Truyện dài : ĐỒNG HÀNH | Chương Mười Bốn
Truyện dài : ĐỒNG HÀNH | Chương Mười Bốn
Tác giả: Song Nguyễn
14
Con bị lún sâu xuống chỗ sình lầy,
Chẳng biết đứng vào đâu cho vững,
Thân chìm ngập trong dòng nước thẳm,
Sóng dạt dào đã cuốn trôi đi.
(Tv 68,3)
Nếu như công việc phục vụ bệnh nhân cứ bình thường trôi đi, cho dù có vất vả mấy, chị cũng sẽ khắc phục được. Nhưng câu chuyện mà chị sắp kể đây, đã làm vẩn đục tâm hồn chị, và khiến chị phải bỏ dở công việc.
Từ hôm chị trở lại nhiệm sở, viên bác sĩ mới được cử đến phụ trách trại ung thư phổi, tỏ ra rất tốt với bệnh nhân. Khác hẳn với vị bác sĩ trước, ông săn sóc dễ dãi với bệnh nhân, nhất là ông tỏ ra chú ý tới công việc của chị. Ông thường lui tới phòng làm việc của chị để thăm hỏi tình trạng bệnh nhân. Ông hỏi han những nhu cầu về chuyên môn, và có khi ông còn giúp chị trong công việc phụ trách là phân phát thuốc men… Thấy cử chỉ của ông, chị hơi thắc mắc, nhưng đoán có lẽ là do bản tính con người tốt sẵn, dễ thông cảm và sẵn sàng phục vụ người khác. Nhưng khi nhận được lá thư đầu của ông gửi, chị mới thấy không phải vậy. Ông chú ý đến chị, săn đón chị, có lẽ chỉ vì tình cảm. Tuy nhiên, chị vẫn nghĩ tốt cho ông là ông vui tính, đùa giỡn, trêu chọc chút thôi. Chứ như ông đường đường là một vị bác sĩ trong cái xã hội chậm tiến này, ông lại vừa đẹp trai, cao ráo dễ thương, ăn nói hấp dẫn, thì ông sẽ có nhiều ưu thế để có một đời sống hạnh phúc trong xã hội.
Nhưng, càng ngày chị càng thấy ông đi sâu vào tình cảm: gặp chị ông đã hỏi ngay về lá thư ông gửi chị. Chị hết sức ngượng, và chị vẫn đinh ninh là ông ta trêu chọc, nên chị trả lời ông rằng chị đã khấn tu dòng, không cho phép đọc thư và trả lời thư. Thế nhưng, ông ta đâu có chịu thua, ông ta bèn vịn vào lời chị. Ông đề nghị sẽ đến tiếp xúc với chị thường xuyên. Đây là một điều khó xử với chị, tránh gặp mặt vị bác sĩ phụ trách trại bệnh là một điều hầu không thể được. Tuy nhiên, chị đã cố tránh né, ông lại tấn công cách khác. Ông hiểu rõ lòng chị đối với bệnh nhân, nên chị tránh né ông, ông gây sức ép trên bệnh nhân. Để thiệt cho bệnh nhân là một điều tàn nhẫn, họ có làm gì đâu? Nhưng nếu chiều ông thì… đời chị? Thực sự đã có lúc chị phải chứng kiến cảnh đau lòng: ông giận chị, ông không chịu nhận bệnh nhân vào trại khi còn có thể. Thấy cảnh thương tâm này, chính chị phải đứng ra xin, ông mới cho phép. Vụ này đến tai y tá nhân viên trại, nên mỗi khi có chuyện gì khó xử phải nhờ bác sĩ là họ đẩy cho chị, chẳng hạn như cần bác sĩ ngoài giờ hành chánh.
