Truyện dài : VÌ SAO SÁNG | Chương Tám
Truyện dài : VÌ SAO SÁNG | Chương Tám
Tác giả: Song Nguyễn
8.
Đột nhiên, Nam quay sang hỏi Cha Trung Tín:
– Nhưng theo con thì vết thương của Loan chắc chẳng phải vào mỹ viện phải không Cha?
– Cha không phải là bác sĩ nên không thể trả lời cho Nam được, nhưng có lẽ nhận xét của Nam không sai. Tuy nhiên, nạn nhân chưa có thể nhận định được như Nam. Loan sợ mẹ la nên mới khóc nhiều như vậy.
Ở đây thì ai cũng biết Thúy Loan đẹp và có duyên nhất trường. Loan hội đủ những điều kiện mà các em trai ao ước: đẹp, con nhà giàu, học giỏi, tính tình lại hiền hậu, dễ thương, không kiêu kỳ như những cô gái đẹp khác. Bọn con trai bàn luận kỹ về Loan là có lý do. Mỗi đứa có cảm tình với Loan theo một cách riêng, nhưng không đứa nào dám tỏ lộ, kể cả trong dịp này. Chúng sợ Cha biết và chúng cũng sợ làm phật ý Loan, bởi cô đang sống trong đầy dẫy mặc cảm, rất dễ phản ứng bất lợi.
Và chính Thúy Loan cũng là người làm Cha Trung Tín rất bận tâm, mối bận tâm về trách nhiệm của một nhà giáo dục và một Mục tử đối với một gia đình có vị thế xã hội.
Cha buột miệng thở dài. Thấy Cha thở dài, không biết nghĩ thế nào, Nam hỏi Cha:
– Cha cho con hỏi câu này, tuy có vẻ tò mò chút, nhưng con cứ thắc mắc hoài. Khi nhìn một người con gái đẹp, tỉ như Loan, Cha thấy như thế nào?
– Chà, Nam hỏi Cha câu hỏi khó trả lời quá. Tuy khó, nhưng Cha sẽ trả lời cho Nam. Trước khi trả lời, Nam trả lời cho Cha câu này đã: nhìn hai hòn sỏi này, Nam có phân biệt được hòn nào lớn, hòn nào nhỏ, hòn nào đẹp, hòn nào xấu không? Chắc là được rồi, chả khó khăn gì khi nhìn hai bức họa người ta có thể nhận định bức này đẹp, bức kia không bằng, còn đẹp như thế nào thì tùy thuộc vào nghệ thuật của tác giả và sở thích của người thưởng thức là như thế nào. Trước hai bông hoa cũng vậy, chắc Nam có thể nhận thấy thích bông hoa này hơn bông hoa kia chứ?
– Dạ, Cha nói con hiểu.
– Thì đây là câu trả lời của Cha. Trước người con gái đẹp, không hẳn chỉ là Thúy Loan, Cha cũng có nhận định chung như Nam, như mọi người khác, cũng thấy nét đẹp, vẻ duyên dáng hấp dẫn của họ. Nhưng một người tu hành, phải vừa tôn trọng cái đẹp tạo hóa đã dựng nên, vừa xác định rõ lý tưởng đời mình là dâng hiến phục vụ tha nhân, để dắt đưa họ về với Chúa.
Tiến phát biểu:
– Có lẽ vì vậy mà người tu hành được nhiều người thương hơn phải không Cha?
– Không hẳn như vậy, nhưng nói chung thì người tu hành hay người độc thân thường có nhiều ưu thế hơn những người có gia đình. Đó cũng là một lẽ tự nhiên: Hoa đã có chủ rồi thì ai được quyền ngắt đem về nữa. Còn những người độc thân, nhất là người tu hành thì không bị điều ấy ràng buộc.
Nam góp ý:
- Vâng, Cha nhận xét đúng đó, tụi con cũng vậy, khi chưa có bồ thì làm quen với cô này, cô khác rất dễ, nhưng khi có bồ rồi thì hình như có một hàng rào ngăn cách…
Mặc dù cha con đã hẹn với nhau là sẽ canh thức, nhưng một hai em đã ngáy. Cha Trung Tín ra lệnh ngừng câu chuyện để nghỉ ngơi. Một ngày vui chơi cũng đã khá mệt. Cuộc chơi còn dài.
Lệnh ngủ được ban hành. Lúc đầu còn một hai tiếng xì xèo, nhưng không đầy năm phút, chỉ còn lại những tiếng ngáy kéo gỗ đều đều.
Cha cũng cố chợp mắt, nhưng âm vang tiếng nói của Thúy Loan dội vào đầu óc Cha: “Liệu mặt con có sao không Cha?”. Một tai nạn gây ra những hậu quả nhiều mặt. Nó sẽ để lại dấu tích không phai mờ đối với Thúy Loan và ảnh hưởng sâu rộng đến trách nhiệm Mục tử và việc giảng dạy của Cha nữa.
