Truyện dài : VÌ SAO SÁNG | Chương Mười Một
Truyện dài : VÌ SAO SÁNG | Chương Mười Một
Tác giả: Song Nguyễn
11.
Trường Cha Trung Tín dạy là một tư thục (trường tư). Trường thu nhận các học sinh không vào được trường công hay bán công. Vì thế, cả tri thức lẫn hạnh kiểm của các em là mối bận tâm hàng đầu của nhà trường. Trước hết phải là giáo dục nhân bản. Đó là lòng thương người (nhân ái), ý thức về nhân phẩm và tôn trọng nhân phẩm người khác, về lẽ công bằng, tinh thần trách nhiệm, ý thức cộng đồng. Đồng thời các em được giáo dục đạo lý và văn hóa truyền thống của dân tộc.
Học sinh ở trường này đa số là con em dân nghèo. Cha mẹ phải lo toan kiếm sống, ít có thời giờ dạy dỗ con. Chịu ảnh hưởng xấu của xã hội, nhiều em đến trường không có khát vọng học tập. Các em biết rằng rất khó vươn lên khi chế độ thi cử sàng lọc quá gắt gao. 100 em vào lớp Đệ Tam (lớp 10), thi Tú Tài phần I (lớp 11) chỉ đỗ được chừng 40% (40 em). 40 em này lên học 12, chỉ chừng 25%, đỗ Tú Tài phần II, nghĩa là 10 em. 10 em này thi vào Đại Học chỉ đỗ chừng 1 em. Chiến tranh bắt tất cả các em rớt Tú Tài vào quân trường, sau đó ném chúng vào mặt trận. Chưa bao giờ thế hệ trẻ phải chịu một số phận bi đát đến thế. Nghĩ vậy, Cha Trung Tín thấy thương lũ học trò vô cùng, dù chúng làm buồn lòng ngài không ít.
Chỉ còn hơn ba tháng nữa là hết một niên khóa. Cũng như những niên khóa trước, Cha Trung Tín phải làm thế nào để hoàn tất chương trình học, và ôn luyện cho học sinh kiến thức và kỹ năng cơ bản giúp chúng vượt qua các kỳ thi sắp tới. Cha sẽ phải làm việc cật lực. Thời gian còn lại như bước vào một cuộc đua nước rút. Dạy học là một công việc mất nhiều sức lực và tâm huyết. Không có tấm lòng yêu thương thế hệ trẻ thì không thể đứng trên bục giảng.
Nhưng nghĩ đến chúng, nhiều khi Cha thấy nản lòng. Chúng học hành lơ là. Chẳng chịu học bài, làm bài để có kiến thức cơ bản. Chúng đến trường chỉ để cho có bạn vui chơi chứ không phải để chuẩn bị cho tương lai. Chúng gây cho Cha những đau khổ hết sức bất ngờ.
Vì nể ông hiệu trưởng, Cha Trung Tín đã nhận dạy thay cho một vị giáo sư phải nghỉ việc đột xuất. Khi nghe tin Cha sẽ dạy thế, các em học sinh lớp đệ Nhất (lớp 12), đặc biệt các em nữ sinh, đã xì xèo với nhau. Ông Cha này gắt lắm, ông siêng không chịu nổi, bắt học sinh làm bài, học bài muốn hụt hơi. Chẳng những ông không bỏ giờ mà còn bắt học bồi dưỡng thêm.
Tuy có vẻ e sợ Cha Trung Tín, nhưng nghe tin Cha dạy thay, chúng vui và hãnh diện. Chúng chỉ mong Cha dễ hơn một chút, hay thân thiện hơn một chút thì nhất rồi.
Dù thế nào, cũng phải làm cho ông Cha này khóc mới thôi…”Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”. Bọn học trò ngầm tính như thế.
Ngày đầu tiên Cha bước vào lớp, bầu không khí thật trịnh trọng. Sau lời giới thiệu của ông hiệu trưởng, cả lớp đồng loạt vỗ tay thật dài, vừa như để mừng Cha, vừa như để gửi đi một tín hiệu. Dứt tràng pháo tay, cả lớp im bặt, sự im lặng hiếm có trong lớp này từ trước đến nay. Bọn học trò nhìn Cha bằng ánh mắt xa lạ nhưng chăm chú, như để khám phá những đồn đại về Cha. Ông cha này rất khó? Nghe nói, những đứa vô kỷ luật, nhỏ lớn gì cũng bị Cha xử tới nơi tới chốn. Trai gái không phân biệt đối xử. Học với Cha, đứa nào lười biếng cách mấy cũng phải cố gắng, không có chuyện muốn học thì học, muốn chơi thì chơi. Đến trường là để học, học cho thành người, cho xứng với mồ hôi, công sức và sự hy sinh của cha mẹ. Những lời đồn ấy làm cho bọn học trò chưa dám “vuốt râu hùm”.
