Truyện dài : VÌ SAO SÁNG | Chương Bảy
Truyện dài : VÌ SAO SÁNG | Chương Bảy
Tác giả: Song Nguyễn
7.
Hùng đang say sưa thuật, thì từ dưới chân núi, hai ba bóng người vội vã đuổi theo nhau. Bóng đèn pin quét lia lịa. Chạy được một chặp, đến gần chân đài, có tiếng người kêu dồn dập:
- Cha ơi, Cha đâu?
Nghe tiếng kêu quen thuộc và hốt hoảng, Cha Trung Tín đoán chắc có chuyện gì không lành, Cha ra lệnh cho đám trẻ ở lại trên đài:
- Chúng con ở lại với Hùng, để Cha với Nam xuống coi có chuyện gì không. Xong việc, Cha sẽ về liền. Đừng ai lộn xộn nhé.
Cả nhóm dạ đồng loạt.
Cha và Nam vội vã xuống chỗ có tiếng vừa kêu. Thấy Cha, Hồng, Hạnh vừa thở, vừa rung rung nói:
- Thúy Loan…bị rạch mặt…máu ra nhiều lắm…
Hoảng hốt, Cha hỏi lại:
- Thúy Loan làm sao?
Hoàn hồn, Hồng nhắc lại:
– Thưa Cha, Thúy Loan bị kẽm gai rạch vào mặt, máu chảy nhiều lắm.
– Kẽm gai ở đâu mà lại rạch vào mặt Thúy Loan?
– Dạ thưa, chị chơi giỡn, đuổi bắt nhau rồi vô tình nhào vào dây kẽm gai giằng ngang sân.
Không hỏi gì thêm nữa, Cha sảo bước đi vượt lên, quên cả hai em đang theo sau Cha.
Dưới bóng đèn hè, đám học trò đứng vây quanh nạn nhân. Tiếng khóc, tiếng nói chen lẫn nhau. Một số người khác chạy lui chạy tới như biết rõ sự việc mới xảy ra. Cha rẽ đám đông đi thẳng tới chỗ Thúy Loan.
Thúy Loan đang ôm mặt khóc. Máu me hòa lẫn nước mắt chảy thành giọt nhỏ xuống đất. Thoạt trông, Cha Trung Tín cũng phải bàng hoàng. Cha không ngờ tai nạn lại nặng đến như vậy. Nhưng Cha lấy được bình tĩnh ngay. Đằng nào chuyện cũng xảy ra rồi, phải tìm cách cấp cứu nạn nhân, càng nhanh càng tốt.
Như để thanh minh và bênh vực cho tai nạn rủi ro, Thúy Liễu nói:
- Hồi nãy, chúng con tính vào giường ngủ sớm, nhưng vì trời nóng quá và chúng con cũng chưa buồn ngủ nên rủ nhau ra sân chơi. Các chị tổ chức trò chơi ú tim. Chị em chúng con trốn vào gốc cây sapotillier (xa-bô-chê), không ngờ, ngang gốc cây có giăng một đường dây kẽm gai. Vì trời sáng trăng mờ mờ nên chúng con không nhìn thấy…
Thúy Liễu càng nói, điều linh cảm trong thâm tâm Cha càng hiện rõ. “Chuyến đi này có lẽ không ổn, phải chăng đây là điều đã đến?”.
Chuyện Thúy Loan gặp nạn lúc đêm tối thế này là điều Cha không ngờ. Phải làm sao để đưa Thúy Loan đi nhà thương ngay. Ở đây không có thuốc dự phòng cho vết thương lớn. Chỉ có thuốc cầm máu và một ít thuốc chữa những bệnh nhức đầu, đau bụng, buồn nôn… Trường hợp bị kẽm gai xẻ, phải đi nhà thương nhanh, để ngừa phong đòn gánh. Tiếng “phong đòn gánh”cùng với những cơn co giật khủng khiếp làm cho Cha Trung Tín thấy nổi gai ốc khắp người.
