Truyện dài : VÌ SAO SÁNG | Chương Bốn
Truyện dài : VÌ SAO SÁNG | Chương Bốn
Tác giả: Song Nguyễn
Chiếc thuyền đánh cá cỡ trung trang bị hai động cơ, nổ máy chở học sinh nam nữ ra khơi. Lúc đầu, chúng còn hò hét cười nói; nhưng thuyền mới ra được chừng vài trăm thước là các em gái bắt đầu tái mặt. Sóng nhồi các em nghiêng ngả, nhiều em sợ, đòi vào; các em trai phản đối. Cha Trung Tín phải dung hòa: một đàng, trao thuốc cho mấy em say sóng, một đàng cho thuyền đi gần vào bờ. Vì có sóng, thuyền chỉ chạy cách bờ vài chục mét.
Các em trai xin dừng thuyền lại để tắm ngoài khơi. Cha đồng ý cho tắm mười phút rồi sẽ di chuyển vào bờ tắm. Các em gái không ưa thích cho lắm, nhưng đã trót xin đi, nên đành chịu đựng. Nhìn cử chỉ co ro của các em, Cha nghĩ tới những người sống trên biển. Cuộc đời của họ gắn liền với sóng nước biển khơi. Gia tài của họ tất cả chỉ có một cái thuyền. Ăn uống bất thường, chơi đùa diện tích chỉ có vài mét vuông. Thời gian học hành cũng rất ít, biết đọc biết viết là tốt rồi. Làm việc thì không có giờ giấc nào hết, quần quật từ sáng đến khi không còn nhìn thấy gì nữa, có khi phải chong đèn mà làm việc, nhưng vẫn không kiếm đủ ăn. Cá nhỏ ven biển mỗi ngày một ít, vì nhiều người đánh. Ra xa thì không có thuyền đóng ghe máy, cũng không dễ gì cạnh tranh với các tầu đánh cá lớn. Họ đâu có được những giây phút như thế này.
Tiếng máy tắt, Cha Trung Tín cho các em mặc áo phao rồi mới cho chúng xuống biển. Nước trong xanh như hồ tắm hạng sang ở thủ đô. Các em gái đứng trố mắt nhìn theo, rồi cũng xoắn xuýt từ bên này qua bên kia, rửa tay, rửa chân, té nước những em trai bơi gần. Bị sóng vỗ vừa ướt vừa thèm tắm, các em gái xin Cha lên bờ để tắm. Cha cho lệnh mấy em trai bám vào mạn thuyền rồi cho máy nổ chạy thẳng vào bãi tắm.
Hàng trăm con mắt đổ đồn vào phía con thuyền. cCc em trai được dịp la hò đùa giỡn. Chỉ tội cho các em gái, em nào em ấy ướt như chuột, mong cho chóng để nhảy lên bờ, tránh những con mắt soi mói.
Thuyền cập bến, các em gái dắt nhau chạy vào quán thay đồ tắm rồi mới kéo nhau ra bãi.
Không quen mặc đồ tắm trước mặt người khác, nhất là trước một số người không lấy gì làm đứng đắn, các em gái mắc cỡ, lúi húi dựa vào nhau chạy xuống bãi; càng làm cho đám thanh niên đàn ông chú ý.
Sau những phút dò dẫm, các em gái ngâm hẳn xuống nước. Những người tắm xung quanh, lân la tới làm quen: người dạy bơi, người cho mượn phao vững hơn. Các em gái cũng dần dạn dĩ hơn, bơi lội tự nhiên hơn.
Tắm lội đã, cha con lên bãi phơi nắng. Một số em được dịp thực hiện những ước vọng của mình trên cát; các em khác thi nhau chạy bộ hoặc chia nhau đá banh. Bãi tắm không còn gì xa lạ với các em nữa.