Cha biết bọn học trò đang “bắt gân” thầy dạy. Như đối thủ đang rình để “ra miếng”. Chúng có số đông. Cái miệng chúng có sức áp đảo. Những đòn đầu tiên sẽ quyết định trận đấu. Giáo dục là dạy người. Nếu học trò không tâm phục khẩu phục thì chúng sẽ không học, kỷ luật cũng vô ích. Người thầy phải thu phục học trò bằng tài, đức và bằng cái tâm. Thầy phải là người thuyền trưởng mạnh mẽ, vững vàng lái con tàu vượt sóng gió băng lên phía trước. Thầy vừa là thầy về nhân cách, thầy về tri thức, và thầy về nghệ thuật trồng người. Lòng bao dung luôn là đức tính quan trọng giúp thầy cảm hóa học trò. Ngòai tính sư phạm, thầy cũng cần tháo vát, hài hước, biết văn nghệ thể thao và nhiều kỹ năng tập thể nữa, như kỹ năng trại, kỹ năng sinh hoạt tập thể, và kỹ năng quan trọng nhất là kỹ năng thấu hiểu cảm thông và chia sẻ…
Kinh nghiệm quản lý trường đã cho Cha biết: một người thầy mới, nhất là thầy dạy thế, bữa đầu dạy, thế nào cũng bị học sinh “bắt mạch”. Một người, bị học sinh đồn đại như Cha, càng kích thích học sinh “thử thách tay nghề” hơn. Biết vậy, Cha vẫn giữ nét mặt thân thiện nhưng nghiêm. Coi như không có chuyện gì lạ xảy ra. Coi đây là một lớp ngoan mà Cha rất thích dạy.
Sau khi đã quan sát, “bắt mạch” Cha rồi, các học sinh quay ra thăm dò phản ứng của Cha, một hai tiếng đằng hắng cố ý, một hai tiếng xì xèo to nhỏ. Một cánh tay rụt rè giơ lên:
- Xin Cha cho chúng con biết “thánh danh”…
Một câu hỏi hàm chứa sự xếch mé, cả sự đùa cợt. Cha im lặng, nghiêm khắc nhìn cậu học trò. Cậu ta như bị tạt nước lạnh, mất hứng, tiu ngỉu ngồi xuống, lắc đầu chữa thẹn. Thật ra, Cha muốn tạo một bầu không khí nghiêm ngay từ phút đầu để răn đe mấy tay anh chị có tiếng phá phách trong lớp này. “Giáo bất nghiêm sư chi nọa”. Giáo dục là phải nghiêm. Nhiều thầy cô chưa có kinh nghiệm vội lấy lòng học trò, sẽ bị chúng lờn mặt và không thể cảm hóa được chúng. Phải nghiêm khắc ngay từ phút đầu. Bao giờ thầy trò hiểu nhau thì mới thân thiện hòa đồng.
Không hỏi han vòng vo để lấy lòng học sinh, Cha bắt đầu nói ngay vào chương trình học, cách chuẩn bị bài, học bài và làm bài của Cha. Nghe Cha nói, em nào em ấy ngồi ngay như tượng gỗ. Rồi để nối tiếp chương trình học, Cha kêu một người nữ sinh ngồi ngay đầu bàn, đưa tập bài học và bài làm lên cho Cha kiểm tra.
Những buổi học sau đó diễn ra trong kỷ luật nghiêm nhặt. Cha nói với học trò rằng, trong bất cứ đòan thể, tổ chức xã hội nào, thì tính kỷ luật phải được đặt lên hàng đầu. Vô kỷ luật là không chấp nhận được. Có kỷ luật là tự trọng và cũng là tôn trọng người khác.
Trong phương pháp sư phạm, Cha Trung Tín quan tâm nhiều đến những em học yếu, phát huy tính tích tực của những em khá. Cha kiểm tra sát sao việc ghi bài, soạn bài, học bài của học sinh. Cha cũng dành thời gian nói về mục đích học tập, về giá trị đời sống, về phương hướng xây dựng tương lai, bởi trước mặt học sinh Đệ Nhất (lớp 12) sẽ là những thử thách rất cam go của con đường vào đời. Chỉ có một con đường thăng tiến là học tập. Cha kể lại nhiều gương học tập của các anh chị lớp trước, giờ họ đã thành đạt. Cha cũng kể gương những danh nhân để học sinh nhận rõ hơn con đường của mình.
Mưa dần thấm đất, chỉ sau một thời gian ngắn Cha Trung Tín đã thu phục được mọi con tim của lớp, bởi chúng thấy Cha thực sự quan tâm đến chúng, bởi những điều Cha dạy bảo là chân thực. Trí chúng sáng ra, lòng chúng cháy lên bao nhiêu hy vọng về tương lai. Cha đã trở thành người chúng hòan tòan tin tưởng. Chúng quấn qúyt bên Cha những giờ giải lao để hỏi han, chia sẻ điều riêng tư, đến nỗi ông hiệu trưởng đã nói nhạo Cha là “Cha của những kẻ thiếu tình thương”.
Thế nhưng, giữa lúc tình thầy trò đang phát triển tốt đẹp, thì lại xảy ra những chuyện rắc rối, đau lòng.
Mai là một học sinh rất ngoan. Cô là nữ sinh ngồi đầu bàn mà Cha gọi lên kiểm tra bài hôm đầu tiên. Trong giờ học, cô chăm chú nghe Cha giảng, nét mặt sáng lên rạng rỡ. Bài kiểm tra nào cô cũng được điểm cao. Bài soạn ở nhà, cô chịu khó tra cứu, và nhờ Cha chỉ dẫn thêm. Cha nghĩ, một người học sinh hiếu học như vậy, bổn phận của một người thầy không nỡ từ chối.
