Truyện dài : VÌ SAO SÁNG | Chương Mười Ba
Truyện dài : VÌ SAO SÁNG | Chương Mười Ba
Tác giả: Song Nguyễn
13
Ông thương gia họp mặt tất cả các thành viên gia đình để lấy quyết định về một điều mà ông cho là hệ trọng nhất đời ông. Sau những cơn mơ kinh hoàng, ông đã suy nghĩ nhiều. Những cơn mơ ấy nhất định không phải là mơ mộng hão huyền, mà có lẽ là điềm báo gì chăng? Từ xưa đến nay, từ đông sang tây đã có bao nhiêu điềm báo trong những giấc mơ, mà ngay cả Kinh Phât, Kinh Thánh Thiên Chúa Giáo đều có ghi. Khoa học cũng cho biết khi người ta bị rối loạn tâm lý thì đó là những giấc mơ không định hình được. Và thường là những giấc mơ lúc vừa ngủ hay lúc sắp thức dậy. Những giấc mơ lúc nửa khuya là lúc tâm thức lắng đọng, giấc mơ hiển hiện như trong đời thực, có khả năng báo trước tương lai…
Mọi người đã ngồi đông đủ trên sa lông trong phòng riêng của ông thương gia. Chỉ những khi có chuyện rất quan trọng, ông thương gia mới họp mặt như thế này. Các con ông đã lớn, ông muốn chúng tham gia vào việc chung của gia đình, tập cho chúng tinh thần dân chủ, rèn luyện khả năng nhận thức và phán đoán thực tại, để từ đó sống cho đúng, sống cho tốt đẹp. Hôm nay trông ông có vẻ tiều tụy nhiều.
Thúy Hoa và Thúy Loan có vẻ tươi tắn hơn, sinh động hơn. Họ là những cô sinh viên trẻ trung và hiện đại. Thúy Liễu lo phục vụ trà nước, trái cây và một ít bánh cô mới làm. Cô sống đơn sơ với lẽ thiện trong lòng nên không có gì vướng mắc. Phật hay Chúa hay một đấng thiêng liêng nào khác, với cô, đều đáng kính trọng, vì các Ngài dạy điều hay lẽ phải. Cô cứ sống tự nhiên như Tâm mình mách bảo. Cô chưa bị dằn vặt bao giờ, thế nên Thúy Liễu là người “vô tâm” nhất trong gia đình.
Còn Tuấn, anh đang học ở Sài Gòn. Tuấn cũng chịu những áp lực và những cơn giông bão tâm hồn như mọi người trẻ. Tuấn đang rất cần một cuộc đại phẫu để tâm hồn mình nhẹ những nỗi lo âu. Phong trào sinh viên biểu tình phản chiến nổ ra hàng ngày trên mọi nẻo đường Sài gòn. Những cuộc xuống đường, những đêm không ngủ, những chương trình “Hát cho đồng bào tôi nghe”. Tuấn chứng kiến các cuộc tự thiêu của Phật tử, chứng kiến những cuộc đàn áp tàn bạo bằng vòi rồng, dùi cui và lựu đạn cay vào các đám biểu tình. Lũ bạn bè bị hốt lên xe bịt bùng và đẩy vào trại giam hay tống vào quân trường. Giữa cơn bão táp thời cuộc ấy, Tuấn bị cuốn đi mà không biết đường ra. Anh mất phương hướng. Thanh niên Sài Gòn hoặc biểu tình, hoặc dìm mình trong những quán café suốt ngày nghe Ca Khúc Da Vàng, gặm nhấm nỗi chết bi đát “người chết hai lần” của Trịnh Công Sơn. Những người trẻ khác lại rên rỉ với Chế Linh, Duy Khánh trong những ca khúc bi thảm, chết chóc. Dường như ý thức xã hội đã xuống đến cùng cực của nỗi tuyệt vọng. Hiện Sinh! Hiện Sinh! Hai tiếng ấy vang lên mạnh mẽ trong giới sinh viên trí thức. Những cô đơn, dấn thân, tự do, phi lý, buồn nôn là những câu cửa miệng người trẻ học từ J.P.Sartre, A.Camus. Triết Đông, Triết Tây nháo nhào trong những mớ chữ nghĩa đầy cao ngạo, đầy thách thức, nhưng là cao ngạo trong tuyệt vọng và thách thức trốn chạy. Có người hô hào người trẻ “dũng cảm đi về hố thẳm”, nhưng lại trốn chui trốn nhủi vì sợ bị bắt lính. Những Tâm ca, Tục ca trộn với những bài ca kêu “dậy mà đi hỡi đồng bào ơi”. Cái môi trường bát nháo, tuyệt vọng đó đã nhào nặn nên Tuấn, nên trông anh vừa có vẻ suy tư của một triết gia, thở hơi ra là có mùi triết, nhưng cũng thật tội nghiệp trong những cuộc trốn chạy khi bị cảnh sát rượt đuổi.