Nhìn đám trẻ vui tươi cởi mở, gợi trong trí Cha một tương lai rực sáng: đất nước này rồi sẽ được nhờ những con người có thể chất và tinh thần khỏe mạnh này. Khác hẳn với một số thanh niên thiếu nữ thành phố đang lao vào lối sống trụy lạc. Nhiều đứa trẻ chạy theo Phong trào Hippy, một phong trào cổ vũ lối sống phóng túng. Giới trẻ phương Tây đã chán ngấy phong trào này, nhưng chúng lại thịnh hành ở Sài gòn. Từng đoàn con trai, con gái quần áo chẳng giống ai. Con trai để tóc như con gái. Chúng rủ nhau đi xây dựng cuộc sống mới. Một cuộc sống bạc nhược, ốm yếu, bệnh tật, nghiện ngập, xì ke. Thay vì đổi mới xã hội, họ lại làm bẩn xã hội và rồi tương lai đất nước, gia đình sẽ ra sao? Chiến tranh thì cứ triền miên, xã hội cứ mỗi ngày mỗi nhiễm độc. Ai có sức mạnh thì ngăn được mối đe dọa ghê sợ ấy.
Phơi nắng, chơi chán rồi, đám trẻ lại rủ nhau nhào xuống biển tắm tiếp. Không theo đám trẻ nữa, Cha ngồi trên bãi canh chừng, sợ chúng ra xa nguy hiểm.
Mắt Cha dõi theo chỗ này nhìn chỗ khác, ngó chừng đám trẻ đang đùa giỡn ngoài biển kia. Thân thể chúng đẹp và khỏe mạnh. Quả thực, thân thể con người là một tuyệt tác của Thiên Chúa. Chẳng vậy chủ nghĩa Nhân Văn thời Phục Hưng đã từng trở về với vẻ đẹp trần tục là gì, và còn có hẳn một trường phái tranh khỏa thân. Nghĩ đến đó, Cha vùng dậy nhào xuống nước để xóa đi những ý nghĩ không tốt vừa ùa tới.
Cha cố vùng vẫy, bơi lội cho thật mệt để quên hết mọi chuyện lo ra, nhưng không ngờ trong khi cố gắng vùng vẫy, Cha quên không canh chừng các em trai đã theo Cha bơi ra quá xa. Quay lại, Cha cảm thấy ái ngại, Cha vội vã bơi vào bờ, bắt các em bơi theo. Đứng xuống bãi được, Cha mới hết sợ.
Nhiều bạn của Cha đã bị rắc rối rất nhiều khi dẫn học sinh đi biển tắm, và vô tình học sinh bị chết đuối. Khi thì một em, có khi hai, ba em bị mất tích. Có trường hợp mãi mấy ngày sau mới tìm thấy xác. Những em bị nạn thường là con nhà giàu hoặc là con một. Đau thương và tai tiếng không sao kể hết. Có người còn tính kiện ra tòa. Nghĩ vậy, Cha thấy cẩn trọng đề phòng là hay nhất.
Cha ra lệnh cho đám trẻ thôi tắm, và triển khai chương trình lên thăm Hải đăng.
Các em trai răm rắp tuân lệnh, gì chứ leo núi mạo hiểm là mấy anh ấy khoái nhất. Các em gái ngần ngừ vì còn tiếc rẻ giấc mộng trên cát. Nhưng khi thấy các em trai và Cha rời bãi, các em cũng lục đục kéo nhau lên.
Thay đồ xong, các em tập trung, Cha Trung Tính nhắc nhở rút kinh nghiệm đôi điều rồi cha con lên xe.
Xe chạy từ Bãi Trước theo đường vào Núi Nhỏ. Từ chân núi bọn học trò phải đi bộ lên. Đó là con đường đất hoang sơ phủ đầy lá rừng. Có những bậc thang kê bằng đá cục. Hai bên đường là rừng cây nhiệt đới chen vách đá tỏa bóng mát xuống lối đi như phong cảnh rừng thu. Đường đèo uốn lượn men theo các triền đồi. Từ chân núi lên khoảng 2km. Hải đăng nằm ở độ cao 170m so với mặt nước biển. Mất khoảng 1 giờ leo dốc, du khách có cảm giác như trong một cuộc phiêu lưu nhiều thử thách.
