Truyện dài : VÌ SAO SÁNG | Chương Mười
Truyện dài : VÌ SAO SÁNG | Chương Mười
Tác giả: Song Nguyễn
10.
Hình ảnh nữ sinh viên chết đuối ở biển, rồi tai nạn của Thúy Loan đêm qua đã ám ảnh Cha Trung Tín. Phải chăng: “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” hay sao, mà hầu hết những tai nạn Cha nghe biết đều nhằm vào những người con gái “hồng nhan”.
Thúy Loan đây cũng rơi vào trường hợp đặc biệt đó sao? Loan đang được các em trai trong trường dành cho nhiều cảm tình. Nhưng trên hết, liệu tai nạn này có ảnh hưởng gì tới việc tìm về với Chúa của gia đình Loan không? Có thể nói được rằng Loan là cầu nối quan trọng trong việc gia đình ông thương gia tìm hiểu đạo Chúa. Cha có nhiều kỷ niệm đặc biệt với gia đình.
Mẹ Loan là một người đàn bà phúc hậu, khoan thai và thanh tú. Đó là cốt cách của người quý phái. Trời còn cho bà nước da trắng hồng, khuôn mặt tròn trịa, vầng trán cao, đôi mắt long lanh như nước hồ thu. Cái mũi dọc dừa ngăn đôi cặp má lúm đồng tiền đầy đặn, nhất là cặp môi đỏ tươi và một nụ cười đằm thắm. Bà có giọng nói ngọt ngào, nói với ai thì như rút ruột, rút gan người ta. Người ta nói: “ông thương gia được danh vọng là nhờ tiếng nói của bà”. “Nhất thanh nhì sắc”, phụ nữ có giọng nói trong như tiếng ngọc thì quý phái bậc nhất.
Tin thờ Phật, bà giữ chay nghiêm nhặt, dù nổi tiếng là một thương gia, giao tiếp nhiều, bà vẫn giữ nếp tốt đó, mặc những lời gièm pha. Bà cũng hiểu khá nhiều kinh Phật và sống theo lời Phật dạy.
Nhà bà thường là trụ sở tiếp đón các vị tu hành. Các ngài ăn ở, thăm viếng hoặc nhờ vả chuyện này chuyện khác, vì bà vừa có đức, vừa có ảnh hưởng với chính quyền. Ngoài ra, bà thường thăm viếng phục vụ và giúp đỡ các Chùa tận tình. Bà làm công quả hầu khắp các Chùa trong vùng. Bà sống tốt và thành tâm. Bà còn muốn cho cả gia đình chồng con cũng sống như bà thì bà mới an tâm. Bà tin vào luật nhân quả của Phật. Ăn ở phúc đức thì sẽ gặp quả phúc.
Trong nhà bà, mỗi đứa con đều là một ân huệ của một đền Chùa mà bà đã khấn. Riêng Thúy Loan đây, lại là con cầu tự mãi tận bên đất Phật.
Một lần, bà được hội liên đới phụ nư mời đi chung với phái đoàn sang thăm viếng mấy nước Á Châu. Đến Ấn Độ, phái đoàn được mời viếng thăm nơi Phật thành đạo. Bà cảm động đến rơi lệ. Bà không ngờ là đời bà có ngày được tới nơi linh thiêng này. Bà khấn vái, kêu van Đức Phật độ trì cho bà và gia đình bà. Ngoài ra, để đánh dấu cái ngày hồng ân này, bà xin đức Phật cho bà một người con. Nếu được nhận lời, bà khấn trọn đời sẽ không bao giờ quên ơn Ngài.
Cầu được, ước thấy, năm đó, bà sinh ra Thúy Loan. Thầy tướng số cũng cho biết số tử vi của Thúy Loan rất đặc biệt. Tuy là gái, nhưng không có người con nào của bà có địa vị danh giá như Thúy Loan. Cả gia đình sẽ được nhờ số của Thúy Loan.
Lời tiên đoán ấy làm bà xác tín mạnh mẽ vào Phật. Bà càng quý con bao nhiêu thì càng kính mến đức Phật bấy nhiêu.
