Truyện dài : VÌ SAO SÁNG | Chương Chín
Truyện dài : VÌ SAO SÁNG | Chương Chín
Tác giả: Song Nguyễn
9.
Để Thúy Loan ngủ và nhờ Thúy Liễu canh chừng dùm, Cha dẫn nhóm học sinh tiếp tục chương trình tham quan.
Điểm đầu tiên trong chương trình là Bãi Trước. Bãi Trước còn gọi là Bãi Tầm Dương, vì nơi đây có thể ngắm mặt trời rất đẹp. Trên bãi biển có những hàng dừa nghiêng mình ra biển hợp với đường cong của bãi biển tạo nên một phông cảnh thiên nhiên rất đẹp. Bãi biển hôm nay vắng khách. Một hai tàu cá bỏ neo gần bờ. Cũng có những con thuyền nằm ghếch mũi lên bãi cát. Một vài du khách đi dạo.
Xe ngừng bánh là bọn học trò nhảy ngay xuống và chạy ào ra bãi cát sát mép nước. Buổi sáng biển rất đẹp, nhưng sóng hơi mạnh. Bọn học trò chỉ được phép tham quan, đi dạo và mua kỷ vật, không được tắm vì chương trình còn đi tiếp. Chúng tản ra thành từng cụm đứng ngắm cảnh biển. Một vài em tìm kiếm những vỏ ốc hoặc bắt những con cua, con ốc. Một vài em ngồi tại ghế đá trò truyện.
Nửa giờ sau, cha con kéo nhau ra Bãi Sau. Xe chạy trên con đường vòng bờ biển bám sát sườn núi, có chỗ đường rất hẹp và chênh vênh (nay là đường Trần Phú-Hạ Long). Cây rừng còn sót lại thưa thớt trông hoang sơ. Dãy cột đèn người Pháp trồng vẫn giăng dây chạy theo con đường. Tòa Bạch Dinh mái ngói đỏ tươi, tường sơn trắng, đứng nguy nga trên cao, hướng ra biển. Nhiều quãng chỉ có ghềnh đá và sóng nước, không có bãi cát. Ngòai xa Thấp thoáng có những con tàu lớn đứng bất động trên nền biển rất êm. Trên sườn núi, người ta đã lác đác xây những biệt thự.
Bãi Sau là một bãi cát dài mênh mông, một bên là biển, một bên là đất hoang (thời ấy chưa có nhà cao tầng như bây giờ- cũng chưa có những resort). Xe ô tô con đậu xếp lớp trên con đường chạy dọc bờ biển (nay là đường Thùy Vân). Trên bãi cát có những dãy nhà trệt hai tầng mái, tầng trên hình vuông bốn mái, hầu hết lợp tôn xi măng. Trên bãi biển nhìn từ xa, người đông như kiến. Có chỗ người ta đóng cọc sắt chạy ra biển khá xa và căng những cuộn kẽm gai dày đặc. Chắc là khu quân sự cấm thường dân đến tắm. Ở quãng xa hơn, ít người, có những con thuyền phơi nắng trên bờ.
Xe vừa đổ dốc vào Bãi Sau, thì đằng sau, một xe cứu thương có gắn còi hụ vượt qua. Ngoài khơi, hai ba chiếc trực thăng đang bay rà rà mặt nước. Chắc là có chuyện gì chẳng lành rồi.
Quả nhiên, ở bãi tắm phía xa có cắm cờ đen, chắc là hôm nay biển động. Từ các hàng quán, người ta kéo nhau ra đứng nhìn xuống biển, như đang lo lắng chờ đợi một tin tức gì.
Để nhóm học sinh ngồi đợi trên xe, Cha Trung Tín xuống xe tìm hỏi tin tức. Vừa mới ra khỏi dãy nhà hàng, Cha thấy hàng chục người quần áo thường có, áo tắm có, người đứng, người ngồi, người đang vật vã khóc. Nằm dài dưới cát là xác một thiếu nữ tuổi chừng 19-20.
Theo tin tức của cảnh sát cấp cứu, thì cô thuộc đoàn của trường Đại học Khoa học tự nhiên đi tắm biển. Hiện đoàn có mười lăm người đi tắm, bị nước cuốn mất ba người, mà mới tìm được một xác, còn hai xác nam sinh hiện chưa tìm được.
