Truyện dài: MỘT ĐỜI DÂNG HIẾN | Chương Sáu
Truyện dài: MỘT ĐỜI DÂNG HIẾN | Chương Sáu
Tác giả: Song Nguyễn
6. Người mẹ nuôi kỳ lạ
Kể xong một giai đoạn, Dì Lan ngừng lại để lấy hơi, ba lợi dụng ngay cơ hội đó, góp ý thêm để Dì nghỉ lấy sức. Ba nói:
– Quả là việc Chúa làm Dì nhỉ! Nếu như Dì Antony không giải quyết được vụ giằng co đó, chắc chắn là hậu quả đã xảy ra ghê gớm lắm rồi!
– Vâng! Ai cũng thấy rõ như vậy! Dì Lan trả lời ba, giọng Dì vẫn trang trọng như đang kể chuyện thánh. Dì nói tiếp: một bên là những bệnh nhân liều lĩnh dám thí “mạng cùi”, một bên là những người coi cái chết nhẹ tựa “lông hồng”, thì còn gì mà không nghiêm trọng được. Nhưng, tiếng nhưng của Dì Lan làm ba giật mình, ba đoán chắc là câu chuyện Dì sắp kể còn ghê gớm hơn câu chuyện Dì vừa kể. Và hình như chính Dì Lan cũng muốn tạo bầu không khí trang trọng hơn để đưa ba vào câu chuyện Dì sắp nói. Dì nói tiếng nhưng, rồi bỏ lửng. Dì đưa mắt nhìn ba, và khi nhận thấy ba chăm chú theo dõi câu chuyện Dì kể, Dì mới tiếp tục:
– Bước đầu thành công của Dì Antony sánh với những việc Dì làm sau đó kể ra còn nhỏ.
– Việc giải quyết ổn thỏa như vậy thật là đáng kể. Nếu như không có Dì Antony, chắc chắn là có đổ máu rồi còn gì , và hẳn tình trạng trại cùi cũng thay đổi nhiều?
– Đúng là như vậy! Nhưng việc giàn xếp để bệnh nhân trở về trại, còn dễ hơn lo cho một đám đông đảo bệnh nhân ăn uống thuốc men. Ông coi đó, mặc dù trại lúc ấy chưa được đông như bây giờ, tuy nhiên cũng có tới hàng trăm người, chỉ lo cho họ ăn uống cũng đủ chết rồi!
– Dạ đúng! Ba góp ý với Dì Lan. Ba nói: về vấn đề này tôi đã có kinh nghiệm. Gia đình tôi tất cả chỉ có năm người, trong đó kể như hai lao động chính, thế mà cũng chưa giải quyết hết nhu cầu của gia đình, nói gì đến lo cho hàng trăm người mà nhu cầu lại quá khác biệt nhau. Ba thắc mắc hỏi Dì:
– Xin Dì cho biết, Dì Antony đã làm thế nào giải quyết được vấn đề lớn như vậy?
Dì Lan ngước mắt lên trời như vẫn còn ngạc nhiên trước việc làm của người quá cố, rồi Dì nói:
– Thật là một điều quá sức tưởng tượng của chúng tôi. Dì Lan nhìn ba nói: ông coi như ngày nay, chúng tôi bấy nhiêu người, phương tiện tuy có eo hẹp, nhưng vẫn còn xoay sở được, lại còn được các cơ quan giúp đỡ phụ thêm, thế mà thiếu thốn lúc nào cũng có. Còn trong hoàn cảnh Dì Antony, chỉ có một mình, phương tiện không, giúp đỡ cũng không. Như vậy ông thấy không quá sức tưởng tượng sao được!
Ba gật đầu nhất trí với Dì. Ba góp ý thêm:
– Hơn nữa lại là một Dì phước mới khấn, tuổi đời còn ít, lại chưa có dịp đảm nhận công tác quản lý bao giờ?
