Truyện dài : ĐỒNG HÀNH | Chương Tám
Truyện dài : ĐỒNG HÀNH | Chương Tám
Tác giả: Song Nguyễn
8
Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
Mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.
(Tv 125,5)
Hằng năm, thường cứ sau khi cấm phòng là Bà Nhất gặp riêng chị em trao đổi thêm về công tác hoặc phân bố nhiệm sở. Đây cũng là dịp gây nên nhiều hồi hộp. Chị em nào được Bà khen ngợi, hoặc được bổ nhiệm địa sở vừa ý, tất nhiên sẽ tươi tỉnh vui vẻ. Ngược lại, chị em nào có điều chi phải chê trách hoặc phải đến những nhiệm sở khó khăn, hoặc có thể gặp người không vừa ý, tự nhiên thấy mất vui và lo lắng, chẳng thiếu tiếng thở than… Nhưng rồi tất cả cùng được đức vâng lời và khiêm nhượng xoa dịu, trừ những trường hợp nào khó khăn thực sự, sẽ được Bề Trên giải quyết.
Riêng phần chị, chị đã hứa phục vụ bất cứ nơi nào Bề Trên muốn. Hoặc phải chọn lựa nơi nào chị em ngại đến, chị tự nguyện xin tới. Làm như vậy không phải là chị anh hùng gì, nhưng chị chỉ nghĩ một điều là chị đã được Chúa thương hơn hết các chị em khác. Đàng khác, chị không muốn chị em nghĩ không hay về liên hệ tình cảm giữa Bà và chị. Do vậy, khi gặp Bà, chị đã tình nguyện đến địa sở Đồng Tháp, một địa sở vừa xa xôi vừa nguy hiểm.
Trước sự lựa chọn của chị, Bà tỏ ra suy nghĩ. Có lẽ Bà thấy con người của chị chưa đủ điều kiện thích nghi với địa sở: vừa thiếu sức khỏe, vừa chưa quen chịu đựng gian khổ, sợ chị đứt gánh giữa đường, sẽ phiền cho Bà. Bà phải tìm người thay thế tại mỗi địa điểm, mọi cái đều khó khăn. Tuy nhiên, trước sự cương quyết của chị, Bà cũng chấp thuận.
Dù vậy trước khi lên đường, Bà còn hỏi lại chị:
– Sao, chị có muốn thay đổi gì không?
Chị nhìn bà, cảm thông sự lo âu của Bà, chị thưa với Bà:
– Dạ thưa Bà, con suy nghĩ kỹ rồi. Xin Bà thêm lời cầu nguyện cho con.
Bà lặng thinh, dáng lo âu, như vẫn chưa hết bối rối, rồi âu yếm nhìn chị, Bà nói:
– Thôi em đã quyết định – Bà dùng từ “em” để biểu lộ mối liên hệ giữa Bà và chị -, chị xin tạ ơn Chúa và phó thác em cho Chúa và Đức Mẹ. Xin các Ngài gìn giữ em hồn xác.
Sự săn sóc quan tâm của Bà làm chị xúc động, chị chỉ biết cám ơn Bà và hứa sẽ làm tròn nhiệm vụ.
Ngày lên đường, chị em chia tay nhau mỗi người đi về một ngả, bùi ngùi khi phải xa lìa tổ ấm. Tin tưởng và phấn khởi trong công tác, làm chị nhớ lời Thánh Vịnh:
Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.
Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo;
lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng.
(Tv 125,5-6)
Chị theo Dì Năm lên đường về nhiệm sở. Sau một buổi đường xe, chị em tới bến đò, phương tiện duy nhất đến địa sở.