Câu chuyện tình cảm của chị với bác sĩ, không phải chỉ y tá và nhân viên biết mà cả bệnh nhân cũng nhận thấy. Bằng chứng là, một người có lẽ vì lòng tốt với chị muốn nói bóng gió trêu chọc ông gì đó, cố ý để ông buông tha chị, kết quả chưa thấy mà hậu quả đã xảy đến. Bệnh nhân ấy hầu như bị bỏ mặc, cả tuần lễ ông chỉ thăm qua loa lấy lệ, bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch. Hành động này cả phòng đều biết, ban đầu chị cũng tính để vậy, mong các bệnh nhân làm reo hầu cảnh cáo ông. Tuy nhiên, chị thấy, sợ cảnh cáo ông chưa xong, có thể bệnh nhân đã chết. Do vậy, buộc lòng chị phải nói giùm bệnh nhân đó. Quả nhiên, ngày hôm sau thái độ ông ta đổi hẳn và bệnh nhân được săn sóc hơn trước. Theo đó, bệnh nhân hay mượn danh nghĩa chị để nhờ vả việc này việc kia, gây thêm khó khăn cho chị. Chưa hết, trong những buổi hội thảo cơ sở, ý kiến của chị luôn được ông hỗ trợ đặc biệt, nên trại ung thư cũng nhờ nhiều.
Nhiều lúc chị thấy cách cư xử của ông bác sĩ đối với chị làm chị rất khổ tâm, nhưng chỉ vì lợi ích của bệnh nhân mà chị cố gắng chịu đựng. Nhưng dần dần chị thấy ông có lý, chị lý luận mục đích của chị đến đây là phục vụ bệnh nhân, giúp cho bệnh nhân bớt đau khổ một phần nào, bây giờ có người tiếp tay, đó chắc cũng là ý Chúa. Chính ý tưởng này làm chị yên trí.
Hơn nữa, từ ngày có ông bác sĩ tiếp tay, công việc phục vụ bệnh nhân mang lại nhiều kết quả. Cụ thể chị nghĩ: có lẽ đây là một dấu tốt, rồi dần dần tình cảm của chị đối với ông bác sĩ đỡ câu nệ hơn. Theo chị, nơi ông ta có rất nhiều điểm đáng phục, ít thấy ở nơi người khác. Cũng do ý nghĩ đó, những lần gặp gỡ ông càng về sau, chị càng thấy “hợp lý và chính đáng”.
Nhưng chính tại những lần gặp gỡ này lại gây thiệt hại cho bệnh nhân không ít. Chẳng hạn, một lần ông đến gặp chị để bàn chuyện cải tiến trại, câu chuyện đang dở dang, cô ý tá đến báo có bệnh nhân cấp cứu, chị đã hối ông, nhưng ông còn nán lại bàn thêm. Đến khi ông tới khám, bệnh nhân đã chết. Việc này để lại trong chị một vết đen tội lỗi.
Thực sự, chị đã tỉnh cơn mê. Chị đã lầm khi nghĩ rằng chị lợi dụng tình cảm để phục vụ bệnh nhân nhiều hơn. Được lợi cũng có thật, nhưng liệu cái lợi đó bù đắp nổi cái hại không? Đó là chưa nói chị đang đùa với lửa. Chị có thể bôi đen, có thể phản bội lời khấn hứa với Chúa, chị có cảm tưởng y như ngày nào chị đứng ở chỗ bùn và đang bị lún:
Con bị lún sâu xuống chỗ sình lầy,
Chẳng biết đứng vào đâu cho vững,
Thân chìm ngập trong dòng nước thẳm,
Sóng dạt dào đã cuốn trôi đi.
(Tv 68,3)
Giữa lúc chị đang chới với trong dòng nước thẳm, Chúa đã cho chị gặp được phao cứu hộ… Chị được tin báo: Cha Sở đau nặng, cần gặp chị gấp. Trước tin khẩn đó, chẳng những chị có đủ lý do, lại còn được ông bác sĩ khuyến khích, và ông còn yêu cầu chị cho ông đến thăm, và có thể chạy chữa cho Cha Sở nữa.