Cha còn nhận thấy ở cô một ưu điểm khác nữa là tinh thần ưa thích hoạt động. Cô tham gia các sinh hoạt học đường cách nhiệt tình, có trách nhiệm, và có năng khiếu. …Quả là một học sinh gương mẫu của trường đáng được thầy cô khích lệ.
Cô cũng thường ghé thăm Cha, thường đem biếu Cha ít trái cây của vườn nhà, ăn lấy thảo. Nhưng Cha trung Tín không quý cô ở những chuyện ấy. Cha quý cô ở sự chân tình cô dành cho Cha. Cha nói với cô, chính sự học tập chăm ngoan của cô và nhiều bạn trong lớp đã khích lệ cha giảng dạy lớp này, dù rất vất vả. Đã có lần cô mời Cha và vài thầy cô ra nhà dùng cơm với gia đình. Tình thầy trò đẹp và trong sáng.
Rồi một ngày kia Cha càng khám phá ra tình cảm cô dành cho cha đã vượt qua tình thầy trò. Có những chi tiết rất nhỏ làm cha phải chú ý. Cô tô đậm tên đệm và tên Cha trên bài kiểm tra hàng tháng. Cô còn tỏ ra bất bình khi thấy Cha cho bạn gái khác điểm cao hơn cô, hay những lúc bạn gái trong lớp chuyện vãn vui vẻ với Cha.
Thực tình, Cha quý mến cô như mọi học sinh khác, đó là tình thầy trò mà bất cứ thầy cô nào cũng có, bởi học trò có quý mến thầy cô chúng mới nghe lời thầy cô dạy bảo. Có chăng Cha chú ý hơn ở chỗ Mai là một học sinh chăm ngoan. Cha luôn giữ gìn ý tứ với mọi học sinh trong khi giao tiếp, để không tạo ra sự thiên lệch, sẽ gây bất bình trong cả lớp.
Nhưng Sự gần gũi của Mai với Cha Trung Tín đã gây đau khổ cho Phong, một nam sinh cùng lớp. Phong đã theo đuổi Mai từ lâu và chắc hai người đã gặp gỡ, thư từ với nhau nhiều lần.
Những cử chỉ gần gũi giao tiếp của Mai với Cha Trung Tín được Phong theo dõi sát sao. Việc Mai lơ là với Phong và thân thiện cới Cha làm Phong điên người lên. Trong mắt Phong, Cha Trung Tín là mối đe dọa nguy hiểm cho tình yêu của Phong với Mai. Chính Cha đã cuốn hút Mai về phía Cha, và cứ đà này chỉ một thời gian ngắn nữa Phong sẽ mất Mai. Và vì thế Phong đã coi Cha Trung Tín như một đối thủ phải loại trừ. Chỉ khi cha Trung Tín đi nới khác thì may ra Phong mới giữ được Mai.
Phong đã có những phản ứng tiêu cự. Không nộp bài, bài làm chỉ viết lăng nhăng chiếu lệ. Nhiều lần Phong tỏ ra thiếu tôn trọng cha Trung Tín. Có lần Phong còn thách thức Cha kỷ luật anh ta. Tất nhiên là Cha Trung Tín hiểu rõ nguyên nhân những hành vi ấy ở Phong, và ngài đủ kiên nhẫn và bao dung để kéo Phong trở lại. Những lần Phong còn kéo bạn trốn học đi chơi, và giỡn chơi trong giờ Cha dạy làm cho Cha Trung Tín phải hết sức kềm chế.
Nhưng quả thực Phong đã làm những việc quá đáng.
Xe Honda của Cha khi thì tự nhiên xăng chảy chan hòa, khô cả bình, khi thì mất kính chiếu hậu, khi thì mất bugi. Đồ phụ tùng và chìa khóa cũng bay mất luôn. Có buổi, vừa bước vào lớp, Cha đã muốn bước ra luôn. Mùi phân chó hôi không chịu nổi, nhưng không thể tìm ra thủ phạm. Có khi, ngăn kéo bàn thầy cô còn có cả cái quần rách…Khi Cha ra đường, thường có những thanh niên lạ mặc đồ chim cò chạy xe kè kè theo Cha. Có khi chúng đảo qua đảo lại trước mặt như gửi lời hăm dọa.
Bầu không khí trong lớp cũng có một cái gì nặng nề, khó thở. Sự thân mật, cởi mở thầy trò hình như đã lùi xa, kể cả nhóm nữ sinh, lúc trước còn ríu rít ngoan ngoãn, bây giờ cũng lơ là theo các bạn trai. Những tiếng xầm xì cứ râm ran trong lớp, không sao dẹp yên được.
Đã có lúc Cha định bỏ lớp. Nhưng nghĩ lại, giảng dạy và giáo dục là hai công việc của người thầy. Giáo dục để các em thành người có văn hóa, có đạo lý, biết sống có trách nhiệm, biết vươn lên, mới là điều quan trọng. Phong đang yêu và có những hành vi mù quáng. Nếu không khai sáng cho anh ta, thì mọi biện pháp, kể cả kỷ luật đều vô ích. Cha cần phải làm gì để giúp đỡ Phong vượt qua sự mù quáng này, Cha cũng tự hỏi những gì mình thể hiện đã gây ra cho Phong phản ứng quá đáng như thế?