Ở đây mỗi ngày chỉ có một chuyến đò. Con thuyền dùng làm đò dọc, dài độ năm sáu thước, chiều ngang hơn một thước, đậu sát đường lộ. Khi chị tới nơi, thuyền đã đông người (chừng năm, sáu người). Cô lái đò hình như quen thân với Dì Năm, nên khi thấy Dì, cô cười nói thân mật, khác với kiểu mời khách. Cả mấy người hành khách cũng vậy, thấy Dì Năm là mấy bà ngừng câu chuyện để hướng về Dì Năm, cười nói chào Dì. Dì Năm trao mấy gói đồ và xách quần áo của Dì và của chị cho cô lái đò bỏ xuống thuyền, rồi Dì Năm mới bước lên. Đến lần chị, chị do dự mãi chưa dám bước vì sợ té. Thấy cử chỉ khờ khạo của chị, cô lái đò nhận ra hành khách lạ, nên cô giơ tay cho chị bám và dìu chị ngồi xuống thuyền, vậy mà chút nữa chị đã té. Thế là bỗng dưng chị trở thành câu chuyện cho mấy bà trong ít phút…
Con thuyền được giải phóng. Cô lái đò nhổ con sào kìm thuyền, gác nhẹ lên thuyền, rồi hai tay bám mạn thuyền, người cô khom xuống dùng sức đẩy con thuyền ra khỏi bờ. Con thuyền chuyển động và từ từ rời khỏi bến. Cô lái đò nhún mình lấy đà đẩy mạnh một lần nữa, rồi sẵn đà cô nhảy lên thuyền nhanh nhẹn, nhẹ như một con mèo. Khi đã ngồi trên vị trí của mình, cô vớ lấy con sào, điều khiển cho con thuyền ở đúng dòng nước. Được như ý, cô gác con sào lên và ngồi xuống. Hai tay giữ hai mái chèo đưa con thuyền đi. Con thuyền ngoan ngoãn trôi theo ý của chủ.
Mấy hành khách hầu như chẳng để ý gì đến bên ngoài, dường như họ chỉ có một mối bận tâm là công việc làm ăn của họ. Câu chuyện trao đổi hết giá cả, rồi đến bình phẩm nhận xét những thân chủ của họ, riết rồi đến khách hàng, lan man đến cả chồng con thân thuộc đều được chiếu cố.
Còn Dì Năm, những lúc như thế này, Dì vẫn có thói quen là lần hạt, Dì đọc hết chuỗi này đến chuỗi khác. Chị cũng theo Dì Năm lần chuỗi, nhưng chỉ mới được một chuỗi là chị đã lo ra. Cảnh sông nước làm cho chị thích thú quá. Dòng sông phẳng lặng như một tấm gương kéo dài tới vô tận, hai bên bờ, hàng dừa nước xanh tốt, đôi khi có chen mấy bụi bình bát trái xanh, trái vàng thật hấp dẫn. Vượt khỏi hàng cây là cánh đồng lúa bất tận, từng đàn cò đang kiên nhẫn tìm mồi. Con thuyền càng xa bến bao nhiêu, cảnh trí càng thay đổi bấy nhiêu. Ngồi một lúc lâu chị thèm nói chuyện để hỏi thăm về những địa danh và sinh hoạt của vùng. Thế mà ở đây ngoài cô lái đò xấp xỉ tuổi chị chả còn ai. Nhưng làm sao mà lại gần được, vì cô ngồi ở cuối, còn chị ngồi đầu. Chị đánh liều lòn xuống. Điệu bộ của chị làm con thuyền tròng trành, mấy bà đang quan sát chị, la lên:
– Ấy! ấy! Té bây giờ! Đi đâu vậy?
Chị mắc cỡ, líu ríu bày tỏ ý nguyện.
Cô lái đò mỉm cười thông cảm, cho con thuyền chậm lại, cô đứng lên buông một tay chèo, còn một tay giơ ra cho chị bám. Đưa chị xuống gần rồi, cô mới cùng ngồi xuống bên chị, với lấy mái chèo vừa buông và tiếp tục công việc như lúc trước.
