Truyện dài: MỘT ĐỜI DÂNG HIẾN | Chương Mười Ba
Truyện dài: MỘT ĐỜI DÂNG HIẾN | Chương Mười Ba
Tác giả: Song Nguyễn
13. Từ đây người về
– Nếu phải tìm ý Chúa thì tôi thấy cuộc đời của Dì Antony, ý Chúa đã tỏ hiện khá rõ rệt, và Dì Antony cũng là một người thực hiện ý Chúa chu đáo.
– Phải, Dì Lan đáp lại nhận xét của ba. Hội dòng của chúng tôi cũng nhận định như ông. Rồi Dì Lan nói tiếp:
– Để ông thấy rõ hơn việc Dì Antony thực thi ý Chúa trong những ngày cuối đời và trong cái chết của Dì, tôi xin kể lại mấy nét chính trong biến cố đó.
– Đó là điều tôi ước mong, và tôi xin được cám ơn Dì trước.
– Không có chi. Ngược lại, đó là một hân hạnh đối với chúng tôi vì được quý ông quan tâm đến người chị em chúng tôi nói riêng và đến hội dòng chúng tôi.
Như tôi vừa trình bày với ông ở trên: vì muốn chứng tỏ quyết tâm muốn dâng mình cho Chúa, nên ngay từ những ngày đầu Dì Antony đã sống nhiệm nhặt, hy sinh, hãm mình một cách quá khe khắt nên đã ảnh hưởng tới sức khỏe của Dì. Sức khỏe của Dì kém sút, mặc dù có thời gian Dì đã phải nghỉ dưỡng sức và được bồi dưỡng, nhưng vẫn không thể trở lại như cũ được. Đàng khác, sự hy sinh, hãm mình của Dì vẫn được Dì mộ mến, nên thay vì khỏi dứt những bệnh cũ, Dì lại mắc thêm những bệnh hiểm nghèo nữa như táo bón, đau dạ dày, yếu thận…
Thời gian trước khi đến đây và những ngày đầu ở đây, sức khỏe của Dì có hồi phục lạ lùng. Nhưng rồi vì phải ở lại đây một mình, lo quán xuyến mọi công việc trong một điều kiện khác thường, vừa mệt vừa lo, khiến những bệnh cũ có điều kiện tái phát, nhất là khi Dì bị nhiễm bệnh cùi thì sức khỏe Dì bị đe dọa trầm trọng. Dù vậy, Dì Antony vẫn gắng gượng vui tươi phục vụ. Điều Dì quan tâm không phải là sức khỏe của Dì, nhưng là sức khỏe của bệnh nhân. Tôi xin đọc cho ông nghe mấy dòng tâm sự của Dì thỏ thẻ với Chúa, Dì viết:
“… Thế là Chúa bị thiệt rồi đó nhá! Này con nói Chúa nghe: Chúa bắt con mang bệnh nên con chả làm gì được cho các người yêu của Chúa nữa. Mặc dù Chúa thấy đó, con đã cố gắng hết sức để giúp một hai bệnh nhân cần thiết, nhưng rồi suýt nữa con mang họa cho trại… Chúa biết rồi đó, hồi sáng nay con đang bị cơn đau thận hoành hành, con có nghe mấy người đến gần con trao đổi với nhau trường hợp của ông Lý A Vân, một người dân tộc. Ông bị tê bại lâu ngày rồi và ông đang trong tình trạng nguy tử. Thế mà trong trại không ai rành ngôn ngữ của ông để giúp ông dọn mình. Hơn nữa, ông lại là một người tân tòng… Con nghe hết câu chuyện, con biết là người ta muốn đến tìm con để xuống giúp ông. Nhưng khi thấy con cũng đang vật lộn với cơn đau, người ta không dám nói với con, họ chỉ tâm sự với nhau. Thế nhưng Chúa đã cho con nghe đủ. Đến lúc cơn đau đã ngừng, con đến với bệnh nhân, và thật đúng lúc, con đã giúp cho bệnh nhân dọn mình chết lành… Nhưng khi con vừa bóp mắt khép miệng cho người quá cố, thì con lại bị cơn bệnh của con giật lảo đảo, may mà có người đỡ con kịp, không thì con đã… Như vậy con đau thì thiệt cho nhiều người quá, lỗi đó không phải tại con nhá!
