Truyện dài : VÌ SAO SÁNG | Chương Mười Hai
Truyện dài : VÌ SAO SÁNG | Chương Mười Hai
Tác giả: Song Nguyễn
12.
Sau tai nạn của Thúy Loan, gia đình ông bà thương gia đã vắng đi một thời gian, không thấy ai nhắc nhở về việc học đạo. Cha Trung Tín cũng ít ra thăm gia đình ông bà, vì Thúy Loan đã về Sài Gòn chữa bệnh, mấy người khác thì đi học xa.
Trong những người tiếp xúc với Cha Trung Tín để tìm hiểu về đạo, không gia đình nào làm cho Cha có cảm tình bằng gia đình này. Có lẽ vì giữa Cha và gia đình này có một mối liên he mật thiết và rất nhiều kỷ niệm đáng ghi nhớ. Nhưng Cha cũng gặp khó khăn với gia đình này hơn mọi gia đình khác. Sự nghi ngại tôn giáo của bà thương gia là sự cản trở rất lớn bởi làm thay đổi đức tin của một người thật không dễ dàng. Khi một niềm tin đã bắt rễ sâu trong tâm hồn, niềm tin ấy lại hiển hiện bằng đứa con cầu tự là Thúy Loan, thì dù có muốn thay đổi, người ta cũng sợ thần Phật quở trách. Tại nạn xảy ra với Thúy Loan, như một lời cảnh báo nhân quả.
Cha Trung Tín tưởng việc học đạo của gia đình ông bà thương gia đã kết thúc. Còn chăng chỉ là quan hệ giao tiếp. Cha Trung Tín nhận ra rằng, bằng tình cảm không thôi, chưa đủ sức để dẫn đưa một người về với Chúa khi trong lòng người ta Chúa còn là một nhân vật xa lạ. Đa số người Việt Nam đến chùa chiền là để cầu tài cầu lộc, họ cũng cầu đức Quan Thế Âm bồ tát cứu khổ, cứu nạn. Họ không hiểu gì nhiều kinh Phật, càng không hiểu những triết lý cao siêu. Họ sống với những lời dạy đơn giản, rằng Phật tại tâm; rằng, cần phải từ bi, hỷ xả, không để dính mắc vào tham, sân, si. Họ tin vào nhân quả nên cố gắng ăn chay và làm việc thiện. Những điều này ít nhiều xa lạ với tín ngưỡng dân gian Việt Nam tin thờ trời đất, thờ các thần linh là anh hùng dân tộc, càng xa lạ hơn với truyền thống Thiên Chúa Giáo, tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, đã đến trong thế gian, để cứu độ nhân loại khỏi tội lỗi, sự chết và ban cho nhân loại sự sống đời đời.
Cha Trung Tín chỉ còn biết cầu nguyện cho họ. Cần có một biến cố như biến cố núi Taborê hay biến cố Damas, may ra mới có thể giúp họ nhận ra Chúa. Nhưng Cha cũng tin rằng hạt giống Tin Mừng Cha đã gieo vào lòng họ, nhất định một ngày nào đó sẻ trổ sinh hoa trái, vì trong gia đình ấy có những mảnh đất cằn cỗi thì cũng có những mảnh đất tốt, và rồi những mảnh đất tốt sẽ biển cải đất cằn cỗi thành đất sinh sôi. Cha rất hy vọng ở Thúy Loan. Cha tin rằng Chúa sẽ dùng Thúy Loan để dẫn dắt ông bà thương gia về với Chúa. Niềm tin ấy cho Cha thêm sức mạnh.
Hôm nay, đang tản bộ trên hè thì Cha nhìn thấy Thúy Hoa và Thúy Loan dẫn nhau đi vào. Niềm hy vọng trong lòng Cha bỗng lóe sáng … Cha chưa mất gia đình ông bà thương gia. Nhưng Cha không đóan định được chị em Thúy Loan đến gặp Cha có chuyện gì? Dù sao gặp lại Thúy Loan cũng làm Cha Trung Tín rất vui mừng. Điều này có nghĩa là, vết thương của Loan đã khỏi. Cô có thể đi ra ngòai mà không mặc cảm. Cha cảm tạ ơn Chúa. Những ưu tư trong lòng bấy nay về Thúy Loan bỗng nhẹ hẳn đi.
Cha Trung Tín vội vàng xuống phòng khách đón chị em Thúy Loan.