Được ngồi bên cô lái đò, chị thấy có cái gì vui vui, có lẽ tuổi tác làm cho chị em dễ có cảm tình với nhau, cũng có thể là do sự cảm phục của chị đối với nghề nghiệp của cô. Ngược lại, cô cũng thông cảm với chị, nét mặt cô trở nên vui tươi hơn. Qua từng nơi, cô kể cho chị nghe địa danh và cách sinh sống của dân chúng địa phương. Chị lấy làm thích thú vì nếu không có dịp này, chẳng bao giờ chị được biết đến những cảnh đáng yêu và những người đáng mến của quê hương. Tuy vậy, chị vẫn còn nguyên ý tưởng sợ hãi về vùng chị sắp đến…
Trời mỗi lúc một dịu lại, bầu trời dần đổi màu vàng. Đàn cò không biết bao nhiêu con đang kéo nhau về tổ, buông một hai tiếng rời rạc như nuối tiếc một ngày đã hết. Đầu kia, Dì Năm vẫn lâm râm cầu nguyện, bóng của Dì nhập với bóng con thuyền trôi đều đều trên dòng nước vàng. Hình ảnh đó làm chị quan sát Dì kỹ hơn.
Dì Năm, năm nay khoảng bốn mấy năm mươi, khuôn mặt xương xương, lưỡng quyền cao vừa phải, nước da hơi sạm nắng. Hồi còn trẻ chắc Dì cũng đẹp lắm. Chừng đó tuổi, nhưng Dì Năm vẫn khác xa với những người cùng tuổi. Đặc biệt là đôi mắt của Dì tỏa ánh sắc sảo tinh anh, đôi lông mày rộng làm cho cặp mắt uy nghi hơn, cái mũi đỏ và ướt hoài. Người ta nói những người có mồ hôi mũi thì vất vả. Thảo nào Dì Năm vất vả thật. Cái miệng của Dì có cặp môi mỏng, nhưng ngược lại Dì Năm ít nói, ít cười. Nghe đâu Dì Năm giống anh Ba là Cha Sở, nơi mà chị sắp tới. Như vậy hẳn là Cha Sở ít nói, ít cười lắm và như vậy… chị phải xua đuổi ý tưởng bi quan trong đầu đi ngay.
Mặt trời vừa mới khuất, may mắn ánh trăng đã lên. Trời không được rõ như ban ngày, nhưng ánh sáng huyền ảo của trăng càng làm cho cảnh sông nước nên thơ mộng. Cô lái đò vẫn thoăn thoắt cúi xuống ngẩng lên đẩy con thuyền đi. Mấy người hành khách hết chuyện, đang ngồi ngủ. Dì Năm tay còn cầm tràng chuỗi, nhưng cũng đã ngủ. Nhìn mọi người ngồi ngủ làm chị liên tưởng đến cái chết. Trong cuộc đời người ta, khôn ngoan buôn bán tần tảo, hay làm ăn lam lũ, rồi tất cả cũng sẽ gặp nhau trong cái chết.
“Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết,
kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong.”
(Tv 48,11)
Chị thấy sợ, gai ốc nổi lên khắp người. Rồi ra, theo qui luật nghiệt ngã ấy, chị cũng đi vào cõi chết. Nhưng chị sẽ chết thế nào và liệu có được ơn nghĩa trong tay Chúa không? Chị thầm cầu xin Chúa:
Đêm tối xuống dần trên cõi thế.
Đoàn con chạy đến Chúa càn khôn.
Ngàn muôn ơn thánh xin đổ xuống,
Giữ gìn chúng con cả xác hồn.
Mơ thấy Chúa Trời: lòng nguyện ước
Thầm mong cảm nghiệm lúc ngủ ngon,
Vầng đông lấp ló chân trời thẳm,
Sẽ hát mừng Ngài khúc nhặt khoan.
Ban xuống chuỗi ngày đầy sức sống,
Bồi thêm sinh khí kẻo tàn phai.
Chập chờn bóng tối gieo sợ hãi,
Xin hãy đốt lên lửa sáng ngời.
Đồng thanh ca tụng Cha hằng hữu
Và Thánh Tử Ngài Đấng phục sinh.
