Truyện dài : VÌ SAO SÁNG | Chương Mười Sáu
Truyện dài : VÌ SAO SÁNG | Chương Mười Sáu
Tác giả: Song Nguyễn
16.
Chiều đến, Cha Trung Tín được dẫn đến một khu vực nằm sâu trong rừng. Nơi đây có những lán trại mái nằm sát đất. Lòng nhà là hầm hào. Phía trên rừng lá trung quân dày đặc máy bay khơng thể phát hiện. Những địa đạo chằng chịt không biết đâu là lối vào đâu là lối ra. Thóang nhìn thì không thấy ai, nhưng chỉ trong một chớp mắt đã thấy những con người đang đi lại, làm việc rất nhộn nhịp. Rồi họ lại biến mất như có phép tàng hình. Thỉnh thoảng có những người lính trẻ, mũ tai bèo, súng đạn trên người, lấm lem bùn đất, có lẽ ở chiến trường mới về. Những cô gái trẻ áo bà ba khăn rằn, họ là giao liên hay hậu cần gì đó, thấp thóang trong những căn chòi lợp lá trung quân. Ở đây cũng có những bà “mẹ quân Giải phóng” lặn lội nửa đêm vào rừng, mang cơm nước, thuốc men tiếp tế cho bộ đội, du kích. Rồi làm liên lạc, nhận đủ mọi thứ công việc cách mạng, lén lút đi về giữa đồn bót, bom đạn quân thù. Có lẽ bà mẹ quân Giải phóng tiếp tế cho những người bị bắt hai thùng bánh hôm qua là ở đây. Không khí ở đây khác hẳn những gì Cha Trung Tín được nghe nói về Việt Cộng. Đúng là họ có gian khổ, nhưng họ rất vui tươi, sơi nổi và kỷ luật. Họ sinh hoạt với nhau cũng rất thân tình, không có gì là sắt máu như người ta tuyên truyền.
Cha Trung Tín được dẫn vào một lán trại ở xa khu vực sinh hoạt của các cán bộ chiến khu. Ở đây không ai tò mò về những người lạ được dẫn về. Có lẽ họ đã quen với công việc này của các cán bộ. Cha Trung Tín đóan chừng, ở đây có người ra vào nội thành thường xuyên. Họ mua thuốc Tây hay làm công tác liên lạc, kết nối các huyết mạch chính trị, kinh tế, quân sự. Cha đã có nghe kể. Một người bán thuốc tây có lần vô tình đã để lộ thông tin này. Sau này Cha mới biết nhà thuốc tây là một trạm nội thành của Cách mạng.
Người cận vệ dẫn Cha rút đi, họ giao Cha lại cho một người cán bộ khác, chắc là cán bộ điều tra. Bây giờ họ tách rời tất cả những hành khách được dẫn vào đây. Cha không còn trông thấy ai trên chuyến xe cùng đi nữa. Cha hơi lo lắng. Không biết người ta sẽ hạch hỏi những gì? người ta đã biết gì về Cha?
Trong tay người cán bộ ngồi kia là một xấp giấy có ghi chép dày đặc. Những “hồ sơ” ấy ghi gì về cha? liệu đó là những thông tin trung thực hay những bịa đặt vu khống sai lạc. Linh mục, đồng nghĩa với trí thức tiểu tư sản phản động, tầng lớp ăn trên ngồi trốc. Linh mục, đồng nghĩa với kẻ theo Tây, các nhà truyền giáo không là người phương Tây là gì? Điều ấy cũng đồng nghĩa là kẻ thù dân tộc. Hàng triệu người Công Giáo di cư vào Nam 1954 là vì lý do gì? Không theo Tây theo Mỹ thì theo ai? Thì ra tôn giáo cũng là chính trị, cũng là một lực lượng chính trị. Những chuyện Thiên đàng, chuyện cứu rỗi đâu đâu không thấy nhưng chế độ Diệm đàn áp Phật giáo thì đã rõ. Trời ơi! Cha Trung Tín kêu lên- Nếu họ cứ suy diễn như thế, cứ truy nguyên nguồn gốc giai cấp như thế, cứ nhìn lịch sử bằng quan điểm cực đoan như thế, chắc Cha sẽ rất nhiều “tội”. Lạy Chúa! Ngày xưa Chúa nào có tội gì, vậy mà người Do Thái cũng tìm đủ mọi cách để “tìm” cho ra chứng cớ để kết tội tử hình cho Chúa. Lạy Chúa tôi! Cha kêu lên và thực sự xao xuyến, một nỗi sợ hãi lan tỏa khắp thân thể làm cha xuất mồ hôi hạn.
