Truyện dài: MỘT ĐỜI DÂNG HIẾN | Chương Mười Hai
Truyện dài: MỘT ĐỜI DÂNG HIẾN | Chương Mười Hai
Tác giả: Song Nguyễn
12. Từ đó người đến
Như ba vừa nói với con ở trên, trong khi Dì Lan gấp cuốn nhật ký của Dì Antony lại, một miếng giấy gập trong cuốn nhật ký rớt xuống đất. Nhưng có lẽ Dì Lan không để ý, nên ba nhặt tờ giấy đó và trao lại cho Dì. Dì Lan vừa trao đổi với ba, vừa vân vê tờ giấy và bây giờ Dì Lan dở cuốn nhật ký, có lẽ Dì tìm chỗ để kẹp tờ giấy đó vào. Vừa tìm, Dì vừa nói với ba như để lấp khoảng trống:
– Đây là một kỷ vật của Dì Antony!
Câu nói vô tình của Dì Lan, nhưng lại gợi trí tò mò của ba, ba nắm lấy cơ hội và hỏi Dì Lan liền:
– Dì có thể cho tôi biết được kỷ vật đó không?
Dì Lan mỉm cười gật đầu. Dì tỏ ra rất sẵn sàng làm theo ý ba, Dì nói:
– Tôi rất sẵn sàng làm theo ý ông.
Rồi Dì lại cầm cuốn nhật ký của Dì Antony, dở trang kẹp tờ giấy vừa rồi, Dì nói:
– Đây là lá thư gia đình viết cho Dì Antony trong thời gian Dì sống một mình ở đây.
– Thư tay?
– Dạ! Thư tay và nó quý là ở điểm đó.
Nhưng rồi sợ ba chưa hiểu hết giá trị của báu vật, Dì Lan giải thích thêm:
– Tôi xin đọc cho ông nghe mấy dòng nhật ký của Dì Antony viết về lá thư này để ông rõ.
“… Chúa nói: giả như cha mẹ có quên con thì Chúa cũng không quên con… (Tv 26,10) Thế mà ở đây cha mẹ con vẫn nhớ con, vẫn thương con, như vậy Chúa thương con nhiều lắm Chúa nhỉ?
Đọc lá thư ba con gửi, con sung sướng đến khóc lên. Ba viết:… Được biết hoàn cảnh con, má con như người mất hồn. Bà cứ khăng khăng đòi đến thăm con, nhưng ba đã nhất định phản đối. Con đừng vội giận ba. Thương con đến thăm con, nhất là trong hoàn cảnh đặc biệt của con, má con rất có lý. Và ba ngăn cấm má con xem ra có vẻ tàn ác! Nhưng lý luận của ba lại khác: ba cho rằng lúc này các bệnh nhân đang cần, và rất cần đến sự hiện diện và sức lực của con, để con phải phân tán tình cảm và sức lực về gia đình là một điều không nên. Ba đã phải đưa gương của Isaac, Samuel, Đức Mẹ – con còn nhớ má con rất mộ mến những gương trong Thánh Kinh. Ba nói với má con: bà làm cho con lo ra, phân tán về gia đình là không trúng ý Chúa… Và để chiều ý bà, ba đã thuê người cầm lá thư này đến trao cho con đấy.
Bây giờ ba kể cho con nghe một số vấn đề đã xảy ra trong gia đình ta… Tất cả đều chấp nhận và phó thác vào Chúa! Nhận được thư này con cho gia đình biết tin. Nhưng điều con ghi nhớ và con muốn Chúa thưởng công cho người đưa thư. Theo lời bà ta nói: thời gian bà ta lãnh công tác đưa thư phù hợp với ngày tháng lá thư, hai tuần lễ vừa đi xe, vừa đi bộ mới tới đây trao cho con lá thư hai trang này. Ba má con, gia đình con thương con quá Chúa nhỉ!
Ngoài ra trong dịp con nhận được lá thư này, có một điều rất đáng kể. Chúa đã giúp con tránh được, nếu không con sợ gia đình con, nhất là mẹ con sẽ điên lên vì thương con: đó là người đưa thư không hay biết gì về con bị bệnh và con cũng mau chóng lo cho người đó về, không để bà kịp tiếp xúc với ai…”
– Ngoài lá thư này Dì Antony còn nhận được thư từ gì của gia đình nữa không Dì?
