Truyện dài : VÌ SAO SÁNG | Chương Mười Lăm
Truyện dài : VÌ SAO SÁNG | Chương Mười Lăm
Tác giả: Song Nguyễn
15.
Những hành khách được chia thành từng nhóm nhỏ và dẫn đi rải rác cách quãng nhau. Cha được dẫn đi cùng với năm người đàn ông, có lẽ là công chức hay quân nhân gì đó. Nạn nhân nữ duy nhất là cô nữ sinh viên. Đường rừng quanh co làm Cha Trung Tín mất phương hướng. Chưa vào rừng bao giờ, Cha Trung Tín không sao định vị được nơi mình đang đứng là ở đâu, vì trong rừng cây dày đặc, chỗ nào cũng giống chỗ nào, không có gì để làm dấu. Đi chừng hai giờ đồng hồ thì dừng lại. Sau đó năm người đàn ông được dẫn đi một lối khác. Từ đó, Cha không biết gì về số phận của họ. Những người khác có lẽ được thả về. Đâu đó vẫn nghe tiếng người hướng dẫn thúc giục. Cha Trung Tín có phần yên tâm vì xung quanh mình vẫn còn nhiều người.
Xa xa có tiếng xe chạy, như vậy nơi đây cũng không xa quốc lộ 20 là mấy. Cô gái bị dẫn đi cùng với Cha khóc nức nở. Một tiếng “huỵch” sát ngay bên, người thiếu nữ vấp ngã, không biết cô có hề hấn gì không.
Rừng về chiều càng thâm u hơn. Càng vào sâu càng tăm tối. Cha Trung Tín không biết mình được dẫn đi đâu và để làm gì. Giữa không gian mênh mông của rừng, Cha mới thấy phận mình quá nhỏ nhoi. Sự sống hay cái chết chỉ trong gang tấc. Mình hòan tòan bất lực trước số phận mình. Bây giờ mới hiểu hết ý nghĩa của tự do. Trăm ý nghĩ ngổn ngang. Tại sao họ lại bắt mình, vì lý do gì và để làm gì, chẳng lẽ họ không biết Cha là Linh mục? Hay Linh mục cũng là kẻ thù của Cách mạng. Những vấn đề của lịch sử thì can hệ gì đến mình?
Thời giờ và biến cố…những tiếng đó đã trải dài trên cuộc đời Cha. Từ khi Cha biết dùng những tiếng ấy, thời giờ luôn gắn liền với biến cố. Chẳng hạn như thời giờ này đây, Cha đang bị dẫn đi như một tù nhân. Cha đã làm gì nên tội và vì ai?
Hình ảnh các Linh mục cùng chí hướng hiện ra trước mắt Cha. Chuyến đi này Cha Trung Tín đi thăm những anh em Linh mục đồng khóa. Vì tình nghĩa, và cũng là dịp để anh em chia sẻ kinh nghiệm của đời Linh mục cho nhau. Chắc các anh em cũng đang chờ mong Cha, bởi Cha đã báo trước chuyến đi và giờ gặp gỡ anh em. Giờ này khi biết tin Cha mất tích, không biết họ sẽ phản ứng thế nào. Chắc là rất lo lắng và hoang mang. Bản thân Cha lúc đầu cũng sợ hãi và hoảng hốt, nhưng giờ này Cha đã xác định được con đường của mình. Con đường theo chân đức Kitô, và học theo ngài. Bình tĩnh đối mặt với cuộc đời, chẳng có gì phải lo sợ vì có Chúa luôn ở bên mình…
Hình ảnh những người con giáo xứ Cha trông coi, hình ảnh Thúy Loan và gia đình ông thương gia, hình ảnh những lớp học sinh Cha giảng dạy, tất cả cùng hiện ra trong tâm trí. Ôi, bao nhiêu yêu thương Cha đã dành cho họ, không biết giờ này họ có biết Cha đang ở giữa rừng không? Họ nghĩ gì về Cha? Nếu biết tin Cha bị bắt đi, chắc họ cũng sẽ hoang mang. Bởi chiến tranh, nào ai biết trước được việc gì sẽ xảy ra. Rồi những việc Cha đang đảm trách sẽ bị đình trệ, đặc biệt là việc truyền giáo, việc dạy giáo lý cho tân tòng, việc giáo dục đức tin cho lớp trẻ, cả việc trường nữa, ai sẽ thay Cha làm công việc quản lý? Bây giờ Cha đã rơi vào biến cố này, ngày trở lại không chắc gì. Việc học đạo của gia đình ông bà thương gia có thành không? Cha thấy trước mặt mù mịt, không thấy gì hết, chỉ có Chúa biết.