Bọn con trai nhanh chóng vượt lên trước, dù đường đi có độ dốc rất khó để đi nhanh. Trái với các em trai, các em gái chậm rãi từng bước một, em nọ dắt em kia, vừa đi vừa kêu nhau ríu rít. Mặc dù khó khăn, nhưng vì tự ái, không em nào dám rút lui, cố gắng leo, vừa đi vừa nghỉ.
Để khích lệ tinh thần của các em gái, Cha phải thỉnh thoảng lui lại sau, vừa đi vừa canh chừng những tai nạn. Thúy Loan vẫn đi sát bên Cha, có lẽ Loan là người hăng hái nhất. Trong các em gái, Loan luôn luôn dẫn đầu.
Cha thấy thương các em, chúng chưa quen leo dốc núi nên chỉ một lát đã vã mồ hôi. Cứ lên được vài chục mét Cha lại cho chúng nghỉ lấy sức. Vừa rồi có một đứa trượt chân té nhưng các bạn kịp níu lại nên không xảy ra tai nạn. Có đứa lên cao nhìn xuống biển ở dưới xa, chúng rợn ngợp độ cao, chân tay run lên vì sợ. Có lẽ em này yếu tim, bạn bè phải vây quanh dìu đi.
Nhìn đám học sinh, em nào em nấy đang ráng sức leo lên núi, tự nhiên Cha cảm thấy sợ. Vì muốn tránh nguy hiểm, Cha lại liên tưởng tới một nguy hiểm khác: nếu như trường hợp vừa rồi xảy ra hay một tai nạn nào tương tự như vậy thì sẽ ra sao? Do vậy, Cha ra lệnh cho các em leo từ từ, đứa lớn đi bên một đứa nhỏ để canh chừng. Leo được tới một trăm thước phải nghỉ một chút. Cuộc thi đua nhanh chậm được bãi bỏ; ai không leo được thì đừng cố, cứ việc rút lui rồi xuống núi ngồi đợi.
Sau hơn một giờ leo núi, cha con đã đặt chân đến phạm vi Hải đăng. Người nào cũng vã mồ hôi. Hải đăng được đặt trên một ngọn đồi nhỏ rộng chừng 3400m2. Từ chân đồi, bọn học trò đi theo một lối đi có 18 bậc xi măng để lên tới đài chủ huy.
Đài chỉ huy gồm một nhà quản đăng hai tầng, có tới 25 phòng và các công trình phụ. Ở đây có hầm chứa 100m3 nước đủ dùng cho cả năm. Trước sân có một cột cờ rất cao, dây cáp chằng chịt, trên phất phới nhiều lá cờ biển. Bên cạnh cột cờ là trụ tháp hải đăng tròn vươn cao. Đứng dưới nhìn lên thấy trên ngọn tháp có tầng ban công và tầng đèn biển. Tầng đèn biển xung quanh là kính trong suốt. Phiá trái nhà quản đăng là một “chuồng cu” vuông hai tầng, dựng trên nền trụ tròn xây bằng xi măng. Có lẽ là trạm gác. Xung quanh khu vực đồi chỉ huy có hàng rào chắn bảo vệ an toàn cho người trên sân. Phía dưới triền đồi đài chỉ huy, chung quanh có các lô cốt và cọc sắt rào kẽm gai. (Sau này trụ hải đăng đã được tu sửa nhiều, đường lên hải đăng được tráng nhựa, có hàng rào bảo vệ, xe có thể đi lên)
Ngày trước, người Pháp đã xây tháp hải đăng, nhà quản đăng và một số công trình khác liên quan lĩnh vực quân sự, hàng hải như đường ngầm, cột tín hiệu, hầm ngầm, hầm chứa nước ngọt, đài báo tín hiệu morse… Dưới chân Hải Đăng còn có bốn cỗ đại bác, dài trên 10 mét, nặng hàng tấn, trước kia dùng để bảo vệ khu vực trọng yếu từ xa.