– Thưa không. Như ông vừa nghe Dì Antony viết sơ qua. Có lẽ việc đi lại quá khó khăn, nhất là vị trí đặc biệt ở đây. Ngay lúc này, ông cũng đã thấy khó rồi. Đó cũng là lý do để Dì Antony quý giá lá thư này.
– Hiện nay ông cụ bà cụ của Dì Antony còn sống không?
– Thật đáng tiếc ông ạ! Dì Lan nhún vai, đưa hai tay lên cao. Dì lắc đầu nói:
– Ba, rồi má Dì đã tiếp tục qua đời cả.
– Đã lâu chưa ạ!
– Vào khoảng sáu bảy năm nay
– Trước khi Dì Antony qua đời?
– Phải trước! Vẫn nét mặt dầu dầu, Dì Lan kể tiếp:
– Thật đáng thương! Cả hai ông bà đều bị cùng một thứ bệnh viêm tim và mất cách nhau không đầy ba tháng.
– Dì Antony có được biết chuyện ấy trước không?
– Hình như gia đình cố ý dấu không muốn cho Dì biết, sợ Dì phân tâm.
– Theo tôi suy luận: nếu gia đình không muốn cho Dì Antony biết những điều tang tóc trong gia đình là do ý kiến của ông cụ của Dì Antony.
– Tôi suy đoán vậy, vì căn cứ vào lá thư ông viết cho Dì Antony: “Ba không muốn cho má con đến thăm con vì con đang cần dồn mọi sức lực cho bệnh nhân.”
– Cách xử trí như vậy quả là khôn ngoan, can đảm và thánh thiện. Thật là: ba nào con ấy.
Dì Lan gật đầu nhất trí với ba. Dì nói:
– Thật vậy ông ạ! Không phải tự nhiên mà chúng ta có được con người khôn ngoan và can đảm như Dì Antony đâu!
Dì Lan nhìn ba kết luận:
– Nên người ta nói: Cây nào trái đó không ngoa.
Nghe Dì Lan nói tới cây với trái khiến ba nhớ tới gia đình Dì Antony. Nhân cơ hội ba hỏi liền:
– Dì có thể cho tôi biết về gia đình Dì Antony?
– Về cả gia đình thì tôi không được biết hết, tôi chỉ biết nhiều về Dì Antony thôi.
– Vâng! Tôi cũng chỉ cần biết thế thôi.
Người ta thường nói những vĩ nhân, những vị thánh thường có cuộc đời khác thường, còn Dì Antony tôi lại thấy những dấu đáng thương ngay từ còn nhỏ: Dì là con gái cả trong gia đình bốn trai hai gái. Anh hai Dì là một đứa trẻ khỏe mạnh, mập mạp, còn Dì thì trái ngược lại: vừa sinh ra mọi người đã tưởng Dì không sống nổi, gượng mãi được ba ngày là bà ngoại đã phải đưa Dì Rửa Tội, và rồi Dì đã được gia đình khấn cho ông Thánh Antôn. Nhờ vậy Dì sống được và qua khỏi thời kỳ ấu thơ cũng là nhờ ơn trên phù hộ.
Đến tuổi lớn khôn, một biến cố quan trọng đã xảy ra và có lẽ Chúa đã dùng biến cố này để hướng khúc quanh của cuộc đời Dì đi thẳng vào con đường tận hiến quả cảm này.
Số là hồi ấy Dì đang học trung học, hướng đi của Dì chưa rõ rệt, nửa muốn đi tu làm bà phước, nửa muốn chiều theo ý cha mẹ ở nhà giúp đỡ gia đình, săn sóc các em nhỏ. Phải nhận là Dì rất có hiếu. Qua những điều gia đình cho biết, Dì không dám cãi lời cha mẹ bao giờ và rất mực thương yêu các em. Giữa lúc đó, thì xảy ra một chuyện là một người thanh niên yêu nàng. Nhân một hôm anh chàng cùng với mấy người bạn, tình cờ hơn là sắp xếp, kéo vào quán nàng uống cà phê, rồi một anh trong bọn đó mết nàng.