Nỗi lo lắng tràn ngập tâm hồn Cha Trung Tín. Hai mí mắt căng cứng, Cha không sao ngủ được. Cha chìm vào lời cầu nguyện và tâm tình phó thác cho Chúa.
Cha Trung Tín thiếp đi trong cơn mộng mị. Cha thấy mình đang trên một con tàu vượt biển mà Cha là thuyền trưởng. Thuyền ra khơi vào một ngày biển động. Con thuyền thì mong manh, nhưng không được trang bị đủ những dụng cụ cần thiết để đối đầu với giông bão. Trên thuyền lại có nhiều nhân vật quan trọng, nếu con tàu gặp nạn, những thiệt hại sẽ không lường được. Và kìa, một con khủng long không biết từ đâu xuất hiện, nó đang phăng phăng lao thẳng vào con thuyền của Cha, như muốn nuốt trọn những người trên thuyền…
Trước mối đen dọa đó, Cha quyết đương đầu với con quái vật; nhưng liệu sức mình không thể làm được, Cha đâm hoảng. May mắn thay, từ đâu đi tới một đoàn anh em đông đảo cùng chiến đấu với Cha. Con quái vật bỏ đi. Con thuyền vượt qua cơn nguy biến.
Toát mồ hôi lạnh vì giấc mơ kỳ quái; Cha đang cố tìm hiểu ý nghĩa, thì một loạt đại bác nổ làm Cha tỉnh hẳn. Thời chiến tranh, đạn nổ bất cứ lúc nào. Những loạt đạn nổ gần là pháo binh bắn vu vơ vào những vùng trắng. Chiến tranh hiện diện thường trực trong cả giấc ngủ, trong cả cuộc vui chơi mùa hè của con trẻ. Rồi đây, khi con trẻ lớn lên, chúng sẽ bị ném vào chiến trường làm bia cho bom đạn. Sự tàn bạo, dã man của chiến tranh thật đáng nguyền rủa.
Trời đã hừng sáng, điệu nhạc trầm buồn của biển khơi đã bị những tiếng nổ của ghe máy làm lạc điệu. Mặt nước đã có thêm nhiều ngọn đèn đỏ nối đuôi nhau in xuống. Một ngày mới sắp sửa bắt đầu. Từ xa tít ngoài khơi, một vùng mây hồng cứ mỗi lúc một đổi sắc. Đoàn thuyền đánh cá cũng mỗi lúc một đông thêm, cho đến khi vầng đông đã nhô lên khỏi mặt nước thì sinh hoạt trên mặt biển cũng bắt đầu, đoàn thuyền chỉ còn là những chấm nhỏ, khi ẩn, khi hiện ngoài chân trời.
Để các em ngủ, Cha một mình lủi thủi đi lo việc bổn phận, xong việc, Cha trở lại chỗ đám trẻ.
Đã hơn bảy giờ rồi mà các em vẫn chưa một ai mở mắt. Cha lay từng em một, chúng mới chịu tỉnh giấc. Cha con sửa sang hành trang rồi lặng lẽ theo nhau trở xuống nhà trọ. Hình như có một cái gì đè nặng tâm trí mọi người. Lúc sắp sửa đối diện, câu chuyện đêm qua lại được nhắc tới.
Ở nhà trọ, các em gái dậy sớm đang đứng tụm năm tụm ba bàn tán. Các em khác vây quanh gường Thúy Loan hỏi thăm bệnh nhân. Thấy Cha vào, mọi con mắt đổ dồn vào như chờ đợi một giải pháp gì quan trọng, không em nào dám lên tiếng hỏi Cha một điều gì, kể cả các em trai, chúng chỉ lặng lẽ theo Cha lại gần giường Thúy Loan ngó và thì thào với nhau rồi lại kéo nhau ra hành lang chờ đợi.
Hỏi thăm về biến chuyển của vết thương, Thúy Loan mô tả là đã khả quan. Cha yên tâm căn dặn Thúy Loan một hai điều rồi bước ra ngoài.
Sắp xếp công việc, lo ăn uống cho nhóm học sinh xong, Cha cố giữ một vẻ mặt bình thản, để không vì một tai nạn của một người mà làm cho ngày đi chơi ghi những ấn tượng xấu, hoặc có thể vì đó mà cuộc đi chơi mất hết ý nghĩa.
Thấy đám trẻ bình tĩnh trở lại, Cha trở vào để đưa Thúy Loan đi nhà thương trước, như lời cô y tá dặn: “Nếu cần, bác sĩ sẽ khâu vết thương cho Loan”. Sau đó trở về, Cha sẽ đưa đám trẻ đi thăm hết những thắng cảnh Vũng Tàu như chương trình đã định.