Ở đây lộng gió, trời cao và xanh. Nhìn ra biển mênh mông một màu xanh. Bọn học trò tò mò hỏi Cha Trung Tín
– Thưa Cha, hải đăng này xây lâu chưa cha?
– Hải đăng này nằm ở độ cao là 149m so với mực nước biển, được người Pháp xây năm 1862 nhằm mục đích chỉ đường, báo hiệu cho các tàu thuyền qua lại. Đến năm 1913, người Pháp xây lại ngọn hải đăng này, dời hải đăng từ độ cao 149m lên đến độ cao 170m. Đây là ngọn hải đăng cổ xưa nhất Việt Nam và Đông Nam Á.
– Trụ tháp hải đăng này cao chừng bao nhiêu, thưa Cha?
– Trụ tháp cao 18 m, đường kính 3 m và được sơn màu trắng. Bên trong trụ tháp có cầu thang xoắn 55 bậc, dẫn lên đỉnh hải đăng. Có một ban công để ngắm cảnh. Tầng trên là đèn biển. Lát nữa các con lên đó ngắm biển và ngắm thành phố.
– Cái đèn biển này chiếu sáng được xa không thưa Cha?
– Hải đăng có hai thấu kính thủy tinh dày 300mm, được thiết kế theo kiểu đèn lồng với chu vi trên 3m, chu kỳ 12 giây và tầm chiếu xa gần 55 km. Ở hành lang ngoài tầng tháp thứ ba có một đèn phụ để dự phòng. Đèn dự phòng này có tầm chiếu 18 hải lý và thiết vị vô tuyến với tầm hoạt động xa 12 hải lý. Tháp hải đăng nối liền với nhà ở của những người làm việc tại hải đăng bằng một đường hầm kiên cố. Trước kia chưa có điện, ngọn hải đăng hoạt động nhờ hệ thống dây cót, cứ ba giờ người ta phải phải lên dây cót một lần.
Lúc này gió thổi mạnh. Cha con đứng một lát đã thấy lạnh. Cha Trung tín liên hệ với ban quản lý nhà quản đăng xin cho các em học sinh được lên xem tháp đèn. Các nhân viên ở đây lâu mới có một đoàn học sinh tham quan, lại có nhiều học sinh nữ xinh đẹp thì vui vẻ và đồng ý ngay. Họ cử người đi theo hướng dẫn. Một vài cô cậu sợ độ cao không dám lên tháp. Những trò còn lại háo hức theo nhau vào tháp đăng và leo cầu thang xoắn lên tháp. Chúng cảm thấy lạ lùng vì lần đầu tiên được đi cầu thang xoắn. Tháp cao 18 mét tương đương với tòa nhà 4 tầng lầu, một chiều cao chúng chưa có dịp trải nghiệm. Khi lên tới tầng ban công, tất cả đứng xoay vòng chung quanh tháp để nhìn biển và nhìn thành phố. Đằng kia là Mũi Nghinh Phong. Nhìn ra phía Bãi Sau là Núi Tao Phùng (sau này là nơi đặt tượng Chúa Giê- Su núi Tao Phùng). Thành phố phía dưới mái nhà san sát, và biển xanh xa tít tắp tới chân trời.
Khi leo vật vã bao nhiêu thì bây giờ được an ủi bấy nhiêu. Đứng trên cao phóng tầm mắt xa khắp 4 phương trời, tâm hồn được rộng mở, khác hẳn cái cảm giác chật chội, tù túng trong những căn phòng nhỏ. Bọn học trò thích được chụp vài tấm ảnh kỷ niệm để khoe với mọi người nhưng rất tiếc chẳng ai có máy ảnh (Thời ấy chỉ trong tiệm chụp hình mới có máy ảnh, không có loại máy ảnh du lịch như bây giờ). Vì chỉ được phép tham quan tháp trong một thời gian ngắn, Cha Trung Tín cho trở xuống sân tháp đài. Đoàn học sinh chào từ giã nhân viên trực hải đăng rồi theo nhau đi bộ xuống bãi để xe. Lúc lên vất vả bao nhiêu thì lúc xuống nhẹ nhàng bấy nhiêu. Nhưng cũng phải thận trọng, vì nếu lỡ trượt chân té có thể bị tai nạn.
