Truyện dài : VÌ SAO SÁNG | Chương Mười Bốn
Truyện dài : VÌ SAO SÁNG | Chương Mười Bốn
Tác giả: Song Nguyễn
14.
Cha Trung Tín hỏi chị em Loan:
- Hồi nãy, Hoa nói là vào báo tin cho Cha và nhờ Cha một việc, vậy việc đó là việc gì.
Thúy Hoa đáp:
– Ồ, suýt nữa Cha không nhắc thì con quên mất. Thưa Cha, nếu được, ngày Cha lên Đà Lạt, Cha xin cho con một chỗ trong Đại học xá.
– Hoa đang học ở Sài Gòn mà?
– Dạ, nhưng thưa Cha, học ở Sài Gòn chán quá, chỗ chật chen nhau muốn chết. Hồi bỏ Đà Lạt, con đã lỡ mất một năm cũng vì chuyện lôi thôi đó. Năm rồi má con bắt buộc con quá, con cũng đành chịu, nhưng con vẫn thấy nó bực bội thế nào, nên con xin Cha nếu có được, Cha giúp con. Hồi đó, Cha quen với Cha viện trưởng lắm mà.
– Được, giúp thì Cha sẵn sàng, còn được hay không thì Cha chưa bảo đảm. Có điều Cha sẽ cố gắng làm sớm, hy vọng sẽ thành công tám mươi phần trăm. Cha nói tiếp: như vậy, câu hỏi của Hoa xong rồi nhé. Bây giờ đến lần Cha hỏi Hoa này: Việc ông hiệu trưởng với Hoa ra sao rồi?
Thúy Hoa đỏ bừng mặt mắc cỡ. Cô trả lời nửa kín nửa hở, không muốn cho Thúy Loan biết. Cô nói:
- Việc đó để khi nào con nhập đạo đã.
Câu chuyện tạm chấm dứt thì chuông cơm đổ, Cha Trung Tín tiễn chân chị em Thúy Loan ra về. Nhìn chị em Thúy Loan dần khuất, Cha thấy một niềm vui tràn ngập tâm hồn, Cha nói một mình: “Ơn Chúa, mọi việc vẫn tốt đẹp. Cầu xin Chúa nâng đỡ Đức Tin của họ.”
Cha như nhìn thấy con đường ánh sáng. Giúp được cho gia đình Thúy Loan theo đạo, họ sẽ trở thành tấm gương sáng cho đời. Cha thầm cười một mình. Việc Thúy Hoa nhờ, Cha sẽ cố gắng, biết đâu việc ấy sẽ là bó hoa mừng gia đình ông bà thương gia trở lại.
Thu xếp cho học sinh nghỉ hè xong Cha Trung Tín có chuyến đi Đà Lạt ngay. Cha lên thăm Cha viện trưởng và bạn bè thân thuộc, nhân đó xin cho Thúy Hoa chỗ trọ.
Vì đi Đà Lạt trước kỳ hẹn hằng năm nên Cha phải lấy vé xe đò đi một mình. Con đường mấy trăm cây số đèo dốc khá gian nan. Ngồi trên xe lần này, Cha Trung Tín có linh cảm điều gì đó bất an. Khách trên chiếc xe tòan người lạ. Có hai người đàn ông, một người thanh niên, hai thiếu nữ và bốn người đàn bà. Họ nói với nhau những chuyện không có liên hệ gì tới Cha cả. Họ cười nói, còn Cha, Cha thấy không vui với họ được, vẫn có một cái gì làm Cha lo ra. Năm ngoái đi Đà Lạ, Cha đi chung với các bạn bè. Anh em cùng một chí hướng, cùng có những chuyện giống nhau nên dễ chia sẻ và vui hơn…
Năm ngoái cũng vào kỳ hè, anh em rủ nhau đi Đà Lạt nghỉ, tôi nghiệp cho anh Định, phải lấy xe đi đón từng anh em một. Xe đi Đà Lạt, vậy mà vòng vo tam quốc mãi gần mười giờ mới ra khỏi Sài Gòn. Mỗi lần rước thêm một anh em là thêm một đề tài để anh em cười nói, trêu ghẹo nhau. Suốt con con đường dài cả mấy trăm cây số, không một lúc nào là thiếu chuyện để cười. Ngay cả khi nghỉ, xe vào quán ăn cũng được những trận cười đáng giá.