Cha nhớ lại những trường hợp bị phong đòn gánh mà Cha đã đến ban Bí tích sau cùng cho nạn nhân. Có người chỉ bị kẽm gai hay một cái đinh sét đâm sơ qua cũng có thể chết được. Chả lẽ hôm nay Cha …
Nhưng, làm sao có thể đưa Thúy Loan đi nhà thương được bây giờ. Giờ này đã quá giờ giới nghiêm, người dân không được đi lại ngoài đường, mà xe cộ lại không sẵn. Thúy Loan bị kẽm gai rạch phải cấp cứu nhanh để tránh nhiễm trùng.
Cha đến chỗ bác tài xế, ông đang say sưa ngủ. Cha gọi ông dậy và nói rõ cho ông nghe chuyện Thúy Loan gặp nạn. Nguy hiểm có thể xảy ra cho nạn nhân, nếu không được săn sóc và chích ngừa. Mặc dù đồng cảm với Cha, nhưng bác tài xế băn khoăn, làm thế nào có thể di chuyển trong giờ giới nghiêm? Cha phải đứng ra bảo đảm và chịu hết mọi trách nhiệm, bác tài mới yên dạ. Cha vội vã cho Thúy Loan ra xe và đi ngay.
Vì là giờ giới nghiêm, xe không thể chay nhanh. Các trạm kiểm soát quân sự giăng khắp nơi. Xe bị chặn xét liên tục. Cứ đến mỗi trạm, Cha Trung Tín phải xuống xe, trình bày sự việc… Người lính quân cảnh khám xét, thấy nạn nhân băng kín mặt, trong xe không có gì khả nghi. Lại có một Linh mục bảo lãnh, họ thông cảm cho qua.
Thúy Loan ngồi bên Cha. Tiếng rên rỉ xuýt xoa của Loan làm Cha những thực sự ưu tư, lo lắng. Loan bị tai nạn thì Cha là người phải chịu trách nhiệm. Tai nạn này sẽ làm tổn hại uy tín của trường không ít. Bản thân Thúy Loan sẽ phải chịu hậu quả khôn lường. Còn đâu vẻ đẹp yêu kiều của một đóa hoa chớm nở? Rồi tương lai của nàng sẽ ra sao nếu trên mặt nàng có những vết sẹo không xóa được? Gia đình Loan sẽ phản ứng như thế nào? Nếu họ thông cảm mà bỏ qua cho thì đó là một điều may, còn nếu họ làm căng, chắc chắn Cha sẽ không tránh khỏi tổn thương…Và điều quan trọng là gia đình Loan đang tìm hiểu đạo, việc này có thể làm cho họ không còn tin vào Cha? Cả hai thiên chức giáo dục và thiên chức Mục tử của Cha đều bị ảnh hưởng rất nặng. Và có thể Cha sẽ bị chuyển đi nơi khác như một hình thức kỷ luật cũng không biết chừng.
Trở về thực tại, Cha rất lo lắng. Không biết giờ này nhà thương còn làm việc không? Và nhân viên có chịu nhận bịnh nhân không? Rất có thể người ta sẽ từ chối. Cha phải xử trí thế nào. Bị nhiễm trùng lâu, chắc chắn tình trạng của Thúy Loan sẽ trầm trọng hơn và hậu quả thì…Cha không dám nghĩ tới nữa. Suốt chặng đường xe, Cha luôn thầm thì cầu nguyện với Chúa. Trong hòan cảnh này, chỉ có Chúa mới cứu chúng con thóat mọi hiểm nghèo. Lạy Chúa, Chúa đã cứu chữa cho bao nhiêu kẻ bịnh tật, xin Chúa hãy cứu chữa cho Thúy Loan. Lạy Chúa, con xin nhận chịu về mình tất cả những lỗi lầm. Chúa định liệu thế nào con cũng xin chịu, chỉ xin Chúa cứu chữa cho Thúy Loan. Con thiết tha cầu xin Chúa, vì con biết Chúa quan phòng mọi sự…
Xe chạy dọc con đường ven biển. Đêm đã khuya lắm, mọi sinh hoạt ban ngày đã ngưng đọng, chỉ còn sinh hoạt của đại dương thì ngày cũng như đêm không có lúc ngừng nghỉ. Có khác chăng là lúc thì sôi động hơn, lúc thì thư thả hơn. Những đợt sóng vô tư đuổi theo nhau đập vào ghềnh đá, vỡ tan thành những điệu nhạc trầm buồn, đưa tâm hồn chìm sâu theo suy tư, cộng thêm hơi nước lạnh bốc lên, gây ra những cảm giác lành lạnh. Nhưng có lẽ cảm giác làm cho Cha lạnh và suy tư hơn, chính là nạn nhân ngồi bên Cha. Cha cựa quậy để xua đuổi cảm giác lo âu đó. Tiếng Thúy Loan khe khẽ rên sau cái cựa quậy của Cha, Cha hỏi:
- Bây giờ Loan thấy còn đau nhức lắm không?
