Truyện dài : ĐỒNG HÀNH | Chương Chín
Truyện dài : ĐỒNG HÀNH | Chương Chín
Tác giả: Song Nguyễn
9
Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa.
Muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con.
(Tv 129,1-2)
Vào một đêm cuối tháng mười một, nếp sống trong làng thấy có nhiều biến động khả nghi: người ta đi đi lại lại nhiều hơn, người nào cũng có vẻ vội vàng bí mật; nhất là Cha Sở, nét mặt ngài đượm vẻ ray rứt. Ngài hết gặp người này, lại nói với người kia về chuyện gì đó có vẻ gấp rút lắm. Tự nhiên chị thấy lo sợ, không hiểu lý do, nhất là khi thấy chó sủa khác thường. Chị tự an ủi, có lẽ gần đến ngày mưa rồi, dân làng phát động việc đề phòng. Vì nghe có kẻ đe sẽ phá vụ mùa này, nên Cha Sở đứng ra điều động anh em canh gác, và khi anh em đi lại động đạc, chó sủa chăng? Thế nhưng vẫn chưa thấy ổn, không lý việc đề phòng phá hoại vụ mùa mà lại phải làm trong bí mật vậy?
Có tiếng súng nổ. Cha Sở ghé qua nhà, nói như ra lệnh:
– Tắt đèn đi!
Chị chưa kịp phản ứng, Dì Năm đã chồm lên thổi ngọn đèn tắt phụt. Cả nhà bao trùm một màu đen nặng nề, u ám. Chị muốn hỏi Dì Năm cho biết chuyện gì, nhưng thấy Dì Năm còn hoảng hốt hơn chị, nên chị không dám hỏi. Không biết nguyên nhân, ruột gan chị cứ bừng bừng tự hỏi: “Đang xảy ra cái gì đây?”
Tiếng súng nổ gần hơn, dày đặc hơn. Mấy đứa nhỏ hình như cũng cảm thấy cái gì khác, nên hôm nay chúng ngủ muộn và bây giờ nghe tiếng súng là chúng đã cựa quậy, có đứa ú ớ nói cái gì. Dì Năm nẹt:
– Nằm yên, không có ăn đòn bây giờ đó.
Tiếng súng càng lúc càng đến gần. Mấy con chó sợ súng đã ngớt sủa. Trái lại, tiếng chân người chạy dồn dập. Lòng trí chị bắt đầu lên mây. Chị muốn nhảy xuống giường để tìm nơi trú ẩn, nhưng nể Dì Năm. Mấy đứa nhỏ không giữ nổi cơn sợ hãi, đã bắt đầu kêu Dì Năm ơi ới rồi. Dì Năm gan lì chưa chịu ra khỏi giường, Dì vẫn còn nẹt:
– Nằm yên, khi nào Cha Sở kêu, mới được dậy.
Chị thắc mắc tại sao phải đợi tới Cha Sở kêu. Hay là Cha Sở đã dặn Dì Năm như vậy. Chị đoán là Dì Năm có thể biết được chuyện gì. Chị định lên tiếng hỏi Dì Năm. Bỗng có người chạy tới trước cửa chính, đập cửa rầm rầm. Dì Năm vẫn nằm yên. Mấy đứa trẻ đã nhảy xuống giường, đang la gọi Dì. Đập cửa không xong, người vừa đập chắc dùng sức đạp tung cửa ra luôn, một tiếng dõng dạc như ra lệnh:
– Ra khỏi nhà mau.
Chị chồm ra trước, lính quýnh xô cả vào cánh cửa. Mấy đứa nhỏ cùng chạy ra theo, bấu sát lấy chị kêu:
– Dì ơi! Cứu con với!