Anh chàng này lại thuộc loại kiêu kỳ, con nhà giàu, đẹp trai, học giỏi, thường lên mặt khinh thường những cô gái ở đây là quê, không thèm để ý đến ai. Ngược lại, anh lại là mục tiêu cho nhiều cô gái thèm thuồng vì những tiêu chuẩn các cô mong ước anh đều có. Phần nàng Antony của chúng ta, mặc dù có biết anh chàng trước vì học cùng trường, nhưng không bao giờ mơ ước anh và thực ra cũng chưa bao giờ nghĩ tới vấn đề gia đình. Thế còn anh chàng, khi đã nhận được tín hiệu ở nơi nàng rồi, anh bố trí mọi cách để gặp nàng. Anh tổ chức những cuộc đi chơi thật hợp pháp để có ý dụ nàng và gài nàng cùng đi để anh “nghiên cứu”. Anh ta đã thành công nghĩa là ba má Antony chấp thuận cho nàng đi chơi để học hỏi và giải trí. Antony như con chim non tung tăng bay nhảy, đùa giỡn với bạn bè và không hề biết thâm ý của anh chàng. Nàng cũng chụp hình kỷ niệm, cũng tận tình tham gia mọi cuộc vui chơi với bạn bè, hồn nhiên đơn sơ như con chim câu. Trái lại, cứ mỗi lần du ngoạn, người tình của nàng càng có nhiều hình ảnh về nàng hơn, càng “nghiên cứu” nàng kỹ hơn và càng yêu nàng hơn. Chàng tới quán cà phê không còn phải vô tình như buổi ban đầu nữa, và bạn bè chàng đã xầm xì: “Thằng Đạt đã bị con Nhẫn hàm ngựa bắt hồn rồi- Antony có bộ răng hàm ngựa rất duyên, có thể nói là thời trang lúc đó.
Nhưng rồi gia đình Đạt phải về thành phố lập nghiệp vì công việc kinh doanh cần phải khuyếch trương. Antony lúc này đã hiểu tình cảm Đạt dành cho nàng, nhưng nàng cũng chẳng mặn mà gì cho lắm. Khi biết Đạt phải về thành phố, nàng cũng tưởng là xong. Nhưng Đạt đâu có buông tha nàng, chàng cứ nằng nặc đòi gia đình cưới nàng cho chàng. Gia đình Đạt thì nhất định từ chối, và có lẽ cũng vì để tránh dịp mà gia đình Đạt đã dọn về thành phố. Nhưng rồi Đạt cứ đeo đuổi Nhẫn mãi nên gia đình đổi chiến thuật, tạo dư luận nói xầu gia đình Nhẫn. Chiến thuật đó đã có tác dụng, gia đình Nhẫn phẫn uất vì những lời hiểm độc của gia đình Đạt: nào là nghèo mà chơi trèo, ngu mà muốn với cao, con nhà lành ai lấy con nhà rách… Từ sự giận dữ đó, Nhẫn phải hấng chịu bị hạn chế tự do tới mức tối đa. Nhưng nàng cũng chẳng phàn nàn gì, coi như là một sự an bài. Ngược lại Đạt vẫn không lui bước, một đàng quyết liệt đòi gia đình thỏa mãn yêu cầu từng bước: làm reo, nhịn ăn, cạo trọc đầu, dọa trốn đi xa.., một đàng cố sức giải độc và giữ liên lạc với Nhẫn.
Antony của chúng ta từ chỗ có cảm tình đến chỗ thương hại vì mối tình quá chân tình của Đạt. Tuy nhiên gia đình Antony vẫn nhất mực chống đối, lấy lý gia đình nghèo, tầm thường, nhưng nhất định không để ai khinh thường bêu xấu, nhất nữa là bêu xấu một đứa con gái thật thà, đơn sơ, vô tội vạ.
Cuộc chạy đua cứ mỗi lúc một đi vào ngõ bí và Đạt đâm liều thực hiện lời đe dọa, chàng tự tử hụt. Mãi lúc đó gia đình Đạt mới chịu buông lỏng để Đạt muốn liệu sao thì liệu. Được như ý nguyện, Đạt như mở tấm lòng, chàng vội phóng xe lên báo tin cho người yêu và để dàn xếp câu chuyện bi thảm của chàng. Nhưng trên đường đến với người yêu, anh đã bị tai nạn xe. Trên giường nằm anh chỉ lờ mờ nhìn thấy Antony và nói với người yêu được ba tiếng em…anh…yêu…, rồi tắt thở. Biến cố dữ dội này đã ảnh hưởng lớn đến Antony. Suốt thời gian dài, nàng đã bị day dứt đau khổ vì vết thương lòng, và đúng lúc đó Chúa tỏ ý của Ngài: Antony đã từ giã thế gian để dâng mình cho Chúa.