Thúy Loan quay sát vào Cha thì thào:
- Dạ, con đỡ đau một chút, nhưng con thấy rát quá Cha ơi- Loan tiếp- Nhưng rồi liệu mặt con có sao không Cha?
Câu hỏi của Thúy Loan làm Cha bối rối, không biết phải trả lời sao. Chính câu hỏi đó cũng đang làm Cha suy tư. Biết bao nhiêu thần tượng đã sụp đổ sau một tai nạn. Nhan sắc tàn phai, không còn ai đoái hoài tới. Họ đang từ trời cao của danh vọng rớt xuống vực thẳm thê thảm và chìm nghỉm trong bóng tối vĩnh viễn.
Sau câu hỏi, Thúy Loan chờ đợi không thấy câu trả lời, Loan tưởng Cha chưa nghe rõ, nên hỏi lại:
- Thưa Cha, liệu mặt con có sao không?
Thấy không thể im lặng được nữa, Cha lên tiếng trấn an:
- Không sao đâu con, ngày nay thuốc men và phẫm thuật thẩm mỹ thần hiệu lắm, người ta có thể đổi cả khuôn mặt được, huống hồ là Loan chỉ bị nhẹ thôi.
Thực ra, thuốc men như thế nào Cha chưa có kinh nghiệm, nhưng giây phút này trấn an được nạn nhân bao nhiêu, hay bấy nhiêu.
Xe đã rẽ vào thành phố và dừng lại trước cổng nhà thương Lê Lợi. Nhà thương này có từ những năm 1939. Lúc ấy chỉ là một trạm xá rộng chừng120m2, có 3 phòng, phòng khám, phòng cấp cứu và phòng sanh. Năm 1962, trạm xá xây thêm một phòng mổ và đổi tên là Chẩn y viện Lê Lợi. Năm 1964 được đổi tên thành Bệnh viện Lê Lợi. Lúc này có nhiều phái đoàn Y tế Úc, Hàn quốc sang giúp bệnh viện về chuyên môn
Đúng như Cha Trung Tín dự liệu. Cổng nhà thương đã đóng kín, chỉ còn một cổng nhỏ đủ để một người qua lại.
Nhân viên trực cổng thấy xe đậu trước cổng nhưng không quan tâm. Ông ta nhìn ra như nhìn một việc xa lạ. Lẽ ra ông ta phải biết rằng, xe đến nhà thương giờ này nhất định là xe chở nạn nhân đi cấp cứu.
Cha Trung Tín vội xuống xe. Cha vào gặp người trực cổng, trình bày trường hợp cấp cứu cần giúp đỡ. Anh ta mở cửa nhỏ bước ra đến bên chiếc xe, ngó vào trong xe thấy có người nằm, mặt băng kín, lúc ấy mới chịu mở cổng cho xe vào.
Phòng trực, không có bóng một cô y tá nào. Cha Trung Tín thất vọng và bối rối. Sự lo âu lại ập đến. Lúc ra đi tin tưởng bao nhiều thì giờ này lo lắng bấy nhiêu. Làm thế nào bây giờ? phải bao nhiêu khó khăn mới đến được đây, chả lẽ bây giờ lại mang bệnh nhân về, nhưng mang bệnh nhân về thì mang đi đâu giờ này? Chậm một giây phút cũng ảnh hưởng đến sự an nguy của Thúy Loan. Không thể được, “Còn nước còn tát”. Nhất định nhà thương phải có người trực, có thể là họ đi đâu đó, cũng có thể họ đã ngủ vì giờ này đã khuya rồi.