Trở lại con đường đêm qua, Cha thấy thoải mái, không bù lại cái bực mình đêm qua. Đoạn đường chỉ mất mười lăm phút mà phải đi hang giờ.
Cửa nhà thương cũng đã rộng mở. Những hàng rào kẽm gai đã được xếp gọn bên đường. Người lính đứng gác đi qua đi lại, miệng phì phèo thuốc lá và cười với mấy cô y tá đi làm. Trong nhà thương cũng vậy, những dãy nhà lâu năm theo hình chữ U gọn gàng, sạch sẽ, mở cửa như chờ đợi đón nhận thân chủ. Bệnh nhân cũng đã thức giấc đang đi lui đi tới nhận phần ăn sáng. Tất cả đều nhịp nhàng, bình thản.
Đưa Thúy Loan vào phòng trực, cha Trung Tín thấy cô Quỳnh Vân đã đứng chờ sẵn. Nếu không nhận diện rõ cô đêm qua, thì khó mà nhận ra cô là người quen, vì bây giờ cô đã không mặc bộ đồ trắng, mà là bộ đồ jean rất thời trang, trông cô trẻ trung hơn nhiều.
Gặp Cha, cô mau mắn hỏi thăm sức khỏe và biến chứng của bệnh nhân như người lo cho em gái vậy. Thúy Liễu trả lời qua loa về lời hỏi thăm của cô. Cô quay sang nói với Cha:
– Con xin lỗi Cha, đêm hôm qua Cha đưa cô bé này đến mà con không biết, may là khi Cha về, con coi lại sổ trực, con mới biết là Cha.
– Ồ, có gì mà lỗi với nghĩa, gặp trường hợp như vậy, tôi cũng sẽ xử như cô, nên tôi còn phải xin lỗi cô mới phải.
Được giải hòa, cô nói tiếp:
- Sáng nay, con không trực, nhưng vì tối qua con đã với Cha đưa nạn nhân lại nên con ráng đợi. Bây giờ mời Cha và hai em ngồi đây- rồi quay sang Thúy Loan, cô nói: Chị đi mời bác sĩ đến coi cho cưng nhé!
Không cần phải chờ đến giờ làm việc của bác sĩ tại bệnh viện, cô đi mời bác sĩ quen đến khám cho Thúy Loan mà cô nhận Loan là em con dì. Nghe cô nói có người nhà đau, bác sĩ không thể từ chối. Bác sĩ theo sau cô vào phòng cấp cứu.
Vừa bước vào phòng, cô đã gọi:
- Cưng của chị, vào đây bác sĩ coi cho nào!
Cô quay sang phía Cha giới thiệu luôn:
- Xin giới thiệu với bác sĩ, đây là Linh mục Trung Tín, thầy dạy tôi trước kia.
Sau câu giới thiệu đường đột, Cha Trung Tín cũng đành cúi đầu chào và bắt tay bác sĩ.
Trong khi bác sĩ mở băng ra coi mặt nạn nhân, cô y tá ôm ấp vỗ về y như em cô thật. Rồi cô chạy đầu này đầu kia, lấy món này, cầm món khác, cùng với y tá trực phụ giúp bác sĩ. Thúy Loan được bác sĩ tận tình chăm sóc.
Công việc khâu vết thương và băng xong, Thúy Loan được chính cô y tá đưa ra xe. Cô còn dặn Thúy Liễu cách săn sóc cho Thúy Loan và nhắc Thúy Loan khi nào khỏi bệnh thì viết thư cho cô. Cô nói thêm:
- Bé Loan dễ thương quá!
Thì ra đó là lý do để cô săn sóc tận tình?
Trước khi ra về, Cha muốn dành ít phút để cám ơn vị ân nhân của mình, vì cô đã giúp đỡ, dù đã hết giờ bổn phận; còn Thúy Loan thì đang thiêm thiếp ngủ trong thuốc mê.
Cha đã hỏi qua công việc, gia đình của cô và được biết cô là một dự tòng và chồng sắp cưới của cô là vị bác sĩ vừa rồi. Cô xin Cha địa chỉ và hứa sẽ đến thăm Cha.
Ngồi trên xe nhìn Thúy Loan thiêm thiếp ngủ dựa vào vai Thúy Liễu, nhớ lại cử chỉ, lời nói của cô y tá Quỳnh Vân, Cha thấy mỗi người được Chúa kêu gọi vào con đường của Ngài bằng một đường lối khác nhau. Nhưng Cha cảm thấy hơi lo: liệu sau biến cố này, con đường gia đình Thúy Loan mới bước vào có còn tiếp tục không?
***