Dì Năm cũng chạy ra theo, nhưng luống cuống Dì xô vào cột, ngã lăn cù ra nhà. Dì suýt xoa kêu đau, rồi lại cố gắng nhổm dậy luồn ra hè. Dì cháu chạy ra hè, nhưng nghe súng bắn nhiều quá, lại dội vào trong nhà, cứ loay hoay mãi không biết chạy đi đâu. Có tiếng đạn súng lớn nổ ngay bên tai, đất cát bắn cả vào người, Dì cháu không còn hồn vía nào nữa. Đang khi đó lại có bóng người xuất hiện miệng la:
– Chạy theo hướng này!
Thế là chị đẩy mấy đứa nhỏ chạy theo bóng người vừa hô. Đạn súng lớn nổ nhiều hơn, nhà bắt đầu cháy, ánh lửa bốc lên sáng rực cả một khu. Tiếng đạn, tiếng hô, tiếng súc vật, tiếng chân người, tiếng đồ vỡ, tạo nên một âm thanh hỗn loạn. Chị và mấy đứa trẻ cứ thế lao theo người hướng dẫn. Chạy được một lát, lạc mất người hướng dẫn, Dì cháu cứ đàng trước chạy tới, đến lúc kiệt sức không thể chạy được nữa, nhất là mấy đứa nhỏ. Dì cháu đành kiếm bụi rậm rúc vào phó mặc cho số mệnh.
Khi tỉnh lại, nhìn về phía làng, lửa vẫn còn cháy đỏ rực, chỉ có tiếng súng là đã ngưng. Nhưng Dì cháu vẫn chưa động tĩnh gì, mãi đến lúc đứa bé kêu:
– Dì ơi, cứu con với!
Chị chợt nhớ ra bổn phận của chị là phải bảo vệ săn sóc mấy đứa nhỏ này. Chị chui ra khỏi bụi rậm, nghe ngóng, rồi lần mò dò đường. Thấy không có gì nguy hiểm, chị gom mấy đứa trẻ lại và dẫn chúng về phía lửa cháy. Cứ đi được mấy bước, Dì cháu lại phải dừng lại để nghe ngóng rồi mới dám đi tiếp.
Trời đã hừng sáng, Dì cháu dò dẫm về tới đầu làng. Để mấy em ngồi lại, một mình chị đi dò đường. Thấy có người đi lại, chị đoán họ cũng chạy như chị, và giờ đang trở về, nên chị yên trí dắt tụi nhỏ quay về.
Dì cháu len lỏi về đến nhà xứ. Trời sáng hơn và có thể nhìn thấy bóng người rõ hơn. Tuy nhiên chị vẫn còn sợ hãi, nhất là khi nhìn thấy nhà thờ, nhà xứ và nhà các Dì còn đang cháy; rồi người chết, người bị thương kéo cả về sân nhà thờ. Thêm vào đó, người chạy lui chạy tới hốt hoảng đi tìm người thân.
Không thấy Cha Sở và Dì Năm đâu, chị đổ dồn hỏi thăm tin tức Cha, tin tức Dì, nhưng không ai biết gì cả. Chị càng lo hơn, không lẽ Cha và Dì bị bắt rồi… Nghĩ vậy, chị phải vội vã đẩy lui ý tưởng xấu ấy và thầm cầu xin:
“Xin Chúa gìn giữ các ngài, lạy Chúa!”
Giữa lúc đó mấy đứa trẻ “mồ côi” chạy lạc hiện ra, quần áo lấm láp như chồn. Thấy chị, chúng lao tới vừa hổn hển vừa khóc:
– Dì ơi! Dì ơi!
Thấy chúng, chị quên cả bùn đất, vì chính bản thân chị cũng chẳng sạch gì hơn chúng. Chị ôm đại đứa chạy đầu, chị hỏi xoắn suýt:
– Cha Sở đâu? Dì Năm đâu?
Đứa trẻ đớ mặt ra, lắc đầu trả lời trong nước mắt:
– Dạ, con không biết?
Linh tính báo cho chị biết có cái gì khác thường xảy ra rồi? Chị bồn chồn quá, nhất là đối với Dì Năm. Dì vừa có tuổi, lại khi chạy Dì xô vào cột, không biết là Dì có chạy được không? Và Dì chạy đường nào? Vì từ lúc có người hô chạy, chị hốt hoảng lao theo họ nên không còn biết số phận Dì ra sao nữa.