– Phải! Đó là điểm đáng nói nữa! Đọc những trang nhật ký của Dì để lại về giai đoạn này, không ai có thể cầm lòng được. Đại ý Dì viết:
“Hôm từ giã mẹ và chị em, trở về trại. Giữa lúc tâm hồn đang rối loạn như tơ vò: phần thương nhớ người mẹ, người chị sớm hôm nương tựa, vỗ về, dẫn dắt bước đường phục vụ, phải vội vã ra đi; phần lo sợ cho bước đường tương lai thân gái lẻ loi giữa một môi trường sống đầy chết chóc và hiểm nguy hồn xác, không phải từng tháng, mà phải kể hàng ngày, hàng phút. Giữa cảnh tượng ấy thì hết người này đến người kia: người đến xin Dì mở kho lấy gạo nấu cơm, người xin món này, người xin món khác đến nỗi Dì không còn giờ còn trí để mà nhớ mà sợ nữa…”
Đến ngày thứ ba, Dì Antony viết tiếp:
“Đến hôm nay mối bận tâm lớn nhất đó là lương thực. Sau ba ngày kiểm soát toàn bộ trại, các kho chứa cũng như các cơ sở làm ăn, sản xuất trong trại, Dì đâm hoảng, tất cả đều bị đe dọa trầm trọng. Nhà kho chỉ còn trơ lại những cái giá xếp lương thực gạo, bắp đã có khi lên tới trần nhà, dấu vết những bao gạo còn để lại trên tường hãy còn đó. Bây giờ trần nhà màng nhện rải hầu khắp, còn dướio sàn nhà lỏng chỏng mấy bao gạo, bao bắp cung ứng cho hàng trăm người, phỏng được bao nhiêu ngày…. Còn những cơ sở sản xuất cũng chẳng khả quan gì hơn: vật liệu sản xuất như đay, cói, tre; hầu hết những món đồ sản xuất ở đây. Thế mà những vật liệu này cũng không còn nữa vì đã nhiều ngày tình hình an ninh không bảo đảm, nên những vật liệu phần không nhập trại được, phần ở trại cũng không đi kiếm được, nên vật liệu cạn dần. Còn cơ sở chăn nuôi, đàn heo thiếu lương thực nên phần ăn của chúng bị giảm bớt bất thình lình, và vì chưa tập quen được với hoàn cảnh mới, nên chúng kêu la suốt ngày….”
Dì Antony cho mời ban đại diện tới để thông báo tình hình lương thực và bàn kế hoặch đối phó. Nhưng khi ban đại diện tới, Dì Antony viết:
“Họ cũng chỉ biết nhìn Dì, nghe Dì nói và chất thêm lo lắng.” Nhưng trong cuộc gặp mặt này, Dì đã phát hiện được một điều đáng sợ, có phần nguy hiểm của những con người bị dồn vào thế đường cùng.
Sau khi nghe Dì trình bày tình hình lương thực trong trại và viễn tượng sắp tới, một trong những người đại diện cộc cằn phát biểu: “Đến đây là bước đường cùng rồi: trông cậy bên ngoài tiếp tế chắc chắn là vô vọng, vì tình trạng ngoài xã hội hẳn là chẳng có hơn gì trong trại. Còn ở trong trại với hoàn cảnh này cũng chẳng có hy vọng gì sản xuất. Ông ta kết luận: xin đề nghị với quý vị còn bao nhiêu bò, heo, gà vịt…. Để cũng chẳng có gì nuôi, nên cho làm thịt cho trại đánh chén một bữa rồi có chết cũng không hối….”
Ý kiến của người đại diện đó không ngờ được nhiều người đại diện tán đồng. Qua ánh mắt của họ xem ra họ cũng nhất trí như vậy. Khám phá này đã làm cho Dì Antony hoảng hồn, nó cho Dì thấy hai điều: một là tình trạng chán nản, thất vọng đã lan rộng có thể đưa đến bạo động và làm liều; hai là hầu như trong trại không còn uy quyền và mất hết tin tưởng rồi. Cả hai đe dọa gần như ngoài tầm tay với của Dì. Nhưng nếu Dì không gắng sức vươn tới, chộp lấy cơ hội, trại sẽ tan vỡ.