Cha Trung Tín đã mời Phong và Mai tới gặp riêng ngài. Căn phòng làm việc của Cha chỉ đủ chỗ kê một giường ngủ, một bàn viết và vài chiếc ghế. Có lẽ giá trị nhất là kệ sách, trên đó có rất nhiều cuốn sách gáy mạ vàng, dày cộm, nhiều sách cổ và cả sách tiếng Anh và tiếng Pháp. Lần đầu tiên Mai và Phong vào phòng riêng của Cha, hai đứa có vẻ khép nép. Chúng chờ Cha mời ngồi mới dám kéo ghế ngồi đối diện với ngài. Cha Trung Tín vẫn giữ thái độ vui vẻ, thân thiện, làm như không có chuyện gì. Ngài còn lấy trái cây cho hai đứa ăn, như tiếp đãi một thượng khách.
Mở đầu chỉ là những lời thăm hỏi về gia cảnh, về việc học và những câu chuyện vui của trường trong những sinh hoạt văn nghệ thể thao. Sau đó cha Trung Tín hỏi trực tiếp hai đứa về tình cảm và mối quan hệ. Cha nhìn thẳng vào Phong, nét mặt nghiêm và hỏi:
– Phong cho cha biết chuyện của con và Mai thế nào rồi?
– Thưa cha…
Phong cố lấy bình tĩnh đễ giữ thái độ có văn hóa, dù sao trước mặt Phong là hai người quan trọng, Mai và cha Trung Tín. Nếu không khéo léo, Phong sẽ mất Mai, và nếu lỡ lời với Cha Trung Tín thì hậu quả sẽ khó đỡ.
Cha Trung Tín khích lệ:
- Có gì cần, con cứ thẳng thắn, bởi vì trước mặt con là hai người thương yêu con, có thể chia sẻ với con mọi điều.
Phong ngập ngừng:
- Thưa Cha, con… yêu Mai, nhưng không biết Mai có yêu con không. Có điều, không có Mai con khơng thể sống được. Con định học xong Tú tài, tìm việc làm rồi xin cưới Mai, nhưng bây giờ con thất vọng quá, vì không biết Mai có còn thương con nữa hay không, nhưng con sẽ làm tất cả để có Mai…
Phong nói những lời sau cùng với một quyết tâm và một nửa như có ý răn đe cả Mai và cha Trung Tín. Mặt Phong đỏ lên, ánh mắt như có chứa hận thù. Cha Trung Tín đã biết được ý Phong, đã cho Phong cơ hội xả những uất ức trong lòng, chắc chắn anh ta sẽ “hạ nhiệt”. Cha hỏi Mai:
- Tình cảm con dành cho Phong thế nào?
Mai im lặng một lúc lâu rồi mới nói, dường như để xét lại lòng mình, hay để nói ra một quyết định quan trọng, cũng có thể là cô mắc cỡ. Phong hồi hộp chờ Mai mở lời, còn Cha Trung Tín cũng hồi hộp vì nếu Mai nói thẳng tình cảm của Mai với cha, lúc ấy Phong có thể có phản ứng không kềm chế được. Cha nhìn Mai, sắc mặt lạnh và thật nghiệm. Ánh mắt nhìn thẳng của Cha Trung Tín làm Mai hiểu ra vấn đề.
- Thưa Cha, lúc trước con có cảm tình với Phong, nhưng… lúc sau này, con thấy Phong sao ấy, không còn là Phong như những gì con mong ước. Con muốn Phong chịu khó học, đỗ Tú Tài rồi đi làm. Con cũng đi làm, khi hai đứa đủ điều kiện sống mới tính tiếp… Nhưng dù thế nào, trước hết Phong phải là người bạn tốt, và là một thanh niên có những phẩm chất tốt, có khả năng xây dựng gia đình, biết thương yêu vợ con và biết sống đẹp giữa mọi người. Còn nếu Phong cứ như bây giờ thì…
Lời Mai nói tác động thực sự vào Phong và mở ra cho cha Trung Tín cơ hội hòa giải và giáo dục. Cha nói với Phong và Mai, giọng gần gũi thương yêu:
- Cả hai con đã nói thẳng ra những suy nghĩ của mình. Cha rất vui vì các con có ý thức tốt cho tương lai của mình. Cha cũng thấy các con có dư điều kiện để thành đạt những ước nguyện. Phần cha, các con biết rồi đó. Đời Cha đã hiến dâng cho Chúa và Giáo Hội của Người. Cha gạt ra ngòai đời Cha những chuyện của người trần gian. Hôm nay cha dạy học ở đây, ngày mai cha đổi đi nơi khác. Trách nhiệm của Cha là hướng dẫn người trẻ đi vào một tương lai tốt đẹp. Cha yêu thương mọi đứa học trò và đem chúng đến gần Cha. Điều này có thể làm cho Phong và các bạn ngộ nhận. Nhưng rồi các con sẽ hiểu. Cha còn trách nhiệm Mục tử, phải chăn dắt đòan chiên cho Chúa. Con biết, trong tình hình cuộc sống đầy biến động và khó khăn như thế này, trách nhiệm ấy nặng nề thế nào. Hôm nay cha nói điều này với Phong, nếu con muốn yêu Mai và giữ được Mai, con hãy thực hiện nguyện vọng của cô ấy, và Cha sẵn sàng kết hợp cho hai đứa. Các con đã trưởng thành, cần chứng tỏ mình là người có ý thức tốt, có phẩm chất tốt và biết sống vì tha nhân, có vậy các con mới có hạnh phúc…
Câu chuyện sau đó trở nên nhẹ nhàng, Mai và Phong ra về với nhiều suy nghĩ. Riêng với cha Trung Tín, cả hai đứa đã hiểu rõ về ngài. Phong nhẹ hẳn người, nhưng lại lo vì làm sao để thực hiện nguyện vọng của Mai. Còn Mai, cô biết, con đường đi về nhà cha Trung Tín đã khép lại. Cô như người mộng du chợt tỉnh…
Câu chuyện về người học trò quậy phá vừa kết thúc thi câu chuyện với ông Hiệu trưởng lại đẩy cha Trung Tín vào những rắc rối hết sức phức tạp khác.