Thúy Loan được bà chăm sóc đặc biệt, đôi khi có sự to nhỏ giữa các con cái trong gia đình, thì bà lại đưa đức Phật và lời tiên đoán của thầy tử vi ra hòa giải. Bà nói: “phải chăm sóc cho Thúy Loan nhiều hơn, vì nó là con Phật, nếu không Phật sẽ gọi nó về”. Vì thế, Thúy Loan chỉ hơi một chút là bà đã cuống lên, lo chạy chữa cho con. Lắm lúc ông thương gia cũng bực mình vì sự lo lắng thái quá của bà.
Càng ngày Thúy Loan càng lớn, tài sắc càng tăng thì lòng tin của bà càng rõ. Bà thường khoe với bà con lối xóm về ơn của Phật Tổ đối với gia đình bà. Do vậy, ai quen với gia đình bà đều biết rõ chuyện Thúy Loan.
Dành tình yêu thương đặc biệt cho Thúy Loan nên bà dễ nghe lời Thúy Loan thỏ thẻ.
Hồi đó, gia đình bà còn ở trên miền cao nguyên đất lạnh, xứ hoa anh đào thơ mộng. Thúy Loan còn là con chim non trong bầy Bạch Yến (phong trào Hướng Đạo). Vì kế sinh nhai, Akela (bầy trưởng) thường vắng mặt luôn, nên các buổi họp luôn gián đoạn. Một thời gian sau, Akela phải rời bầy (bầy là từ riêng của Hướng Đạo để gọi các nhóm trẻ sinh hoạt). Trước khi phải tạm rời bầy một thời gian khá lâu, Akela đã nhờ Cha Trung Tín giúp, vì ngài cũng là một trưởng Hướng Đạo.
Ngày Cha Trung Tín nhận dắt bầy, bầy đang trong tình trạng tan rã. Cha phải trổ hết khả năng để làm cho bầy sống lại: những trò chơi, những bài ca, những cuộc đi săn bắn hào hứng làm cho các chim non lấy lại tinh thần, đồng thời cũng biến bầy thành tổ hấp dẫn các chim ngoài bầy tìm tới.
Những buổi sinh hoạt trước kia lưa thưa, thì từ ngày Cha dắt bầy, thường lần nào cũng đủ số. Ngoài ra, còn rất nhiều chim khác muốn nhập bầy, khiến Cha phải từ chối, vì bầy đã đủ số ấn định. Chính vì lý do từ chối này mà bầy Bạch Yến càng có giá, trong khi các bầy khác chưa đủ số và sinh hoạt lại thất thường. Khi đoàn có giá thì con chim nào sinh hoạt trong bầy cũng được hãnh diện với bạn bè.
Những câu chuyện, những bài ca và các cuộc đi săn làm chim non say mê. Sau mỗi buổi sinh hoạt về, các chim non còn kể chuyện cho gia đình, dạy lại các em bé hoặc các bạn bè. Khi gặp nhau, chúng thường to nhỏ với nhau những câu chuyện trẻ con, đặc biệt là những câu chuyện về Cha bầy trưởng.
Nghe con cái kể chuyện và khoe Cha “bầy trưởng”, các bậc phụ huynh, như bà thương gia, đều chú ý và muốn biết ông Cha đó là ai? Đám trẻ trong gia đình không phải là “chim non”, cũng muốn làm quen với ông Cha vui tính, hiền hậu và tháo vát đó.
Một buổi chiều tháng Năm, tháng hoa Đức Mẹ, trong nhà nguyện cư xá có tổ chức một cuộc rước hoa. Cha Trung Tín đứng tổ chức đội dâng hoa, Cha phải chạy ngược chạy xuôi để kiếm hoa…
Cha mua được gần đủ các màu hoa, chỉ còn thiếu ít nhánh hoa hồng vàng. Cha chạy vòng quanh các vườn hoa cả buổi mà chưa kiếm được thứ vừa ý. Bất chợt, Cha nhìn thấy trong biệt thự nhà ông bà thương gia có một vườn hồng rất tốt, đủ hết các màu hoa. Cha dừng xe trước cổng và lên tiếng gọi vào nhà để xin hoa.
Ngó trước nhìn sau mà vẫn không thấy bóng người xuất hiện, Cha đang tính quay xe trở về, thì một người đàn bà phúc hậu mở cửa ló đầu ra. Niềm hy vọng lóe sáng. Nhưng vừa bước ra khỏi cửa, bà đã lớn tiếng la mắng:
- Không hoa lá gì cả, đi đi!
Chưa kịp hỏi một câu đã bị xua đuổi cách phũ phàng, Cha Trung Tín nhảy lên xe chạy về thẳng.