Bà thương gia vẫn mặc chiếc áo màu lam như mọi khi ở nhà. Bà tự khép mình vào đời sống của một người tu tại gia. Thực sự thì bà chưa quy y bao giờ, cũng chưa thụ giáo một thầy nào ở chùa. Bà đến chùa là do cái tâm, muốn tìm nơi tịnh độ. Bà không tụng kinh nhưng niệm Phật A-di-đà. Bà ăn chay ngày một và ngày rằm. Bà nói rằng người mẹ là cây phúc trong gia đình. Bà tích đức cho chồng con. Nhân nào quả nấy, bà tin vậy. Bà tìm đến Phật như một quán tính của người bên lương, chứ không phải như một nhà tu hành. Bởi ngày xưa, khi Thiên Chúa Giáo chưa truyền vào Việt Nam thì người dân chỉ còn biết nương tựa tâm thức của mình vào cửa Thiền. Nơi ấy yên tĩnh, đem lại cho người ta một chút an tâm. Chồng bà kinh doanh, phải giao tiếp với đủ hạng người, phải đối mặt với nhiều thế lực, cả bên này, bên kia, cả bọn xã hội đen. Sự hiểm nguy rình rập ngay bên mình. Thời buổi chiến tranh này, chính trị bất ổn kéo theo sự chênh vênh kinh tế. Còn mất không biết lúc nào. Bà chỉ biết cầu trời khấn Phật cho ông và ra sức làm công quả. Bà tin mình ở hiền thi gặp lành. Hôm nay bà cũng có tâm sự muốn chia sẻ.
Bà hỏi ông:
- Ông cũng tin vào giấc mơ à? Rồi ông tính sao?
Ông thương gia nhìn mọi người, rồi trầm ngâm:
- Không tin cũng phải tin bà ạ. Tổng tấn công Mậu Thân, rồi mùa hè đỏ lửa, chiến dịch Khe Sanh, rồi Mỹ rút quân, Kissinger bắt tay với Mao, những đảo chánh liên tiếp ở Sài Gòn báo hiệu điều gì? B52 ném bom hủy diệt, có phải là mơ không?
Mọi người lặng im. Ông thương gia nói tiếp:
- Tôi có nguồn tin từ cấp cao ở Sài gòn, và cả tin ở phia bên kia khi tôi giao tiếp với họ, thì tình hình sẽ đi đến kết thúc. Hiệp định Paris chỉ là tạm thời. Tất cả sẽ thay đổi 180 độ. Chúng ta sẽ sống như thế nào? Mình là thương gia có phải là giai cấp tư sản bóc lột không? Các con mình là sinh viên có phải là trí thức tiểu tư sản phản động không? Và khi bom dội trên đầu, bà có ngồi yên tụng kinh được không? Tôi cho rằng giấc mơ đã chỉ cho chúng ta một con đường.
Bà giục ông :
– Ông nói con đường nào?
– Con đường trong giấc mơ. Theo Thầy thì sẽ đến đồng cỏ xanh, có nguồn nước ngọt lành và sự bình an vĩnh cửu.
Bà cắt ngang:
- Nghĩa là ông muốn nhập đạo?
Ông khẳng định:
- Bà thấy đó, tôi đã mất ăn mất ngủ hơn tuần nay là để suy nghĩ về điều này. Giấc mơ cứ hiện ra mỗi ngày làm cho tôi càng xác tín hơn thái độ chọn lựa của mình.
Ông thương gia nói xong, trông ông có vẻ tươi tỉnh, nhẹ nhõm, vì ông đã trút được nỗi lo âu bấy nay. Ông nhìn mọi thành viên gia đình chờ nghe ý kiến của họ.
