh u tối ghê rợn này và biết mình đi đâu. Có lẽ lúc này chị còn hơn tâm sự người lính gác đêm:
Hơn lính canh mong đợi hừng đông.
Vâng, hơn cả lính canh mong đợi hừng đông.
(x. Tv 129,6).
Nhưng trời vẫn chưa sáng, những hình ảnh quen thuộc lại đến ám ảnh tâm trí chị. Cha Sở là một người cha nghiêm nghị, luôn suy tư, khắc khổ và lo âu về đủ thứ chuyện, luôn cả chuyện chính trị. Còn Dì Năm là người chị, người mẹ chỉ biết tìm hạnh phúc trong việc phục vụ người khác. Lũ trẻ nhỏ nghịch ngợm nhưng dễ thương. Giờ đây… ra sao? Cô Tươi, cô lái đò dễ mến, vì gia cảnh mà không theo đuổi ơn kêu gọi được. Có lẽ cô đang ngủ trên cái giường mà chị đã có công sửa soạn lại. Không biết cô còn duy trì được những giờ kinh sáng tối, nhất là giờ kinh ngày Chúa Nhật không? Chị tự an ủi: Chắc là được! Cô đã đi tu, còn dân làng người nào cũng tốt với chị. Nhưng giờ đây có lẽ đã xa chị lắm rồi. Chị ước ao có được cặp mắt thiên thần để nhìn lại mảnh đất thân yêu ấy một lần. Chị muốn la lớn một tiếng cho đỡ bực bội, nhưng sự lẩn trốn của chị đã chận lại ý tưởng đó:
Bủa vây con suốt ngày ngần ấy thứ,
dồn dập tư bề như nước bao la.
Cận thân Chúa khiến lìa xa,
chung quanh bầu bạn chỉ là bóng đêm.
(Tv 87,18)
Mệt quá, chị thiếp đi… Giật mình, tỉnh giấc thì trời đã gần sáng, sờ áo quần chị thấy đã hơi khô. Chị yên tâm không sợ người ta “nghi” và sẽ hỏng chuyện, như người thanh niên đã nói. Tâm hồn chị cảm thấy vui vui vì sắp vượt qua một chặng đường nguy khó, cũng như bao nhiêu nguy khó chị đã gặp từ ngày đặt chân xuống đây. Chị thầm dâng Chúa lời nguyện:
Này bóng tối, màn đêm mây phủ,
Này mưa sa bão tố tràn dâng,
Rút đi, trời đã ửng hồng,
Ki-tô xuất hiện, ngày đương trở về.
Bình minh tới, ngàn tia nắng ấm
Đuổi sa mù phủ trắng trần gian,
Vầng hồng tươi mát xuân sang
Điểm tô muôn sắc huy hoàng trời mây.
Màn đêm tối bủa vây giăng mắc,
Tội bất trung dằn vặt tâm tình.
Chợt nhìn bóng Chúa uy linh,
Mây mù tan rã trời xanh sáng ngời.
Lạy Ki-tô xin Ngài trợ lực,
Cho niềm tin thuần thục trinh trong,
Chúa ơi, gối uốn tay vòng,
Lời ca nhỏ lệ xuống lòng ăn năn.
Này tư tưởng: xin quan sát kỹ,
Đây cuộc đời: tỉ mỉ xét soi,
Tháng năm đã lấm bụi đời,
Hào quang quét sạch tanh hôi lỗi lầm.
Lạy Ki-tô thánh Quân từ ái,
Vinh danh Ngài cùng với Chúa Cha
Cao sang hiển trị thiên tòa,
Cùng Thánh Thần Chúa vinh hoa muôn đời.
(Thánh thi Kinh sáng-Thứ Tư / Tuần I)
Hướng nhìn về phía trước, cử động nhịp nhàng đều đặn của người thanh niên đẩy bên này, chống bên kia, hầu như không biết mỏi mệt là gì, dầu anh đã làm việc suốt đêm.
Đột nhiên, người thanh niên ép sát thuyền vào bờ, thái độ không được bình thường, chị đoán là chắc có chuyện gì xảy ra đây. Chị cố giương mắt để quan sát chung quanh coi có gì khác không? Chị thấy mãi thật xa có một đóm lửa, lúc tỏ lúc mờ, nhưng không lẽ đó là một dấu nguy hiểm. Thế rồi người thanh niên lui lại phía chị, anh ta ngồi xuống, chị hồi hộp không biết anh ta định làm điều lành hay dữ. Anh ta ghé sát miệng vào tai chị thì thào:
– Gần tới nơi rồi.
Chị hỏi lại anh ta:
– Nơi nào đây?
– Chỗ bến đò sẽ đưa Dì ra lộ.
Nghe nói, chị thở ra nhẹ nhõm. Anh nói tiếp:
– Hôm nay, Dì đi là may mắn lắm đó. Trước đây chúng tôi thường là bị trở ngại.