Với anh em thân nhau, thì những câu chuyện rất tầm thường, như chuyện Đào cũng đủ cho anh em cười nói, nhạo nhau được. Nhưng hôm nay, ngồi giữa những người xa lạ, câu chuyện nào của họ cũng không làm cho Cha cười được, có khi còn làm Cha khó chịu thêm, vì họ hơi suồng sã. Sự so sánh giữa người quen và người lạ càng làm xác tín điều mà Cha thường suy nghĩ: dù có tình nghĩa nào đi nữa mà thiếu tình bạn thân, là một thiếu sót lớn lao và làm cho đời người ta chóng già. Ai có được một người bạn thân hiểu mình, thông cảm với mình và tận tâm giúp mình, thì đấy là một phần thưởng vô giá. Càng nghĩ, Cha càng thấy thương mến anh em vô cùng. Cha muốn vượt thoát ra khỏi chiếc xe chật chội để chạy lại với từng anh em, cười nói với anh em đôi câu chuyện, dù chẳng là chuyện cũng được.
Nhưng những giây phút sống bên anh em thật hiếm hoi. Nó chỉ là những trạm dừng chân trên con đường dài này. Ý tưởng đó đưa Cha đến một so sánh: đời Cha cũng giống như con đường dài Sài Gòn-Đà Lạt này, cũng xuống đồi, lên dốc, hoặc qua khúc đường bằng phẳng. Còn những bạn đồng hành, Cha không có quyền lựa chọn. Một khi Cha chấp nhận đi xe đò, là Cha mặc nhiên chấp nhận những người đồng hành đó, họ hoàn toàn xa lạ với Cha, không liên hệ dính dáng tới Cha. Họ khác Cha, từ môi trường giáo dục, nếp sống, hoạt động, nên họ nói, họ cười, Cha vẫn chưa thể thông cảm để cười và nói với họ được. Lời Chúa nói: Cha đã chọn các con ra khỏi thế gian…nhưng Chúa lại nói: các con hãy đi thâu tập họ về với Cha.
Phải, họ hoàn toàn khác Cha từ tư tưởng đến hành động, nhưng Cha có nhiệm vụ, có bổn phận đưa họ về với Chúa. Do đó, định mệnh đã an bài cho Cha là ở giữa họ để nghe họ nói và nói với họ về Chúa. Nghĩ vậy, Cha đã thấy mình bớt cô độc. Đàng khác, đâu có phải Cha được sai đến với những người cùng một môi trường, cũng như mọi trường hợp khác. Chẳng hạn như gia đình ông bà thương gia, trước đây mấy năm, nếu có ngồi bên họ trong một chuyến xe đò này, thì họ có khác gì những người này. Hoàn cảnh đưa đến rồi Cha cũng quen, như những người tân tòng họ ở những nơi khác đến, chỉ trong một thời gian ngắn, Cha đã thấy họ thân thương. Biết đâu những người xa lạ đang ngồi trên cùng một chuyến xe với Cha đây, có người sẽ có liên hệ với Cha, có người Cha sẽ gặp lại trong một hoàn cảnh quen thuộc hơn, ít nhất là ngay bây giờ, Cha có thể nhận diện được hết mấy người đồng hành với Cha rồi, “một ngày nên nghĩa, chuyến đò nên quen”. Cha mỉm cười với câu nhận xét trên, bất giác, Cha thốt ra tiếng “hay!”
Người thanh niên ngồi bên cạnh Cha đang nhìn mải mê một nhóm người thượng trầm mình bên dòng suối, mình trần, đứng chịu ngọn nước đổ xuống trên người và cười nói vui thích trong cảnh đó, nghe Cha nói “hay”, anh tưởng Cha đang nhìn như anh và Cha khen cái cảnh đó hay, anh quay sang làm quen:
– Đời sống họ thật hồn nhiên Cha nhỉ, chắc xưa kia ông bà mình cũng vậy và có khi còn kém hơn họ ngày nay nữa; nhưng như vậy mà lại thảnh thơi, thoải mái, không phức tạp như ngày nay. Thưa Cha, Cha sống trên Đà Lạt?