Mấy đứa trẻ đã chạy với chị, thấy người ta nhớn nhác chạy lui chạy tới, lại thấy chị đang hỏi han mấy đứa bạn chúng vừa về, nên cũng bu lại quanh chị. Đứa nào đứa nấy mặt mũi lem luốc, nước mắt, nước mũi nhễ nhãi, ruột gan chị quặn lại. Hơn nữa, đến giờ này mà vẫn chưa thấy Cha Sở và Dì Năm đâu…
Bỗng từ phía đầu nhà thờ, có người la lên:
– Dì Năm! Dì Năm chết rồi!
Chị đẩy lũ trẻ sang một bên, chị lao tới chỗ người mới la. Trước mặt chị, Dì Năm còn đang bị vùi ở mé ruộng: hai phần ba người Dì bị chìm xuống dưới bùn, chỉ có cánh tay và chút mặt giơ ra. Và chính chỗ Dì Năm nằm cũng như chung quanh Dì, máu me lênh láng, đặc biệt ở phía đầu Dì, máu trộn với bùn thành một màu kỳ lạ. Mắt chị hoa lên trước cảnh tượng rợn rùng ấy. Mấy đứa nhỏ chạy theo chị cũng bu tới. Thấy Dì Năm nằm máu me lênh láng, chúng tu lên khóc.
Ngoài người đàn ông vừa phát hiện ra Dì Năm, khi đã kêu thêm được người, ông ta trở lại và thấy lũ trẻ đứng vướng lối, ông ta la:
– Đứng lui ra đàng kia coi!
Rồi không đợi cho chúng kịp lui, ông ta gạt đại chúng qua một bên. Thấy vậy, chị phải kéo chúng vào một chỗ.
Xác Dì Năm được hai người đàn ông kéo lên bờ. Máu hòa lẫn với nước bùn chảy thành dòng theo mấy lụm tóc ngắn và nếp quần áo. Mặt mũi áo quần Dì trét đầy bùn trông vô cùng bi thảm, chị không thể cầm mình được nữa, nhào tới định ôm xác Dì Năm, nhưng đúng lúc đó một người nắm lấy tay chị kéo giật trở lại. Chị bị giật ngược và té nhào. Thế là chị bị ngất xỉu không còn biết gì nữa.
Khi chị tỉnh lại, thấy mình đang ở trong một căn nhà lạ. Bên cạnh chị, xác Dì Năm được đặt trên một cái ghế dài và đã tắm rửa thay quần áo. Mấy đứa “cô nhi” đang vây quanh Dì Năm, nước mắt còn nhễ nhãi, quần áo vẫn còn dơ dáy như hồi sáng. Mở mắt ra, nỗi khiếp đảm lại ập đến, chị run rẩy, hai hàm răng chạm vào nhau thành tiếng. Nhưng khi thấy chị tỉnh lại, lũ trẻ hướng cả về chị, mếu máo nói:
– Dì ơi! Dì Sáu ơi! Dì Sáu ơi!
Đảo mắt chung quanh, không còn thấy một ai khác. Chị càng sợ hơn, nhưng cũng nhờ vậy mà chị tỉnh trí lại. Chị hỏi lũ nhỏ:
– Không có ai ở đây sao?
Lũ nhỏ nhìn chị đáp:
– Thưa Dì Sáu, họ vừa đi hết rồi.