Ông hỏi :
- Các con Hoa, Loan, Tuấn nghĩ sao? Con có điều gì cần chia sẻ thì cứ nói hết ra. Chúng ta đang đi trên một con thuyền giữa phong ba bão táp, phải chung sức tìm phương hướng mà chống chèo, may ra…
Loan lên tiếng tước. Cô rất vui:
- Cá nhân con hoàn toàn ủng hộ ba. Con đã nhận thấy điều này từ lâu rồi, nhưng không dám nói ra. Con tâm đắc câu của Người nói với Ba, theo Thầy con sẽ được bình an.
Ông thương gia quay sang hỏi Tuấn:
- Còn Tuấn, con nhận thức thế nào?
Tuấn trầm ngâm, gọng kính làm cho anh có vẻ suy tư hơn.:
- Thú thực là con đang khủng hoảng. Con chẳng còn tin vào bất cứ điều gì. Tuổi trẻ chúng con đang bị dẫn vào ngõ cụt. Chính con đang trốn lính nhờ những tờ giấy tạm hoãn dịch do ba mua bằng rất nhiều tiền. Nhưng trốn mãi như thế này, đời con sẽ về đâu? Trong cơn hỗn loạn này, con biết tìm đâu ra chân lý để theo, tìm đâu một lý tưởng để sống, và tìm đâu một con đường để thoát khỏi tình trạng bi kịch này?
Ông thương gia nói :
– Con đường đầu tiên là con phải giải phóng tư tưởng của chính con. Con cứ lặn ngụp trong “hố thẳm” thì con sẽ biến mất trong đó. Còn gì để nói đến lý tưởng, nói đế lẽ sống và sống có giá trị.
– Vậy theo ba, con đường tư tưởng ấy là con đường nào? Theo bạn bè sinh viên đi đấu tranh, theo các Thầy bên Phật giáo xuống đường, hay chui vào quán càfe nghe “đại bác ru đêm”. Theo Sartre hay Camus hay Heidegger? Hay Thiền?
Ông Thương gia nghe con nói gay gắt, ông biết con mình đang trong ngõ cụt không có đường ra. Ông bảo:
– Con theo Người chỉ đường cho Ba đó. Con phải vượt lên trên chính trị, trên những tranh chấp quyền lực, tham vọng, đừng để mình bị cuốn vào giông bão cuộc đời, hãy thoát ra đi theo Thầy đến nơi có đồng cỏ xanh và suối nước ngọt lành, ở đó con sẽ được bình an.
– Con không hiểu. Làm gì có nơi nào như thế trong biển lửa bom đạn như thế này?
– Con cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Ba nhớ đã nghe câu này ở đâu đó, à nghe Cha Trung Tín nói trong Kinh Thánh. Bây giờ thì ba đang nghiệm lời Kinh Thánh này.
Tuấn không hỏi nữa, anh cúi đầu tiếp tục suy nghĩ. Quay sang bà thương gia, ông hỏi:
- Còn bà, bà nghĩ thế nào?
Bà thương gia đã nghe chồng con trao đổi. Bà ý thức được những gì ông hé lộ về tình hình chính trị hiện nay và tương lai. Bà cũng cảm thấy lo lắng cho chồng, con và cho chính bà nữa. Bà cũng tự hỏi mình phải làm gì.
– Ý ông là ông muốn cả nhà theo đạo?
– Bà cứ nói ý bà xem sao?
– Tôi lo nhiều thứ lắm ông à. Lo chiến tranh như ông nói, lo tương lai của mình và con cái, không biết sẽ thế nào, còn lo cả những điều linh thiêng nữa.
– Bà nói cụ thể xem sao?
– Vì gia đình mình từ đời ông bà tổ tiên đã cầu Phật, thờ kính ông bà, sao có thể bỏ ông bà được. Nhưng nếu con cái theo ông cả một trật, thì họ hàng nội ngoại sẽ cười cho. Họ bảo Gia đình mình xu thời. Tôi cũng lo mình theo đạo thì lấy ai mà lo nhang khói cho ông bà
Ông thương gia trầm ngâm rồi nói:
- Bà cho phép tôi nói thẳng. Phật không cứu độ ai, ngài chỉ con đường thoát khổ, vậy thôi. Giáo lý Phật dạy rằng không có linh hồn, bản thể là Không. Vậy mình thờ ông bà là thờ cái gì? Người ta tin rằng sau 49 ngày, người chết đã đi đầu thai, có khi tái sinh lại kiếp người, có khi hóa thân vào kiếp súc sinh hay kiếp ngạ quỷ. Vậy mình thờ ông bà là thờ súc sinh hay sao, hay thờ quỷ? Tôi không tin điều đó. Ông bà còn đó, bên cạnh chúng ta. 30 tết gia đình Việt Nam nào cũng rước ông bà về vui với con cháu, mùng ba lại tiễn ông bà. Chẳng có tiên, Phật nào linh thiêng hơn ông bà. Tôi thấy người bên đạo trong nhà cũng có bàn thờ ông bà, họ cũng có tháng cầu hồn là tháng 11 hàng năm để cầu cho tổ tiên, họ đâu có khác người bên lương, có chăng họ không cúng mâm cỗ thôi. Họ bảo người chết rồi, linh hồn thiêng liêng, đâu có ăn uống như người sống.