“Huỵch…huỵch…” Cha bị vấp, cắm mặt xuống đất, người lăn đi mấy vòng.. Người dẫn đường cũng té đè lên Cha. Anh ta đã quen với đường rừng nên trỗi dậy ngay. Thấy Cha lăn vòng dưới đất không gượng dậy được, anh ta giơ tay kéo Cha dậy. Cha lên tiếng cám ơn, nhưng anh ta không đáp lại. Có thể là anh ta cần giữ bí mật?
Vì không quen đi bộ xa, nhất là đi chân không, nên Cha cảm thấy đau buốt. Cha vừa vấp té, máu ở ngón chân và đầu gối bị rách chảy ra nhiều. Cha muốn mở mắt ra nhìn vết thương như thế nào và tìm kiếm cây lá cầm máu cho đỡ rát, nhưng không biết nói với ai được. Cha đã hỏi thử mà không có ai trả lời. Mặc dù Cha vẫn nghe bước chân người đi đều đều bên Cha.
Một lần té, hai lần té…đường thật khó đi. Có nhiều quãng đường phải dắt dìu mới đi được. Quần áo Cha chắc đã rách nhiều chỗ. Hai bàn chân máu ra nhiều, nặng cứng và đau buốt ghê gớm; nhưng cái cực nhất là khát nước, miệng khô đắng đến những nuốt nước miếng cũng đau xót, thế mà Cha vẫn phải cố bước đi. Người hướng dẫn luôn thúc đẩy Cha từ phía sau…
Bỗng xa xa có tiếng máy bay phản lực …Lệnh khẩn cấp, tất cả đều phải dừng lại và núp dưới gốc cây để tránh bom. Cha bị đẩy ép sát người vào một thân cây. Lúc đó có tiếng người nói như ra lệnh:
- Tất cả nằm im.
Tiếng máy bay sà xuống ngay trên đầu, tưởng có thể giơ tay với được. Cha muốn làm một dấu hiệu cầu cứu, nhưng biết chắc nếu bị phát hiện thì hậu quả thật khó lường. Cha thầm cầu nguyện: “Lạy Chúa, nếu được, xin cất con đi, con xin sẵn sàng…”. Máy bay vòng một lượt rồi vụt luôn. Có lẽ nhà chức trách đã được thông báo về vụ bắt này, nên máy bay chỉ ghi nhận mục tiêu chứ không sử dụng hỏa lực.
Sau lần bị máy bay uy hiếp này, các cán bộ nghi ngờ đã có sự tiết lộ của mấy người bị bắt lúc sáng, nên họ ra lệnh đổi lộ trình. Không còn lối đi, đường gồ ghề, rậm rạp. Những người bị dẫn đi thay nhau vấp té luôn,
Cha Trung Tín nhìn quanh. Đâu cũng là rừng dày đặc, không phân biệt được mình đang ở khu nào và mình sẽ đi về đâu. “Nhưng biết để làm gì? Con xin phó thác đời con cho Chúa. Và xin chịu mọi sự đau đớn để được chia sẻ con đường thập giá của Chúa”. Ý tưởng đó khiến Cha mạnh mẽ đối phó với đau khổ. “Chúa muốn mình chịu cảnh đau khổ hiện thời, mình sẽ vui nhận. Không lo sợ, nhát đảm. Chúa muốn mình sống, hay Chúa gọi mình về với Chúa, mình cũng tạ ơn Chúa. Chỉ xin cho, dù hòan cảnh bi đát thế nào, cũng làm cho Danh Chúa được cả sáng và ý Chúa được thể hiện…”. Những lời tự an ủi giúp Cha Trung Tín cảm thấy bình an và thêm can đảm.