Thần Linh thánh ái, ơn phù trợ
Muôn thuở ngàn đời mãi hiển vinh.
(Thánh Vịnh kinh tối)
Lời cầu nguyện khiến chị thêm can đảm. Chị tin rằng án chết là luật chung của mọi người, nhưng ơn Chúa lúc nào cũng đủ cho chúng ta; điều quan trọng là chúng ta có cộng tác với ơn Chúa không?
Rồi để giải tỏa cơn sợ hãi, chị gợi chuyện với cô lái đò, cũng hình như đang suy nghĩ cái gì đó. Chị hỏi:
– Cô có buồn ngủ không?
Cô nhỏ nhẹ trả lời chị:
– Quen rồi, Dì ạ!
Cô kéo dài chữ “Dì ạ” làm chị giật mình. Chị đã làm Dì rồi đấy!… Chị nói chuyện với cô:
– Thôi! Cô cứ gọi tôi là chị được rồi, gọi Dì nghe xa cách quá!
Cô điềm đạm trả lời:
– Ấy, đâu có được, Dì! Phải kính trọng người tu hành chứ!
Nghe cô nói vậy, Chị hỏi lại cô:
– Nhà cô có ai đi tu không?
Cô chép miệng trả lời:
– Dạ, trước kia em cũng đi tu, nhưng rồi hoàn cảnh không cho phép, nên em phải về giúp gia đình.
Rồi như sợ chị hỏi thêm, cô kể tiếp:
– Gia đình em đông lắm, cha em mắc bệnh luôn, còn mẹ em một mình đảm đang không nổi, nên buộc lòng em phải về giúp gia đình. Em hy vọng sau này, nếu Chúa giúp, em sẽ cho mấy đứa em đi tu.
Nghe cô tâm sự, chị thấy chị có phước quá. Người tốt lành thiện chí như cô mà Chúa không chọn, việc Chúa làm thật lạ lùng.
Quá nửa đêm, thuyền tới địa điểm. Cô lái đò gác chèo lên rồi dùng sào điều khiển con thuyền. Cô lựa chỗ bờ đẹp nhất ép sát con thuyền vào và dùng sào kìm chặt con thuyền lại cho hành khách bước lên.
Mấy hành khách “đánh hơi” được đã tới nhà, gọi nhau dậy để chuẩn bị lên bờ. Một bà nói bâng khuâng:
– Hôm nay đi lẹ thiệt!
Cô lái đò lễ phép đáp lại:
– Dạ, hôm nay may mắn xuôi nước.
Rồi như một cái máy, người trên đất, kẻ dưới thuyền thoăn thoắt trao quang gánh, thúng mủng cho nhau. Không đầy năm phút là dưới thuyền chỉ còn Dì Năm và chị. Đến lượt Dì Năm bước lên bờ, cô lái đò phụ trao những gói đồ, giỏ xách quần áo cho Dì xếp lên bờ. Người lên sau cùng là chị. Lần này, cô lái đò dìu chị cẩn thận hơn, trong khi chị không cần đến sự cẩn thận ấy nữa. Có lẽ cô muốn tỏ vẻ thân mật “một chuyến đò nên quen” với chị chăng! Dìu chị lên bờ rồi, cô còn nói với:
– Có dịp, em sẽ mời Dì ra nhà em cho biết.
Sau khi từ giã người bạn mới quen, hai Dì cháu tay xách tay ôm tiến về địa điểm.
Xa xa tiếng chó sủa dồn dập, chắc là mấy hành khách đã vào trong xóm, đàn chó đang báo động cho nhau. Khác hẳn với tỉnh thành, ai đi cũng không biết, ai về cũng không hay. Ở đây không giấu gì được. Chị nghĩ, sự có mặt của chị chắc cũng chỉ một bữa là mọi người đều biết, nhất cử nhất động đều được nhận xét, phán đoán hết. Chị thấy hơi chột dạ. Tuy nhiên, cũng có cái hay là bà con có tình có nghĩa gia đình lắm.