Nghe kể, Cha muốn đứng tim. Cũng may Cha chưa cho học sinh xuống xe. Theo kế hoạc thì đoàn học trò của Cha sẽ dừng chân ở đây tắm biển rồi ăn trưa. Tình hình này thì phải thay đổi kế hoạch. …Cha đưa học sinh tới địa điểm chót của cuộc thám du là Đền Cá Ông và nếu có thể, cho các em về nhà sớm để bảo đảm an toàn cho cuộc đi chơi.
Trước khi rời Bãi Sau, cha cho xe chạy chậm dọc theo bờ biển để các em ngắm một bãi tắm tuyệt đẹp của Việt Nam. Nơi đây, trong những ngày nghỉ, người Sài gòn đổ ra rất đông. Cũng có những người tụ tập mua cá, có người gánh quang gánh bán hàng rong, người nằm phơi nắng trên bãi cát, và dưới những mái lều che tạm, những người vừa tắm biển lên ngồi ăn đồ biển và uống la-ve thoải mái.
Xe chạy vào đường Hoàng Hoa Thám và dừng trước đền thờ Thắng Tam. Học sinh xuống xe, tập trung thành hàng ngũ, giữ trật tự vào đền. Lăng Cá Ông còn được gọi là lăng Ông Nam Hải, nằm bên phải đình thần Thắng Tam, thuộc phường Thắng Tam, Vũng Tàu.
Cha Trung Tín kể lại truyền thuyết lăng Cá Ông cho học sinh nghe.
Theo truyền thuyết, vào thế kỷ XIX có một đầu cá Ông rất lớn trôi dạt vào Bãi Sau. Ngư dân đia phương không thể kéo lên bờ. Họ phải lấy gỗ, tre rào lại cho thịt cá rữa hết, rồi tháo từng khớp xương rửa sạch, đem về thờ tại một miếu dựng sơ sài tại Bãi Trước. Cùng thời gian đó ở Cần Giờ, có một thân cá và ở Long Hải có một đuôi cá dạt vào bờ. Người ta cho rằng Cá Ông này là vị Tướng quân được Long Vương trao nhiệm vụ bảo vệ và giúp đỡ thuyền bè qua lại trong vùng biển này. Nhưng vị Tướng quân này không hoàn thành nhiệm vụ. Tàu thuyền của dân bị đắm trong những cơn giông bão. Long Vương nổi giận hạ lệnh chém làm ba khúc trôi dạt vào đây. Khoảng 40 năm sau lại có một xác Cá Ông lớn trôi vào Bãi Sau. Dân làng đem xác cá lên bờ chôn cất. Đến năm 1911, ngư dân địa phương cùng nhau góp tiền xây một Lăng tại khu vực hiện nay. Họ đào xương cá Ông này và dời xương cá Ông trước đó về thờ trong lăng. Từ đó đến nay, Lăng được nhiều lần tu bổ. Tháng 4 năm 1969 được sửa chữa có hình dáng như hiện nay.
Cha Trung Tín dẫn học trò đi vào trong tham quan lăng.
Giữa lăng là bàn thờ được trạm trổ công phu các hình long, ly, quy, phụng giao đầu, cá hoá Rồng giỡn sóng.
Phía sau bàn thờ là ba tủ kính lớn đựng xương cá. Bộ xương Cá Ông được vớt đầu tiên ở giữa, hai bên là bộ xương Cá Ông được vớt sau này.
Trong Lăng còn có bàn thờ Bà Sáu tứ Thần Rùa và tổ nhạc.
Lăng Cá Ông Vũng Tàu được vua Thiệu Trị và Vua Tự Đức sắc phong vào các năm 1845, 1846 ,1850.
Ngày vua Ông (ngày Giỗ) được định vào ngày 16 tháng 8 âm lịch hàng năm.Vào ngày nay, ngư dânVũng Tàu kéo về làm lễ cúng bái rất linh đình, trọng thể…
Lễ hội nghinh Ông được tổ chức ở khu di tích đình thần Thắng Tam. Cuộc lễ bắt đầu từ 4h30 ngày 16/8 âm lịch. Nhiều ghe thuyền của ngư dân trang trí cờ hoa lộng lẫy, trống chiêng uy nghiêm, khởi hành từ khu biển Bãi Trước đến miếu Hòn Bà ở mũi Nghinh Phong làm lễ dâng hương, rượu, cúng tế thần biển, xin nghinh Ông về đình thần Thắng Tam. Đoàn nghinh Ông có các bậc bô lão cùng hàng trăm ngư dân trong vùng.