– Không, tôi sống ở miền quê, nhưng trước đây, tôi đã sống trên đó, thế anh thì sao?
– Thưa Cha, chúng con đang học trên Đà Lạt, anh chỉ người bạn gái ngồi sau lưng anh, về thăm nhà ít bữa, đáng lẽ chúng con phải lên sớm hơn, nhưng đợi máy bay hoài không được, con rủ cô bạn đi xe đò và hôm nay mới đi. Thưa Cha, trước đây, Cha đã ở trên Đà Lạt, chắc Cha biết nhiều về Đà Lạt?
– Biết nhiều thì chưa chắc, nhưng khu đại học thì rất quen thuộc với tôi.
– Thưa, thế trước Cha dạy ở trong đó?
– Không, cách đây bốn năm, tôi học trên đó.
Người thanh nên quay xuống đập tay người thiếu nữ, cô đang mải mê đọc tiểu thuyết. Anh nói:
- Này chị, Cha đây trước cũng học ở viện mình đây này.
Người thiếu nữ tháo kính mát cúi chào Cha. Trông cô từa tựa như một nữ diễn viên điện ảnh Cha đã gặp ở Đà Lạt hồi nào. Cô giống từ mái tóc, nét mặt đến sống mũi, nhất là cái miệng, cô cười thật tươi, chắc đoạn sách cô đang đọc làm cô thích thú. Cô hỏi:
– Thưa, bây giờ Cha làm gì?
– Bây giờ tôi dạy học ở dưới quê.
– Cha mà dạy trường quê, chắc chưa hẳn là quê mà là tỉnh quê?
Và cứ thế, câu chuyện trao đổi giữa ba người mỗi lúc một thân mật, hết chuyện học hành, dạy dỗ, đến những thắng cảnh, những quán ăn, những cuộc du khảo đã kéo được sự chú ý của tất cả hành khách trên xe, kể cả bác tài,
Cha không ngờ một chuyến xe lúc đầu có vẻ xa lạ, có vẻ chật chội, khó thở, đã trở nên thân mật, thông cảm, mà Cha là cái gạch nối.
Từ ngã ba Dầu Dây trở đi, đường ngày càng vắng. Qua khỏi Dốc Mơ, hai bên chỉ còn là rừng. Không khí trở nên lạnh lẽo, không phải cái lạnh thời tiết mà cái lạnh sống lưng, lạnh từ trong lạnh ra. Bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào, chẳng có gì bảo đảm cho tính mạng hành khách được an toàn. Từ đây đến Định Quán là quãng đường thường xảy ra đụng độ. Người ta nói ở khúc cua C, xe đò thường bị chặn lại. Còn xe từ Đà Lạt về tới Định Quán khoảng 2 giờ chiều là phải nghỉ lại. Không tài xế nào dám mạo hiểm chạy từ đây về Dầu Dây lúc chiều đã xuống, trừ khi họ là người của phía bên kia.
Trên xe, tất cả hành khách đều im lặng, họ dõi mắt về phía trước và nhìn sâu vào bìa rừng xem có động tĩnh gì không. Cha Trung Tín cũng thầm thì đọc kinh để cầu xin sự bình an.
Xe vẫn chạy trong sự e dè sợ hãi, con đường vắng ngắt. Khi xe vừa đổ đèo một chút, dường như chỗ này là cua C ? thì một loạt đạn nổ chát chúa trên đầu. Chiếc xe đang ngon trớn bỗng thắng gấp, chồm lên rồi lết xuống mặt đường một vệt dài, khiến hành khách ngã dúi về đàng trước…
Gặp biến cố bất ngờ, người nào người ấy hồn vía lên mây hết. Mặt người nào cắt cũng không còn một giọt máu. Cuống cuồng lên, một hai tiếng thì thào:
- Việt Cộng!…
Mấy người đàn ông vội vàng rút bóp lấy giấy tờ xé hủy hoặc cất giấu trong xe. Mấy bà mấy cô vừa run vừa kéo rút tiền bạc ra giấu. Lúng túng không biết giấu đâu, họ đút đại xuống gầm ghế, tưởng như đấy là chỗ an toàn nhất.