Bà thương gia có vẻ nghe ra. Những lần nói chuyện với Cha Trung Tín, bà có hiểu đôi điều, nhưng vẫn còn mù mờ, nghe ông nói bà “ngộ” ra nhiều lẽ. Đúng là những gì bà nghe theo Phật rất khác với niềm tin dân gian, tín ngưỡng thờ trời đất và đạo ông bà của người Việt. Chuyện tâm linh bà không biết thế nào, nhưng bà tin có mệnh trời và tin ông bà cha mẹ vẫn sống bên cạnh con cháu. Bà nói;
- Nếu bên đạo vẫn thờ ông bà, thì tôi không còn lo sợ nữa. Mình ở hiền thì gặp lành. Mình tôn trọng các đấng thần linh, tôn trọng các tôn giáo, tôn trọng niềm tin của mọi người bởi đó là quyền chọn lựa cá nhân và bởi cái duyên đấng tạo hóa cho họ.
Ông thương gia chia sẻ:
– Người Việt mình đúng là có tinh thần ấy. Người ta thờ trời, tin vào Thiên Mệnh, nhưng người ta sống bằng cái Tâm từ bi hỷ xả của Phật, sống dấn thân làm cho cuộc đời tốt hơn theo lý tưởng của Nho và sống an nhiên thảnh thơi theo triết lý Lão Trang. Người ta gọi tam giáo đồng nguyên là vậy. Thế nhưng trong hoàn cảnh của chúng ta hiện nay, chúng cần chọn lựa một con đường phù hợp với tâm linh của mình.
– Tôi chỉ sợ mình bỏ Phật theo đạo, Phật sẽ phạt theo luật nhân quả thôi?
– Bà nói không đúng. Không có thần Phật nào nhỏ nhen như mình nghĩ. Bà theo đạo cũng là sống tốt, thì bà sẽ nhận quả tốt, bà có thể tái sinh vào cõi trời, sao lạị bị phạt vì nhân quả.? Nhân quả chỉ là một luật trong tự nhiên, và cũng trong tự nhiên còn bao nhiêu luật khác nữa, luật vạn vật hấp dẫn chẳng hạn, luật sinh tử, luật sáng tạo, luật vận động biến đổi và phát triển, không phải vận động luân hồi, vân vân…Nhân quả không phải là tất cả.
– Ông đã nói vậy thì tùy ông, tôi giữ đạo của tôi, con Hoa và con Liễu đi với ông, còn con Loan, Thằng Tuấn, thằng Út thì theo tôi.
Ông thương gia ngần ngừ :
- Bà tính vậy… tôi để tùy bà.
Loan phản ứng ngay:
- Con không chịu. Theo ba hay theo mẹ là quyền chọn lựa của con. Con kính yêu mẹ, nhưng xin mẹ cho con tự quyết định những vấn đề của riêng con.
Ông Thương gia thấy tình hình có thể căng. Bởi ông biết bà rất thương Loan, bởi Loan là con cầu tự bà xin từ đất Phật. Không dễ gì bà để Loan làm cho bà lỗi lời cầu xin với Phật. Nhưng ông cũng biết bà luôn nghe theo lời yêu cầu của Loan, vì thế ông hiểu cần có thời gian để Loan thuyết phục bà. Ông nói :
- Thôi được, để từ từ tôi với bà sẽ tính, nhưng chúng ta phải tôn trọng quyền chọn lựa của con trẻ, thế hệ chúng nó khác mình. Chúng nó phải tự quyết định lấy tương lai của chúng. Bây giờ bà có gì để chia sẻ nữa không?
Không khí gia đình đã dịu bới căng thẳng, mọi người cùng ăn những chiếc bánh bông lan do Thúy Liễu làm, ăn những tái cây có trong vườn nhà. Ai cũng khen làm Thúy Liễu sung sướng, hãnh diện vì mình làm được một việc cụ thể cho mọi người vui. Bây giờ mọi người hiểu nhau hơn và họ cùng hướng về một tương lai, ấy là sự chọn lưa con đường.