Cha an ủi Thúy Loan:
– Chắc khuya rồi, không có bệnh nhân tới, nên mấy cô đi chơi đâu đó. Chuyện trò với bạn bè giây lát, chắc cũng sắp trở lại.
– Có lâu lắm không Cha?- Thúy Loan sốt ruột hỏi lại.
– Chắc không lâu đâu.
– Con thấy xót quá cha ơi!
– Thôi, con ngồi đây với chị Liễu, để Cha đi tìm y tá.
Thúy Loan vùng vằng không chịu ngồi một mình. Cha nói để Thúy Loan yêu lòng, thực sự là Cha chưa bước vào nhà thương này lần nào …
Nhưng may mắn quá, Cha con đang do dự, thì bóng một cô y tá xuất hiện. Cha vồn vã chạy lại chào cô. Mặt cô vẫn lạnh như đá. Cha phải năn nỉ:
– Thưa cô, có nạn nhân bị thương nặng, cần cấp cứu, xin cô giúp.
– Nặng làm sao?- Cô y tá vẫn một giọng cứng cỏi.
– Thưa cô, bị kẽm gai rạch mặt.
– Ôi, tưởng gì chứ, kẽm gai rạch mặt thì có gì lạ đâu mà nặng với nhẹ. Bây giờ người ta nghỉ rồi, không có thuốc men gì hết. Ông đưa cô ấy về, sáng mai trở lại.
“Đem về, sáng mai đưa lại, thế thì cần gì mất công, vất vả cầu cạnh đến đây?”- Cha thầm nghĩ…rồi Cha cố nài nỉ:
– Thưa cô, nhưng tôi sợ…
– Tôi nói rồi mà. Không sao đâu, ông cứ đem cô ấy về rồi sáng mai đưa lại sớm, chứ bây giờ thì thuốc men không còn gì ráo trọi.
Nghe cô y tá khăng khăng từ chối và kèm theo những cử chỉ xua đuổi, Cha thấy máu nóng bừng lên mặt. Bao nhiêu lo lắng cho nạn nhân đến được đây thành số không. Cha muốn ra về ngay rồi đến đâu thì đến. Nhưng khi nhìn lên xe, thấy Thúy Loan băng kín mặt, Cha phải cố kềm chế. Nếu không được chăm sóc, lỡ vết thương của Thuý Loan bị nhiễm trùng thì sao? Cha năn nỉ cô y tá:
- Cô à, chúng tôi biết, đến vào giờ này thật không phải và làm phiền cho cô, nhưng chúng tôi từ xa đến đây, lạ người lạ cảnh. Đây là em học sinh chúng tôi dẫn đi chơi. Chẳng may em bị tai nạn. Chúng tôi là người chịu trách nhiệm với trường và với gia đình em. Tơi sợ em bị nhiễm trùng, vết thương sâu trên mặt để lâu sẽ rất khó lành. Vì vậy, xin cô vui lòng giúp chúng tôi một lần. Ơn cô, chúng tôi không bao giờ quên…
Nghe Cha Trung Tín ngâm đoạn “Cung oán ngâm khúc”, cô y tá có vẻ siêu lòng:
– Thôi được, bây giờ tôi băng sơ qua cho nạn nhân, rồi sáng mai tính.
– Vâng, được như vậy, chúng tôi đỡ ân hận rồi.
Cha biết trong trường hợp này, không nên vội vã năn nỉ, cứ để đến đâu, lợi dụng hoàn cảnh tới đó. Cái khó là bước đầu người ta đã bằng lòng rồi thì người ta sẽ dễ bằng lòng tiếp, miễn là mình phải biết đúng lúc. Cha cố gắng áp dụng nguyên tắc này.
Cha vội vã bước lên xe, nhờ người tài xế phụ với Thúy Liễu đưa nạn nhân xuống phòng trực, vừa vồn vã, Cha vừa thúc:
- Nào, đưa nạn nhân vào mau kẻo mất thời giờ của cô!