Ngay sau lễ khai mạc, Ban tổ chức lễ hội gióng 3 hồi trống, chiêng cử hành nghi thức “khai nghinh thủy tướng” rước kiệu nghinh Ông. Lễ rước có hình tượng cá Ông làm bằng giấy bồi dài chừng 10m. Đội ngũ tham gia Lễ nghinh Ông gồm nhiều người trang phục khăn đóng áo dài đóng vai các quan hầu, đoàn quân sĩ, ngư phủ tháp tùng. Ngoài ra còn có các nghệ sĩ tuồng, các diễn viên hóa trang thành ông Phúc – Lộc – Thọ vừa đi vừa nhún nhảy theo điệu chiêng trống. Không khí lễ hội vô cùng náo nhiệt. Đoàn rước linh vị Ông đi trên các đường phố trước khi về đình thần Thắng Tam. Sau khi an vị Ông, ban tổ chức tiến hành nhiều nghi lễ khác như: lễ cúng tiền hiền và các anh hùng liệt sỹ, lễ thỉnh sắc thần vào Lăng Ông Nam Hải, Lễ cúng tế Ông Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Chi Thần, …
Đền Cá Ông không được nhóm học sinh chú ý nhiều vì trong đình đơn giản chỉ có bàn thờ và tủ kính để xương cá. Các em tham quan để biết về một hình thức tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Người bình dân Việt Nam phong thần cho những người có công giúp dân giúp nước. Họ lập đền thờ và cử hành các nghi thức tưởng nhớ, như đền thần thắng Tam đây. Ban đầu chỉ là để ghi nhớ, lâu dần trở thành tín ngưỡng, có màu sắc tâm linh. Dưới con mắt khoa học thì cá Ông hoặc cá Voi chỉ là một loại động vật biển. Những khi biển có giông bão, cá thường nương theo ghe thuyền để giảm sức vật của sóng, nhờ đó ghe thuyền cũng đỡ bị sóng nhồi. Người bình dân không hiểu điều này lại cho rằng cá hiển linh cứu người, và thần hóa những cái kỳ vĩ họ không giải thích được như truyền thuyết Lăng Ông Nam Hải.
Đi chơi đã rồi, các em trai lại xin Cha cho xe chạy một vòng quanh thành phố rồi mới về. Thấy thời gian còn đủ cho cuộc vui, Cha Trung Tín chiều ý các em một lần.
Mười bốn giờ thì chiếc Toyota lăn bánh rời Vũng Tàu. Thúy Loan và Thúy Liễu được ngồi trên cabin. Các bạn bè cũng bằng lòng về sự sắp xếp đó, nhưng Thúy Loan cứ vùng vằng không chịu ngồi trên nếu không có Cha. Chiều ý nạn nhân, Cha cũng phải bỏ chỗ ngồi với các em trai, lên ngồi trên cabin.
Xe qua Phước-Tuy là đám học sinh hết chuyện nói. Em nào em đấy ngủ gà ngủ gật. Riêng chị em Thúy Loan thấy thời gian về nhà càng gần bao nhiêu thì càng đâm lo bấy nhiêu.
Phải ăn nói với má làm sao đây? Má không cho đi mà cứ nài nỉ đi. Rủ rỉ với nhau chán rồi, chị em lại thúc thít khóc. Để trấn an hai chị em, Cha nói:
- Thôi, yên tâm, Cha sẽ nói với má cho, đừng có khóc. Thúy Loan không nhớ bác sĩ dặn sao à, muốn chóng khỏi thì đừng có khóc.
Câu nói của Cha như liều thuốc an thần. Chị em ngồi thì thầm với nhau về cách nói với mẹ sao để Cha được nhẹ trách nhiệm. Thực ra lỗi ở hai chị em. Hai chị em mải chơi đùa mà tự gây ra tai nạn. Còn phần Cha, Cha đã làm hết sức mình. Từ hôm qua đến giờ chị em đã chứng kiến Cha vất vả thế nào để lo cho Thúy Loan. Không có Cha, không biết hậu quả bây giờ trầm trọng thế nào…
***