Câu chuyện tìm hoa đã được Cha Giám đốc Đại Chủng Viện biết tới và có lẽ gia đình ông bà thương gia cũng biết, nên ngay sáng hôm sau, khi vừa tan lớp, một cô sinh viên có lẽ học năm thứ nhất, vì Cha thấy hơi lạ, đến gặp Cha. Trông cô có nét mặt quen thuộc, giống như một người nào Cha đã gặp. Thế nhưng, người này tìm Cha có việc gì? Chắc là để làm quen? Nhưng tại sao đột ngột thế này?
Đoán được sự gặp gỡ hơi bất ngờ, nên người thiếu nữ đó lên tiếng ngay:
– Thưa Cha, con xin phép được giới thiệu, con là chị của Thúy Loan đây. Gia đình chúng con đã nghe em Loan nói về Cha rất nhiều.
– Ủa, Loan nó nói xấu tôi làm sao đó?
– Dạ, có bao giờ em con lại dám nói xấu Cha, trái lại, Loan và các bạn nó luôn miệng khen Cha hoạt bát, vui tính, hiền lành và nhiều điều khác nữa…
– Cám ơn cô nhiều, hôm nay cũng là dịp may tôi được biết cô. Tôi hy vọng sẽ được gặp lại cô…
Thấy Cha định bỏ đi, người con gái nói tiếp:
- Xin Cha cho con mấy phút để thưa với Cha một chuyện này.
Lời xin của người con gái chưa quen làm Cha hơi do dự. Một chuyện làm quen, chuyện nhờ vả hay là chuyện…vì những trường hợp như vậy thường có ở đại học.
Để người con gái khỏi ngượng ngùng và được tự nhiên, vì hình như khi cô xin mấy phút, cô đã đổi sắc mặt, Cha nói:
– Ông bà thương gia vẫn mạnh khỏe chứ, cô?
– Dạ, cám ơn Cha, ba má con khỏe cả và má con có lời xin lỗi Cha.
Cha “à’ một tiếng sửng sốt…
Thì ra, đây là lý do để cô xin gặp Cha. Cha không muốn nhắc lại câu chuyện hôm qua, vì lúc Cha đến và đi có ai biết đâu. Tại sao giờ này cô nói là má cô xin lỗi…Tỏ ra không biết chuyện gì, Cha thăm dò:
- À, má cô có chuyện gì đâu mà phải xin lỗi tôi?
Người con gái nói:
– Cha biết rồi, chắc Cha bỏ qua cho má con đó thôi.
Rồi nàng nói tiếp:
– Hôm qua, khi Cha tới nhà chúng con để thăm em Loan, vì hai tuần nay em con bị đau không đi học, nhưng vì má chúng con chưa được hân hạnh biết Cha, nên khi má con vừa bước ra, theo má con nói lại, má con nghe nói cái gì “…cho hoa”, má con tưởng là ai gọi trêu chọc con, nên má con giận, rồi to tiếng với Cha.
– Thế tên cô là Hoa?
– Dạ, tên con là Thúy Hoa.
– À!, hôm qua nhà nguyện cư xá có tổ chức một cuộc dâng hoa, tôi đang đi kiếm một ít nhánh hồng vàng còn thiếu. Tôi tìm cả buổi mà chưa được. Chạy quanh quanh thấy nhà bà thương gia có vườn hồng đẹp quá, nên muốn gọi người nhà để xin ít hoa. Chờ lâu quá, tôi đang tính về thì thấy bà ra, tôi có nói với bà cho tôi xin mấy bông hoa. Chắc nghe không rõ, nên bà la tôi thế mà…
Thúy Hoa nói tiếp:
- Nghe tiếng người gọi, má con với con đang nấu ăn dưới nhà chạy lên. Má con đi trước, vì còn dở một chút, nên con lên sau. Em Loan cũng chạy ra với con. Nhưng khi chị em chúng con lên tới nơi, thì thấy má con đang la lối và thấy bóng Cha đang đi khỏi. Em Loan có chạy ra gọi Cha, nhưng Cha đã đi mất…Chúng con có hỏi lại má con: “Tại sao má lại la Cha vậy?” má con cho biết: Má con đâu có la Cha. Thấy có người thanh niên lạ, lại đứng nói gì hoa hoa, thì bà tưởng người nào trêu chọc hoặc rủ con đi đâu…
Má con thấy rất hối hận và áy náy, nên mới dặn là sáng nay phải gặp Cha gấp và thành thật xin lỗi Cha về sự lầm lỗi đáng tiếc đó…
Được giải thích và xin lỗi, bao nhiêu nỗi buồn với gia đình ông bà thương gia tan biến mất. Giờ Cha được biết tên và làm quen với người con gái tên Hoa. Lòng quý mến gia đình ông bà thương gia qua Thúy Loan lại được nối kết và đậm đà hơn. Cũng nhờ cuộc gặp gỡ đột ngột này, mà Cha được biết nhiều về gia đình ông thương gia.