Những phút căng thẳng cứ dần trôi qua, bao nhiêu con mắt trong phòng họp đều hướng về Dì để chờ đợi ý kiến của Dì. Ý kiến của một Dì phước non trẻ ngây thơ như thiên thần mới giáng thế có thể định đoạt cơ vận của trại đã xây dựng và vun trồng hàng chục năm. Dì Antony ý thức rõ vai trò của Dì. Trong lúc đó, Dì ghi lại: “Tự nhiên tôi hết sợ, tuổi xuân của tôi như vuột khỏi tôi, tôi trở nên già dặn và gần như liều lĩnh – liều lĩnh vì lời nói, nhưng thực tôi chưa dám chắc về việc tôi sẽ làm…”
Giữa lúc mọi người chăm chú chờ đợi, Dì Antony đứng dậy, nét mặt Dì trở nên nghiêm khắc. Theo như người chứng kiến kể lại: những nét thanh tú đơn sơ như đã biến mất, nhường lại vẻ trịnh trọng rắn rỏi của con người lãnh tụ. Giọng nói của Dì cũng thay đổi: rắn chắc, cương quyết, khác hẳn với giọng nói dịu dàng tươi mát của một cô gái đang độ. Dì nhìn khắp mọi người có mặt bằng tia mắt truyền lệnh, khiến những người trước đó vẫn nhìn Dì bằng con mắt thương hại, bắt đầu cảm thấy nơi Dì một cái gì khác thường. Tạo được khí thế rồi, Dì bắt đầu nói:
– Không thể được! Nhất định bằng mọi cách chúng ta phải sống và phải duy trì trại. Bề trên đã trao phó cho chúng ta, không lẽ chúng ta chịu buông xuôi…
Nói rồi Dì vẫn đứng ngay như tượng đá và liếc mắt dò xét mọi người. Lẽ dĩ nhiên với uy thế Dì vừa tạo được, mọi người đều nhất trí với Dì. Nói khác đi, người ta còn nhất trí với Dì trước cả khi Dì phát biểu nữa. Bảo vệ sự sống thì ai mà không muốn. Có thể có những phút liều lĩnh người ta muốn chết, nhưng bình thường thì bản năng con người là ham sống và sợ chết. Bài ngụ ngôn của Lã Phụng Tiên “Thần chết và lão tiều phu” là một ví dụ. Còn duy trì trại cũng là điều thiết yếu gắn liền với sự sống. Chính những bệnh nhân ý thức rõ: đây là cứ điểm cuối cùng của họ có thể bám vào mà duy trì sự sống, phá nó đi thì chính họ là người thiệt thòi trước nhất. Nhưng duy trì nó thì phải duy trì như thế nào? Trong khi trại hết lương thực, những nguồn tiếp tế bị cắt đứt, nguồn lợi khả dĩ có thể phụ thêm cho nguồn lương thực cũng gần như không thể duy trì được, thì giữ trại làm gì? Giữ trại trong hoàn cảnh này có khác gì ngồi bưng chén cơm trong khi bụng đói meo và miệng cứ lép bép nói “nhất định tôi không chết, nhất định tôi không chết….”
Quả nhiên sau khi Dì Antony tuyên bố lập trường của Dì, một vị đại diện đứng lên phát biểu. Ông nói:
– Vâng Dì nói chúng ta phải sống và phải duy trì trại… điều ấy chúng tôi nhất trí với Dì rồi, nhưng xin Dì cho chúng tôi biết chúng ta giải quyết những cái “phải” đó như thế nào?
Phát biểu của người đại diện vừa rồi cũng chính là điều đang dày vò Dì Antony. Lời nói của ông chẳng khác gì một cái đẩy nữa xô vào thêm những cái đang ào tới Dì.