Người cán bộ thẩm vấn chỉ hỏi Cha qua loa. Tên tuổi, nghề nghiệp, nơi công tác, quá trình từ lúc Cha đi học đến khi đi dạy và coi xứ. Dường như ông ta muốn thẩm tra xem Cha có che dấu điều gì không. Câu trả lời của Cha chỉ là “có” hoặc “không”. Ông ta không nói gì thêm. Sau đó Cha Trung Tín được đưa đến một nơi, có lẽ là “trại giam’, Cha gặp lại những người đi chung xe hôm qua, họ đã ở đó trước Cha. Đang trong giai đoạn sàng lọc đối tượng. bên số người còn lại không nhiều. Những người khác được cho về rồi thì phải?
Đêm đầu tiên được ngủ ở “trại giam”, Cha cảm thấy thoải mái hơn. Cha và mọi người cũng được phát một nắm cơm muối và một ít nước. Ở đây Cha được ngủ trên nền đất bằng phẳng và có mái lá che sương. Khá hơn nhiều đêm qua ngủ rừng. Mệt mỏi và căng thẳng quá, khi ngả lưng xuống là Cha ngủ liền. Sáng sớm hôm sau, Cha được dẫn đến một căn phòng nhỏ. Cũng là căn hầm có mái lá che trên mặt đất, dưới bóng tàn cây. Sau chiếc bàn làm bằng một thanh gỗ thô sơ, người cán bộ đã chờ sẵn, ông ngước mắt lên nhìn khi Cha bước vào. Con mắt của ông dán chặt vào Cha như để thôi miên.
Người cán bộ lên tiếng trước:
- Hân hạnh được gặp ông!
Cha lúng túng không biết phải xưng hô thế nào:
- Dạ, xin chào cán bộ, tôi cũng hân hạnh được gặp cán bộ.
Câu chào của người cán bộ dường như là một đòn nắn gân người đối diện. Mặt ông ta lạnh và ánh mắt xanh như ánh thép. Khi thấy Cha Trung Tín trả lời bình thản, lịch sự, không có vẻ gì là nao núng hay sợ hãi, ánh mắt ông ta có dịu đi một chút.
Cha Trung Tín biết rằng ở đây, sự trung thực của Cha có ý nghĩa quyết định. Nhưng Cha cũng cần làm cho người cán bộ hiểu về người Linh mục Công Giáo không như họ đã ngộ nhận.
Sau lời chào, người cán bộ hỏi:
– Ông là Linh Mục?
– Thưa phải.
– Ông vừa dạy học, vừa coi xứ đạo có phải không?
– Thưa phải.
– Ông đi Đà lạt để làm gì?
– Được nghỉ hè tôi đi thăm vài người bạn.
– Bạn ông là những ai? Ai đang làm trong bộ máy ngụy quyền?
– Bạn tôi là những Linh mục, những người học cùng khóa với tôi ở Đại chủng viện, chúng tôi thường gặp nhau mùa hè, chủ yếu là để chia sẽ những vui buồn của đời Mục vụ. Tôi không có bạn làm trong chính quyền Sàigòn
– Ông khai thành thật chứ
– Tôi là Linh Mục, ông có thể tin được
– Tại sao ông lại làm Linh mục
– Đó là một sự chọn lựa lý tưởng, cũng như ông, ông chọn lý tưởng Cách mạng
– Thế lý tưởng của ông là gì?
– Ông thực lòng muốn biết hay sao. Tôi nghĩ điều này cán bộ đã biết rồi.
– Nhưng tôi muốn nghe trực tiếp ông nói.