Do mối quan hệ làm ăn, ông thương gia quen biết nhiều quan chức, nhờ thế gia đình ông rất có thế giá. Ông lại có người vợ vừa sùng đạo, vừa biết quán xuyến gia đình, chăm lo cho từng đứa con, nên ông rất yên tâm.
Ông bà thương gia có ba người con gái, một người con trai. Họ rất quan tâm đến việc giáo dục con cái. Những giờ rỗi rãnh sau khi làm việc, ông bà thường kiểm tra bài vở và chỉ bảo con. Ông bà không bao giờ tiếc con một điều gì, chỉ mong con nên người. Vì thế, Thúy Loan và Thúy Liễu, ngoài việc học hành ở trường, hai chị em đã được tham gia nhiều phong trào sinh hoạt, đặc biệt là phong trào Hướng đạo.
Nhờ tinh thần Hướng đạo và sự giáo dục đặc biệt của gia đình, Thúy Loan không bao giờ tỏ ra kiêu kỳ hay xem thường bạn be, dù cô được sinh ra trong một gia đình danh giá. Bạn bè trong trường hầu như đều biết đến gia đình Thúy Loan và những ai quen biết Thúy Loan đều có sự quý mến đặc biệt.
Thúy Loan và Thúy Liễu luôn cố gắng học hành. Vì thế, Thúy Loan thường dẫn đầu lớp về nhiều mặt.
Để khích lệ tinh thần học tập của con cái, ba má Thúy Loan thường cho những đứa con có thành tích tốt trong học tập một phần thưởng tự chọn. Đã có lần Thúy Loan chọn phần thưởng đó là một cuộc đi tắm biển ở Vũng Tàu, rồi có lần đi tham quan các đảo ở Nha Trang…
Từ khi sinh hoạt ở “bầy”, Thúy Loan được gặp Cha Trung Tín và được biết Cha Giám Đốc Đại Chủng Viện. Về nhà, cô luôn kể những câu chuyện, những bài học Cha Trung Tín dạy, ca ngợi những điều hay, những nghĩa cử cao đẹp của Cha …Điều đó khiến cho ông bà phó không khỏi ngạc nhiên và muốn có dịp được tiếp xúc với các người thầy của Thúy Loan.
Nhân dịp sinh nhật thứ 12 Thúy Loan xin ông bà tổ chức một bữa cơm gia đình để mời các thầy dạy Thúy Loan, có Cha Trung Tín và Cha Giám đốc Đại Chủng Viện.
Đây cũng là lần đầu tiên gia đình ông tổ chức bữa cơm có sự hiện diện hai vị Linh mục. Họ chưa hiểu biết gì nhiều về Linh mục. Ngay khi gặp gỡ, bà đã không có cảm tình với cái áo dài đen của các ngài. Bà giữ lời ăn tiếng nói. Chỉ trao đổi những điều cần thiết. Trong khi Thúy Loan lúc nào cũng nhí nhảnh. Cô nhõng nhẽo và quấn qúyt bên Cha Trung Tín, đòi cái này, cái kia. Vì là ngày vui mừng của Thúy Loan, nên Cha không từ chối những đề nghị của cô. Cô yêu cầu Cha hát, rồi lại giới thiệu với mọi người bắt Cha làm làm ảo thuật…Không ngờ những cái nho nhỏ ấy làm cho cả gia đình ông bà thương có cảm tình với vị linh mục trẻ này. Họ không ngờ Linh mục lại giản dị, hòa đồng và nhiều tài như vậy. Sự dè dặt lúc ban đầu của bà nhường chỗ cho sự thân thiện. Bà cám ơn các Linh mục đã đem niềm vui đến cho gia đình. Bà có cảm giác như cha Trung Tín đã là người thân của gia đình từ lâu rồi. Cứ nhìn quan hệ thân thiện của Thúy Loan với Cha thì biết con bà tin yêu người thầy dạy của mình như thế nào. Bà nói với chồng mời Cha Trung Tín đến nhà chơi thường xuyên hơn.