Khi trở lại bến xe, Cha Trung Tín thưởng học sinh một chầu nước dừa vì tinh thần kỷ luật và thái độ tốt khi tham quan hải đăng. Nhóm học sinh ào ào kéo vào quán nước. Người làm nước không kịp bổ dừa, nên Cha đề nghị chủ quán trao dừa cho học sinh tự làm lấy uống để kịp giờ cơm chiều. Cha hẹn trong nửa giờ là xong hết. Nghe Cha hẹn giờ, Thúy Loan mới vạch tay lên coi giờ, rồi Loan hốt hoảng kêu:
– Chết rồi…
Nói xong, nước mắt lưng tròng, Thúy Loan hết ngó tay đến nắn túi, cử chỉ thật bối rối. Loan bỗng ngập ngừng quay sang phía Thúy Liễu, Loan nói như cố ý cho Cha và các bạn nghe thấy:
– Em mất đồng hồ rồi, chị ạ, chết em rồi!
Nghe Loan kêu, nhất là thấy cử chỉ của chị em Thúy Loan, luồng điện thông cảm đã mau lan sang các bạn bè. Mọi con mắt đều đổ dồn về chị em Thúy Loan để theo dõi. Bực bội vì mất đồng hồ, rồi lại thấy các bạn bè chòng chọc nhìn mình, Thúy Loan vội bỏ chỗ, hốt hoảng bỏ chạy ra ngoài; Thúy Liễu vội vã bỏ chạy theo.
Thấy chuyện có phần rắc rối, Cha cũng chạy ra để can thiệp. Nghe Thúy Loan khóc lóc, kể lể một hồi, Cha gặng hỏi để tìm ra manh mối. Một tia sáng đã lóe ra. Cha “à” một tiếng rồi nắm tay Tiến, Cha ra lệnh chạy theo Cha lên thẳng chỗ Thúy Loan té ngã hồi nãy. Sau một lúc tìm kiếm, Cha đã tìm thấy chiếc đồng hồ Seiko nằm gọn ghẽ trong hốc đá. Bọn học trò phải ngôi chờ thì cằn nhằn. Đúng là bọn con gái đi đến đâu là rắc rối đến đó.
Cầm cái đồng hồ nhỏ trong tay, Cha như linh cảm cuộc đi chơi này có cái gì không êm. Từ sáng tới giờ mấy tai họa rồi, hết tai nạn dọc đường, rồi lúc lên chơi Phật đài, thì Thúy Loan cũng để quên cái kính mát, may mà em nhỏ bán kem lượm được, nên chỉ mất chút tiền chuộc lại, bây giờ lại mất đồng hồ.
Hồi nãy, Cha đã định tâm: nếu không tìm thấy, Cha sẽ đền cái đồng hồ khác, may mà tìm lại được.
Nhận được đồng hồ Cha trao, Thúy Loan đã hạ dần cơn hốt hoảng. Nhưng một nỗi xúc động khác đã vội vã chiếm cứ lòng cô, mặc dầu nước mắt đã khô, nhưng cử chỉ tay chân lúng túng, quờ quạng, khuôn mặt tái xanh, bây giờ lại bừng bừng như gần lửa.
Chị em Thúy Loan vừa bước vào trong quán, tiếng ồn ào bỗng im bặt, một lần nữa, mọi người lại đổ dồn con mắt theo dõi, khiến chị em Thúy Loan càng lúng túng hơn. Hiểu được tình hình, Cha ra lệnh: năm phút nữa lên đường.