Người tài xế hầu như đã quen với sự cố, ông ta quay xuống ra lệnh cho mọi người:
- Xin bà con bình tĩnh, đừng ai lộn xộn gì kẻo thiệt thân.
Một hai người quay ra hỏi:
- Liệu có sao không? làm sao bây giờ. Mình là dân lành, cha cũng vái, mẹ cũng thờ, chắc không có chuyện gì.
Có tiếng suỵt nho nhỏ:
- Im đi!
Có hai người xuất hiện ở đầu xe. Họ từ trong bìa rừng đi ra. Áo bà ba, mũ tai bèo, khăn rằn quấn ở cổ, chân đi dép Bình Trị Thiên, trên tay cầm khẩu AK trong tư thế sẵn sàng nổ súng.. Khách trên xe biết chắc là mình gặp “Việt cộng”. Có người sợ quá co rúm người lại, hai hàm răng đánh lập cập. Xưa nay họ chỉ nghe nói Việt Cộng là những người mặc bà ba, mũ tai bèo cổ quấn khăn rằn, ở trong rừng, trong bưng biền. Họ chưa nhìn thấy Việt Cộng bao giờ. Khi hai người lính Việt Cộng đã đứng vào vị trí chiến đấu thì một người khác, có lẽ là cán bộ xuất hiện. Ông ta cũng mặc bà ba, nhưng đầu đội mũ cối có bọc lưới và có gắn dấu hiệu cờ Mặt Trận Giải Phóng. Trông ông ta có vẻ “hiền hơn” hơn hai người lính đang đứng bên xe. Ông thong thả bước tới đầu xe, ra lệnh cho bác tài đánh xe vào sát lề đường, rồi nói với hành khách trên xe:
- Xin mọi người bình tĩnh. Tất cả xuống xe để chúng tôi kiểm tra!
Bốn cánh cửa xe đều đồng loạt mở ra, hành khách răm rắp tuân lệnh. Kẻ trước người sau bước ra khỏi xe. Hai tay giơ lên trời, tiến tới trước hai người cán binh vừa xuất hiện. Khi đã kiểm soát và không thấy có gì đáng ngại, người cán bộ ra lệnh tiếp:
- Mọi người xuất trình thẻ kiểm tra và mọi giấy tờ liên hệ. Người nào cố tình che giấu nhân thân, chúng tôi buộc phải xử lý riêng.
Trong khi đó, hai người lính Việt Cộng vừa kiểm soát trên người hành khách, chui vào xe, lom khom khám xét trên xe. Từng túi hành xách hành lý, trên mui xe, dưới gầm xe…tất cả mọi chỗ đều được kiểm soát kỹ.
Hành khách vừa xuất trình giấy, vừa len lét hồi hộp nhìn vào xe để chờ đợi kết quả cuộc kiểm soát. Mỗi lần thấy người lính Việt Cộng nhặt một món nào ghi ghi chép chép thì lại một người tái xanh mặt, nhất là mấy người hình như là công chức hay sĩ quan gì đó, thì thật không còn hồn vía nào hết.
Khám xét xong, người lính xin với cán bộ:
- Xin đồng chí cho mọi người xác nhận hành lý của mình để chúng tôi làm biên bản.
Từng người được tiến lại xe để xác nhận hành lý của mình; nhưng có một điều rất lạ là có nhiều món đồ vô chủ và nếu tự nhiên mà nó mất là có chuyện ngay, thế mà bây giờ trước mặt “cán bộ” nó lại là của vô thừa nhận, chẳng hạn những món hàng Mỹ rất quý.