– Lý tưởng của người Linh Mục là từ bỏ trần gian, theo Đức Kitô đem Tin Mừng đến với người nghèo khổ, người đau khổ, người bị bách hại, đến những người thiện tâm…
– Ông làm được gì cho người nghèo, cho những người bị áp bức, cho những người bị vùi dập vì bom đạn Mỹ, cho đất nước này?
– Thưa ông, những việc ông nói thuộc trách nhiệm của mọi Nhà Nước trên mặt đất này. Ông biết rồi, xã hội có sự phân công trách nhiệm. Người Linh mục nhận lấy trách nhiệm từ Đức Kitô đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó, để biến cải mặt đất này thành Nước Trời, tức là nơi chỉ có tình yêu thương, không có hận thù, bởi đối với chúng tôi, tất cả đều cùng bản thể Đức Kitô, và Đức Kitô dạy chúng tơi yêu thương cả kẻ thù.
– Có nghĩa là các ông yêu thương cả bọn Pháp, Mỹ ném bom trên đầu nhân dân, hủy diệt tàn phá tất cả trên đất này?
– Thưa ông, cho phép tôi trình bày quan điểm của mình. Đó là cách nhìn xã hội theo quan điểm duy vật của các ông, chúng tôi không nhìn theo quan điểm ấy. Là người Việt Nam, chúng tôi mong muốn hòa bình, độc lập, tự do, mong muốn mọi người dân đều được sống tự do, hạnh phúc. Và chúng tôi làm theo cách của mình cho ước nguyện ấy, giống như các ông, các ông sẵn sàng làm tất cả những gì Cách mạng cần. Bà mẹ quân Giải phóng tuy không chiến đấu, nhưng có thể đem cơm, làm giao liên hay bất cứ việc gì. Người Linh mục có thể chữa lành các vết thương tâm hồn chia sẻ sự bình an của Đức Kitô.
– Thôi được rồi, hôm nay chúng ta tạm ngưng ở đây, ông trở về trại.
Người cận vệ hiện ra dẫn Cha Trung Tín về “trại giam” tối qua. Cha Trung Tín cảm thấy vững vàng và yên tâm hơn. Cha đã công khai nói được về lý tưởng của mình. Và dù trong hoàn cảnh nào, mọi lời nói, hành xử của Cha cũng phải sáng lên lý tưởng đó. Bởi đó là chân lý. Chân lý đã tỏa ánh sáng ngay trong hoàn cảnh tăm tối của Cha.
Ngày hôm đó Cha Trung Tín được đi lao động với mọi người. Tốp của Cha được dẫn đi khá xa, Cha không định được phương hướng. Nơi này có nhà cửa dân như một xóm ấp. Nhóm của Cha cùng cuốc đất trỉa bắp với mọi người. Không ai được nói năng giao tiếp gì với người khác. Có lẽ đây là xóm ấp Cách mạng, nơi hậu cần sản xuất hay đầu cầu lương thực cho căn cứ. Xưa nay chưa bao giờ làm ruộng rẫy, Cha Trung Tín thực sự lúng túng. Chỉ một lát cầm cuốc, hai bàn tay cha đã bị phồng, mọng nước, rát vô cùng. Dù sao Cha cũng không muốn để bị đánh giá là Tiểu tư sản. Cha muốn những người Cách mạng nhận ra người Linh Mục có thể làm mọi công việc phục vụ tha nhân.
Làm từ sáng đến quá trưa mọi người được nghỉ hai mươi phút để ăn cơm (gọi là nghỉ ăn cơm trưa cho sang, chứ việc ăn uống chỉ cần năm phút), đó là điều bắt buộc phải xong hết. Một nắm cơm bằng nắm tay, một dúm muối hột và một ít nước. Dù sao lao động vẫn vui hơn trong “trại giam’, ngồi đó mà nơm nớp lo sợ. Cha Trung Tín còn cảm thấy thú vị là khác, vì lần đầu tiên được vào “chiến khu”, điều mà Cha chỉ được nghe nói đến với nhiều thông tin sai lạc. Cũng có thể Cha là thành phần không nguy hiểm nên cán bộ mới cho Cha ra ngòai.