Chị em Thúy Loan chưa kịp bước vào phòng khách thì Cha đã bước tới. Cha Trung Tín nhìn sững vào khuôn mặt Thúy Loan để xem những dự đóan của Cha có đúng không. Sau một giây đồng hồ kinh ngạc, Cha vui vẻ hỏi hai hai cô gái.
Chị em Thúy Loan gặp lại Cha Trung Tín, họ tươi cười mừng rỡ như muốn ôm chầm lấy Cha. Tất nhiên là văn hóa Việt không cho phép bộc lộ tình cảm như người phương Tây. Họ đứng sững và ôm lấy cánh tay cha Trung Tín. Cha nói:
- Cha mong tin Thúy Loan quá. Sao, Thúy Loan đã khỏi hẳn chưa?
Thúy Loan bẽn lẽn nép sát vào chị nhỏ nhẹ thưa:
- Thưa Cha, con khỏi hẳn rồi ạ.
Thúy Hoa thêm vào:
– Thưa Cha, em con mới ở Sài Gòn về hôm qua. Bác sĩ bảo là vết thương đã hoàn toàn lành lặn.
– Ừ, trông Loan không còn vết tích gì nữa, chẳng những vậy, trông Thúy Loan còn xinh hơn lúc bị thương nữa chứ, có phải không chị Hai?
– Dạ thưa Cha, ở nhà ba con cũng nói vậy mà em con không chịu đó Cha à- Thúy Hoa đáp lại.
Thúy Loan mắc cỡ vỗ vào lưng chị:
- Chị kỳ quá, em nghỉ chơi với chị đó.
Cha nói chen vào:
- Ồ, vậy thôi, không xinh hơn thì có duyên vậy.
Cha quay sang hỏi Thúy Hoa:
– Thúy Hoa mới ở Sài Gòn về hả?
– Dạ thưa Cha, hôm nay con xin nghỉ một bữa dẫn em con về và con cũng có việc, lát nữa con sẽ thưa với Cha.
– Được, Cha hỏi tiếp: ông bà nhà có khỏe không?
– Dạ, má con vẫn bị chứng đau dạ dày hành, nên đôi khi má con nhăn nhó đến tội, còn ba con mới bị một chứng bệnh kỳ lắm. Chúng con đứa nào đứa ấy cuống lên. Bây giờ thì ba con khỏe rồi. Nhưng kỳ này con nghe má con nói là ba con phải đi tu nghiệp một hai tháng mới về.
– Thế còn việc…-Cha ngập ngừng.
– Cha nói việc học đạo hả? Cha nghĩ sao?
– Tại lâu rồi không ai đến gặp Cha. Cha đến nhà thì Loan đi rồi, Liễu, Tuấn cũng đi học. Đến mấy lần không gặp ai cả nên Cha cũng không biết phải làm sao. Cha chỉ cầu nguyện cho gia đình và đặc biệt cầu nguyện cho Thúy Loan mau khỏi.
– Chắc Cha nghĩ gia đình con không học đạo nữa chứ gì?
– Cha có nghĩ vậy, và hơi sợ…Nhưng Cha tin các con sẽ trở lại gặp Cha. Việc gia đình theo Chúa còn cần thời gian, nhưng tình thân giữa Cha và gia đình thì không có gì ngăn cách cả.
– Cha khỏi phải sợ mà Cha cần phải vui nữa Cha ơi! Cha sợ sau khi em con bị tai nạn chứ gì? Con xin kể cho Cha chuyện vui này nữa. Thực ra, hôm em con bị tai nạn, má con cũng có cằn nhằn, nhưng không hiểu em Liễu con nói gì với ba con, nên ba con bênh Cha dữ lắm. Con chưa thấy lần nào ba con nói nhiều như vậy, nên má con thôi không nói tới nữa. Cũng hôm đó, ba con nói chuyện với chúng con và khen Cha nhiều lắm…
– Thế ba con không giận Cha à?
– Ba con không giận Cha mà còn biết ơn Cha về việc Cha lo cho Thúy Loan nữa. Rồi cách đó ít bữa, gia đình con đang vui vẻ, em Loan con đã đi Sài Gòn chữa vết thương. Ở nhà, ba con đã ngã bệnh.
– Ông nhà bị bệnh gì mà Cha không hay?