Cuộc khám xét đã diễn ra thật nhanh chóng và ăn khớp với nhau, như nó đã diễn ra nhiều lần. Một vài hành khách được cho lên xe và bác tài tiếp tục cuộc hành trình. Những người còn lại được đưa vào rừng. Người cán bộ đi trước dẫn đường. Hai người lính Việt Cộng đi phía sau.
Lúc đầu mọi người đi theo một con đường nhỏ, nhưng càng vào sâu trong rừng, cây cối rậm rạp, tàn lá che kín bầu trời. Bây giờ hoàn toàn là len lỏi giữa rừng cây, có nhiều cây lớn, vẹt cây nhỏ mà đi. Máy bay có bay trên đầu cũng không nhìn thấy được.
Đi chừng hơn một giờ, mọi người tập trung ở một khoảng đất trống, ở đó đã có một số người đang ngồi đợi, chắc họ cũng mới được đưa vào đây. Thấy toán người mới đến, họ đưa mắt nhìn chia sẻ sự lo lắng. Có đông người, nỗi lo có vơi đi. Nhưng ai cũng thầm hỏi, không biết họ dẫn hành khách vào rừng để làm gì? Phải chăng họ muốn bắt ai đó? Hay đòi tiền của, hay tuyên truyền. Họ sẽ bắt giữ trong bao lâu, sẽ cho mình ăn ở đâu và có bị thanh trừng gì không?
Sự chờ đợi làm cho hành khách căng thẳng. Tất cả đều im phăng phắc. Chỉ có những tiếng thở dài khe khẽ hoặc một hai tiếng bẻ tay. Cảnh rừng hiu quạnh thâm u, những tiếng chim lạ kêu làm nổi gai ốc. Ai cũng lo đụng độ hai bên hoặc máy bay ném bom, bởi máy bay nghi ngờ chỗ nào là chúng ném bom ngay. Không biết thời gian là bao lâu, nhưng càng hy vọng, hành khách ngày càng thất vọng.
Mười hai giờ hơn, giây phút căng thẳng cũng đã dâng cao như ánh mặt trời. Ai cũng đã thấy đói và khát. Xung quanh chẳng có nhà cửa nào. Chỉ có rừng và rừng. Một người cán bộ khác xuất hiện. Ông mặc trang trọng hơn những người cán bộ hồi nãy, tay xách một chiếc cặp nhỏ, nét mặt rắn rỏi nhưng điềm đạm.
Khi ông bước vào chỗ hành khách tập họp, người lính cận vệ đi bên, tiến ra trước hô:
- Tất cả nghiêm.
Mọi người đồng loạt đứng dậy, chăm chú nhìn ông, có thể ông là người quyết định sinh mệnh của họ. Ai nấy nín thở.
Người cận vệ trịnh trọng giới thiệu. Người cán bộ hơi cúi người chào mọi người.
Ông ta nhìn từng người rồi đanh giọng nói:
- Kính thưa đồng bào. Chúng tôi mời đồng bào tới đây là chuyện bất đắc dĩ. Lẽ ra phải trong một nơi khang trang hơn. Nhưng như đồng bào đã biết, đế quốc Mỹ đã thất bại trong chiến tranh cục bộ, phải ký hiệp định Paris và rút chạy khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, âm mưu xâm lược của chúng vẫn còn, càng thất bại chúng càng đánh phá tàn bạo. Mục tiêu cùa chúng ta là đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào, thống nhất Bắc Nam. Muốn vậy, chính quyền Cách Mạng phải đánh đổ Nguy quyền tay sai. Phải tiêu diệt bè lũ bán nước. Đồng bào cả miền Nam, từ nông thôn đến thành phố đều một lòng với Cách Mạng, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã sắp thành công. Chúng tôi kêu gọi đồng bào dù ở cương vị nào cũng cần góp công góp sức cho các mạng sớm thành công. Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm.
Nghe ông nói, người ta biết ông đang tuyên truyền chính trị, nhưng chưa rõ mục đích việc bắt giữ này cụ thể là gì. Ai cũng mong sớm trở về với gia đình. Ai cũng lo không biết sau bài tuyên truyền còn những thử thách sàng lọc nào khác nữa.