Đang đi, bỗng Dì Năm đi chậm lại đợi chị tới ngang, Dì nói:
– Gần tới nhà rồi đó.
Chị nhìn về phía Dì Năm đang hướng tới: một khu nhà tôn sáng bóng dưới ánh trăng, cái ngang cái dọc, còn cái to cao nhất kia chắc là nhà thờ. Chị mường tượng cảnh trí ở đây chắc là lý tưởng lắm, có những hàng dừa quanh năm xanh mượt lúc nào cũng ôm những trái, có con lạch mùa nào cũng có cá, tôm, cua… Chị đang say sưa với tưởng tượng đó, bỗng gói đồ của Dì Năm đứt dây rơi bich xuống đất. Dì Năm cằn nhằn người gói đồ. Dì cháu phải bỏ gói đồ trên tay xuống, mò mẫm thu góp những món rơi vung vãi.
Tiếng động mạnh, rồi tiếng xì xèo của Dì cháu làm cho mấy chú chó phát hiện ra. Thế là từng bầy, mỗi lúc một đông, kéo nhau ra sủa. Chúng tấn công dữ dội quá, làm chị luống cuống suýt nữa té nhào. Chị càng hoảng hốt nó càng làm dữ, mặc dù Dì Năm đuổi đe nhiều lần, mấy con chó vẫn không thèm để ý.
Bước vào khu nhà, cảnh trí tưởng tượng đã hiện ra. Hai bên có những hàng dừa thẳng tắp, trái óng ả dưới ánh trăng, còn có nhiều cây mới lạ chị chưa nhận ra, làm cho khu vực giống như hải đảo giữa biển lửa mênh mông.
Đến cuối nhà thờ, Dì Năm vừa quẹo về phía trái, miệng vừa nói:
– Qua đây, nhà mình phía này.
Chị muốn trao đổi với Dì Năm nhiều cảm nghĩ của chị, nhưng thấy Dì Năm có vẻ vội vã, nên chị cũng như cái máy, chỉ đâu làm đó.
Vào tới cổng, mấy con chó đánh hơi chủ về, chúng nhảy bổ ra quấn quýt mừng Dì Năm. Nhưng chỉ trong giây lát, chúng đánh hơi có người lạ, chúng bỏ chủ quay vào chị sủa ỏm tỏi. Dì Năm phải đe, chúng mới buông tha, nhưng vẫn còn hậm hực. Chị nghĩ, nếu chúng không mắc mừng chủ, hẳn chúng đã quay lại tấn công chị rồi. Tự nhiên chị thấy yêu chúng, là loài vật mà chúng biết hết lòng với chủ và chỉ biết có chủ. Còn loài người lại thua lòng trung thành của chúng đối với chủ mình.
Dì Năm đứng gọi vọng vào trong nhà. Hồi lâu mới thấy ngọn đèn trong nhà thấp thoáng, rồi cửa mới được mở. Dì Năm cằn nhằn:
– Ngủ gì mà ngủ dữ vậy ta!
Nghe tiếng Dì Năm, mấy đứa trẻ ra mở cửa, đồng loạt nói:
– Chúng con kính chào Dì Năm mới về.
Nhưng thấy còn có người đi theo, mà Dì Năm chắc đang giận nên cũng không giới thiệu, chúng chào đại:
– Chúng con kính chào Dì mới tới chơi!
Dì Năm nẹt chúng nó:
– Lộn xộn! Chơi cái gì? Mở rộng cửa vặn đèn to lên coi!
Mấy đứa nhỏ líu ríu làm theo. Còn Dì Năm cứ thoăn thoắt vừa ra lệnh vừa làm:
– Dì bỏ đồ xuống đây, xuống nhà dưới rửa mặt, nghỉ ngơi một chút, để mấy đứa nhỏ nó thu dọn giường…
Chị phải cố gắng lắm mới làm theo lệnh Dì Năm kịp, vì tất cả đều rất lạ với chị. Khi chị mới làm xong bằng ấy lệnh, Dì Năm liền ra tiếp lệnh mới:
– Dì nằm ngủ một chút, trời gần sáng rồi!