Bà thương gia nhấp một miếng trà rồi thổ lộ:
- Ông và các con không biết đâu. Lâu nay tôi bị bịnh phụ nữ. Đã chạy chữa nhiều thầy nhiều thuốc nhưng không khỏi. Tôi đi chùa, đi đền để cầu xin. Tôi nghĩ, “có bịnh thì vái tứ phương”. Nghe ai nói nơi này nơi kia hiển linh tôi đều tìm đến. Vẫn không ăn thua gì. Nhiều khi tôi nản đến tuyệt vọng. Không biết vận hạn bao giờ mới qua khỏi. Rồi một hôm có mấy bà trong Hội rủ đi Đức Me La Vang. Tôi cũng chiều lòng các bà, và nhen nhúm một chút hy vọng. Tôi nghe người ta nói ngày xưa Đức Mẹ đã cứu nhiều giáo dân khỏi tai họa ở nơi này. Nhưng không biết tôi theo Phật thì Đức Mẹ có cứu giúp tôi không. Dù sao tôi tin ở lòng thành của mình. Nhưng tôi không dám xin Đức Mẹ điều gì. Tôi chỉ xin Ngài cho tôi được gặp thầy gặp thuốc. Lúc ra về, tôi mua một ít thuốc lá cây người ta bán ở chỗ Đức Mẹ và lấy một ít nước ở giếng Đức Mẹ đem về uống. Vừa uống tôi vừa cầu xin Đức Mẹ.
Ông cắt ngang:
– Ủa bà có chuyện đó sao? Sao bà không cho tôi biết? Bịnh tình của bà giờ sao rồi?, bà nói làm tôi lo quá.
– Sao má không nói cho chúng con biết- Loan nói chen vào- Má có sao không?
Bà thương gia trầm tĩnh nói:
- Bịnh tôi giờ đỡ nhiểu rồi. Tôi tin là Đức Mẹ nhận lời tôi cầu xin, Ngài cho tôi gặp thầy gặp thuốc. Nhưng chẳng phải vì điều ấy mà tôi muốn theo đạo. Tôi nghĩ, nếu theo đạo để cầu xin điều này điều kia thì hóa ra, người thực dụng như thế sao, và khi cầu xin không được, người ta sẽ chán nản mà bỏ đạo. Tôn giáo là tâm linh, là con đường. Tôn giáo không giải quyết vấn đề xã hội, vấn đề trần gian.
Thúy Loan :
- Mẹ nói đúng, tôn giáo giải quyết vấn đề tâm linh của nhân loại. Con người có khát vọng về chân, thiện, mỹ, người ta vươn tới tôn giáo. Tôn giáo nâng con người lên trên trạng thái vật chất, để sống đẹp hơn, bởi tôn giáo hướng về tha nhân, tôn giáo dạy yêu thương con người.
Bà thương gia nói tiếp:
- Con nói rất đúng. Má có nói chuyện này với mấy bà bạn, những người có hiểu biết và có thế giá. Một bà bác sĩ nói rằng, khi mình có lòng nhiệt thành và sự cầu nguyện thiết tha, mãnh liệt thì cơ thể phát sinh một nội lực có thể chữa lành bịnh. Đó là sự kỳ diệu mà Tạo hóa ban cho con người. Thuốc chỉ chữa 20% căn bịnh còn lòng tin mới thực sự chữa bịnh. Cái gì là y khoa thì phải xác định bằng y khoa, không nên võ đoán. Họ nói vậy, nhưng má tin rằng việc má được lành bịnh là có ơn trên. Những trường hợp như má, chỉ người trong cuộc mới nhận biết được.
Cả nhà ồ lên một tiếng mừng rỡ. Thúy Loan ôm chầm lấy mẹ, còn Tuấn đi lấy thêm cho mẹ ly nước. Lần đầu tiên sau một tuần tịnh khẩu mới thấy ông thương gia nở nụ cười. Hôm nay là ngày vui nhất trong suốt thời gian qua.
Cả nhà đang vui thì có tiếng nổ rất gần, cửa kính rung mạnh. Sau đó, ngoài đường tiếng xe cảnh sát hú còi inh ỏi. Không biết mìn hay lựu đạn nổ ở chỗ nào. Tình trạng an ninh của thành phố đã trở nên thật tồi tệ.
***