Cầm giấy phép nghỉ rồi mà tâm trí chị vẫn bối rối, tình cảm chị lúc ấy thật lộn xộn, một đàng chị muốn được phục vụ bệnh nhân vì họ là hình ảnh của Thiên Chúa đau thương, chị không thể nào không phục vụ được, nhất là khi thấy sự hiện diện của chị có ích; đàng khác, chị thấy ông bác sĩ rất tốt với chị. Ông có thể bất mãn làm điều gì thiệt hại đến bệnh nhân. Nhưng còn đời chị, còn lời khấn của chị… tất cả những ý tưởng ấy cứ quay cuồng trong đầu óc chị mãi, đến khi chị bước vào phòng Cha Sở rồi, mà chị vẫn còn tình trạng day dứt đó.
Thấy chị – Tú Anh đang thăm Cha Sở và cũng có ý đợi chị – nó reo lên!… Nhưng có lẽ nó thấy dáng điệu bơ phờ của chị, nó tưởng chị lo nghĩ về bệnh trạng của Cha Sở, nên vội nói:
– Cha đỡ rồi chị Hai! Hồi tối Cha bị trúng gió nặng. Cha tỏ ý muốn gặp chị, nên em đã phải nhắn tin gấp cho chị đó.
Chị nhìn Tú Anh cảm động muốn khóc, con nhỏ chu đáo quá. Chị nói luôn với nó.
– Vậy càng hay! Chị cũng muốn được nghỉ ngơi mấy ngày vì chị mệt quá rồi!
Con nhỏ trố mắt nhìn chị, có lẽ nó ngạc nhiên vì chị luôn nói với nó rằng: chị rất phấn khởi về việc phục vụ bệnh nhân, và chị cảm thấy thoải mái với công việc của chị, giờ chị lại than với nó chị mệt. Nó hỏi lại chị:
– Chị mệt lắm hả, chị Hai?
Chị gật đầu nói đại:
– Ừ! Chị mệt. Thôi! Cho chị vô thăm Cha đã, chị sẽ nói em nghe sau…
Đặt chân vào phòng Cha Sở, tâm trí chị nhớ lại những ngày đầu lý tưởng. Cũng chính con người Cha đây, ngày nay đã già yếu hơn và sức lực đã dần tàn, nhưng ngài đã đặt để trong chị một niềm cảm phục. Ngài đã cầm tay đưa chị vào con đường hiến thân phụng sự Chúa, chị còn nhớ những lời căn dặn đầy kinh nghiệm của ngài trước những cám dỗ phỉnh phờ của tình đời.
Chị theo Tú Anh vào thăm Cha. Chị em vừa đến bên chưa kịp hỏi thăm, ngài đã nói trước:
– Con về thăm Cha đó hả?
Chị cầm lấy tay ngài hôn lên và nói:
– Dạ! Con được tin nhà nhắn gấp, nên con xin phép về thăm Cha đây!
Tú Anh xen vào:
– Chị Hai được nghỉ một tuần, ông cố ơi!
– Ừ! Tốt, làm việc nhiều cũng phải nghỉ ngơi một chút chứ!
Nghe Cha nói, chị muốn tu lên khóc và kể hết những nỗi dày vò cho Cha nghe, nhưng lúc ấy chị chưa đủ can đảm. Chị cảm thấy thẹn trước những lời căn dặn trước kia của Cha, nên chị cứ phải trả lời trống trống tất cả những điều Cha hỏi. Tuy nhiên, Chúa vẫn thường ban cho các vị linh hướng có con mắt nhìn thấu tâm hồn, ngài cầm tay chị và nhắn nhủ:
– Con ráng bảo vệ ơn kêu gọi và cầu nguyện nhiều cho Cha nhé!
Những lời đơn sơ đó nhắc chị đến cả một quá trình phấn đấu bước vào ơn gọi. Chị đã hứa với Chúa cũng như hứa với ngài trước kia:
– Dạ, con sẽ làm hết sức và không bao giờ con quên Cha.