Cô y tá được tâng bốc, lên tiếng:
- Được, để nạn nhân ngồi xuống ghế, đợi tôi đi lấy thuốc. Còn ông, làm ơn ghi dùm vào cuốn sổ, tên, nghề nghiệp…của người đưa nạn nhân đến, số xe và loại xe chở nạn nhân, cùng với tên, nghề nghiệp của nạn nhân và lý do tai nạn.
Cha gật đầu và răm rắp làm theo.
Sau khi cởi bỏ lớp băng tạm ở nhà trọ, nhìn thấy mặt Thúy Loan, cô y tá thoáng một nét buồn, không hiểu vì tai nạn đáng ngại hay vì khuôn mặt quá dễ thương của Thúy Loan. Nắm bắt được tình thế, Cha nói ngay:
- Tội nghiệp em bé này quá cô ơi, vừa bị tai nạn, lại vừa sợ bị mẹ la. Nếu mà nay không gặp cô thì tôi không biết phải xử trí ra sao.
Có vẻ như đã dịu bớt được những ý nghĩ tiêu cực, cô tỏ vẻ thông cảm với người đối thoại, cô trách Thúy Loan:
- Ai bảo giỡn cho lắm cơ!
Thúy Liễu mấp máy môi định nói gì, Cha phải đằng hắng như người mới bị lạnh, nháy mắt cho Thúy Liễu không nên nói gì trong lúc này, sợ Thúy Liễu thương em lại nói lời gì chạm tự ái cô y tá thì hỏng việc.
Hiểu được ý Cha, Thúy Liễu giả vờ vặn mình rồi ngồi yên giữ em cho cô y tá làm, nhưng thái độ Liễu có vẻ không bằng lòng, Cha giải hòa:
- Không, em không may bị trượt té cô à, trời tối không biết có dây kẽm gai căng ngang..
Câu nói thành thực của Cha làm cô y tá cười. Cha tưởng không bao giờ nhìn thấy nụ cười trên môi cô. Cha thân mật:
- Cô có tin số mệnh không?
Do dự một lát, cô hỏi lại Cha:
– Thế ông có tin số mệnh không?
– Tôi à, tôi tin có số mệnh. Tôi tin là em Loan ngày hôm nay bị nạn và được đưa đến nhà thương này để cô chữa cho.
Cô y tá lại mở một nụ cười nữa, nét mặt cô đã trở lại tươi tắn, rạng rỡ. Cô cũng có một vẻ đẹp đắt giá.
Tiếng la thất thanh của Thúy Loan làm Cha giật mình. Thúy Loan vừa được cô y tá lau rửa bằng thuốc sát trùng, xót quá la lên. Cha tiến lại đứng bên:
- Loan ráng lên, chịu xót một chút thôi, cô y tá làm mát tay lắm, thế nào Loan cũng chóng khỏi, khỏi rồi sau này cũng làm y tá như cô đây nhá.
Lần này, cô y tá đã chú ý đến người đối thoại.
Đứng gần Thúy Loan dưới ánh sáng rõ ràng và nhất là khi vết thương đã được lau sạch, Cha thấy vết thương trên mặt Thúy Loan không phải là nhẹ, khắp nửa mặt bên trái bị nhiều vết, nhất là cuối chân mắt, bị xẻ một đường khá sâu. Ý tưởng “lỡ ra…” lại đến với Cha. Vì thế, một đàng Cha vừa vỗ về Thúy Loan, một đàng Cha vừa cố gắng lấy cảm tình của cô y tá để cô tận tình giúp đỡ Thúy Loan.
Băng cho Thúy Loan xong, cô y tá vui vẻ nói:
- Ông đưa cô bé về ngủ, sáng mai đưa đến để bác sĩ coi lại và định tình trạng bệnh.
Cha chưa thấy an tâm nếu để Thúy Loan về mà chưa được chích ngừa và vì Cha thấy hoàn cảnh bây giờ có phần khác lúc mới vào, Cha nói:
– Thôi, cô đã thương thì thương cho trót, cô bé này bị kẽm gai rạch mặt mà không được chích ngừa, sợ có thể bị nhiễm độc. Thưa cô, cô làm phúc nhiều, chắc trường hợp này có thể bị nhiễm độc được có phải không, thưa cô?