Người cán bộ hướng về đám người đang ngồi trước mặt hỏi:
- Đồng bào ai có ý kiến gì xin phát biểu.
Một phút chờ đợi, vẫn không một hành khách nào dám phát biểu. Ai cũng sợ, vì họ biết thân phận của họ đang trong tay những người ở đây. Với lại là thường dân họ chỉ biết làm ăn, chẳng ai bận tâm đến chuyện chính trị.
Nhưng rồi, một cánh tay rụt rè đưa lên :
- Xin “đồng chí” cán bộ cho chúng tôi được về sớm. Chúng tôi ở đây chắc chắn gia đình sẽ lo lắng và hoang mang.
Sau khi phát biểu xong, ông ta tái mặt đi lo sợ.
- Đồng bào ai có ý kiến nữa.
Lại một cánh tay giơ lên. Một chị phụ nữ nón lá, khăn rằn vắt vai, chị buôn thúng bán bưng. Thúng hàng còn để trước mặt. Chị ta đứng dậy nhìn mọi người:
- Thưa đồng chí cán bộ. Nghe đồng chí nói, chúng tôi rất tin tưởng và phấn khởi. Đồng bào miền Nam đã đau khổ quá nhiều rồi, phải đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào, có vậy nhân dân cùng khổ như chúng tôi mới được giải phóng, mới làm chủ một xã hội mới. Chúng tôi ghi ơn chủ tịch Hồ Chí Minh, ghi ơn miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã chi viện cho miền Nam. Chúng tôi cũng cám ơn các đồng chí đã giác ngộ cho chúng tôi, vì chúng tôi mà vất vả hiểm nguy. Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!
Chị ta nói thật hùng hồn, thật bài bản làm người cán rất vui. Nói xong chị vung tay lên thật mạnh. Mọi người ngồi đây càng kinh ngạc hơn, vì một chị buôn thúng bán bưng lại ăn nói hùng hồn đến thế. Người ta xìm xầm, chắc chị ta cũng là một cán bộ tuyên truyền.
Người cán bộ chờ không có ai giơ tay bèn tiếp lời:
- Tôi thành thực khen ngợi lòng yêu nước của đồng bào, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhất định thắng lợi. Bây giờ tôi xin trình bày một vấn đề khác.
Mọi người kêu trời trong lòng. Nhưng cũng không một ai dám công khai phản đối. Cứ đà này, không biết cuộc “học tập” này sẽ kéo dài đến bao giờ. Không biết chừng còn ăn bom nữa.
Người cán bộ nói:
- Hiện nay Mỹ đã cút nhưng Ngụy chưa nhào. Chúng cắt viện trợ cho Sài gịn, chúng thay tướng đổi ngựa, nhưng càng thay càn rối loạn. Đây là thời cơ ngàn năm có một để đồng bào vùng lên. Đồng bào đừng để cho chúng lừa gạt. Ai có con em đi lính hãy kêu gọ họ trở về. Hãy mạnh dạn đứng về phía Cách mạng, hãy lên tiếng tố cáo mạnh hơn nữa bọn tay sai bán nước. Hãy vùng lên làm bão táp cách mạng đánh bại mọi kẻ thù. Nước Việt Nam độc lập muôn năm.
Cũng như bài thuyết trình trước, sau phần vận động quần chúng, người cán bộ, để đồng bào phát biểu…
Một cánh tay giơ lên. Vẫn chị buôn thúng bán bưng hồi nãy. Chị đứng dậy và hát bài Giải Phóng Miền Nam của Huỳnh Minh Siêng:
Vùng lên! Nhân dân miền Nam anh hùng!
Vùng lên! Xông pha vượt qua bão bùng.
Thề cứu lấy nước nhà! Thề hy sinh đến cùng!
Cầm gươm, ôm súng, xông tới!
Vận nước đã đến rồi. Bình minh chiếu khắp nơi.
Nguyện xây non nước sáng tươi muôn đời.