Thế là từ đó, Cha Trung Tín trở thành một người thân của gia đình này. Ảnh hưởng của Cha đã hóa giải mối nghi kỵ tôn giáo của bà thương gia. Bà thấy các Linh mục cũng hiểu biết về Phật như bà. Các vị ấy cũng nói đến việc ăn ngay ở lành, nói đến nhân quả, nói đến tình yêu thương sự chia sẻ với chúng sinh đau khổ, nhất là người dân nghèo đang trong tình trạng chiến tranh.
Đã có lần bà hỏi Cha Trung Tín về sự cứu rỗi. Đức Phật dạy, mỗi người phải tự giác ngộ, mỗi người phải tự thắp đuốc lên mà đi, Phật cũng không cứu được mình, thế đạo Chúa dạy thế nào về sự cứu rỗi. Cha Trung Tín nói rằng, Chúa cũng dạy “đức tin của con cứu con”, rằng Nước Trời thuộc về những ai có tinh thần khó nghèo, rằng điều luật quan trọng nhất là mến Chúa yêu người, trong đó yêu người nghèo khổ là căn cốt, yêu người bằng sự trân trọng, cảm thông, chia sẻ. Ngày tận thế, Chúa đánh giá mỗi người ở việc làm cho tha nhân, làm cho người nghèo để thưởng công, không phải ở việc kêu lạy Chúa, lạy Chúa.
Cha Trung Tín còn nói rằng, những người tin Chúa đều nhìn tha nhân là anh em, vì cùng là cành nho trong bản thể Chúa là cây nho. Ôi những điều như thế bà thương gia thấy thật dễ hiểu và sâu sắc. Nó chạm được vào cái tâm của bà. Xưa nay bà làm việc thiện, tu thân tích đức, giúp đỡ người này người kia chỉ vì nhân quả, để kiếp sau mình được sung sướng. Giờ bà hiểu thêm rằng, những việc giúp đỡ người nghèo và việc từ thiện ấy còn vì tha nhân chung trong một bản thể anh em. Hiểu như vậy, bà trở nên thân thiện với Cha Trung Tín và thường chia sẻ những thắc mắc tâm linh với ngài.
Có lần bà chia sẻ những thắc mắc, nghi ngại không sao hiểu được cho rõ ràng, rằng Phật dạy không có linh hồn, không có thượng đế, không có sự cứu rỗi nào ngòai con đường diệt dục để tự giải thóat đau khổ. Nhưng bà lại được dạy rằng mỗi người có tiền kiếp và kiếp sau của mình, vậy nếu không có linh hồn thì cái gì của mình tái sinh? Bà cũng thấy cha ông mình xưa nay thờ trời. Nhà nào cũng có bàn thờ Thiên, trong nhà có bàn thờ ông bà, vậy nếu không có trời hay thượng đế thì ông cha thờ cái gì, chẳng lẽ niềm tin ấy là vô căn cứ, và ông bà sau khi chết đi, vì không có linh hồn thì con cháu thờ cái gì?
Cha Trung Tín thấy quả là những vấn đề hóc búa, tế nhị, nhưng cũng rất thú vị. Cha nói với bà,
- Thưa bà, tôi xin chia sẻ thế này. Ông bà sinh ra cha mẹ. Cha mẹ sinh con cháu, ngược lên là tổ tiên, và nếu ngược lên nữa, ta nhận ra đấng tạo hóa. Vì thế ông cha chúng ta thờ trời là vậy. Và người ta tin vào Mệnh trời. Trời bao trùm tất cả. Con người linh thiêng hơn lòai vật là vì có linh hồn. Nhiều người đã trở thành thần thánh được tôn thờ và hiển linh. Bà có thể nhìn thấy nơi nào trên đất nước này cũng có rất nhiều đền thờ, đình, miếu. Người ta thờ thành hòang, thờ Mẫu, thờ đức thánh Trần. Ở Lăng Ông Bà Chiểu người ta thờ ông Lê Văn Duyệt…Như vậy thế giới tâm linh là có thật, con người có thể trở thành thần linh là vì có linh hồn. Và để linh hồn được siêu thóat, được hạnh phúc, người ta thấy rõ giá trị của đời sống này. Kẻ làm ác ở đời này phải chịu án phạt. Trần gian còn có luật pháp, có tòa án, có trại giam, thì luật Trời nào dung cho kẻ làm ác. Thiên bất dung gian là vậy.