Tuy nhiên trường hợp của Antony đặc biệt, nên nhà dòng phải thử luyện nàng rất gay gắt. Nhưng mọi người đều phải nhận rằng: con người của Antony như một nắm đất sét, người ta càng luyện kỹ, đất càng nhuyễn và do vậy người ta đổ vào khuôn nào hình thể lấy ra vẫn đẹp, vẫn tốt hơn những mẫu đất khác.
– Việc Chúa quan phòng thật kỳ diệu. Ba đã phải thốt lên trước việc Chúa làm cho người Chúa yêu. Rồi sẵn trớn, ba hỏi Dì Lan:
– Dì có thể cho tôi biết qua những ngày Dì Antony sống trong nhà dòng không?
– Như tôi vừa nói: Ơn kêu gọi của Dì Antony hơi khác thường. Khác thường vì động lực đưa Dì vào nhà dòng, có thể nói là trường hợp hi hữu: vỡ mộng rồi mới đi tu. Trong khi đó nhà dòng chúng tôi rất khe khắt về việc tuyển sinh, nghĩa là chúng tôi muốn người tu sĩ tương lai phải hoàn toàn tự nguyện, dấn thân, chứ không do một yếu tố nào bên ngoài chi phối, nhất nữa là yếu tố tình cảm. Ở đây, người chị em chúng tôi lại mắc phải yếu tố tình cảm. Cứ bên ngoài mà quyết đoán thì rõ ràng người tuyển sinh xin gia nhập dòng đây vừa qua một tai họa nặng nề là người yêu tử nạn. Do vậy việc nhận Antony vào nhà dòng thật gay go, hầu như Chúa đã phải can thiệp rõ ràng bằng cả uy tín và thế giá của cha sở họ Antony ở.
Thứ đến, cũng vì nhà dòng ngần ngại không muốn nhận Antony, nên có ý nhấn mạnh đến mục đích phục vụ của dòng: hầu hết là phục vụ trong các trại phong cùi, một căn bệnh nguy hiểm dễ lây… Dù vậy, Antony vẫn không nản chí,ngược lại, Antony còn tỏ ra phấn khởi trong công tác đó và càng tỏ ra mộ mến mục đích của dòng. Nó rất phù hợp với ý của Antony.
Bước đầu khó khăn, Antony đã vượt qua, nhưng rồi những ngày sống trong dòng, thử thách vẫn đè nặng trên Antony, có thể nói từ tứ phía. Có lẽ cũng vì chủ quan, Antony muốn chứng tỏ thật sự nàng muốn dâng mình cho Chúa, dứt khoát với quá khứ nên nàng hy sinh hãm mình nhiều, đặc biệt trong việc ăn uống. Do vậy nàng đã mắc bệnh táo bón. Căn bệnh này kéo theo nhiều căn bệnh khác, nàng thường xuyên bị nhức đầu. Nhưng càng đau nàng càng cố gắng khắc phục để duy trì ơn gọi. Tuy nhiên, Antony đã quên mất một yếu tố quan trọng là người tu sinh không có sức khỏe cũng là dấu thiếu ơn gọi. Đến lúc sức khỏe của Antony bị báo động, đồng thời ơn kêu gọi của nàng cũng bị ban quản trị lưu ý, lúc đó Antony mới tỉnh ngộ và nàng đã phải thú thật với bề trên về việc làm thiếu khôn ngoan của mình. Antony đã phải nghỉ một năm để lấy lại sức.
Trở lại học, Antony vẫn tỏ ra cố gắng tối đa và vẫn giữ sự hy sinh nhiệm nhặt. Nàng lại mắc phải chứng đau thận. Phải cố gắng lắm Antony mới vượt qua lớp đào tạo y khoa chuyên môn. Nên mặc dù Antony đậu cao, Antony cũng phải nghỉ một thời gian nữa trước khi bước vào những năm tập nhặt.