Một hôm, Cha Trung Tín nhận được tờ liên lạc giáo chức trong tỉnh. Mở ra đọc, Cha giật mình thấy có một bài với đầu đề “Nghe đồn”, nhưng rõ ràng là tác giả có ý bới móc, diễu cợt Ban Giám đốc nhà trường. Cuối bài, tác giả còn viết câu kết như một lời thách thức. Lời lẽ bài viết đầy sự chỉ trích, phê phán, xuyên tạc sự thật, khiến Cha phải duyệt xét lại con người tác giả, đồng thời là vị chủ nhiệm của tờ liên lạc.
Tìm hiểu tác giả bài báo, Cha Trung Tín hết sức sửng sốt: tác giả bài báo này không xa lạ gì với Cha, ngày nào mà Cha không gặp một hai lần và có thể nói là còn thân mật với Cha nữa. Chính Cha đã đưa vị giáo sư đó vào dạy ở trường của Cha ngay từ khi ông vừa chân ướt chân ráo ra khỏi nhiệm sở cũ. Ông còn được Cha dành cho một số giờ đáng kể. Nhưng lý do nào đã đưa ông đến sự bất mãn để rồi gây khó cho Cha như vậy?
Ở một trường tư, uy tín của người thầy được thể hiện ở chỗ ông ta được Ban Giám đốc xếp dạy bao nhiêu tiết một tuần, dạy lớp trên (đệ Nhất) hay lớp dước (Đệ Tam). Người được Ban Giám đốc xếp nhiều giờ dạy (tức là có thu nhập cao), dạy lớp trên (có uy tín chuyên môn) thường có quan hệ mật thiết với Ban Giám đốc, được Ban Giám đốc tin tưởng. Muốn được vào dạy ở một trường tư, cần phải có người uy tín giới thiệu. Chỉ cần sau một học kỳ, nếu người thầy mới vào dạy không đạt yêu cầu, Ban Giám đốc sẽ mời đến trao phong bì “cám ơn” (cho thôi việc).
Vị giáo sư này là người có thiện chí, nhưng óc phán đoán của ông không được sâu sắc. Ông bộc trực, hay nói, hay phê bình. Gặp điều không vừa y, là ông nói, ông phê bình liền. Kẻ xấu đã khai thác nhược điểm này của ông. Họ giật giây, kích ông chuyện này, xúi giục ông chuyện kia. Ông đã gây sự va chạm với nhiều người, cả những vị điều hành ngành giáo dục trong tỉnh. Và hôm nay, Cha Trung Tín trở thành một nạn nhân của ông.
Câu chuyện xảy ra có tính cách cá nhân giữa ông Hiệu trưởng trường Đức Trí và phe nhóm của ông.
Ông Hiệu trưởng muốn từ nhiệm để lo việc riêng nhưng Ban Giám đốc muốn giữ ông một thời gian. Lý do họ đưa ra cũng thật xác đáng, vì trước đây, trường Đức Trí lỗ lã quá. Tỷ lệ thi cử xuống thấp. Đội ngũ sư phạm có người bê bối trong sinh hoạt, bị phụ huynh tẩy chay. Nhiều học sinh vô kỷ luật. Cao bồi du đãng quấy phá ngay trong sân trường. Nội bộ trường mất đòan kết.
Ban Giám đốc đã mời những thầy cô có uy tín đến dạy, nhưng họ đều từ chối. Nể lắm thì họ cộng tác một năm hoặc năm sáu tháng là bỏ trường. Giữa tình thế vô cùng khó khăn như vậy, ông Hiệu trưởng đã đứng ra đảm nhiệm.
Khi ông đứng ra nhận trường, bạn bè đã to nhỏ với nhau. Ông sẽ thân bại danh liệt như những vị tiền nhiệm. Làm thế nào để vực dậy một ngôi trường đã mất lòng tin của cả thầy cô và phụ huynh học sinh. Làm thế nào để xây dựng nề nếp và nâng cao chất lượng giảng dạy khi đội ngũ sư phạm không còn đáp ứng yêu cầu. Và những học sinh hư hỏng kia, không thể một sớm một chiều có thể làm chúng trở thành học trò ngoan được.