– Ba con bệnh gì chúng con không hiểu. Chúng con cũng muốn ghé đưa tin cho Cha nhưng chưa kịp… Cha coi, bệnh gì mà hôm thứ hai đi làm về, ba con chẳng nói chẳng rằng. Khác hẳn với mọi ngày, ba con nằm giở báo ra đọc, đọc hết tin tức đến quảng cáo, đọc chán rồi ba con nằm thở dài. Chúng con có hỏi ba con, ba con cũng chỉ trả lời vừa đủ. Mẹ con hỏi, ba cũng chỉ trả lời qua loa.
Ban đầu gia đình chúng con tưởng là ba chúng con buồn chuyện làm ăn thua lỗ. Cha biết đó, chiến tranh ngày càng khốc liệt, việc kinh doanh rất khó khăn. Các chuyến hàng xuất nhập khẩu của ba con đều mắc kẹt. Ba có nhờ chỗ này, chỗ kia can thiệp, nhưng các ông lớn còn đang bận đối phó với tình hình chiến sự. Mọi khi, có chuyện gì, dù buồn hay vui ba con cũng chia sẻ với mọi người trong gia đình. Lần này, mẹ con hỏi gì, ba con cũng chỉ lắc đầu. Ngày thứ nhất rồi ngày thứ hai cũng vậy, ba con vẫn giữ thái độ khó hiểu đó. Hơn nữa, ba con hầu như bỏ ăn luôn. Má con có ép lắm, ba con mới ăn một chút.
Má con tính tìm bác sĩ tới khám bệnh thì ba con cấm. Cuống lên, má con hỏi mấy ông bạn thương gia, và cả các quan chức chính quyền, họ cho biết là ba con vẫn bình thường, có điều ông không vui mấy thôi và hay thở dài. Họ cũng đoán là ở nhà có chuyện gì buồn nên họ không dám hỏi. Đoán mãi không ra căn do, má con chạy đi hỏi mấy ông thầy bùa, họ …
Câu nói ngộ nghĩnh của Thúy Hoa làm Cha bật cười, Cha hỏi:
- Thầy bùa nói sao? Sao không đi hỏi bác sĩ mà hỏi thầy bùa.?
Thúy Hoa ngơ ngác chưa biết Cha hỏi cái gì nên chưa biết trả lời sao, thì Cha kịp nhớ ra: không nên gây thắc mắc cho chị em Thúy Hoa, Cha nói át đi:
– Rồi sao nữa, Hoa kể tiếp đi.
– Ông thầy nói ba con bị người ta ếm. Thấy ông thầy nói vậy, má con xin một nắm bùa về nhà cho ba con uống, ba con vẫn khăng khăng không uống, lại còn đe bỏ tù mấy ông thầy bùa nữa. Đã vậy, bệnh trạng ba con mỗi ngày một trầm trọng. Báo chí ba con cũng bắt đầu không đọc. Đi làm về là ba con nằm vật thở dài.
Má con khóc lóc, năn nỉ ba con xem có điều gì không bằng lòng với gia đình thì cho gia đình biết, chứ cứ lặng thinh như thế này thì không thể chịu được. Ba con cũng cứ lắc đầu bảo không có gì hết.
Không có gì buồn mà lại không nói, không ăn, nên má con càng tin là ba con bị ếm. Rồi má con nghe phong phanh rằng ai đó ganh tỵ chuyện kinh doanh với ba con, họ thuê thầy ếm để hại. Má càng tin dữ hơn.
Má con cậy người đi Tây Ninh xin bùa đưa về cho ba con. Người ta còn nói: ba con bị bỏ bùa nặng lắm. Có người bị như vậy, đến khi giải bùa ra lấy được chiếc đinh mấy phân. Có người thầy bùa lấy ra miểng chai, tóc rối, củ ngải đã bắt đầu mọc rễ…Lá bùa đưa về gối vào đầu giường ba con cũng chả có công hiệu gì. Đến ngày thứ tư, má con vật vã khóc lóc. Lo lắng quá, bà cũng bỏ ăn luôn. Chị em chúng con đứa nào đứa ấy cuống lên, cũng khóc như ri…Gia đình con lúc đó như một đám tang…
Đến lúc đó, ba con mới gọi cả nhà lại. Thái độ đó càng làm cho chúng con sợ: không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Đứa này hỏi đứa kia. Má con rầu rỉ, gầy trông thấy. Nhìn mọi người trong nhà một lượt, ba con mới mệt nhọc nói:
- Từ hôm tuần nay, tôi băn khoăn và bối rối không biết phải xử trí ra sao? Tôi khổ quá, chẳng thiết sống nữa.