Bà thương gia có vẻ tâm đắc những lời Cha Trung Tín nói, bởi bà nghiệm ở trong lòng, những điều cha Trung Tín nói là sự thật bao đời nay.
Những mối thiện cảm giữa cha Trung Tín và gia đình ông bà thương gia đang phát triển tốt đẹp thì vì công việc kinh doanh, gia đình ông bà thương gia chuyển đi nơi khác. Cha Trung Tín sau khi mãn khóa, phải trở về địa phận bắt tay vào nhiệm vụ chính của mình. Và họ xa cách nhau, không biết là bao lâu…
Cha Trung Tín về đây được ít lâu thì gia đình ông bà thương gia cũng mở những chi nhánh kinh doanh tỉnh này. Mối quan hệ ngày xưa giữa Cha Trung Tín và gia đình ông bà thương gia lại triển nở tốt đẹp hơn. Thúy Loan đang học ở Sài Gòn cũng được chuyển về học ở trường Cha.
Trong một lần Cha Trung Tín ghé thăm gia đình, ông bà thương gia ngỏ ý nhờ Cha hướng dẫn tìm hiểu đạo. Có nhiều điều làm cho ông bà suy tư. Nhờ trời, ông bà kinh doanh có tiền, nhưng chiến tranh thế này, đến mạng người cũng nay còn mai mất, thì của cải chỉ là phù vân. Lý tưởng phục vụ người nghèo của đạo Chúa cho ông một lối thóat. Từ thâm tâm mình, ông muốn được chia sẻ với người nghèo những gì trời ban cho (nhân chi sơ, tính bản thiện), bởi xét đến cùng, sống ở đời này, cái phúc, cái đức chúng ta có là ở những gì ta làm cho người khác. Nếu mình chỉ tu cho mình, tích lũy của cải cho mình, lo giải thóat đau khổ của chính mình, thì con người ấy nào có giá trị gì với đồng loại! Một người như bà, suốt ngày chỉ tụng kinh cầu giải thóat cho chính mình trong khi đồng bào ngòai kia đang tan cửa nát nhà vì chiến tranh, đang chết không tòan thây vì bom mìn, thì việc tụng kinh ấy nào có ích gì? Ông bà thương gia nói với Cha Trung Tín những trăn trở này và xin ngài hướng dẫn để cuộc sống của ông bà thực sự có ý nghĩa và có giá trị.
Cha Trung Tín đã dành nhiều thời gian để chia sẻ và hướng dẫn cho gia đình ông bà thương gia. Lòng đạo của họ đang tiến triển, niềm tin đã đem đến ánh sáng cho họ, và Cha rất hy vọng…
Vậy mà hôm nay xảy ra chuyện đáng tiếc với Thúy Loan.
Nhìn lại chị em Thúy Loan đang dựa vào nhau ngủ, Cha chợt nghĩ đến câu chị em Thúy Loan hỏi Cha: “Liệu chị em chúng con phải trả lời má chúng con làm sao?…chắc má chúng con đánh chúng con chết!”. Câu hỏi ấy chính Cha cũng chưa tìm được câu trả lời.
Đánh mắng, la rầy chị em Thúy Loan, chuyện ấy có thể xảy ra được, vì bà nhất định không cho chị em đi, phải bênh vực, năn nỉ mãi bà mới cho đi, để rồi bây giờ gặp tai nạn, nhưng nhất là mối thiện cảm với tôn giáo của gia đình có còn không, hay nó sẽ bị sứt mẻ, hoặc tan vỡ. Nghĩ đến đó, Cha thở hắt ra một tiếng cho nhẹ bớt những âu lo…Và thầm thì cầu nguyện phó thác cho Chúa…
Tiếng thở dài hơi lớn của Cha làm cho Thúy Liễu quay sang nhìn Cha, cô tưởng là Cha sốt ruột vì trời mưa lớn quá, nên cô nói:
-Mưa lớn quá Cha nhỉ!