Chị thầm cám ơn Chúa và nói với anh:
– Tôi mang ơn anh nhiều lắm.
– Không có chi! Tôi làm bổn phận. Chỉ xin Dì nhớ và cầu nguyện cho chúng tôi thôi.
– Quên làm sao được! Bao lâu còn sống tôi sẽ không thể nào quên được cái kỷ niệm này.
Được dịp bày tỏ nỗi ưu tư của mình, người thanh niên khắc khổ trở nên tự nhiên hơn.
– Một lát nữa tới bến đò. – Anh chỉ về hướng có ngọn đèn leo lét – Tới đó, Dì ra lộ đón xe về nhà. Tuy nhiên, xin Dì chịu khó đóng trọn vai trò để tránh con mắt theo dõi của người ngoài. Dì làm như người đau yếu ở vùng ruộng phải ra tỉnh để chạy chữa. Chị hứa sẽ làm theo ý anh và bày tỏ lòng tri ân về những nỗi khó nhọc anh đưa chị ra đây.
Con thuyền lại ngoan ngoãn trôi đi theo sự điều khiển của người lái, thấp thoáng giữa hai hàng cỏ, bên trong là ruộng lúa mênh mông.
Khi mặt trời hiện nguyên hình ở phía chân trời, con thuyền cũng đã rời rạch ra sông. Con sông với những cảnh trí quen thuộc đã làm chị lưu tâm khi đi vào nhiệm sở. Giờ đây chị được hạnh phúc trở lại để nhìn dòng sông lần nữa. Nước sông vẫn màu sắc ấy, cảnh trí có lẽ không thay đổi mấy, nhưng những người đã qua dòng sông này đã thay đổi quá nhiều. Dì Năm sẽ chẳng còn bao giờ đi lại dòng sông này nữa. Đối với chị đây có lẽ cũng là lần cuối. Chị thấy niềm cảm xúc dâng lên, nước mắt trào ra và chị để lộ thành tiếng nấc, làm người thanh niên lưu ý. Anh quay lại thản nhiên nói:
– Dì cứ khóc đi cho bớt khổ. Tôi mong được khóc như Dì cho đỡ dày vò. Nhưng không thể được! Ngược lại, chúng tôi sẽ tìm hạnh phúc trong chiến đấu.
Anh ta nhấn mạnh vào hai tiếng cuối làm chị giật mình “hạnh phúc trong chiến đấu”. Tại sao lại phải chiến đấu? Chiến đấu với mình… hay chiến đấu với ai? Chị muốn hỏi lại ý anh muốn nói gì, nhưng gần đến bến đò rồi chị phải đóng kịch.
Tới bến đò! Lác đác đã có người ngồi đợi. Đóm lửa hồi nãy chính là ngọn lửa nấu ăn trong bếp người lái đò. Gia đình người lái đò đang ngồi quây quần ăn cơm sáng, mùi cơm chín tỏa ra một hương vị đặc biệt, gợi cơn đói của những người đang thiếu nó, khiến chị nhớ đến lũ nhỏ của chị. Chị muốn hỏi người thanh niên xem anh có biết gì về số phận chúng nó hay không? Chúng nó không phải là những đứa “bỏ rơi” nghĩa là làm sao? Nhưng bây giờ đã quá muộn.
Người thanh niên kìm sát con thuyền vào bờ nhảy lên nói:
– Tới rồi.
Anh đưa tay dắt chị lên. Đỡ lên bờ rồi, một tay anh quàng đàng sau, một tay đỡ đàng trước dìu chị đi. Chị giật mình, định gỡ tay anh ra. Anh ta suỵt miệng làm chị nhớ lại, chị hứa với anh là sẽ đóng kịch mà. Tới chỗ mấy người ngồi đợi, chị càng thấy nhợt nhạt thêm, nhưng vẫn làm tỉnh; trái lại, còn tỏ ra mệt nhọc. Dìu chị ngồi xuống, người thanh niên thản nhiên nói:
– Mình lên tỉnh khám bệnh mua thuốc men, khám xong mình ghé nhà Bà Cô Năm một vài bữa, anh sẽ ra đón.
Chị vừa ngượng, vừa buồn cười, nhưng vẫn phải giả bộ gật đầu (mặc dù mắc cỡ thấy mồ!).
Làm xong bổn phận, người thanh niên lúi húi trở lại thuyền. Đi được mấy bước, anh quay lại nhìn chị một lần nữa rồi mới đi luôn.
Ngồi đợi tới giờ con thuyền khởi hành, chị muốn gợi chuyện cho đỡ nhớ những kỷ niệm không vui đã qua, nhưng vì phải đóng vai tuồng, chị cố làm trọn để tránh con mắt “theo dõi”.