Chị thay đồ xong là ngọn đèn lớn để trên bàn cũng vừa thổi tắt, cả gian phòng chỉ còn lại ngọn đèn dầu nhỏ như con đom đóm…
Bốn giờ sáng, có tiếng trống lớn đánh dồn dập. Chị bâng khuâng tỉnh giấc, chưa phân biệt được mình đang ở đâu, đã nghe tiếng Dì Năm gọi:
– Dì em, dậy đọc kinh dâng ngày, rồi lên dự lễ!
Phải cố gắng lắm chị mới ngồi dậy nổi, hai chân mỏi nhừ, người mệt như bị tẩm quất. Đọc kinh xong, Dì Năm lại thoăn thoắt mở cửa này, đóng cửa kia, bảo đứa này, dặn đứa nọ, một lát là Dì Năm biến đi đâu mất. Chị rờ rẫm làm lấy mọi việc, may mà có mấy đứa bé chỉ dẫn, bằng không chị đã vấp ngã. Dù lạ, chị cũng phải làm hết sức mau lẹ, sợ Dì Năm phải đợi.
Quả là khi chị và mấy đứa trẻ bước vào nhà thờ, Dì Năm đã dọn đồ lễ xong, thắp đèn, mở cửa và đang quỳ đợi, để lũ trẻ ra là xướng kinh. Khi đọc kinh nguyện gẫm xong cũng gần tới giờ Cha ra dâng lễ.
Hôm nay là lễ Thánh Gioakim và Thánh Anna, là bổn mạng của ba má, làm chị nhớ tới các ngài và muốn khóc hết sức. Nhưng nhớ mình là con dâu mới về nhà chồng, chị không dám khóc, sợ Dì Năm nghi ngờ, mất cảm tình buổi đầu với Dì, nên chị phải cố dằn lòng. Chị chỉ biết cầu nguyện cho ba má và xin ba má, nếu các ngài đã về cùng Chúa rồi, xin phù trợ cho đứa con gái khờ khạo của ba má đang bơ vơ ở đây.
Cha Sở dâng lễ rất sốt sắng, cử chỉ khoan thai, gương mặt siêu thoát, khi tỏ khi mờ theo ánh sáng lung linh của mấy ngọn đèn cầy, giọng cha trầm ấm rất hợp với vai trò chủ tế.
Số người tham dự trên dưới trăm người, ăn mặc đơn giản, kinh hạt cũng vẫn giữ như xưa, không có gì thay đổi. Lễ vừa xong là nhà thờ hầu như không còn ai.
Sau lễ, Dì Năm dẫn chị sang chào Cha Sở. Chị hồi hộp không biết khi gặp Cha Sở, ngài sẽ đối xử với mình ra sao? Chị nghe nói là ngài khô khan “ít nói, ít cười”, rất nghiêm khắc với đàn bà con gái, ngài chỉ ưa chuyện chính trị thôi. Nhưng chị tự nhủ, sẽ tùy cơ ứng biến.
Dì Năm và chị chưa vào nhà thì ngài đã từ trong nhà đi ra, hình như ngài đang có chuyện gì. Ngó thấy Cha, Dì Năm kêu lớn:
– Anh Ba!
Cha Sở ngước mắt lên nhìn Dì, cặp mắt của ngài có uy thật! Lông mày rậm, con mắt sâu, nhìn ai như hắt lửa vào người ấy. Dì Năm thay đổi cách xưng hô:
– Chúng con đi cấm phòng về. Con đưa Dì em sang bái Cha.
Ngài nhìn thoáng qua chị, rồi hỏi một câu cụt ngủn:
– Tên gì vậy?
Dì Năm đáp thay. Dì ngừng một lát suy nghĩ rồi nói:
– Dạ, Dì Sáu ạ!