Đến khi chị nghỉ về thăm gia đình, chị được nói chuyện với má thì ít, mà phải ngồi nghe Tú Anh than thở thì nhiều.
A! Chị quên chưa kể cho em nghe về chuyện gia đình của Tú Anh. Sau thời gian chị ở Đồng Tháp về, đám cưới của Tú Anh được tổ chức rất lớn, đàng trai giàu có, địa vị cao. Cưới xong, vợ chồng đi tuần trăng mật ở Đà Lạt. Ai cũng cho là con nhỏ có phước lắm, lấy được chồng đẹp trai, học thức, con nhà giàu, lại có công việc… Nhưng nó than thở và thèm muốn đời sống tu của chị. Nó trách chị là không “ép” nó đi theo chị, để bây giờ nào là chồng và gia đình nhà chồng quá thiên về vật chất, quên cả tình nghĩa; nào là anh chồng ghen dễ sợ, cứ giam nó ở nhà muốn già đời luôn; nào là ở với anh em nhà chồng khó sống…
Qua những buổi tâm sự đó, chị thấy không còn phải do dự gì nữa. Chị phải dứt khoát với tình cảm và không câu nệ phải phục vụ nơi này nơi kia. Thật vậy, giả như Chúa bắt chị phải chết thế, chị cũng không xin với Chúa để còn sống phục vụ người này người kia nữa. Chị phải tìm ý Chúa, nên chị đã bày tỏ hết những khúc mắc tâm tình cho Cha Sở. Kể cho Cha nghe, chị tưởng là Cha sẽ sửng sốt và phiền trách chị. Trái lại, Cha chăm chú theo dõi câu chuyện chị kể, nhưng thái độ của Cha rất bình tĩnh, hình như đó là câu chuyện thường đối với người thanh niên nam nữ. Rồi ngài phân tích giải thích cho chị rất rành mạch. Ngài chỉ cho chị cách xử thế để vừa bảo vệ ơn kêu gọi, vừa không gây oán giận.
Những lời Cha Sở nói với chị giống như liều thuốc an thần rất mạnh; những điều đối với chị rắc rối, ngài lại phân giải rất đơn giản. Qua đấy, chị thấy với con người có đức tin và quyết sống chết cho lý tưởng, chả có điều gì là khó đối với họ cả. Họ luôn lấy Chúa là kim chỉ nam và giải quyết mọi vấn đề trong niềm tin phó thác. Sau khi gặp Cha Sở, chị cũng đã trình bày mọi sự với Bề Trên. Bà đón nhận những lời của chị với niềm thông cảm sâu xa. Bà an ủi, săn sóc chị với tấm lòng người mẹ lo cho con hơn lo cho mình nữa. Bà yêu cầu chị hợp ý với Bà cầu nguyện để xin Chúa Thánh Thần soi sáng, hầu tìm phương cách giải quyết cho êm đẹp, chị cầu xin với Chúa:
Lạy Chúa,
Ôi, Lời Chúa như đèn rọi bước chân,
Mọi nẻo đường, Lời Ngài là ánh sáng.
Con thề hứa, nay con đà cố gắng,
Là tuân theo phán quyết công minh Ngài.
Muôn khốn khổ thân con chỉ thở dài,
Theo Lời Ngài, xin cho con được sống.
Lời tán tạ con dâng, Ngài hãy nhận,
Phán quyết Ngài, xin dạy bảo cho con.
Dù mạng sống hầu như đã không còn,
Mà luật Ngài con nào quên tuân giữ.
Nhằm hại con, lũ quân thù giăng bẫy,
Nhưng lệnh Ngài con quyết chẳng lìa xa.
Gia nghiệp con, Thánh Ý Chúa hải hà,
Nguồn hoan lạc, đó là nguồn hoan lạc.
Điều Chúa dạy, con một lòng ghi tạc,
Quyết thực thi cho mãi mãi đến cùng.
(x. Tv 118,105-112)