Tỉnh mộng, Cha quay sang nói chuyện với chị em Thúy Loan:
- Ừ, mưa lớn quá đi, tháng này mà mưa được là lạ lắm. Thường thường mưa đến tháng mười là dứt rồi, năm nay chắc là có nhiều bão nên mưa thất thường.
Mưa càng lúc càng lớn, tiếng mưa làm át cả tiếng nói, cha con lại trầm mình trong suy tư.
Xe về gần tới nhà, cơn mưa mới dịu lại và ít phút sau, trời đã trở lại trong xanh. Thúy Loan nhìn ra ngoài đầy vẻ lo lắng:
– Thưa Cha, con phải làm gì khi trở về nhà?
– Con cứ yên tâm, Cha sẽ nói với mẹ con. Nhưng nhớ là đừng…khóc lóc thảm thiết đấy nhé!
Câu nói của Cha phần nào làm cho hai chị em Thúy Loan và Thúy Liễu yên tâm. Hai cô biết rằng ba mẹ cô rất quý mến cha Trung Tín, hơn nữa đây là tai nạn vô tình chính Thúy Loan gây ra cho mình. Cha Trung Tín áy náy là vì là người tổ chức cuộc du ngoạn lại không ngăn được tai nạn xảy ra. Thúy Loan định bụng rằng mình sẽ nhận hết lỗi về mình, không để cha Trung Tín phải chịu khổ. Vì cô biết ba mẹ rất thương cô, họ sẽ nghe lời cô nói, và không nghĩ xấu về Cha Trung Tín, không làm khó ngài. Chuyện tiền bạc chạy chữa đối với gia đình Thúy Loan là không thành vấn đề, chỉ lo ngại sự tổn thương đến khuôn mặt nàng.
Cuối cùng, dù muốn dù không, xe cũng đã quay đầu vào cổng nhà Thúy Loan, bỗng nhiên Thúy Loan thấy sợ mẹ…
Xe dừng trước cổng, nghe tiếng còi xe, mọi người trong nhà đổ xô ra nhìn, như đã chờ đợi từ lâu.
Cha xuống xe tiến vào cổng. Bà thương gia chạy ra trước mở cổng. Bà cúi đầu chào Cha Trung Tín và vội chạy ra xe. Kiếng xe bị mưa cùng với bụi làm cho mờ, và như không nhìn thấy con, bà sốt ruột hỏi:
- Thúy Loan, con của mẹ đâu rồi?
Thúy Loan ngồi trên xe, Thúy Liễu đưa tay lên miệng “suỵt” Thúy Loan. Cha lên tiếng:
- Bé Loan đang ngồi ngoài xe, nhưng xin bà để cho tôi nói một chút đã, rồi tôi mới đưa bé Loan vào.
Nghe Cha nói thế, bà linh cảm có chuyện chẳng lành. Tâm trí trở nên hốt hoảng. Bà muốn biết con bà làm sao mà Cha phải rào đón lạ lùng vậy. Nhưng Cha Trung Tín đã kịp thời đứng ngăn ngay cửa ra vào. Quá nóng ruột, bà không nghe Cha nói nữa. Bà nhào ra xe xem con bà ra sao.
Thấy tình thế có thể không kềm chế được, Cha Trung Tín phải chạy theo bà ra xe để can thiệp những gì bất lợi có thể xảy ra.
Nhìn thấy Thúy Loan bước xuống xe, băng dán kín mặt, bà nhào tới ôm cứng con vào lòng, miệng la thất thanh:
- Con ơi, sao mà con mẹ ra nông nỗi này, người ta hại con tôi rồi, khổ thân mẹ quá, con ơi. Mẹ đã không cho con đi, người ta lại còn nài ép cho con mẹ đi. Liễu ơi là Liễu. Sao mày để cho em mày phải băng bó thế này.
Con ơi, từ ngày mẹ sinh con ra, chưa đánh con lấy một roi mà nay làm sao con phải mang tai nạn này. Ông ơi, ông ở đâu, về mà coi con ông này!!! Trời ơi, ai hại mẹ con tôi quá thế này???
Cha Trung Tín đứng chịu trận để bà thương gia chia sẻ tình mẹ con. Khi thấy bà dịu cơn xúc động. Cha lên tiếng:
- Mời bà vào nhà để tôi nói hết đã.