Ngày hôm sau, Cha lại được gọi lên phòng thẩm vấn. Người cán bộ hôm nay là một người khác. Ông ta mặc bà ba đen, nói giọng địa phương. Sau khi mời Cha Trung Tín ngồi, ông ta nói giọng gay gắt:
– Hôm qua ông khai báo không trung thực. Ông có quan hệ mật thiết với ông thương gia. Ông có biết ông ta là ai không?
– Tôi chỉ biết ông ta là thương gia, kinh doanh xuất nhập khẩu. Tôi không quan hệ gì ngòai việc dạy con ông ta và giúp gia đình ông ta học đạo.
– Ông không biết rằng để kinh doanh được, ông thương gia đã có quan hệ mật thiết với nhiều cấp của ngụy quyền Sài gòn, và được bọn quan chức địch che chở. Tôi hỏi ông, ông thương gia đó đứng về phía Ngụy quyền Sài gòn hay về phía Cách mạng? Ông quan hệ với ông ta không là quan hệ với địch là sao?
– Các ông nhìn đâu cũng chỉ thấy ta và địch. Tôi dạy học cho con ông thương gia và giúp gia đình ông ấy học đạo, vì tôi là Linh Mục. Chẳng lẽ việc làm của tôi là sai? Còn việc của ông Thương gia tôi không quan tâm, nếu các ông quan tâm thì đó là việc của các ông. Nếu ông ta có tội với Cách mạng và nhân dân thì Cách mạng cứ xử tội ông ta. Nhưng theo chỗ tôi biết, ông ta có tiếp tế cho Cách mạng.
– Ông khẳng định điều ấy chứ?
– Các ông biết rõ điều ấy hơn tôi. Đó là chuyện riêng của ông thương gia, tôi không có quyền can dự vào.
– Lần này ông lên Đàlạt là để đưa con ông thương gia lên đó hoạt động phải không?
– Đó là nhận định của các ông. Tôi lên thăm vài người bạn Linh mục. Nhân tiện xin chỗ ở ký túc xá cho con ông thương gia. Cô ấy đang học ở Sài gòn, nhưng Sài gòn ồn ào và bất ổn, cô ấy muốn lên Đà Lạt. Trước kia gia đình cô ấy đã ở Đà Lạt. Đó là sự thật.
– Ông có quan hệ gì với cô gái ngồi cùng xe với ông?
– Tôi chỉ mới quen cô ta trên xe. Trước đó hòan tòan xa lạ.
– Giảng dạy ở trong trường, ông nói gì với học sinh về Cách mạng ông có nhớ không?
Cha Trung Tín giật mình. Chẳng lẽ những gì cha giảng dạy ở trong lớp học họ cũng biết sao, nhưng họ biết như thế nào. Cha nhớ lại tất cả những gì mình đã nói với học trò xem có điều gì là “phản động” hay không. Như vậy chắc chắn trong lớp có con em gia đình Cách mạng ngồi học. Về nhà chúng nói lại với cha mẹ những điều về Cha thì họ mới biết. Cũng có thể đây chỉ là một đòn cân não. Làm sao họ biết mình nói gì, ngay cả mình cũng không nhớ. Nhưng chắc chắn mình không nói gì về “Việt cộng”. Chuyện chính trị là chuyện ngòai cổng trường. Nhà trường chỉ dạy đạo làm người, con người Việt Nam với những truyền thống cao đẹp, dạy tri thức khoa học và dạy kỹ năng sống, biết sống vì tha nhân.
– Thưa ông, nhà trường chúng tôi giáo dục các em những phẩm chất nhân bản mà tình yêu thương là phẩm chất hàng đầu. Các em được học tri thức khoa học và học các truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Chẳng hạn truyền thống yêu nước, truyền thống nghĩa tình, truyền thống cộng đồng và những truyền thống tâm linh như tin thờ trời đất, thờ ông bà tổ tiên.
– Chẳng lẽ ông không nói về tình hình đất nước, về chính trị, về chiến tranh?
– Thưa ông đó không phải là môn học, cũng không phải là việc của nhà trường. Tôi là Linh Mục. Tôn giáo đứng ngòai chính trị. Đức Giêsu nói :”Nước tôi không thuộc về thế gian này”. Nước Trời là của những ai có tinh thần nghèo khó. Học sinh trường tôi hầu hết là con gia đình lao động nghèo…
– Thế ông nói thế nào về những ông Linh Mục làm chính trị ở Sài gòn, ở Huế?