Chưa hết, những năm đau yếu trước đây đã ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của Antony. Người của Antony sau này khác xa với Antony lúc ở ngoài đời. Lúc trước nàng duyên dáng khỏe mạnh yêu đời, lúc này nàng gầy yếu, xanh xao, trở trời trái gió là đau. Phía nhà dòng vì thấy Antony thiện chí thực tâm muốn phụng sự Chúa nên vẫn để chị tiếp tục tu luyện. Còn gia đình vì thương con, thấy Antony càng lúc sức khỏe càng tệ nên có ý định muốn kéo nàng về thế gian. Từ ý định ấy, cùng với những hiểu biết về mục đích của dòng: rất chặt chẽ và thường phục vụ trong các trại, các nơi nguy hiểm khó khăn nhất, nên càng cố công kéo Antony về. Nhưng rồi tình cảm của gia đình cũng đành thua ý chí cương quyết của Antony. Antony đã lần lượt qua tất cả những lớp tập huấn của dòng theo lề luật, kể cả việc tu học tại ngoại quốc.
Bước vào con đường phục vụ, Antony vì thiếu sức khỏe nên được bề trên xếp vào nơi công tác nhẹ: phục vụ trong nhà dưỡng lão. Vì là ý bề trên, nên Antony sẵn sàng vâng phục. Nhưng ý muốn của Dì là được phục vụ trong những nơi nặng nề hơn. Ý muốn đó đã được Dì Antony bày tỏ với cha linh hướng, đồng thời cũng là vị linh mục đã cho Dì đi tu. Vòng vo thế nào bức thư của Dì viết đó lại được trở ngược lại với bề trên nhà. Trong thư đó có đoạn đại ý Dì Antony viết:
“… Hôm nay là ngày thứ năm, chị em chúng con nhận công tác đi phục vụ. Chúng con đã tĩnh tâm ba ngày để cầu xin ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng con trong nhiệm vụ. Riêng con, con đã dành cả tuần lễ cho việc hệ trọng này, và suốt đêm trước ngày nhận công tác con đã không ngủ được…
… Vì ý bề trên là ý Chúa, nên chẳng dám phàn nàn gì: Chúa biết con, biết con… Con sẽ làm hết mình để phục vụ Chúa trong những người già nua tuổi tác, yếu đau bệnh tật. Con sẽ coi họ như chính cha mẹ và có thể được như Chúa để con phục vụ họ. Tuy nhiên, con cũng không thể che giấu ước nguyện của con là được phục vụ Chúa trong các trại cùi mà nhà dòng con đang đảm trách. Con đã nghe nói nhiều về các trại ấy, mắt con đã thấy những thân xác bị ngậm nhấm mỗi ngày, và con có thể… Nhưng con muốn đến đó để con được trọn tình với Chúa…”
Dì Lan ngưng nói dây lát, quay mắt nhìn ba, rồi đặt câu hỏi. Dì nói:
– Ông có thắc mắc vì sao Dì Antony không được nhận công tác như ý nguyện không?
Suy nghĩ một lát ba trả lời:
– Có lẽ do sức khỏe của Dì chăng!
– Phải, đúng vậy! Dì Lan tươi nét mặt lên, Dì nói tiếp:
Chính Dì Antony trong thư viết cho cha linh hướng của Dì cũng đề cập tới vấn đề đó. Dì phàn nàn với Chúa:
“ … Tại Chúa đó cha ạ! Chúa đã không cho con sức khỏe để con đạt được ý nguyện. Nhưng thôi, con xin rút lại, con không dám phàn nàn Chúa nữa đâu. Chúa luôn có lý của Chúa, chỉ tại con ngớ ngẩn chưa nhìn thấy ý Chúa đó thôi.”
Và rồi cầu được ước thấy, những ngày Dì Antony phục vụ trong viện dưỡng lão, mặc dù Dì hết sức tận tâm, không nề quản việc gì, nhưng sức khỏe của Dì hồi phục trông thấy đến nỗi người ta phải ngạc nhiên. Giữa lúc đó nhà ở đây lại cần một Dì người Việt để thay Dì bệnh nặng, mà tiêu chuẩn bà mẹ yêu cầu là một Dì có sức khỏe và có kinh nghiệm săn sóc bệnh nhân.