Thế nhưng ông đã làm được. Bước thứ nhất, ông củng cố đội ngũ sư phạm. Nói gì thì nói, đội ngũ sư phạm là yếu tố quyết định sự thành bại của một ngôi trường. Ông chọn mời những người có tâm huyết, có lòng yêu mến trẻ và có lý tưởng dấn thân phục vụ con trẻ. Ông cam kết bảo đảm các điều kiện làm việc tốt nhất cho họ và đối xử với họ bằng tình đồng nghiệp trân trọng nhất. Điều ấy đã giúp ông tạo được khối đòan kết trong hội đồng sư phạm.
Ông đề nghị Ban Giám đốc cho chỉnh trang lại ngôi trường. Trường học phải khang trang sạch đẹp, phòng học phải thóang mát. Ông sử dụng nhiều biện pháp khích lệ học tập như trao học bổng cho học sinh giỏi hàng tháng, đề nghị Ban Giám đốc giảm học phí cho gia đình có từ hai con trở lên học trong trường, quan tâm thực sự đến những học sinh khó khăn. Hàng tuần ông sinh hoạt dưới cờ với học sinh, dạy dỗ các em những điều hay lẽ phải, nhắc nhở cụ thể từng em chưa ngoan, và biểu dương những em có hành vi tốt. Ông cũng lưu ý đồng nghiệp quan tâm đúng mức đến việc dạy những phẩm chất nhân bản cho học sinh.
Trong trường, ông xây dựng lối sống, lối giao tiếp thật trân trọng. Mọi việc đều phải được giải quyết có tình có nghĩa. Ông tập trung xây dựng một môi trường sư phạm đẹp, đẹp từ trang phục đến ứng xử. Đẹp trong mọi mối quan hệ giữa người với người…
Chỉ một học kỳ, ông đã tạo lập được kỷ luật học đường. Đội ngũ sư phạm đã tạo được lòng tin với phụ huynh và học sinh. Trường sở khang trang, sạch đẹp. Mọi sinh hoạt đều nề nếp và giàu tính giáo dục. Ngay năm ấy, kết quả các kỳ thi Tú Tài thật đáng mừng. Ban Giám đốc không muốn ông từ nhiệm trước khi tìm được người xứng đáng, sợ trường lại rơi vào tình trạng như cũ thì hậu quả sẽ không lường được.
Việc ông Hiệu trưởng đứng ra đảm nhận trường là lời yêu cầu khẩn thiết của Ban Giám đốc, và cũng vì tâm nguyện đối với giáo dục. Nhưng điều ấy lại gây ra những xung đột ngấm ngầm. Vào thời điểm đó, có một số giáo sư cũng muốn đứng ra nắm trường nhưng bị từ chối. Thất bại, họ đã tung ra dư luận ác ý để hạ uy tín, danh dự ông hiệu trưởng, bôi nhọ Ban Giám đốc.
Ông hiệu trưởng trở thành tấm bia cho mọi mũi tên bắn vào. Báo chí, truyền đơn, thư ngỏ được tung ra. Người ta moi móc đời tư ông, dựng đứng lên những câu chuyện để quy kết ông độc đóan, bợ đỡ, bè đảng và tham nhũng…Trong trường, các giáo sư cũng chia bè kết nhóm đả kích hoặc hạ những đòn ngầm hại ông…
Đả kích ông Hiệu trưởng, nhóm chống đối cũng nhân đó mà đả kích Cha, vì Cha là bạn thân với ông Hiệu trưởng. Đây chỉ là dịp “mượn gió bẻ măng”. Kinh nghiệm quản lý trường đã cho Cha thấy, những bất mãn của người này, người kia chủ yếu là vì được dạy ít giờ. Từ đó đi đến mặc cảm không được trọng dụng. Sinh ra tâm lý ganh tỵ. Người ta tự cho mình có tài có đức hơn mà phải dạy lớp dưới. Cũng có khi, người ta khó chịu khi thấy học trò quý mến người này người kia hơn mình…
Những người bất mãn thường ấm ức trong lòng, và khi có dịp là họ ùa vào để phá cho bõ ghét.
Nhiều lúc Cha đã phải điên đầu về những chuyện vô lý này. Cũng có những việc mà ở cương vị quản lý, Cha Trung Tín hết sức khó xử. Trường hợp một Linh mục bạn gửi gắm một giáo sư nhờ giúp đỡ. Cha nhận vào dạy. Nhưng tác phong ông chẳng ra gì, ông còn kéo bè kéo cánh gây lộn xộn trong trường.
Thấy dấu không lành, Cha đã mời ông lên trao đổi. Ông không nhận những việc làm của mình mà còn to tiếng gây sự với Cha. Rồi bất ngờ, ông bị an ninh bắt vì một nguyên cớ nào đó mà Cha không biết. Thế là dư luận đổ cho Cha đã nhẫn tâm đối với ông. Cả trường hoang mang. Nhóm giáo sư phe cánh của ông được dịp làm khó Cha. Khi ông ta được thả ra, Cha đã đến thăm hỏi và chia sẻ những ngộ nhận, nhưng ông cũng nhất định không gặp.