– Tôi không phải là các ông ấy nên không trả lời ông được. Xưa nay chính trị luôn lợi dụng tôn giáo và làm tha hóa tôn giáo. Tôi không coi những Linh mục làm chính trị là Linh Mục. Bởi Đức Giêsu đòi buộc chúng tôi từ bỏ trần gian. Đức Giêsu ngày xưa bị người Do Thái giết là vì lý do chính trị.
– Thôi được, hôm nay tạm dừng ở đây, ông trở về trại.
Cha Trung Tín lại được dẫn về trại. Cuộc đối thoại hôm nay cho Cha nhiều kinh nghiệm sống. Người ta cố lái vấn đề vào chính trị. Còn Cha, ngay từ khi vào tu học, Cha đã dứt khóat không để dây dưa gì vào chính trị. Bởi chính trị là tranh giành quyền lực, là thủ đoạn. Chính trị chỉ có thắng hay thua. Thắng thì được tất cả, thua thì mất tất cả. Việt Nam chỉ là một quân cờ trên bàn cờ quốc tế, sự phức tạp không sao biết được. Dù thế nào, tôn giáo dạy yêu thương, không dạy thù hận. Người dân này đã quá khốn khổ rồi, cần tình yêu thương để khâu vá những vết thương cả trong Nam, ngòai Bắc. Lý tưởng tôn giáo của Cha có thể dung nạp được tất cả những giá trị nhân bản, và thuyết phục được những con người có lòng chính trực. Xem ra hai người cán bộ Cha đã đối thoại, họ có thể có những khác biệt, nhưng không thể kết tội được lý tưởng Cha đã hiến dâng cuộc đời để tin theo. Nghĩ vậy, Cha thấy lòng vững tin hơn.
Ngày hôm sau, Cha tiếp tục theo nhóm đi lao động. Qua một cánh rừng dày đến một xóm lao động ở giữa rừng. Đây là một vùng bằng phẳng, khá rộng, có suối nước chảy qua. Cả xóm có chừng vài chục gia đình, đa số là phụ nữ, người già và trẻ con. Cha thấy người ta làm nhiều việc. Vừa trồng lúa trồng khoai làm lương thực, vừa chăn nuôi gia súc. Người dân tiếp tục phá rừng làm rẫy. Họ chặt cây, đốt rẫy, đào gốc cây, trỉa hạt. Có cả lò rèn, họ đang rèn các nông cụ như cuốc xẻng, dao rừng. Và đặc biệt có một lớp học với nhiều nhóm trẻ lớn bé khác nhau cùng học chung. Ông thầy dạy cho nhóm này xong quay sang dạy cho nhóm kia. Bọn trẻ lem luốc nhưng vui vẻ…Cha có cảm giác ở đây không có chiến tranh. Nếu từ máy bay nhìn xuống, trinh sát có tìm đỏ mắt cũng không thấy “Việt cộng” đâu. Bởi nơi này không khác gì những vùng nông thôn khác. Có chăng đây là vùng Cách mạng mà lần đầu tiên Cha được biết.
Chiều về, nhóm của Cha được xuống suối tắm. Mấy ngày qua, không được tắm rửa, giờ được ngâm mình trong nước, Cha thấy khỏe người. Nước suối mát như có nước đá. Thỉnh thoảng thấy cá bơi theo dòng chảy. Nếu không phải đang trong tình trạng bị giam giữ, nhất định mỗi ngày Cha sẽ ra đây câu cá. Tiếng gió rì rào, tiếng suối róc rách, thiên nhiên yên tĩnh tuyệt vời biết bao. Mơ mộng vậy thôi, nào biết ngày mai ra sao, sống chết thế nào.