Nhưng con biết rồi! Con nói để mà nói, chứ còn con biết việc Chúa làm cho những người yêu của Chúa rồi ‘Cha mẹ có quên con thì…’ (Tv 26,10) hay như lời của Sứ Ngôn Mikêa: còn có gì mà ta không làm cho ngươi… Nếu Chúa bắt con đau, không còn sức giúp những người yêu của Chúa, thì Chúa lại liệu cách khác. Quả thật con đã nhìn thấy một phần nào cách đó…”
Dì Lan ngưng đọc, Dì ngẩng đầu lên nhìn ba, có lẽ Dì định chuyển qua một khía cạnh khác. Còn ba, ba đang bị lòng tin của Dì Antony lôi cuốn nên ba hỏi Dì Lan:
– Dì vừa đọc những gì Dì Antony viết: Dì đã nhìn thấy một phần nào cách Chúa quan phòng trong khi Dì đau bệnh. Vậy Dì có thể cho tôi một hai việc Chúa đã làm trong thời gian Dì Antony bị trọng bệnh không?
Dì Lan mỉm cười chấp nhận lời đề nghị của ba, Dì nói:
– Tôi sẵn sàng làm theo ý ông. Trước khi tôi đọc cho ông nghe một số đoạn nhật ký của Dì Antony, tôi xin nêu ra đây một số bằng chứng của bệnh nhân trong trại vào thời kỳ Dì Antony bị trọng bệnh.
Ông Đức, người quản lý trại kỳ ấy thuật lại rằng: ông đã sống ở trại hơn hai chục năm rồi, chưa năm nào ông thấy mùa màng và gia súc kết quả như kỳ đó. Về hoa mầu khu đất mà trại khai phá để trồng tỉa thì hầu như năm nào cũng bị thất bại. Thường thường chỉ có thể thu hoạch lối chừng 50%. Nhiều khi trời thay đổi, cây cối xấu, hoa mầu chẳng ra gì, đã vậy lại còn bị súc vật phá hoại. Ngược lại mấy năm Dì Antony đau nặng, lao động đổ ra rẫy ít mà mức thu hoạch lại tối đa không bao giờ được như vậy.
Nhưng nếu chỉ mùa màng mà thôi cũng chưa đáng kể, đàng này đàn gia súc trong trại cũng kết quả vượt mức: heo không bị dịch, gà không bị toi. Lạ hơn nữa là bầy thỏ từ lâu trại nuôi để cho có hơn là lấy thịt, thế mà vào thời kỳ này thỏ sinh không còn đủ chỗ nuôi, phải đóng thêm chuồng trại…
Hoa mầu và súc vật đã vậy, các bệnh nhân nhờ lương thực, thực phẩm khá, một phần nhờ ơn trên phù hộ, thời gian này trong trại được vui vẻ và ít thấy những bệnh hiểm nghèo như thời gian trước. Đàng khác, cũng qua các nhân chứng mà tôi đã có dịp nhắc qua, các người cộng tác với Dì Antony có nhiệt tâm và tay nghề cao hơn, gần như có thể thay thế cho Dì được, chẳng hạn thầy Sáu chích…
Một điều đặc biệt khác nữa, Mai Liên, vì hoàn cảnh đặc biệt của em, Dì Antony đã cho em sống gần gũi với Dì để Dì an ủi nâng đỡ em và đồng thời để em giúp đỡ Dì. Em bỗng trở nên một người y tá xuất sắc, em rất thông minh, lanh trí và khéo tay, chỉ tội em hơi nhỏ tuổi một chút. Nhưng nhờ tính tình em hiền lành, khiêm nhu nên khi giúp đỡ những bệnh nhân lớn tuổi, người ta không phiền hà. Hơn nữa một phần do uy tín của Dì Antony.