“Họ vừa đi hết rồi”, không còn ai ở đây nữa. Bây giờ chị không thể ngồi yên mà run rẩy, sợ hãi được nữa. Chị phải ngồi dậy để đương đầu với nhiệm vụ. Chị ngồi dậy, rồi đứng lên, nhưng khi nhìn vào xác Dì Năm, cơn xúc động dâng lên, nước mắt lại trào ra. Xác Dì Năm đầy chứng tích đau thương và bi thảm. Khuôn mặt Dì Năm đã mất hết sinh khí trở nên trắng bệch, mái tóc hoa râm chưa sạch bùn. Đôi mắt chỉ còn lòng trắng, mở thao láo. Cái miệng cũng mở toác, còn đầy những bùn rác. Tự nhiên chị thấy hết sợ, quì gục vào xác Dì Năm, chị nức nở:
– Dì Năm, người chị đáng kính của em, chị hãy tỉnh lại, tỉnh lại, chỉ một giây thôi, để nhìn em, nhìn các con của chị, để chúng nói với Dì một lời.
Nhưng Dì Năm đâu có còn nghe được nữa, mắt Dì vẫn mở rộng như đang bị thu hút bởi một mãnh lực nào, và miệng Dì đang ngạc nhiên vì cảnh thu hút đó. Phải, Dì Năm đang bị Chúa thu hút và đang sung sướng được thấy Chúa. Suốt đời Dì, Dì đã hiến thân cho Chúa “Việc nhà Chúa đã làm hao tổn tâm hồn và thân xác Dì”. Dì đã trở nên của ăn của uống để nuôi dưỡng nhiều người, bây giờ Dì đã trở thành của lễ toàn thiêu dâng về Thiên Chúa, chị thầm cầu nguyện cho Dì:
“Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa,
muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con.
Dám xin Ngài lắng tai để ý
nghe lời con tha thiết nguyện cầu.”
(Tv 129,1-2)
Chị ngẩng đầu lên và thưa với Dì Năm:
– Dì Năm, để em vuốt mắt cho Dì.
Bỗng dưng hai giọt nước mắt Dì ứa ra, chảy dài xuống thái dương, và Dì Năm nhắm mắt lại thật. Thấy Dì Năm nghe lời xin của chị, chị làm tiếp. Chị vuốt miệng cho Dì Năm. Một dấu lạ nữa: một chút máu tươi từ miệng Dì Năm ứa ra, rồi Dì Năm ngậm miệng lại. Chị coi cử chỉ của Dì Năm đây là một dấu lạ, đồng thời cũng nói lên lòng thương của Dì Năm đối với chị. Có thể ngày chị mới theo Dì Năm tới đây, Dì Năm chưa tin chị, cho chị là một cô gái chưa biết đồng quê là gì, làm sao có thể thích nghi được, nhưng rồi Dì Năm đã thấy cô gái khờ khạo của Dì cũng đáng tin cậy, như thái độ Dì đã tỏ ra trước ngày xảy ra biến cố.
Càng nghĩ đến quá khứ, chị càng thấy thương Dì Năm, chỉ vì yêu Chúa, thương các linh hồn, Dì Năm đã hiến thân, đã chọn Chúa làm gia nghiệp, trong khi Dì Năm có đủ điều kiện để sống cuộc đời giàu có sung sướng ở thế gian như các anh, các chị và em của Dì, trừ Cha Sở. Đàng khác, cũng vì thương anh Ba “Cha Sở” mà Dì lăn lộn phục vụ Giáo xứ của ngài tại vùng Bưng này. Dì đã ở đây bao nhiêu năm nay mà không ai dám tới thay thế Dì. Ngoài ra, đời sống đơn giản, hy sinh đến khắc khổ của Dì, đã là một tấm gương sáng. Vậy mà giờ đây tất cả cuộc đời đó, hy sinh đó đã nhận lấy một cái chết tất tưởi đau thương này. Con người Dì không gây thù gây oán, Dì là hiện thân của lòng bác ái… Bởi đâu? Tại sao? Chị nhớ đến lời Chúa đã than thở:
“Dân ta hỡi, Ta đã làm gì cho ngươi?”
Đầu óc chị lóe lên một tia sáng: Dì Năm đã chết để đền thay tội ác của đồng loại mình. Có tiếng chân người di chuyển, chị giật mình nhìn ra, Cha Sở và mấy người đàn ông đi theo đang tiến vào nhà. Bước vào trong nhà, Cha Sở đưa mắt nhìn khắp một vòng, ngài thấy chị đang quì bên xác Dì Năm, ngài nói:
– Con tỉnh lại rồi đó à! Thôi liệu thu xếp công việc nhà lại, lo coi sóc mấy đứa nhỏ.