– Trường hợp ấy cũng có thể, nhưng thuốc ở đâu mà chích ngừa bây giờ?
– Dạ thưa khó với ai, chắc với cô thì không rồi.
Suy nghĩ một lát, cô mới nói:
- Ui chà!…Thôi đợi một lát, để tôi đi tìm thử xem có không.
Không đầy năm phút, cô trở lại, trên tay cầm một ống thuốc chích. Vừa nhìn Cha, cô vừa nói:
– Số cô bé may đấy!
– Dạ, thì tôi đã nói hồi nãy, số cô bé ngày hôm nay bị rạch mặt và sẽ được cô chữa mà!
Cô y tá mát dạ, thoăn thoắt rút thuốc vào ống chích cho Thúy Loan.
Công việc đã xong xuôi như ý nguyện. Cha Trung Tín thấy không cần làm phiền cô y tá thêm. Cha cám ơn cô để đưa nạn nhân ra xe về. Giờ phút này, Cha mới có dịp quan sát kỹ cô y tá. Trên ngực áo cô có gắn bảng tên Quỳnh Vân. Cô trông cũng thật dễ chịu, cô niềm nở như đã quen lâu. Cô phụ đưa nạn nhân lên xe rồi mới về phòng.
Vào tới hành lang, cô còn quay ra dặn:
- Sáng mai, ông nhớ đưa cô bé lại, để nếu cần, bác sĩ sẽ khâu lại vết thương cho nhé!
Rồi cô còn đứng nhìn cho xe ra khỏi cổng mới quay vào.
Xe rời bệnh viện, Cha thở một hơi dài, trút hết những lo lắng, tính toán, kìm hãm, những bức xúc…Cha thốt ra:
- Được!
Thúy Liễu ngồi bên cạnh nghe Cha nói “được”, cô tưởng Cha khen cô y tá “được”, Thúy Liễu góp lời:
– Thưa Cha, cô y tá lúc sau này dễ thương, chả như lúc đầu, con nổi sùng muốn chửi cho cô ta một trận rồi đi nhà thương khác, làm như người ta đi ăn mày không bằng. Cha chứ như con thì cô ta biết tay con rồi. Nhưng lúc sau cô ta lại tốt quá. Cô ta không biết Cha là Linh mục, sao cô tử tế thế!
– Rồi cô ta sẽ biết- Cha vừa cười vừa nói.
Chiếc xe lầm lũi chuyển bánh dưới ánh đèn vàng vọt của thành phố. Một hai điệu nhạc lọt qua cửa sổ, hắt xuống đường một cách vội vã nghe thật lạc lỏng. Một hai giọng nói lè nhè vọng ra từ những quầy rượu bên đường.
Xe ra tới con đường nhựa dọc theo bờ biển thì chỉ còn lại một điệu nhạc quen thuộc của đại dương. Khác với cảnh hào nhoáng, ồn ào của thành phố ban ngày, về đêm biển có vẻ đẹp thần tiên. Tiếng sóng vỗ xô nhau đổ ghềnh, tạo ra những âm điệu trầm, mạnh như những nốt nhạc trầm mạnh trong tấu khúc của Bach. Cha Trung Tín thấy lòng nhẹ nhàng hơn. Ngài thầm thì cầu nguyện. Lạy Chúa! Con cảm tạ ơn Người đã ban cho con bao ơn lành trong ngày hôm nay. Cảm tạ ơn Người đã cứu Thúy Loan. Lạy Chúa! Con xin Người gìn giữ chúng con trong chuyến đi này khỏi mọi tai nạn, khỏi mọi sự dữ. Lạy Chúa! xin Chúa luôn ở bên chúng con, để chúng con được vững tâm mà bước đi trong sự quan phòng của Chúa.
Ngoài kia, giữa mênh mông của biển, những lớp sóng trắng lô nhô đuổi theo nhau như đùa giỡn. Xa hơn chút nữa là những vùng sáng trông giống như những thành phố nổi, nhấp nháy bởi hàng trăm, hàng ngàn ngọn đèn màu đủ loại, đủ cỡ. Những khu phố đó cũng đang nằm ngủ chờ sáng để tiếp tục cuộc hành trình của mình trên mặt đại dương, hoặc cập bến gỡ hàng. Bóng đèn hải đăng cứ đều đều quét những vệt sáng ra xa thật xa, như một lời nhắn nhủ cho những con tàu còn đang xuôi ngược trên mặt biển. Hãy coi chừng nguy hiểm, và tốt hơn, nên dừng bước trở về đây đoàn tụ cho thành phố thêm niềm vui.