Khi ngồi đợi và khi bước lên đò, chị vẫn phải giữ bộ mặt ủ rũ và mệt nhọc của người bệnh. Không ngờ vai trò của chị lại trở thành sự chú ý của mọi người. Khi chị bước lên thuyền, cả ông chủ lẫn cô lái đò dìu chị lên và lại được dành cho một chỗ tốt nhất. Chưa hết, chị còn được một bà hành khách nhường cho cái nón và cái khăn vắt cổ của bà, bà nói:
– Trời nắng nôi như thế này, lại bệnh tật mà không nón không khăn gì thật nguy hiểm.
Nói rồi bà ta trách mấy ông chồng:
– Chồng con thật là tệ, chẳng nhờ cậy được việc gì, mình không liệu, họ cũng kệ thôi.
Nghe bà nói, chị cũng cố gắng lắm mới giữ được bộ mặt ủ rũ. Rồi bà quay nhìn chị, bà hỏi:
– Cô đau chi vậy?
Chị cuống quá, nãy giờ chưa chuẩn bị câu hỏi này. Chị trả lời đại:
– Tôi bị nhức óc.
Có lẽ mấy người hành khách chưa quen với cái bệnh chị vừa nói. Thấy họ ngớ ra, chị nói lại:
– Tôi bị nhức đầu, ăn ngủ không được.
Người hành khách ân nhân của chị nhanh nhẹn nói:
– Thảo nào tôi thấy mặt cô cứ đỏ gay lên.
Rồi bà ta mách thuốc:
– Ý! a! Cái bệnh này con gái tôi cũng mắc phải. Khi chưa đi lấy chồng, nó đi nắng đi mưa chẳng sao. Đến khi lấy chồng rồi, lúc nào mặt cũng nhăn nhó, ăn ngủ không được. Gia đình nhà chồng lo chạy thầy chạy thuốc rối cả lên mà không khỏi, tôi mới xin nó về để chữa. Tôi chữa có mấy lần là con nhỏ hết trơn, bây giờ đã ba bốn đứa con rồi, mà chưa thấy nó than đau lại.
Nghe bà hành khách quảng cáo cách chữa thần hiệu của mình, mấy người khách trố mắt nhìn và thán phục. Một người hỏi:
– Bà chữa bằng thuốc chi mà hay vậy?
Người hành khách vừa quảng cáo, thấy được người khác chú ý, bà nói:
– Có gì đâu! Thuốc này cũng chả tốn kém gì.
Mọi người càng háo hức muốn bà giới thiệu phương thuốc thần hiệu ấy, để phòng hờ hoặc để giới thiệu cho người khác. Bà hành khách đằng hắng để tạo sự quan trọng của môn thuốc:
– Ý! Thuốc này là thuốc “dân tộc”: lấy một viên gạch thẻ – bà chú thích thêm, phải là gạch thẻ, còn gạch ống không được – nướng cho đỏ lên, rồi để dưới chiếu, lấy nắm lá ngải cứu, để nguyên vậy đừng rửa nước lã, trải lên viên gạch, rồi cho người bệnh gối đầu lên trên, cách ít bữa lại làm như vậy. Chỉ mấy lần là khỏi à! Con nhỏ nhà tôi, tôi nhớ có bốn lần là nó khỏi…
Bà liếc mắt nhìn mọi người dò phản ứng, thấy mọi người có vẻ hài lòng, bà ta thêm:
– Không tin tôi, cô cứ thử đi khám, đi chữa xem! Thuốc Tây thuốc Tàu có ăn thua gì đâu, cứ làm như tôi chỉ là bảo đảm à.
Chị gật đầu cám ơn bà, hứa sẽ thử cách bà chỉ.
Thế là câu chuyện của mấy người hành khách chuyển từ bệnh này đến bệnh kia. Bệnh thật rồi đến bệnh làm ăn buôn bán, bệnh chồng con… mãi đến trưa…
Tới gần đường bộ, con đò được ép sát vào bờ đê, hành khách bước lên. Cũng như lần xuống, giờ chị được bà con dìu lên. Chị lột khăn và nón trả người hành khách ân nhân. Bà ta khoác tay nói bô bô:
– Thôi cô giữ lấy mà dùng, bao giờ khỏi, có gặp thì trả, ăn thua gì.
Cử chỉ săn sóc, ưu ái của bà làm chị cảm động, bà đã đối xử quá tốt với chị.
Nhìn lại quãng đường vừa quẹo, chị đã thấy bàn tay từ ái của Chúa, Chúa đưa chị vào thử thách, càng để tỏ ra lòng thương của Ngài:
Như người cha chạnh lòng thương con cái,
Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn.
Người quá biết ta được nhồi nắn bằng gì,
hẳn Người nhớ: ta chỉ là cát bụi.
(Tv 102,13-14)