Ngài quay lại nói với mấy người đàn ông như ra lệnh:
– Mấy anh lẹ tay lên! Chắc họ còn trở lại!
Được lệnh, mấy người đàn ông gạt mấy đứa trẻ ra. Mấy đứa trẻ vội lui ra, ngơ ngác chưa biết họ định làm gì, thì lại một người đàn ông nữa, đã đứng tuổi từ ngoài đi vào, tay ôm mấy chiếc chiếu. Ông bước vào nhà, không thèm ngó ai hết, ông tiến thẳng lại chỗ mấy người đàn ông đang ngó xác Dì Năm suy tính. Ông ta liệng mấy cái chiếu và cuộn dây xuống đất rồi nói:
– Chiếu đó! Làm lẹ tay, không thì hỏng cả bây giờ.
Mấy người đàn ông thoăn thoắt banh chiếu ra, bưng bổng xác Dì Năm lên: nước và máu từ vết thương đầu của Dì Năm vẫn còn chảy, nhiễu xuống ướt cả ghế và nhỏ thành giọt. Họ đặt xuống chiếc chiếu vừa trải, gấp hai đầu cuộn tròn lại, dùng cuộn dây thắt hai đầu chiếu, bó thêm nút nữa ở ngang giữa người để chiếu khỏi bập bùng.
Không đầy mười phút, xác Dì Năm đã được bó gọn lại như một khúc củi. Cha Sở lo làm phép xác Dì. Dòng nước mắt vô cùng hiếm đã trào ra, khiến Cha Sở không đọc xuôi được lời làm phép. Tất cả những người đàn ông đứng gần ngài cũng đều xúc động với ngài.
Một người đàn ông ghé miệng vào tai ngài nói cái gì đó. Cha Sở lau vội giọt nước mắt, ra lệnh:
– Anh em khiêng đi.
Xác Dì Năm được đặt trên một tấm ván, hai người đàn ông khiêng đi. Cha Sở quay lại phía chị nói:
– Dì ở lại coi sóc mấy đứa nhỏ, tuyệt đối không được ra ngoài!
Khi xác Dì Năm được khiêng đi, chị cũng nhào lại định ôm lấy xác Dì, nhưng ngài đã gạt phăng chị ra. Còn mấy đứa trẻ cũng rống lên khóc. Ngài đứng ngang giữa cửa, nét mặt đầy giận dữ, ánh mắt như lửa, ngài hét:
– Chết cả lũ bây giờ! Có im không?
Mấy đứa nhỏ nín thinh, còn chị thì đứng tim luôn. Một lần nữa ngài nghiêm nghị ra lệnh:
– Dì coi sóc mấy đứa nhỏ, giữ chúng ở trong nhà.
Nói rồi, Cha Sở vội vã đi theo mấy người hồi nãy.
Mấy đứa nhỏ ngơ ngác, hoảng hốt bu lại chung quanh chị, còn tâm trạng chị chẳng hơn gì chúng. Nhưng rồi hoàn cảnh đã làm chị phải thay đổi.