Sau khi xem xét, bề trên đã tạm đề cử Dì Antony. Tạm vì tinh thần phục vụ của Dì Antony thì có thừa, Bề Trên chỉ còn hơi ngại về sức khỏe của Dì, sợ không bền. Vì thế, khi mới về đây, công việc của Dì Antony có bị hạn chế một phần, nhưng rồi sau một thời gian Bề Trên đã thuận cho Dì Antony ở lại lâu hơn theo nhu cầu.
Ngày Dì đi nhận công tác ở đây quả thật là một ngày vui của Dì. Dì bình tĩnh tươi cười, trong khi đó gia đình Dì lo âu buồn bã. Ngay cả trong dòng, nhưng người quen biết Dì cũng ái ngại cho Dì, không hiểu con người dòn mỏng hay đau như Dì có kham nổi công việc nặng nề ở đây không, và nhất là liệu có còn được gương mặt duyên dáng dễ yêu… Và thay vì người ở lại khuyến khích người ra đi, thì trái lại Dì Antony phải an ủi người ở lại. Chính ngu?i em ruột của Dì Antony sau này khi nghe tin Dì qua đời, bà đến dự lễ cầu nguyện cho Dì, bà vừa khóc vừa kể lại:
“Ngày Antony đi nhận công tác ở trại cùi, tôi thì buồn muốn chết, còn Antony bình thản như không có chuyện gì, lại còn vui nữa là khác. Antony còn an ủi tôi: khi em đau yếu hay bị thương tích em phải làm gì? Dĩ nhiên là em phải tìm thầy chạy thuốc để em được yên lành, thì ở đây cũng vậy em yêu: trong thân thể mầu nhiệm cũng có các phần tử đang mang thương tích trầm trọng, mình cũng cần phải chạy chữa. Ở đây chị là người được may mắn thay cho gia đình để lo cho phần thân thể đau yếu, thì đó là một vinh dự em phải vui chứ! Và rồi suốt ngày hôm đó Antony vui tươi như đứa bé sắp được đi chơi xa.”
Khi đến nơi công tác, Antony lao mình vào công việc với lòng nhiệt thành hăng say. Trong thư Dì gửi cho cha linh hướng của Dì mà hiện nay chúng tôi may mắn được cha trao lại cho để làm tài liệu. Dì viết:
“… Con đã tới nơi bình an và con đã gặp những người yêu của Chúa. Con đã cảm nghiệm được phần nào vết thương trong thân thể mầu nhiệm.
Đề tài mà con suy niệm mấy bữa nay là lời Thánh Phaolô viết: ‘Ai trong anh em đau yếu mà tôi không đau yếu…’ (2Cr 11,29) Con đã cố gắng tìm hiểu bối cảnh mà Thánh Phao lô đã viết những lời đó và tâm tình Thánh Nhân đã có khi Ngài thốt ra những lời tâm huyết đó.
Tạ ơn Chúa, những lời đó khích lệ và an ủi con lắm. Quả thật, lòng con muốn ước ao được đến phục vụ trong các trại cùi, nhưng con chỉ mới hiểu lờ mờ về người cùi. Giờ đây, mặt đối mặt, con mới được nhìn rõ. Và nếu quả thật, con không mong muốn và không chuẩn bị kỹ, có lẽ con đã phải sửng sốt, hoặc la lên khi con thấy những người cùi ở đây họ mất tai, mất mũi, rụng tay, mất chân, chẳng khác gì những con ma sống mà con đã được đọc trong những chuyện con đọc hồi nhỏ. Nhưng con đã bình tĩnh và thông cảm sâu xa những đau khổ của những người yêu của Chúa. Con đang cố gắng để cảm nghiệm những vết thương đau đó là vết thương đau của chính con, và con săn sóc cho các bệnh nhân cũng là săn sóc cho chính con…
… Xin Cha cầu nguyện thật nhiều cho con đủ khôn ngoan, can đảm, mang thương tích của Chúa Kitô trong các bệnh nhân. Con đã cảm nghiệm được phần nào bài Thánh Vịnh:
Từ thưở bé đã đau ốm ngắc ngoải
Khiếp sợ Ngài, con kiệt quệ héo hon
Bao cơn thịnh nộ Chúa đổ xuống đầu
Bấy nỗi kinh hoàng, khiến thân con rời rã
Bủa vây con suốt ngày ngần ấy thứ
Dồn dập tư bề như nước bao la
Cận thân Chúa khiến lìa xa
Chung quanh bầu bạn chỉ là bóng đêm” (Tv 87)