Nghe rồi, Cha Sở nói vắn tắt:
– Ừ, tốt! Thôi về nhà sắp xếp công việc lại đi. Dì đi vắng, mấy đứa nhỏ ở nhà lộn xộn lắm đó!
Cuộc tiếp kiến diễn ra không đầy năm phút. Bỏ nhà Cha Sở về, chị cảm thấy nghẹn ngào tủi tủi. Cha Sở chả thèm để ý gì tới mình cả, còn Dì Năm cũng không một lời giải thích, cứ coi mọi việc bình thản như không. Dì có biết cho rằng chị mới về nhà chồng, ít nhất cũng được một lời hỏi thăm… Chị nghĩ vẩn vơ hay tại chị vô duyên lắm, hoặc đã có ai nói gì về chị, có thể Cha Sở không cần chị… Nhưng rồi nhớ đến con thuyền đưa chị đến đây, trên thuyền hành khách đủ hạng người, người lái đò đâu có lựa chọn, gặp ai muốn đi là chở thôi. Đàng khác, chính chị chọn nơi đây mà!
Trở lại nhà lo thu dọn giường chiếu, sắp xếp một hai công việc xong. Dì Năm kêu chị qua phòng khách. Giả như Dì Năm không nói trước chỗ Dì Năm đang ngồi là phòng khách, chị sẽ không biết gọi nó là phòng gì. Phòng ngổn ngang hai ba cái băng dài, mấy cái thúng, cái mẹt, mấy dúm này, mấy gói kia… Dì chỉ cái ghế dài đối diện, Dì nói:
– Ở đây là nhà quê mọi cái đều khác thành thị lắm, thiếu thốn mọi sự, nên phải hy sinh. Dân quê còn nhiều tập quán lập dị mình phải thích nghi…
Nói một thôi, một hồi, về bài học nhập môn, rồi Dì nói tới công tác:
– Công tác chị em ở đây là coi sóc nhà thờ, đóng, mở cửa sáng, tối. Trông coi săn sóc dọn dẹp đồ lễ, đọc kinh, đọc sách. Còn trong nhà thì dạy dỗ mấy đứa “cô nhi”, làm ruộng, nuôi gà, nuôi heo…
– À! Dì thêm -, dạy giáo lý cho mấy đứa xưng tội rước lễ lần đầu.
Cứ nghe Dì Năm kể, chị đã thấy sợ rồi. Lúc ấy chị thấy Bà Nhất có lý, khi Bà sợ chị khó lòng kham nổi công tác ở đây, vì chị thiếu sức khỏe, chưa thích nghi được với gian khổ. Nhưng chị đã hứa với Bà rồi…
Dì Năm mới kể công tác vậy thôi, chứ Dì cũng chưa trao hẳn cho chị công tác nào, bỗng Dì Năm gọi lớn:
– Mấy đứa nhỏ đâu rồi, vô bà bảo.
Mấy đứa nhỏ hình như đứng sẵn ngoài hè đợi lệnh Dì Năm. Nghe Dì gọi, chúng đồng loạt thưa:
– Dạ … à … ạ!
Rồi lần lượt bước vào: bé trước, lớn sau, một dọc chín đứa con trai, đứa nhỏ nhất chừng bốn tuổi, và đứa lớn nhất lối mười tuổi. Chúng len lén nhìn Dì Năm đợi lệnh. Dì Năm nẹt:
– Dì Năm đi vắng, ở nhà tụi bay phá lắm phải không? Ông cố mới mắng tao! Rồi tụi bay biết!
Đứa này nhìn đứa kia có vẻ sợ sệt. Dì Năm tiếp:
– Từ nay Dì giao cho Dì Sáu coi sóc tụi con, nghe không? Phải nghe lời Dì! Đứa nào cứng đầu, cứng cổ là Dì đuổi về, nghe không?
Mấy đứa nhỏ len lén nhìn chị, nét mặt hớn hở… Có lẽ chúng hy vọng chị sẽ dễ hơn chăng?