Việc đầu tiên, dì cháu phải giặt quần áo và tắm rửa, vì cả dì lẫn cháu đều như con ma mút, lem luốc, dơ bẩn. Tắm rửa và giặt giũ sơ qua cũng đã chiều rồi. Bọn trẻ meo mặt lại vì đói. Vì từ sáng đến giờ, vừa sợ, vừa hoảng, vừa buồn, chưa thấy đói; nhưng bây giờ cơn đói đã ập đến. Chị đã để ý lục lọi xem trong nhà có gạo mắm gì để nấu cho tụi nhỏ một chén cơm, nhưng vẫn không thấy một dấu vết gì có thể giải quyết được nhu cầu cấp bách này. Mấy đứa nhỏ lại nhăn nhó kêu đói. Chị cũng thấy cồn cào nhưng không biết phải làm sao, trong khi Cha Sở cấm không được ra ngoài với lời đe “chết cả lũ bây giờ”. Một lần nữa, chị cố gắng nặn óc xem có cách nào biến mấy hạt thóc ra gạo để nấu cho tụi nhỏ, ít là được một bữa cháo. Kẹt quá, chị đành xúc mấy nắm thóc cho vào cối giã cua để giã, nhưng chỉ được mấy chày chị đã phải ngưng. Tiếng chày giã xuống cối kêu lớn quá, không được! Chị sợ sẽ trở thành mục tiêu vì “khi họ trở lại bây giờ”, “họ” mà nghe thấy “chết cả lũ”. Không được, chị lại cố tìm cách khác. Một đứa nhỏ lục lọi ở đâu lôi ra được một cái cối xay cà phê nhỏ, chị liền dùng nó đề làm cối xay lúa. Khốn nỗi, cái cối xay cũng chả còn tốt gì cho lắm, ật à ật ưỡng cả giờ đồng hồ cũng mới được một chén gạo. Bọn trẻ mỗi lúc mỗi rã rời hơn. Trời mỗi lúc mỗi đổi màu, ánh sáng trở nên vàng vọt. Những diễn biến đó làm cho lời loan báo của Cha Sở “họ sẽ trở lại” khiến chị thấy sợ, không mau tay sẽ không kịp.
Thế là chị đổ chén vừa gạo lẫn trấu vào cái ấm nấu nước, bắt đại lên bếp. Nhưng ngọn lửa đâu có chịu bốc, chị thổi hụt hơi mà nó vẫn không chịu cháy. Chị phải nhờ mấy đứa trẻ thổi giùm, nhưng hơi của chúng còn bết hơn hơi của chị. Dì cháu lụi hụi gầy bếp tro, bụi bám đầy người mà ngọn lửa vẫn không chịu bén. Mãi đến lúc kiếm được chút giẻ mồi, ngọn lửa mới chịu bốc. Thế nhưng khi ngọn lửa cháy, bên ngoài đã xẩm tối, chị lại sợ ngọn lửa le lói ở phía đầu lối này sẽ trở thành mục tiêu: “họ trở lại bây giờ” thì lại “chết cả lũ”. Chị phải điều động mấy đứa nhỏ che kín ngọn lửa, không cho nó lọt ra ngoài. Vừa thổi, vừa canh chừng, vừa hồi hộp. Nhưng ấm cháo có chịu sôi cho đâu, nó cứ trơ trơ, tha hồ cho chị mở vung coi, năm lần bảy lượt nó vẫn vậy, mà củi lại sắp cháy hết rồi… Đến lúc ấm cháo sôi, củi cũng vừa hết. Tụi trẻ thấy vui vui sắp được một chút bỏ bụng, nhưng còn phải đợi cho nó kịp chín.
Lúc đó xa xa có tiếng súng nổ, “hẳn là họ trở lại thật”. Chị bưng đại ấm cháo xuống, rót cho mỗi đứa một ly. Ly thì nhường cho mấy đứa nhỏ, còn cho mấy đứa lớn phải đổ ra vung, ra ca, ra lọ, miễn đựng được thì thôi. Ấm cháo có giống thứ cháo nào đâu: trắng lờ lờ, tìm mãi mới được hạt cơm, còn trấu thì hơn gạo, vậy mà đứa nào đứa nấy vừa thổi vừa húp, miễn là có cái lấp đầy bao tử chúng. Một lúc sau, ấm cháo cũng chẳng còn một giọt, nhưng giá mà còn nữa, tụi trẻ cũng còn húp được. Nhìn tụi nhỏ, tự nhiên nước mắt chị trào ra, mới có bấy nhiêu tuổi, tội tình gì mà phải bị đầy đọa. Chị thầm cầu xin Chúa, đánh đổi mạng sống chị để cứu mấy đứa trẻ này.