Mấy ngày sau đó, Cha gặp lại người thiếu nữ hôm trước. Gặp cô, Cha mừng vì thấy cô không đến nỗi quá tệ như Cha tưởng, nhưng có điều Cha không hiểu tại sao giờ này cô vẫn chưa được thả về. Có lẽ cô cũng như Cha chăng. Chắc là có điều gì đó chưa rõ, họ giữ lại để xác minh. Cũng có thể đây là đối tượng họ cần tranh thủ, họ muốn cô ở lại và tiếp xúc với đời sống chiến khu, để rồi sau này, cô sẽ là thành viên tích cực đứng về phía Cách mạng, hay ít ra cũng có cảm tình với Cách mạng. Bản thân Cha cũng tự thấy mình đã có những nhận thức mới, không còn chỉ nghe tuyên truyền của một phía. Và Cha hiểu, tại sao nhiều trí thức Sài gòn lại đi theo Mặt Trận Giải phóng Miền Nam.
Sau lần gặp gỡ đường đột ấy, Cha không còn nhìn thấy cô trong nơi này nữa. Nhiều lần Cha cố ý nhìn kỹ những người làm rẫy trên đoạn đường Cha đi làm, Cha muốn hỏi thăm về tình trạng của cô, nhưng Cha khơng được phép. Cha thấy lo lắng cho cô, thân gái dặm trường, không biết ngày mai ra sao. Nghĩ vậy, Cha thầm cầu nguyện cho cô được bình an.
Thời gian trôi đi thật chậm và thật nặng nề. Lòng Cha không nguôi lo lắng dù có tạm yên tâm được một chút và hy vọng những người cán bộ Cách mạng đã gặp Cha sẽ hiểu đúng vể Cha.
Ngày ngày Cha vẫn đi lao động.
Suốt một tuần qua, cả nhóm tham gia chặt cây phá rừng làm rẫy. Công việc vất vả hơn rất nhiều. Không có cưa lớn, chỉ có dao rừng. Một cây bằng bắp đùi cũng phải chặt rất lâu mới hạ được. Những cây lớn hơn, mấy người xúm vào chặt, phồng rộp hết tay mới đốn ngã. Rồi chặt cành, rồi kéo vào một góc. Cưa những thân cây thẳng để làm cột nhà. Hôm sau chất cành vào một góc rừng. Có hôm mệt quá Cha đã xỉu. Nhưng Cha cố gượng. Cần phải chứng tỏ rằng người Linh mục là người ở giữa mọi người. Lý tưởng Cha theo đủ cho Cha sức mạnh vượt lên tất cả. Cha đã bắt đầu quen với rừng rẫy, quen với thiếu thốn, thấy vui với đời sống lao động tập thể. Tinh thần Cha đã tạm ổn định, và tự bằng lòng với hòan cảnh dun rủi. Không nghĩ ngợi nữa. Tất cả là do Chúa quan phòng. Chúa muốn dùng dịp này để thanh tẩy Cha, để nhắc nhở môn đệ Chúa về những bách hại mà các ngôn sứ là những người đi trước cũng bị người ta bách hại như thế.(Mt. 5,12) Cũng dịp này giúp Cha nhìn lại tha nhân, phía bên này hay bên kia, đàng sau con người chính trị, họ vẫn là thụ tạo Chúa dựng nên, và chắc chắn họ vẫn có lương tâm, vẫn có “tính bản thiện” trời sinh.
Rồi bỗng một hôm, sáng hôm ấy Cha được thông báo lên gặp lãnh đạo trại. Người cán bộ thẩm vấn hôm nay là một người khác. Ông ta trông hiền lành hơn. Trán cao, miệng rộng, nước da hồng hào, dáng đi đứng đường bệ, giọng nói khoan thai. Ông ta mời Cha ngồi một cách thân thiện :
– Sao, thưa ông Linh mục, ông có khỏe không, chắc cũng hơi vất vả một chút?
– Cám ơn cán bộ, lúc đầu tôi chưa quen, giờ có khá hơn. Xưa nay chỉ biết bảng với phấn, giờ mới cầm cái dao cái rựa chặt cây phá rừng làm rẫy.
– Ở đây ông thấy thế nào?
– Ý cán bộ muốn hỏi là…?
– Ông thấy đời sống nhân dân ở đây, cách đối xử của chúng tôi với ông chẳng hạn?