Trời mỗi lúc một lạnh hơn, những vết xẻ rách căng lên nhức nhối, càng lúc càng dày vò đến có thể xỉu được. May quá, lúc đó có một người giao liên, có lẽ anh cũng khát nước. Anh chém một khúc cây đưa lên miệng hút nước. Cha đánh liều xin anh ta một khúc. Anh nhìn trước ngó sau rồi chém cho Cha một khúc. Dòng nước ở cây lọt vào trong cổ, nó ngon ngọt và có một hiệu năng như một liều thuốc bổ chạy lan khắp thân thể Cha, Cha muốn làm một cử chỉ để cám ơn người ân nhân, nhưng Cha chưa kịp thì người đàng sau đã hối đi mau.
Ngụm nước tươi ngấm vào thân thể làm cho Cha lấy lại nghị lực. Người cán bộ và những người cận vệ vẫn thoăn thoắt luồn lách giữa rừng cây. Họ sống tự nhiên như không có gì xảy ra. Mắt họ luôn bao quát khu rừng và cảnh giác cả bầu trời. Mới đi rừng có một lần mà Cha đã thấy cực khổ và mệt mỏi như thế này. Còn họ, tháng này qua tháng khác, đêm cũng như ngày, vẫn chỉ có rừng là quê hương. Họ chiến đấu và chịu đựng gian khổ hy sinh cho một lý tưởng xã hội, vậy mà họ có sức mạnh phi thường. Còn Cha, một Mục tử của Chúa, nhận sứ mệnh rao truyền Tin Mừng đến tận cùng trái đất, lại được Chúa che chở và chúc phúc, vậy mà mới chỉ khó khăn đau khổ một chút, đã yếu đuối chán nản, đành thua họ sao? Cha thấy mình chưa bằng họ.
Ngày xưa Chúa bị người Do Thái bắt, đánh đập, xỉ nhục, rồi đưa ra trước công chúng kết án. Chúa chỉ im lặng, ngay cả Philatô hỏi, Chúa cũng chỉ trả lởi rất ngắn gọn. Người đến trong thế gian là để làm chứng về chân lý. Trước công chúng la hét đòi đóng đinh, áp lực ghê gớm thế nào, Chúa cũng chỉ im lặng. Người cũng im lặng suốt chặng đường thập giá. Lời sau cùng Chúa xin Chúa Cha tha tội cho con người. Ôi sức mạnh nội tâm và lòng bao dung của Chúa thật lớn lao. Một lần nữa, ý tưởng ấy giúp Cha lấy lại nghị lực.
Cách Cha Trung Tín một quãng, cô sinh viên cũng đang chập chững bước đi, nét mặt nhăn nhó, có lẽ đã quá sức chịu đựng của cô. Một người con gái trí thức và có lẽ là con nhà sang trọng, ăn sung mặc sướng, một bước lên xe xuống xe, giờ phải lội bộ trong rừng, chịu đói khát và dẫn đi không biết về đâu, rơi vào tình cảnh này cô không suy sụp đã là một điều lạ lùng. Lúc còn ở trên xe, Cha đã nói chuyện với cô. Giọng nói và cách xưng hô và vốn tri thức của cô giúp Cha nhận ra tính cách con người cô thật đáng trân trọng và quý mến. Đó là một sinh viên đầy hòai bão, muốn đem sở học giúp nước giúp đời. Cô mong ước đất nước sớm hòa bình để người dân bớt đau thương, để đất nước này là đất nước tươi đẹp như mọi quốc gia khác, nơi ấy người dân được sống hạnh phúc.