Chưa hết, Dì Năm nói tiếp:
– Dì phụ trách cho mấy đứa này và dạy giáo lý cho mấy em xưng tội rước lễ lần đầu. Còn những việc khác, chị em chia nhau làm.
Để Dì Năm vui lòng, chị thưa trước với Dì Năm:
– Thưa Dì Năm, em còn khờ khạo lắm, em có điều gì sai trái không vừa ý, xin Dì Năm chỉ dạy. Em sẽ cố gắng hết sức làm vừa ý Dì Năm. Xin Dì Năm cầu nguyện cho em.
Cuộc phân công bổ nhiệm chấm dứt bằng lệnh của Dì Năm:
– Tụi con xuống ăn cơm, rồi ra ruộng làm cỏ. Ruộng mấy bữa nay chắc cỏ ngập đầu rồi đó…
Rời “phòng khách” xuống “nhà cơm” – chị cũng gọi cho nó sang vậy, chứ thật nó chẳng giống nhà cơm nào trên trần gian. Nói đúng hơn, đó là cái bếp nối dài vừa đủ để trải một chiếc chiếu cho bấy nhiêu đứa ngồi ăn. Các Dì cũng ngồi ăn chung với chúng.
Phần chị, từ sáng tới giờ, chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, thế mà đã diễn ra quá nhiều biến cố. Biến cố này chưa qua, biến cố khác đã tới, dồn dập, chồng chất lên đầu lên cổ chị. Chị chả còn thấy đói, mặc dầu chị đã hơn một ngày nhịn rồi. Bưng chén cơm lên chị thấy không thể nào nuốt trôi được, nhưng trước mặt Dì Năm, chị không muốn để Dì Năm coi thường, chị nhất định phải làm cho Dì Năm tin chị không phải là cô gái khờ khạo.
Ăn rồi, chị lo thu dọn sắp xếp và theo tụi nhỏ ra ruộng làm cỏ. Lần đầu tiên bước chân xuống ruộng, chị vừa sợ đỉa, vừa sợ bùn, lại cũng chưa biết làm ruộng, cứ phải coi lũ trẻ làm trước học sau. May mà lũ trẻ đơn sơ không để ý, nếu không, chúng sẽ chọc quê chị lắm. Thế mà chỉ trong tuần lễ làm cỏ xong miếng ruộng, chị đã học được nghề mới, chỉ còn mỗi một tội sợ đỉa là chưa khắc phục được.
Tiếp đến, chị học nghề thứ hai là chăn heo. Bữa đầu tiên heo “chê” không ăn, vì chị nấu cám khê quá. Dì Năm phải đích thân chỉ vẽ cho chị, nhưng cũng phải mấy bữa sau heo mới “vui lòng” ăn đó.
Nghề gì chị cũng cố gắng học, kiểm thảo, rồi suy nghĩ cách làm cho công việc có hiệu năng hơn. Thế là chỉ trong một thời gian, chị đã làm quen được với công việc, gây được tín nhiệm với Dì Năm, và nhất là chiếm được cảm tình với lũ nhỏ. Tuy nhiên, chị phải nhận rằng thời gian này, trí óc chị đỡ phải suy nghĩ đối phó, nhưng thân xác lại mệt nhọc, lúc nào chị cũng có thể ngủ được, nhiều khi kể cả trong giờ kinh nữa. Chị nghĩ chắc lúc này Chúa buồn cười chị lắm: lăng xăng cả ngày, cái gì cũng muốn biết, muốn làm, và dù có mệt mấy đi nữa cũng phải vui tươi như thích thú với công việc. Và chị thường thưa với Chúa:
Tôi vững vàng tin tưởng
Sẽ được thấy ân lộc Chúa ban
trong cõi đất dành cho kẻ sống.
Hãy cậy trông vào Chúa,
mạnh bạo lên, can đảm lên nào!
Hãy cậy trông vào Chúa.
(Tv 26,13-14)