– Tôi học được nhiều điều, hiểu ra nhiều điều và cũng khẳng định nhiều điều.
– Ông có suy nghiệm được gì không?
– Tôi khẳng định mạnh mẽ lý tưởng của tôi.
– Còn với những người mà ông tiếp xúc?
– Những người dân trong xóm, họ làm việc giỏi, họ đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều.
– Ông có điều gì không bằng lòng?
– Tôi đã tập bằng lòng với hòan cảnh mà tôi dấn thân vào.
– Ông không óan trách gì chúng tôi sao?
– Là Linh mục, tôi không óan trách gì các ông. Vì các ông làm theo nhiệm vụ. Cũng như nhiệm vụ của Linh mục chúng tôi là đem Tin Mừng cho mọi người.
– Tôi đem tin vui cho ông, ông có mừng không?
– Tôi không hiểu cán bộ nói gì?
– Chúng tôi đã xem xét trường hợp của ông, thấy không có vấn đề gì. Việc làm, hành động của ông không có tội với nhân dân, không chống lại Cách mạng. Thời gian ở đây ông đã chấp hành kỷ luật nghiêm túc, có thái độ đúng đắn với mọi người. Chúng tôi khuyên ông sống gần gũi với nhân dân hơn, đứng về phía nhân dân và phục vụ nhân dân.
– Xin cám ơn cán bộ đã hiểu tôi.
– Thay mặt chính quyền Cách mạng, chúng tôi trả ông về với gia đình. Ông về trại, sẽ có người đưa ông ra lộ, ông tự đón xe về. Chúng tôi xin trả lại giấy tờ, tiền bạc của ông mà chúng tôi đã tạm giữ. Xin chúc ông mạnh khỏe và thực hiện tốt lý tưởng của mình.
Quả là một tin vui bất ngờ. Cảm tạ Chúa! Con xin cảm tạ Chúa, vì Người đã cho con sức mạnh để đứng vững trong những thử thách cuộc đời. Cha nghĩ đến mọi người. Bạn bè Cha sẽ hết lo lắng. Học trò của Cha lại được học những giờ vui tươi, bổ ích. Giáo xứ của Cha sẽ tiếp tục phát triển và những người Cha đang giúp học đạo sẽ tiếp tục con đường Đức Tin. Bỗng nhiên Cha có cảm giác vui buồn lẫn lộn. Tự do! Tự do! Hai tiếng thật thiêng liêng. Nhưng cái chính là tự do trong lòng mình, trong ý thức của mình, trong việc thực hiện lý tưởng mình theo đuổi. Điều này thì không gì có thể trói buộc được Cha. Cha được về, còn những người anh em khác, không biết bao giờ họ mới được đòan tụ với người thân, và cô sinh viên cha gặp trên xe nữa. Người thân đang mong chờ họ. Chắc mẹ cô đã hết nước mắt và cha cô đã không thể ăn ngon ngủ yên.
Một người giao liên dẫn cha đi đường tắt ra quốc lộ 20. Chị ta ăn mặc như một người dân đi chợ. Chẳng ai biết được đó là một người Cách mạng. Người Cách mạng dù nam hay nữ, trẻ hay già đều có một đặc điểm là sự kiên định lý tưởng và tính kỷ luật. Họ giỏi chịu đựng gian khổ và thích ứng với mọi tình huống của chiến tranh. Chị ta nói chuyện với Cha hồn nhiên, thân tình như những người buôn thúng bán bưng mà Cha thường gặp. Không ai có thể nghi ngờ điều gì khi thấy người đàn bà miền quê này đi bên cạnh một người trông rõ nét trí thức như Cha. Bốn giờ đồng hồ đi bộ trong rừng với Cha bây giờ không còn khó khăn như lúc mới vào nơi này. Cha bỗng cảm thấy thú vị như vừa trải qua một dịp dã ngoại đầy ấn tượng và thật sự bổ ích. Bởi chuyến đi này Cha đã sống Lời Chúa bằng ý thức sâu sắc nhất của mình và bước đi dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần. Con người Cha đã được tôi luyện trong lửa Mến. Ngồi trên xe về Sài gòn, Cha có cảm giác như mình đang bay lên.
***