Cha không rõ tại sao cô sinh viên này cũng bị dẫn vào rừng. Phải có một lý do nào quan trọng nên cô mới bị dẫn vào đây, nhưng chắc không phải vì lý do tôn giáo. Nếu là sinh viên cấp tiến, tham gia các phong trào đấu tranh thì sao cô lại bị bắt, cũng có thể cha mẹ cô hay những quan hệ của cô gây khó cho cô chăng? Chắc một điều là người ta không bắt người không có lý do. Nhưng cô là con gái, đang là sinh viên, trông hiền lành và chân thực, thì làm gì nên tội? Bây giờ dường như không còn sức để bước đi, cô đã xỉu lên xỉu xuống. Một hành khách khác đã phải quàng vai vực cô đi.
Đến gần sáng, người cán bộ dẫn đường được lệnh dừng lại để nghỉ ngơi. Sau khi kiểm điểm và nhận chỉ thị, ông được lệnh tản ra mỗi người một ngả để ngủ, còn Cha thì được một cận vệ của người cán bộ dẫn đến một gốc cây. Anh ta dặn Cha ngồi yên đó:
- Anh ở đó mà nghỉ ngơi. Nhớ đừng bỏ trốn. Anh biết hậu quả là thế nào rồi.
Nói rồi, anh ta cũng tìm một chỗ ngả lưng cách Cha không xa, có ý canh chừng. Cha lặng thinh suy nghĩ và cầu nguyện: “Bỏ trốn đi đâu trong cõi trần gian này? Và trốn để làm gì? Lạy Chúa, xin cho những người này cũng được nghỉ giấc bình an…”
Sau một ngày dài len lỏi trong rừng, té lên té xuống, bị gai cây xẻ mặt mũi, chân tay mệt mỏi và đau buốt, thân xác Cha rã rời. Đôi chân xưng vù lên vì bị vết thương chằng chịt. Bụng đói, miệng đói đến cùng cực, nên khi được nằm xuống, Được ngả lưng xuống đó là điều hạnh phúc rồi. Bao nhiêu vết thương bị uốn cong lại, giờ được dịp căng dãn ra và nhắc nhở sự hiện diện của nó. Cơn nhức nhối từ đâu lại ập tới, Cha không dám trở mình nữa, để giảm bớt sự hành hạ của các vết thương, nhưng dù nhức nhối cơn ngủ cũng xâm chiếm, Cha du hồn vào giấc mộng.
Ngủ được một lúc, cơn mệt rã đã vơi đi, thì những cơn ác mộng nối tiếp nhau xuất hiện, khiến Cha không thể nào nhắm mắt nổi nữa.
Mở mắt nhìn sang bên cạnh, cách đó một khoảng, cô sinh viên cũng đang ủ rũ, trông cô đã mất hết vẻ kiều diễm của nữ sinh, con nhà sang trọng, giờ chỉ còn sự thê thảm. Quần áo cô bị rách nhiều chỗ, tóc tai lòe xòe, chân tay, mặt mũi cũng bị vạch nhiều vết. Nhìn cô tàn tạ thật tội nghiệp. Hình ảnh ấy khiến Cha xúc động quá, niềm thương cảm dâng lên làm cho nước mắt ứa ra..
Con người này, tại sao lại bị đối xử như thế? Cô gái này nào có tranh giành quyền lực gì, trên tay cũng không có vũ khí, cô cũng không có bất cứ hành động nào chống đối, vậy mà vẫn bị bắt đi, Cha không hiểu nổi. Suy nghĩ mãi không ra, Cha buông một tiếng thở dài.
Nghe tiếng thở dài, người thiếu nữ mở mắt nhìn sang, đôi mắt thâm quầng vì khóc nhiều. Vừa nhìn Cha, hai hàng nước mắt cô lại ứa ra, chạy dài trên đôi má. Niềm xót thương lại dâng lên. Cha muốn an ủi cô, nhưng trong hoàn cảnh này, Cha không thể làm gì được.