Không còn nghi ngờ gì nữa, người phụ nữ này là một người hoạt động Cách mạng nằm vùng. Mọi người vỗ tay theo như một phản xạ. Thanh niên thì vỗ tay hăng hái hơn.
Đang phần phát biểu của đồng bào có thêm phần dân vận tự nguyện: một bà già gánh tới hai thùng bánh làm bằng khoai mì. Người cán bộ giới thiệu bà là “mẹ quân Giải phóng”, có hai con đang phục vụ trong quân Giải Phóng. Mặc dù có tuổi, bà vẫn sẵn sàng làm hết sức mình cho những nhiệm vụ Cách mạng. Bà đem thức ăn đến đây là để tỏ tình nhân dân một nhà.
Người cán bộ vừa dứt lời thì một tràng pháo tay nổ ran hoan hô mẹ quân Giải phóng anh hùng.
Mỗi người được bà mẹ quân Giải phóng tặng cho hai cái bánh. Bánh đang nóng, bụng lại đói, mọi người ăn ngon lành, dù chẳng phải là cao lương mỹ vị. Bà mẹ quân Giải phóng vừa phát bánh vừa hỏi han mỗi người, thân thiện và giản dị. Những con người ở thành phố không hiểu được trong vùng rừng núi chiến khu gian khổ, sao lại có những người như bà mẹ quân Giải phóng này. Bà không hề tỏ ra mệt mỏi vì gian khổ, không tỏ ra sợ máy bay ném bom, cũng không nhìn mọi người là kẻ thù, mà gần gũi như tình thân giúp đỡ những lúc cơ nhỡ. Không rõ bà cụ từ đâu đến vì xung quanh đây chỉ có rừng. Có lẽ chiến khu, mật khu còn xa nơi này. Chắc họ còn giữ bí mật. Họ đưa hành khách đến đây chỉ là để tuyên truyền vận động rồi thả về để gây thanh thế. Nhưng những hành khách này sẽ làm được gì cho cách mạng? Hay khi trở về họ sẽ bị cảnh sát bắt tra hỏi? Bây giờ họ chỉ mong được biết số phận mình là như thế nào.
Cuộc nói chuyện giữa rừng đã hơn hai giờ rồi, trên trời mây đen đang kéo tới. Xa xa, có tiếng động cơ máy bay đang bay lượn quần thảo ở một vị trí nào. Hành khách bắt đầu lên ruột, nét lo âu hằn trên mặt, người cán bộ ra lệnh cho mỗi người lấy một cành lá để che lên đầu ngụy trang, Trong khi mọi người sợ hãi thì người cán bộ vẫn bình thản. Có lẽ ông đã quá quen với bom đạn chăng?
Giữa lúa đó, một nữ giao liên đưa đến cho ông cán bộ một xấp giấy. Ông ra lệnh tạm ngưng cuộc nói chuyện. Sau đó ông lọc ra một danh sách và gọi tên từng người. Những người bị gọi tên, ai cũng tái mặt, không biết rồi đây số phận mình sẽ thế nào.
Mỗi tên được gọi là một dáng người thất thểu đứng lên ra khỏi đám đông. Cha là người cuối cùng trong danh sách những người được “mời làm việc” riêng.
Nghe gọi tên mình, Cha giật mình sợ hãi. Mình có tội gì với Cách Mạng chăng? Ồ không, mình chỉ dạy học và coi xứ. Chẳng lẽ hai việc ấy cũng là phản động, là chống lại Cách Mạng? Người Linh Mục theo Chúa, từ bỏ trần gian này, thì có can hệ gì với chính trị? Những ý nghĩ thóang qua rất nhanh giúp Cha lấy lại sự tư tin. Dù vậy, có một dòng chảy lạnh sống lưng làm cho Cha chùn bước. Ở đây Ai cũng đã biết Cha là một Linh mục Công giáo. Bây giờ người Linh Mục ấy đang phải đối mặt với thực tế chính trị đầy dẫy thành kiến và mặc cảm lịch sử, không biết có giống Chúa Giêsu ngày xưa lúc bị người Do Thái bắt đi không!…
***