Dì Antony xửng người ra trước những yêu cầu chính đáng của người đại diện: Dì muốn có uy thế, muốn mọi người làm theo cái “phải” của Dì, thì Dì phải đưa ra được cách giải quyết. Nhưng phải giải quyết như thế nào đây? Chính Dì cũng chưa nắm vững được tình hình nội bộ và nhất là lơ mơ hay nói khác đi rất lơ mơ tình hình bên ngoài. Cái đó cũng không có gì lạ vì Dì mới lớn lên trong bốn bức tường của tu viện, còn xa lạ với những chuyện điều hành, nhất là giao tế bên ngoài. Nhưng giờ đây dù muốn dù không, Dì cũng phải đưa ra được giải pháp. Dì Antony nhìn người đại diện như để trấn áp đối phương, rồi Dì dõng dạc nói:
– Khi yêu cầu quý vị là tôi đã có kế hoạch, tuy nhiên thời gian quá gấp rút và công việc quá bề bộn… Dì đằng hắng như cố nuốt trôi cơn xúc động vừa dâng lên đóng cứng cổ họng Dì. Không ngờ cử chỉ này gây được sự chú ý và thông cảm mãnh liệt của các đại diện. Dì nói tiếp: – Tôi chưa có thể thảo hết được kế hoạch đó. Tôi hứa sẽ soạn thảo chi tiết và cụ thể, rồi sau đó tôi sẽ trình bày với quý vị.
Ngưng một lát để tạo sự chú ý, Dì nói:
– Nhưng việc làm ngay bây giờ tôi đề nghị là trong trại sẽ áp dụng ngày một bữa cơm, một bữa cháo…
Dì Antony vừa dứt lời thì một số đại diện thở dài, xì xào trao đổi; nhưng ánh mắt của Dì Antony đã áp đảo được những bất mãn không thể tránh được đó. Giải tán cuộc họp ban đại diện rồi, trở về phòng Dì Antony thả mình xuống ghế rồi thở hắt ra. Nỗi lo sợ ập đến vây kín Dì. Trước mắt Dì từng trăm từng ngàn câu hỏi đặt ra. Trước mắt Dì vấn đề nào Dì cũng thấy ngõ cụt, trong khi đó cảnh mênh mông hoang vắng trong căn phòng của tu viện với những chứng tích còn ngổn ngang chưa hề được thu dọn càng làm cho Dì hoảng hốt. Dì nhắm mắt lại và gục đầu xuống bàn để khỏi nhìn thấy cái quen thuộc chung quanh. Dì viết tiếp: “Mình nức nở và than với Chúa:
Ai cứu con khỏi nỗi sợ này!
Mọi quyền năng, lạy Chúa, chỉ nơi Ngài,
Xin giúp con, xin đoái nhìn thương xót!…
Con khốn cùng và lòng đau như thắt,
Xin cứu con thoát khỏi bước ngặt nghèo,
Gỡ chân con khỏi mắc lưới giăng treo,
Cậy trông Chúa, một lòng con trông cậy!
(x.Tv 24)
Rồi ngày một, ngày hai, ngày ba hy vọng vẫn xa vắng, giải pháp vẫn chưa tìm ra. Ban ngày Dì Antony đôn đảo có mặt khắp nơi trong trại để giữ vững tinh thần và tác động các bệnh nhân vững tin, ban đêm Dì chạy đến nhà tạm ăn vạ Chúa. Nhưng bệnh nhân vì phần ăn bị hạn chế, cơn đói mỗi lúc một tăng, nên họ hết than vắn, thở dài kêu ca và mong mỏi giải pháp của “vị thiên sứ”. Còn Dì vẫn chưa tìm ra giải pháp, nên một đàng vì công việc Dì phải gặp mọi người, một đàng Dì sợ gặp họ.
Đối với bệnh nhân thì vậy, còn với Chúa tha hồ cho Dì Antony kêu khóc, năn nỉ, Chúa vẫn lặng thinh y hệt cảnh Chúa nằm ngủ trên thuyền của Phêrô giữa lúc sóng gió nổi dậy làm cho thuyền của Phêrô muốn lật nhào. Nhưng Phêrô còn may hơn, vì dù sao cũng có Chúa nằm đó, và Phêrô có thể đánh thức Chúa dậy được. Hơn nữa, Phêrô là đàn ông, có nhiều bạn hữu ở bên, lại là tay chài lưới, Phêrô cũng có thể khả dĩ chống chọi được với sóng gió. Đàng này, quay đi ngó lại chỉ có mình Dì, Chúa thì hiện diện vô hình, chị em không còn một ai, hơn nữa lại là thân gái. Nhưng Dì vững tin: nhất định Chúa phải thương Dì hơn.