Cô vẫn nhìn Cha như để cầu xin một điều gì, nhưng Cha chỉ biết nhìn cô với ánh mắt cảm thông. Người thiếu nữ chắc cũng biết như vậy. Cô cũng chẳng mong gì nơi Cha giúp đỡ, nhưng ít nhất là có người đồng cảnh ngộ như Cha, cảm thông chia sẻ cô cũng tạm yên tâm. Cô học ở nơi Cha cái nghị lực vượt lên hoàn cảnh, thế là đủ. Những ánh mắt sẻ chia nói với nhau nhiều hơn là được thốt ra lời trong hoàn cảnh này…
Khoảng chín mười giờ gì đó, người cán bộ ra lệnh báo thức và chuẩn bị lên đường. Lúc này Cha không ý thức được thời gian nữa vì không có đồng hồ. Rừng âm u, lúc nào cũng như lúc nào.
Mỗi người có năm phút để giải quyết việc riêng. Năm phút, chỉ năm phút thôi, sao nó quý giá đến như vậy. Giây phút tự do giờ này còn quý hơn vàng, dù tự do chỉ là được cởi giây ra.
Trong năm phút đó, Cha phải sử dụng từng giây sao cho xong mọi việc cần thiết. Cha ăn vội một nắm cơm gạo với muối trắng. Cơm thì khô cứng và muối mặn chát, Cha không sao nuốt nổi. Vậy mà những người cán bộ và cận vệ ăn thật ngon lành … Cha được uống thêm ca nước lã, thứ nước trắng đục không vệ sinh chút nào. Trong tình cảnh đói khát như thế này, có cái ăn, cái uống cũng đã là quý. Có lẽ sống trong môi trường dư đủ đã quen, Cha không thích ứng kịp với hòan cảnh mới. Cha nghe kể, những người chiến đấu ở trong rừng, có khi nhiều tháng trời, làm gì có cơm gạo mà ăn. Họ bò về những vườn mì của dân, moi củ mì ăn sống, có khi say ngất ngư, có khi bị địch phát hiện rượt đuổi, sống chết trong tấc gang. Lại nhớ, Chúa Giêsu ngày xưa đã ăn chay 40 đêm ngày trong hoang địa và chịu cám dỗ, nhưng Chúa đã chiến thắng Satan. Điều ấy giúp cho Cha Trung Tín nhận ra ý nghĩa của việc Cha đang phải thử thách trong đói khát và đau khổ. Chính trong đói khát và đau khổ này, giúp Cha trải nghiệm con người thực của mình, thay đổi cách nhìn nhận tha nhân và nhận ra sức mạnh của Chúa Thánh Thần đang tác động trong Cha.
Hết một gáo nước, Cha còn thèm, nhưng người cán binh cho nước đã đi khỏi. Nhìn sang phía người thiếu nữ, Cha thấy bây giờ cô đã khá hơn. Cô đang ngồi bó gối nhìn nắm cơm trên tay. Cô đưa mắt nhìn sang Cha, Cha ngước mắt đáp lại. Ánh mắt nhìn nhau như một lời khuyến khích, nhờ đó, cô gái mới cầm nắm cơm cố gắng nuốt cho trôi. Tuy nhiên, cô vẫn không thể nuốt hết. Bỏ nắm cơm còn thừa vào túi áo, cô cầm bát nước đưa lên miệng do dự, nhưng rồi có lẽ cũng như Cha, không còn cách gì hơn nữa để dằn cơn khát, nhất là khi mồ hôi và máu ra nhiều, cô nhắm mắt uống trọn chén nước. Uống xong, cô rùng mình…
Giải quyết xong vấn đề ăn ngủ, đoàn người lại lặng lẽ theo nhau để đi, không ai nói với ai một câu. Thỉnh thoảng mới thấy người cán bộ ra lệnh này, truyền lệnh kia. Cha tự nghĩ, quả thực những người cán bộ và dân quân này có tính kỷ luật thép. Họ thực hiện nhiệm vụ nghiêm nhặt, không hề để lộ cảm xúc. Họ dấu kín những gì thuộc về cá nhân mà người ngòai thành không hiểu được, chẳng hạn nhu cầu chia sẻ tình cảm, nhu cầu bày tỏ nỗi niềm riêng, nhu cầu có bạn tình v.v…Có lẽ đời sống chiến đấu khắc nghiệt quá, buộc họ phải từ bỏ cái riêng, chỉ còn lại ý chí chiến đấu, khát vọng sống và lý tưởng độc lập tự do.