Như tỉnh cơn say, bà thương gia quay nhìn Cha Trung Tín rồi bà cùng Thúy Liễu dìu Thúy Loan vào nhà. Đặt Thúy Loan xuống ghế bố, bà vẫn còn nức nở. Dù vậy, Cha thấy không thể đợi lâu hơn. Cha nói:
- Bà yên tâm, như tôi đã nói với bà lúc nãy, rủi ro này không ai muốn. Chúng tôi đã hết sức đề phòng, coi sóc cẩn thật, nhưng rồi bạn bè vui chơi đuổi bắt nhau, nên mới xảy ra tai nạn. Chúng tôi đã đưa em Loan đi nhà thương, đã chích ngừa và sáng nay đã may vết thương lại cẩn thận lắm rồi và bác sĩ có đoan chắc với chúng tôi là trong vòng một tuần lễ là vết thương sẽ lành…
Nghe cha Trung Tín giải thích, và lời cam đoan của bác sĩ bà mẹ Thúy Loan đã nguôi cơn xúc động. Bà biết đây là rủi ro do con bà gây nên. Bà cũng nhận ra cha Trung Tín đã làm hết trách nhiệm và tình yêu thương với con bà. Trong thâm tâm, bà còn tin vào nhân quả, vận hạn. Mọi chuyện xảy ra đối với một người không phải là tình cờ. Cần phải bình tĩnh để nhận ra những gì còn ẩn khuất. Biết đâu Thúy Loan chịu hạn thay cho ông bà. Bởi Thúy Loan làm gì nên tội. Nếu có tội thì người làm nên tội là ông bà, và Thúy Loan là người nhận cái “quả” do ông bà gây ra. Bà không còn dám trách Cha, trách ai nữa. Bà cho là tại số bà, số con bà, năm tuổi của bà…
Chịu trận cả hơn nữa giờ và hết lời giải thích cho bà thương gia, Cha Trung Tín quay sang an ủi Thúy Loan:
- Đừng buồn, nhất là đừng khóc Loan nhé! Ráng kiêng cữ cho chóng lành, Cha hứa sẽ ra thăm thường xuyên.
Quay sang Thúy Liễu, Cha dặn cô coi chừng em. Quay sang mẹ Thúy Loan, Cha xin lỗi thay cho Thúy Liễu, Cha nhận lỗi đó do Cha và Cha xin chịu trách nhiệm hết.
Khi mọi việc tạm ổn định, Cha Trung Tín mới chào mọi người ra về…
Bây giờ Cha Trung Tín mới thấy tai nạn này có thể lôi kéo nhiều rủi ro khác theo nó. “Họa vô đơn chí”, có thể vì nó mà gia đình mất hòa khí với nhau; có thể vì đó mà cảm tình tôn giáo trong gia đình ông bà thương gia sẽ phai lạt. Việc học hỏi giáo lý mà Cha đang lo cho gia đình ông bà thương gia có thể ngưng lại; cũng có thể vì đó mà Cha sẽ mất Thúy Loan luôn.
Còn nữa, rồi đây dư luận sẽ làm ồn lên. Người ta sẽ tha hồ bịa đặt, xuyên tạc để làm mất uy tín Cha, hạ uy tín nhà trường và biết đâu, kẻ xấu sẽ lợi dụng để gây mâu thuẫn tôn giáo. Tình hình chính trị, xã hội như đang trên chảo lửa thế này thì điều gì cũng có thể xảy ra. Và tôn giáo là một ngòi nổ. Ngòi nổ ấy đang thiêu cháy đất nước này. Nghĩ vậy Cha Trung Tín rùng mình.
Nhưng có điều Cha thấy yên tâm, vì đã làm hết sức mình, hết trách nhiệm của mình với tất cả lòng yêu thương đối với học trò. Lương tâm Cha không có gì áy náy. Nhưng qua chuyện này, Cha cần phải rút kinh nghiệm về công tác tổ chức, về giáo dục học sinh ý thức tự bảo vệ, về việc liên kết trách nhiệm với cha mẹ học sinh, cùng với mọi phương án bảo vệ học sinh không để tai nạn xảy ra. Nói về công việc là vậy. Mọi việc còn trong tay Chúa quan phòng nữa. Chuyện may rủi không bao giờ là tình cờ. Những rủi ro xảy ra trong suốt chuyến đi này nhắc cho Cha thánh ý Chúa. Cha phó thác cho Chúa và chờ đợi ý Chúa thể hiện.
***