Má con chen vào:
- Ông có điều gì khổ phải cho gia đình biết chứ! Ông mang khổ một mình càng làm cho cả nhà khổ thêm?
Ba con húng hắng ho lên mấy tiếng, chị em chúng con đứng tim hết, không đứa nào dám cựa quậy, nhúc nhích, đứng im thinh thít như để lắng nghe một bản án hay một lời gì ghê gớm lắm. Ba con nói:
- Tôi biết có nói ra thì các con và bà cũng chẳng giúp gì được cho tôi. Tôi quyết giữ lấy mình tôi hoặc bỏ nhà ra đi.
Nghe ba con định bỏ nhà ra đi, má con khóc nấc lên, vật vã kêu than trời đất. Chẳng những má con mà cả tụi con và mấy người giúp việc cũng khóc hết. Ba con vẫn trong trạng thái lầm lì.
Khóc đã rồi, má con mới năn nỉ:
- Thì ông cứ nói đi, cái gì khó, dù phải chết, tôi cũng sẵn sang. Để gia đình như đám tang thế này, tôi hết chịu nổi rồi.
Đến cơ sự này, Liễu, em con đã định chạy vào báo cho Cha, nhưng ba con không chịu. Ba con nói:
- Không được làm phiền Cha!
Tình hình dần dần căng thẳng, ba con lại tiếp:
- Tôi nghĩ nói ra cũng tội cho gia đình, nhất là cho bà, nhưng bà đã muốn thì tôi nói: Từ một tuần nay, tôi suy nghĩ nhiều. Trong tâm linh tôi có điều bất an, không sao dứt ra được. Tôi hay ngủ mơ, những cơn mơ kinh hòang làm cho sự lo lắng tích tụ ngày một dày thêm. Đêm nào cũng mơ. Nếu chỉ chập chờn thì những cơn mơ ấy chỉ là mộng mị, đàng này những cơn mơ cứ lặp lại đúng như vậy. Có khi tôi mở mắt trừng trừng nhìn thấy sự việc đang xảy ra trước mặt. Tôi tự hỏi những cơn mơ ấy có ý nghĩa gì?
Má con hỏi:
- Ông mơ thấy những gì?
Ba con trầm ngâm định thần rồi nói :
- Tơi mơ thấy Trước mặt là một vực thẳm. Tôi chênh vênh bên bờ. Rồi lửa từ đâu bùng lên, tràn đến thiêu rụi tất cả. Xung quanh tôi bao nhiêu con người hoảng loạn. Người ta bỏ tất cả để chạy mong thóat thân. Người chạy ra biển. Sóng thần ập tới cuốn đi không biết bao nhiêu là người. Người chạy lên núi, núi lửa đổ tràn dung nham quét sạch mặt đất không còn một ai. Chỉ còn lại xung quanh tôi là những tiếng thét kinh hòang, những tiếng kêu thảm thiết, và xác người la liệt trên mặt đất. Tôi cũng chạy nhưng không biết mình chạy đi đâu. Tận thế rồi chăng?
Má con la lên :
- Trời ơi, ông mơ gì khủng khiếp vậy? chắc ông bịnh nặng rồi
Ba con đưa tay ngăn má con:
- Tôi không bịnh gì cả. Để tôi kể tiếp cho bà nghe. Khi tỉnh trí, tôi nhận ra mình đang đi theo một người về phía đồng cỏ xanh. Người ấy nói với tôi. Hãy theo thầy, con sẽ được bình an. Rồi Người ngồi trên một mỏm đá, dưới chân có nước suối chảy róc rách. Tôi cũng ngồi nghỉ trên một mỏm đá khác cạnh Người. Tôi hỏi, Thưa Thầy, đây là đâu và Thầy là ai? Ngài nói, những gì con chứng kiến sẽ xảy ra trong đời thật, không phải trong mơ. Tất cả sẽ qua đi trong khốc liệt, chỉ có sự bình an của Thầy là vĩnh cửu. Con hãy theo Thầy.
Tôi thức giấc sau cơn mơ. Ngồi trong thinh lặng tôi cố hình dung ra Người tôi gặp trong mơ là ai. Người này tôi đã gặp rồi, rất quen nữa, nhưng trong đời thường tôi không quan tâm. Dường như trong một bức tranh nào đó… Tôi cố nhớ và nhận ra Ngưới ấy là Người trong bức tranh Chúa Chiên Lành.
Mẹ con hỏi tiếp:
- Giờ ông tính sao?
***