Niềm tin đó đã đem đến cho Dì một niềm an ủi và bình tĩnh lạ thường. Mặc dù Dì chưa nhìn thấy một dấu tích gì để đặt giải pháp, nhưng Dì mơ hồ nó sắp đến với Dì. Thế rồi Chúa thức dậy… và Ngài thực hiện chương trình của Ngài:
Một buổi tối nọ, sau khi được tin người gác cổng báo tin có người lạ muốn gặp Dì. Họ hỏi rõ tên Dì Antony. Nhân viên hữu trách đi báo tin cho Dì Antony, nhưng khi đi tìm Dì, họ phải hoảng hốt vì không thấy Dì Antony ở trong phòng. Họ đập cửa, gọi tên Dì cũng không thấy Dì trả lời. Họ cậy cửa vào nhà tìm khắp nơi cũng không thấy Dì. Giường ngủ của Dì vẫn còn treo nguyên chứng tỏ Dì chưa vào giường. Người ta báo động hốt hoảng đi tìm Dì, mãi một lúc sau người ta mới đoán ra Dì ở trong nhà thờ. Người chứng kiến thuật lại:
Nhìn qua khe cửa nhà nguyện, họ nhìn thấy Dì Antony đang chăm chú quỳ chầu Mình Thánh Chúa. Bên ngọn đèn thắp sáng hơn ngọn đèn chầu mọi khi, Dì Antony nhìn vào nhà tạm một cách hết sức chăm chú, mặt Dì tỏa ra một làn sáng kỳ lạ, y như một thiên thần đang quỳ chầu bên tòa Chúa. Thấy cảnh tượng linh thiêng đó, người tìm Dì đã tính để yên không dám phá quấy Dì, nhưng lệnh của người gác cổng nói rõ: mấy người lạ mặt xin gặp Dì Antony có chuyện khẩn cấp.
Sau một hồi tần ngần đắn đo, người hữu trách đập cửa nhà nguyện và lên tiếng kêu Dì. Dì Antony nhanh nhẹn ra cửa tiếp người kêu Dì. Hình như Dì đã linh cảm thấy điều gì, nên khi bước ra khỏi cửa nhà nguyện, Dì hỏi người tìm Dì:
– Sao ai đưa lương thực đến đó?
Người tìm Dì đứng ngây người ra. Anh ta không biết trả lời Dì sao, vì anh có nghe ai nói với anh về người mang lương thực đến đâu? Anh chỉ được người gác cổng báo cho biết là có người lạ cần gặp Dì Antony có thế thôi.
Đợi giây lát không thấy người tìm Dì trả lời. Dì đoán anh ta không biết gì để trả lời Dì. Dì Antony đập vào vai người tìm Dì, Dì nói:
– Thôi được anh đi với tôi ra nhận lương thực.
Người chứng kiến kể lại: Dì Antony nói y như việc Dì đã biết trước rồi.
Dì Antony ra tới cửa, người giữ cửa mới chịu cho người lạ mặt vào trong. Gặp người lạ, Dì Antony cũng nói y như với người quen thuộc với công việc thường xuyên rồi, mặc dù đây là lần đầu. Dì nói:
– Quý ông mang lương thực đến cho chúng tôi đấy à?
Người khách lại đứng ngây người ra nhìn Dì và không biết nói gì khác bằng cách tiết lộ công tác anh đảm nhận: Tòa Giám Mục đã thúc bọn họ thồ bắp ra cho trại. Ngoài ra người khách lạ còn trao tay cho Dì lá thư của Tòa Giám Mục gửi.
Đọc thư và nhận lương thực rồi, Dì Antony nói ba câu bốn điều giã từ khách, rồi Dì hớt hải bỏ phòng khách trở về đến nỗi Dì cũng chẳng cho biết số lương thực vừa nhận phải mang về kho hay để đâu?