Sau mấy giờ dừng chân, những vết thương vừa tạm khô miệng giờ Cha Trung Tín lại phải đi tiếp. Chông gai, vắt, muỗi…lại làm cho các vết thương thêm nặng. Máu tươi lại được dịp rỉ rả thấm ra mỗi lúc mỗi sưng lớn hơn. Kêu than, rên rỉ vô ích. Lắm lúc Cha thèm nói chuyện, cho vơi bớt nỗi cô đơn và rút vắn quãng đường đau khổ lại mà vẫn không sao có thể khơi chuyện với những người dẫn đường, bởi chính họ cũng đang im lặng.
Cha lại lầm lũi bước đi trong suy tư. Thì ra hai ngày qua Cha có dịp trải nghiệm nhiều hơn nhiều hơn về thực tại này. Sống chết chỉ trong tấc gang. Con người khác con vật, cũng chỉ trong cái cách ứng xử. Đau khổ hay hạnh phúc nằm trong chính ý thức về đau khổ. Giữa người Linh mục dâng mình cho Chúa với người Cách mạng sống và chiến đấu cho một lý tưởng chính trị khác nhau thế nào. Sức mạnh của lý tưởng, sức mạnh cuả đức tin, ý chí của người Cách mạng, nghị lực của người theo Chúa có giá trị như thế nào. Cha cũng nhận ra sự yếu đuối, ươn hèn của thân xác, nhận ra mình chưa có cái nhìn bao dung của Chúa trước mọi sự việc xảy ra….
Dòng tư tưởng của Cha cứ trôi chảy trong sự phóng chiếu bản thân mình với Chúa, và bản thân mình với người cán bộ, người cận vệ Cách mạng. Quả thực, sống như những gì Chúa đã dạy không dễ dàng chút nào. Chúa dạy, ”Hãy yêu mến tha nhân như chính mình”, bởi vì tha nhân cũng là cành nho của Chúa, dù họ đứng ở phía nào, dù trong hòan cảnh nào.Trong tình cảnh này, làm sao Cha có thể nhận ra Chúa trong những người cán bộ và cận vệ đang dẫn Cha đi?! Hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa. Cha mới chỉ vác thập giá của mình có hai ngày, đã mong thóat khỏi sự khốn khó. Cha nào đã chia sẽ được gì với Chúa và những đau khổ của đồng loại. Nhiệm vụ rao truyền Tin Mừng đến tận cùng trái đất Cha đã làm được gì trong hai ngày qua trước mặt mọi người và trước mặt những người đang bắt Cha đi?
Những suy tư ấy vực Cha dậy trong một ý thức sống mới, đầy tin tưởng và mạnh mẽ. Cha sẽ chứng tỏ cho họ thấy một Linh mục không bao giờ chùn bước trước đau khổ, mà bước đi với niềm xác tín của mình. Chúa Kitô rồi đến các vị tông đồ, đặc biệt là Phaolô, các vị đâu có bỏ cuộc trước đau khổ. Trái lại, nhờ đau khổ, các vị đã chiến thắng trong vinh quang rực rỡ. Đó là hải đăng, Cha cứ hướng đó để đi.
***