Tiếng súng nổ gần hơn, nhìn ra ngoài không còn thấy gì nữa. Chị rùng mình, y như câu Thánh Vịnh:
“Cơn sợ hãi đã nhập cả vào người…” Còn chị bàng hoàng nhớ đến lời Cha Sở “họ sẽ trở lại” và cảnh rợn rùng đêm vừa rồi với cái chết tất tưởi của Dì Năm hiện ra. Bây giờ “họ trở lại” đây, trơ trọi một mình chị…, làm gai ốc chị nổi lên, rồi mồ hôi đổ ra, chị sẽ chết như Dì Năm hoặc sẽ thảm khốc hơn nữa. Chị thầm cầu xin:
Muôn lạy Chúa,
Giờ đây, theo lời Ngài đã hứa,
Xin để tôi tớ này
Được an bình ra đi.
(Thánh ca Tin mừng kinh tối)
Nhưng còn những đứa trẻ này, xin Chúa đừng để chúng phải khổ đau, bơ vơ…
Ngược lại, mấy đứa trẻ ăn rồi mắt chúng nhíu lại, chúng đòi ngủ. Chị quơ mấy cái chiếu xếp trong góc nhà cho chúng ngủ đỡ. Tình thế muốn đến đâu thì đến, và nếu có xảy ra thì…, chị xua đuổi ý tưởng ghê rợn ấy đi: Xin Chúa đừng, vì…
Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi,
tôi còn sợ người nào?
Chúa là thành lũy bảo vệ đời tôi,
tôi khiếp gì ai nữa?
Khi ác nhân xông vào, định nuốt sống thân tôi,
ai ngờ chính đối phương, chính những thù địch ấy,
lại lảo đảo té nhào.
Dù cả một đạo quân vây đánh,
lòng tôi chẳng sợ gì.
Dù có phải lâm vào chiến trận, tôi vẫn cứ cậy tin.
(Tv 26,1-3)
Hơi thở của mấy đứa nhỏ đã đều đặn, chúng đã ngủ ngon lành. Chị ước ao được sự vô tư của chúng, nhưng chị đã không còn thể trở lại tuổi vô tư đó nữa rồi. Mặc dù chị đã cầu nguyện Chúa và đặt hết tin tưởng vào Ngài, nhưng những hình ảnh kinh hoàng cứ đến vây chặt lấy chị. Tiếng giun dế thở than càng làm cho không khí trở nên hoang vắng rợn rùng hơn.
Đang nằm ngủ bên chị, đứa bé giật mình ho, chị để tay lên trán, hơi nóng từ trán nó tỏa ra và đứa bé lại tiếp tục ho. Hẳn là thằng bé bị cảm nặng rồi. Đứa bé ú ớ kêu. Chị bóp đầu trấn an bé:
– Ngủ đi cưng!
Đứa bé thôi không ngủ được nữa, nó tiếp tục rên rỉ:
– Con lạnh quá, Dì ơi!
Chị nhổm dậy suy nghĩ coi có cái gì đắp cho bé không? Trời tối quá mà trong tay chị chẳng có một cái gì. Đứa bé lăn sát vào chị run rẩy, chắc nó đang lên cơn sốt.
– Con lạnh quá, Dì ơi! Hư… hư…, Dì ơi!
Chị rối trí quá ôm đại đứa bé vào lòng cố gắng lấy hơi ấm của chị bao bọc cho bé. Nhưng ngồi được một lúc, hai đầu gối của chị tê cứng không thể chịu đựng lâu hơn được. Chị đặt bé xuống, mò mẫm tìm cách cho bé nằm đỡ lạnh. Rờ lên giường chỉ còn mấy thanh giường, còn vỉ giường đã liệng đâu mất tự bao giờ. Rờ mãi mới thấy cái bàn, chị nghĩ đến cách đưa đứa bé nằm trên bàn. Thế là chị trở về chỗ đứa bé nằm, bế nó đặt lên bàn, rồi đứng canh cho đứa bé ngủ.