Người trực thấy Dì Antony vội vã trở về, tần ngần một lát anh cũng theo sau. Và rồi anh đã thấy Dì trở vào nhà nguyện, mở cửa nhà nguyện lách mình bước vào trong nhà nguyện, rồi khép cửa lại như không muốn cho ai thấy. Anh bước tới không dám phá quấy Dì, anh nhìn vào khe cửa, thấy Dì Antony đã vặn to ngọn đèn chầu lên và Dì đang quỳ gục đầu y như Dì đang khóc thì phải. Mãi đến sáng Dì mới trở ra phòng khách, nét mặt tươi mát, nụ cười chúm chín không có một chút gì mệt nhọc lo âu. Dì xem xét từng bao bắp rồi phát biểu rất thành thạo, Dì nói:
– Thứ này để ăn, thứ kia để giống… Thứ để giống phải giữ thế này… Thứ ăn phải làm như thế này, thế kia… Dì còn vui vẻ nói pha trò: kế hoạch mình chắc ăn như bắp…
Sau khi nhận được đồ tiếp tế cách kỳ lạ, Dì Antony biết rằng Chúa không nỡ để những “người yêu” của Ngài phải đau khổ hơn. Mặc dù với lượng tiếp tế hạn chế này chẳng thấm tháp vào đâu so với nhu cầu, nhưng nó đã chứng tỏ một điều hy vọng đang tới. Tác động đó đã đưa đến cho Dì Antony một an ủi rất lớn, nhất là những lời lẽ Đức Giám Mục viết cho Dì. Trong niềm an ủi đó, Dì lại mời các người đại diện trong trại tới để bàn thảo kế hoạch cứu sống trại.
Dì Antony là người có mặt trong phòng họp trước giờ họp, Dì thăm hỏi, an ủi từng người. Đúng đến giờ họp thì bầu không khí đã đầy ắp tình thương và trang trọng, khác hẳn với bầu không khí trước đây: thất vọng và căng thẳng… Chính những người trước đây bất mãn và đòi Dì đưa ra kế hoạch cứu sống cụ thể, thì giờ đã thay đổi. Người đại diện bữa trước đòi hỏi Dì đứng dậy phát biểu đầu tiên, ông ta nói:
– Tôi xin lỗi Dì về đòi hỏi bữa trước. Lúc đó tôi quá chán nản và thất vọng, và có lẽ các bạn tôi đây cũng thế. Nhưng nay tôi xin rút lại đòi hỏi đó. Tôi chỉ xin Dì ở với chúng tôi, có Dì là chúng tôi sẽ sống.
Trong cảnh này Dì Antony có viết:
“Khi ông M. nói xong, tôi đưa mắt nhìn mọi người. Thấy mọi người có vẻ hài lòng về lời phát biểu của ông. Tuy nhiên để bảo đảm chắc chắn, tôi hỏi ý kiến các ông:
– Các ông có cần tôi đưa ra kế hoạch nữa không ?
Cả hội nghị đều đồng loạt biểu quyết không cần. Sự đồng tâm đó khiến mình mừng run lên….”