Đó là “chén đắng” cha phải uống. Không sao thanh minh được. Gánh của Cha thật nặng. Đã có lần Cha muốn được trút gánh nặng này, nhưng nghĩ đến lời Thánh Phaolô: “Ơn Ta đủ cho con” (2Cr 12,9), Cha lại bỏ ý định đó và phó thác cho Chúa…
Nhưng nghĩ lại, Cha đã dâng hiến cuộc đời cho Chúa, đã nhận lấy trách nhiệm giáo dục và trách nhiệm Mục tử, thì vui vẻ mà vác thánh giá, không thở than. Con đường trước mặt là con đường dẫn đến núi Sọ. Ngày xưa Chúa còn bị cáo gian, bị xỉ vả, bị lăng lục và bị đóng đinh với một bản án trên đầu. Chúa không óan trách thế gian, hơn thế Người còn cầu xin Chúa Cha tha cho thế gian, vì chúng không biết việc chúng làm. Nghĩ vậy Cha sẵn sàng chấp nhận mọi thử thách.
Đàng khác, nghĩ tới anh em bạn cùng chí hướng đang sống trong những môi trường còn khó khăn gấp trăm, gấp ngàn lần mà các anh em ấy vẫn hăng say hoạt động. Nếp sống của Cha đâu có khó khăn bằng sự từ bỏ mình để trở nên một người thượng giữa các người thượng. Thực sự ai đã từng sống với đồng bào thượng, với những nếp sống, phong tục hoàn toàn xa lạ với nếp sống người kinh, mới thấy việc từ bỏ những tiện nghi của người văn minh là một việc đáng khâm phục.
Rồi những anh em đang ngày đêm sinh hoạt trong các xóm lao động, cùng ăn, cùng làm với họ, để đưa họ về với Chúa. Mặc dù Cha biết các anh em đó là những người học thức, có điều kiện để xuất ngoại một cách dễ dàng, thế nhưng không, họ đã hy sinh tất cả, để trở nên nguồn sống cho các anh em họ đang phục vụ.
Đến những anh em đang một mình lủi thủi ở những vùng đèo heo hút gió, quanh năm như mọi ngày, vẫn cơm rẫy nước buôn, sống chết không biết lúc nào, con người không thể đoán được, chỉ có Chúa biết. Thế mà các anh em đó không một lời ca thán.
Rồi còn đến hàng trăm anh em khác, mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi người mỗi khó khăn khác nhau, nhưng tất cả cùng một chí hướng, một nguyện vọng làm vinh danh Chúa bằng cách hiến tế mình làm của lễ toàn thiêu cho Chúa.
Nên những lúc gặp khó khăn vì bổn phận, cứ nghĩ tới anh em là Cha lại quên hết mệt nhọc và lấy lại nghị lực để tiếp tục công việc phục vụ giới trẻ.
Tuy nhiên, giữa những khó khăn, Chúa cũng tặng những an vui rất đáng kể. Trước hết là những lần học sinh đậu cao. Nhìn những đứa học sinh “dễ ghét” mọi ngày, cười toe toét trong chiến thắng, Cha thấy như quên hết mệt nhọc để cùng cười vui với chúng.
Nhiều học sinh từ các nơi khác tìm xin vào học trường Cha dạy. Nhiều trường phụ huynh học sinh đề nghị với chủ trường mời Cha tới dạy, để nâng kết quả giáo dục. Nhiều trường hợp Cha đã phải chối từ vì không có thời gian, hoặc vì hoàn cảnh không cho phép. Cha hiểu, những nỗ lực của mình đã có tác động với cộng đồng, làm tăng uy tín, giúp Cha làm tốt trách nhiệm Mục tử.
Nhưng để giữ được niềm tin trong lòng giới trẻ, Cha phải cố gắng sống xứng đáng với cương vị của mình. Sống tận tụy, hy sinh. Đời tu đã là từ bỏ tất cả để vác Thánh giá theo Chúa, dạy học cũng không khác gì đời tu. Người thầy phải giữ gìn từ lời ăn tiếng nói đến những sinh hoạt, giao tiếp, sao cho mình là gương sáng cho học sinh. Người Linh mục thầy giáo phải vượt trội về lòng yêu trẻ, về đức độ và lòng bao dung, phải từ bỏ mình triệt để mà hòa mình với trẻ, lắng nghe, cảm thông và chia sẻ. Bởi tuổi trẻ luôn đòi hỏi lý tưởng, đòi hỏi người thầy phải là người thực sự là thầy về mọi mặt. Chung quanh chúng có bao điều tiêu cực làm chúng hoang mang, hoài nghi. Cha hiểu trách nhiệm của mình thật nặng nề và khó khăn.
Cha Trung Tín còn coi sóc một họ đạo.
Mặc dù họ đạo chỉ có mấy chục gia đình ở ngoại ô, nhưng công việc Mục vụ cũng như mọi họ đạo khác. Trao cho Cha coi sóc họ đạo, Đức Cha căn dặn Cha lo cho giáo dân dâng lễ ngày Chúa nhật. Ở đây xa nhà thờ chánh, đa số là dân lao động, phải đi làm sớm, nên những việc đạo đức thường chịu thiệt thòi. Cha phải làm sao để bù đắp cho họ. Rồi dân tị nạn ở nơi khác tràn đến, và người trở lại cũng đông hơn. Cha Trung Tín đã phải làm việc không ngơi nghỉ. Việc đầu tiên là lo làm nhà nguyện, để có chỗ cho vài trăm người thờ phượng Chúa.