Tiếng thắng khô khan của chiếc xe làm Cha giật mình. Ngó nhìn đằng trước, bóng một quân cảnh tay cầm súng đang canh chừng chiếc xe đối diện.
Sau khi kiểm tra kỹ những người trong xe, lại thấy có cô gái bị băng ở mặt, người lính mới chịu kéo vòng kẽm gai chắn ngang đường cho xe đi. Ở xứ này, đi trong giờ giới nghiêm rất khổ và nguy hiểm, bởi người ta có thể nổ súng vào bất cứ đối tượng nào nghi ngờ. Cứ mỗi khi có tình hình căng thẳng là giới nghiêm. Hoặc là đảo chánh, hoặc là sợ bị tấn công quân sự. Mấy ông tướng nhà binh thay nhau làm đảo chánh. Ông này chưa kịp ngồi nóng ghế đã bị ông khác hất nhào. Tình hình chính trị như trên chảo lửa. Chiến tranh đã vào tới thành phố mà họ vẫn không thôi tranh giành quyền lực. Chỉ khổ cho dân đen. Khi tình hình bất ổn thì vật giá tăng phi mã. Bọn cơ hội mặc sức làm giàu, bọn có chức có quyền mặc sức tham nhũng. Còn dân đen thì sống dở chết dở. Không ăn bom đạn cũng chết đói, biết trông mong vào ai! Cha Trung Tín ngao ngán, ngài lắc đầu một mình.
Cũng nhờ được báo trước, nên lần trở về không đến nỗi gặp khó khăn như lần đi. Dù vậy, cũng phải mất cả giờ trên quãng đường mười lăm phút.
Xe thắng lại trước cửa nhà trọ đã một giờ sáng. Đưa chị em Thúy Loan vào nhà, Cha với Nam lủi thủi leo lên núi. Cha lên tới nơi, các em trai vây quanh Cha để hỏi thăm tin tức về nạn nhân. Cha đoán chắc là các em ở nhà cũng nóng lòng muốn biết tin tức lắm, nhất là khi chúng biết nạn nhân là Thúy Loan, một người phần đông có cảm tình.
Cha kể qua diễn tiến về tai nạn và dò xét về thái độ của các em trai phản ứng như thế nào. Nói chung thì tất cả đều tỏ dấu lo ngại cho vết thương của Thúy Loan. Chúng coi đó như một tai họa lớn lao đối với một người con gái, nên chúng phát biểu những câu rất tự nhiên:
- Bị ở đâu thì bị, chứ bị ở mặt thì tiêu tùng rồi.
Đứa khác thêm vào:
– Người con gái hấp dẫn ở khuôn mặt, mà mặt có sẹo thì coi như hết duyên rồi.
– Các cậu lạc hậu hết rồi. Ngày nay mỹ viện sẽ sửa được hết.
Rồi lan man, chúng tán với nhau những cách các bà các cô gìn giữ, sửa sang sắc đẹp. Chẳng biết chúng học ở đâu mà biết đủ thứ. Từ cách ăn uống kiêng cữ thế nào để đừng tròn như cái cối xay. Có người phải ăn chay trường. Để giữ gìn da mặt thì thật là cả một công trình, tốn công tốn của. Các tiệm bán mỹ phẩm và các mỹ viện sửa sắc đẹp tha hồ hốt bạc… Chúng còn kể chuyện có người phải sang Nhật lột da mặt như thế nào. Ấy là chúng tưởng tượng rồi tán với nhau thôi, đã có đứa nào bước vào một tiệm sửa sắc đẹp mà biết cụ thể thế nào. Nam làm ra vẻ hiểu biết thực sự:
- Trường hợp của Thúy Loan đâu có khó. Bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ làm được hết, nhà Loan lại giàu, lo gì.