Còn theo những người chứng kiến kể lại thì chính những động lực của Dì đã làm cho mọi người mềm lòng, và hết muốn đòi hỏi gì ở nơi Dì Antony nữa. Mặc dù bữa ăn vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu: thay vì một bữa cơm bữa cháo, bây giờ một bữa cơm độn, một bữa bắp theo tiêu chuẩn. Nhưng cái làm cho người ta xúc động đó là sức khỏe của Dì Antony xuống dốc trông thấy: mới có một ít ngày thế mà những nét thanh tú tươi mát ở nơi Dì đã gần như biến mất. Dì gầy hẳn đi, nước da tái mét; mặc dù nét tươi vui vẫn còn đó, nhưng con mắt cuồng thâm chứng tỏ Dì mất ngủ liên miên…
Những người chứng kiến kết luận: chúng tôi sợ Dì lo nghĩ quá mà chết sớm thì chắc chắn trại cũng sẽ chết theo…
Thế là thay vì Dì Antony triệu tập các đại diện để trình bày kế hoạch, thì bây giờ trở thành cuộc trao đổi thông cảm. Thật ra nó cũng chính là những điểm trong kế hoạch của Dì, nhưng nó không còn tính cách pháp lý mà là những góp ý thông cảm, và không phải do tình cảm nữa mà rất thực tế và hợp lý. Dì Antony đưa ra chương trình trồng tỉa, giống trồng tỉa, đất đai canh tác, nhân công đảm trách…
Dì trình bày chương trình của Dì với một niềm tin tưởng y như Dì đã nắm được thành công trong tay. Thực sự niềm tin tưởng này như một luồng điện chuyển sang các đại diện. Bình thường mà xét, thì chương trình của Dì Antony có nhiều không tưởng ngay cả đối với những người bình thường khỏe mạnh, thế mà ở đây lại đối với bệnh nhân. Nhưng bây giờ gần như vì thương Dì, vì sợ Dì lo lắng quá mà chết nên người ta cũng thử làm…
Còn Dì Antony càng lúc càng tin tưởng vì thấy Chúa đã hành động. Tòa Giám Mục đã đặc biệt quan tâm theo dõi và yểm trợ Dì hết mình, rồi ban đại diện lại nhất trí với Dì, nên Dì càng say sưa lao vào chương trình kinh tế cứu sống trại.
Tuy nhiên không phải mọi sự đều trôi chảy theo dòng, ngược lại đá tảng, đá ngầm, bờ bụi không thiếu, đáng kể nhất là đối với bệnh nhân vừa bệnh, bụng đói, chưa quen làm và làm cũng chưa chắc ăn… Dù vậy Dì Antony vẫn kiên quyết. Lúa bắp trồng xuống nắng mưa không đều, lớp chết, lớp cằn cỗi, thêm vào đó sâu bọ phá hoại, thú rừng dày xéo… Chính trong ban đại diện cũng nhiều người ngã lòng. Họ kể lại: nhiều người chúng tôi cũng muốn buông xuôi, nhưng cứ thấy Dì Antony lặn lội leo trèo, đội nắng dầm mưa vun quén từng cây giống, chắt chiu từng luống rau thì rồi chúng tôi cũng phải cố.
Nhưng không phải chỉ có mấy ông đại diện ngã lòng, mà ngay Dì Antony cũng ghi lại trong giai đoạn này:“Mình tin rằng Chúa không bỏ “người yêu” của Chúa, nhưng những thử thách Chúa đổ xuống liên miên làm cho mình tối tăm mặt mũi lại…”
Và quả nhiên, niềm tin của Dì Antony đã có kết quả: lần đầu tiên trại đã có mùa thu hoạch lương thực, mà từ trước đến giờ hầu như chưa có; hay nói khác đi, có nhưng trại mới làm tượng trưng thôi, bây giờ quy hoạch quy mô lớn: nào là bắp, cây lương thực này, lúa và rau cỏ… phần lớn là bắp vì đất đai ở đây thích hợp với Cả trại đều phấn khởi kết quả tay mình làm ra. Thế là vừa tự sản xuất vừa được tiếp tế bên ngoài, tiêu chuẩn phần ăn được nới rộng làm cho lớp da nhăn nheo vì thiếu lương thực dần dần được bớt đi. Kết quả bước đầu đã là yếu tố đi lên của những ngày sau. Trại đã có hy vọng thoát khỏi cảnh tan rã.
Những người chứng kiến trong giai đoạn đó vẫn không quên khúc Thánh Vịnh Dì dạy họ đọc:
Từ cao thẳm, Chúa đổ mưa xuống núi,
Đất thấm nhuần phước lộc trời ban,
Khiến cỏ xanh nuôi gia súc từng đàn,
Cho người dùng, làm thảo mộc tươi tốt,
Kiếm ra cơm bánh, kiếm ra từ ruộng đất
Cho no lòng chắc dạ bánh cơm Cha…
(x.Tv 103)