Đây quả là công việc lớn lao qúa sức với tầm vóc một cha giáo như Cha Trung Tín. Dạy học còn có chuyên môn được đào tạo bài bản, còn việc làm nhà nguyện thì chẳng ai dạy, chẳng có bài bản gì. Cha chỉ có lòng nhiệt thành việc nhà Chúa và lòng yêu mến các linh hồn mà dấn thân chạy đầu này đầu kia, xin chỗ này, xin chỗ khác. Ơn Chúa, đi đến chỗ nào Cha cũng xin được không nhiều thì ít. Có những người thật hảo tâm, họ cho hẳn một mái tôn nhà nguyện, một gác chuông hay cả gian cung thánh. Đức Cha cũng hết sức hỗ trợ. Các Linh mục bạn mỗi người tiếp một tay. Công việc đã hoàn thành tốt đẹp. Khi nhà nguyện được hòan thành thì số người đến cư trú tại giáo xứ lại tăng vọt.
Việc dạy giáo lý cho tân tòng làm Cha mất nhiều thời gian và công sức. Giáo dục Đức Tin cho những người chưa biết Chúa khó khăn hơn cha tưởng nhiều. Trẻ nhỏ học đạo rất nhanh. Đức Tin của chúng trong veo và đầy ắp ơn Chúa Thánh Thần. Với người lớn tân tòng, tâm hồn họ là mảnh đất vô cùng phức tạp, không dễ gì ngày một ngày hai Đức Tin có thể bám rễ. Ngày xưa Chúa Giêsu dạy dỗ các tông đồ ba năm, làm nhiều phép lạ hiển nhiên trước mặt các ông, cho Phê Rô chứng kiến sự vinh quang của Chúa trên núi Taborê, vậy mà Phê- rô có lúc còn bị Chúa quở rằng sao lại hèn tin. Và chính Phêrô đã chối Chúa ba lần dù đã được Chúa cảnh báo trước. Ngày nay, trong một xã hội thực dụng, trong hòan cảnh khốc liệt của chiến tranh, sức Cha lại yếu đuối, nếu không có Chúa, Cha sẽ không kham nổi công việc.
Ngoài gia đình ông bà thương gia, còn có mấy vị giáo sư và hàng chục gia đình tân tòng đang theo Cha học đạo. Có rất nhiều cái khó. Làm sao thu xếp được thời giờ thích hợp để cha gặp gỡ họ, vì ai cũng bận công ăn việc làm. Họ xuất thân từ nhiều thành phần xã hội, tín ngưỡng, làm thế nào để họ thấy mình gần gũi với Đức Tin Kitô giáo. Và điều tiên quyết là phải trả lời được cho họ câu hỏi theo Chúa để làm gì. Trong giao tiếp ứng xử, Cha phải rất chân tình, tế nhị, để họ có thể nhìn thấy những gì Cha giảng dạy thực sự hiển hiện trong đời sống của Cha và trong cộng đồng giáo xứ. Không thể chỉ rao giảng bằng lời mà phải bằng sống chứng nhân. Làm sao cho người ta nhận ra đạo của Chúa là đạo yêu thương.
Cha dần dần cho họ hiểu rằng theo Chúa là để được sống trong yêu thương, trong bình an, bởi Thiên Chúa là Tình yêu và Chúa Giêsu khẳng định Nước Trời là của những ai có tinh thần nghèo khó. Chúa bảo hãy học cùng Chúa, vì Chúa hiền lành và khiêm nhường..
Chính tác giả thư gởi tín hữu Do Thái cũng đã từng vạch đường lối đó. Ngài nói: tương tự như lúc còn bé, đứa trẻ chỉ cần uống sữa là đủ để nuôi sống đời sống đơn giản của chúng. Nhưng khi trở thành người lớn, chúng phải hoạt động nhiều hơn, phải đi lại, phải làm việc đôi khi nặng nhọc, thì cần phải ăn đồ cứng như cơm, bánh mì, thịt, rau…mới đủ chất bổ để sống đời sống của một người lớn…(Dt 5,12-14), nên Cha cũng cứ theo đường đó để hướng dẫn những người tân tòng.
Có điều đây là một điểm khó khăn cho cả Cha lẫn người được hướng dẫn. Một người thương Cha, mến Cha để học đạo, lúc nào họ cũng nhìn Cha như một lý tưởng để họ sống, nên Cha cũng đáp lại bằng đời sống xứng đáng lòng họ ao ước. Với người tân tòng, không dễ một sớm một chiều có được ĐứcTtin sâu sắc. Họ cần nhiều thời gian để củng cố.
Chuyện học đạo cũng rất phức tạp. Cha đã được nếm những “trái đắng” của công việc này. Có người đến xin Cha học đạo, nhưng chỉ là cớ để nhờ vả chuyện này chuyện khác, có khi còn lường gạt Cha…. Nhưng thành công nào mà không có thất bại? Tôn chỉ Cha đã nêu ra: muốn trái ngon thì phải vất vả. Vì thế, Chúa cũng thương để những trường hợp đó xảy ra cho Cha hiểu rằng: Phaolô trồng, Apôlô tưới, còn việc lớn hay không là việc của Chúa.
***