Một câu chuyện may mắn hơn là tài giỏi, nhưng nó đã làm cho học trò của Dì Antony được tín nhiệm: số là một bà già đau mắt lâu ngày, mắt bà bị màng trắng che giấu kín con mắt, chỉ còn nhìn thấy lờ mờ. Thật là tội nghiệp cho bà vừa bị cùi, vừa bị lòa, làm tăng thêm đau khổ. Một hôm bà đến xin thuốc nhỏ mắt như thường lệ. Lần đó, Dì Antony đang mắc săn sóc cho một bệnh nhân nặng hơn, Dì nhờ bé Mai Liên tra thuốc cho bệnh nhân. Không hiểu vì quên hay suy nghĩ thế nào, Mai Liên lấy thuốc Kanh-ky-giốt ( thuốc trị vết thương da nặng) nhỏ cho bà. Nhỏ xong bà già chỉ kêu thuốc hôm nay buốt hơn mọi ngày, nhưng rồi bà cũng bình thản ra về. Bà đi rồi, Dì Antony hỏi lại Mai Liên đã nhỏ thuốc gì cho bà để bà già kêu buốt. Mai Liên cầm lọ Kanh-ky-giốt đưa cho Dì coi. Dì Antony vừa đỡ chai thuốc vừa hoảng hốt, tưởng bà già sẽ đui con mắt vĩnh viễn. Trái lại Mai Liên không có gì là bối rối cả: Mai Liên bình tĩnh trả lời Dì: con thấy tội nghiệp bà già quá, bà chỉ còn một chút hy vọng là con mắt, mà con thấy hy vọng của bà càng ngày càng xa nên con suy nghĩ phải dùng thứ thuốc gì mạnh để chữa bà. Nhưng điều con tin tưởng không phải là thuốc mà là lòng từ bi của Chúa sẽ cứu bà như Chúa đã chữa người mù.
Và rồi lòng tin của Mai Liên đã được kết quả, bà già được khỏi mắt. Việc bà già được khỏi mắt mau chóng đã làm cho cả trại biết tới, đồng thời người ta cũng tín nhiệm tài chữa bệnh của Mai Liên. Từ đấy về sau, Mai Liên giúp Dì Antony được rất nhiều việc quan trọng. Dì Antony nhận xét và ghi về biến cố này như sau:
“… Chúa đã phán với Matta: ai tin vào Chúa thì dù có chết cũng sẽ sống lại (Ga 11,25). Và quả nhiên, trong trường hợp bà già được khỏi bệnh sáng mắt, đức tin của con bé Mai Liên đã được Chúa nhỉ! Lúc đầu con bé làm cho con hoảng quá. Trong nghề nghiệp có người nào dám làm như vậy đâu, ấy thế mà với lòng tin, con bé Mai Liên đã dám làm và Chúa đã can thiệp. Việc này càng giúp con hiểu thêm đức tin là cần thiết đối với người con Chúa. Tuy nhiên, làm như con Mai Liên con không dám, phần con chưa đủ đức tin, con không dám thử thách uy quyền Chúa.
Con bé Mai Liên thật dễ thương Chúa nhỉ! Nó đơn sơ, tận tâm và rất tin tưởng vào Chúa. Và càng lúc con càng thấy nó tiến tới trong mọi phương diện: nhân đức cũng như tay nghề. Quả thật con thấy ở đây Chúa thương con quá. Con biết Chúa đã an bài gửi bé đến để bù đắp vào những công việc mà con thiếu sót không làm được vì bệnh tật.
– Theo tôi nghĩ thì đức tin của Dì Antony còn đáng kể hơn đức tin của em bé Mai Liên nữa?
– Ông nói sao? Dì Lan hỏi lại ba.
– Qua những dòng Dì Antony viết, tôi thấy đức tin của Dì chính là cơ sở xây dựng đức tin cho Mai Liên.
– Phải đúng như ông nhận xét. Dì Lan nói tiếp:
– Chúng tôi đã được tiếp xúc với em Mai Liên, bây giờ là cô Mai Liên rồi. Cô ấy có thuật lại cho tôi biết những ngày cô sống với Dì Antony là sống với một con người đầy đức tin. Cô kể lại: mới đầu phải đưa vào đây, cô buồn khổ vô cùng. Đã có lần cô muốn tự tử để khỏi kéo dài cuộc đời địa ngục trần gian. Nhưng rồi cô đã bị tình thương của Dì Antony chinh phục. Dì đã nhận cô trong bàn tay bao dung của người mẹ và cô nói, còn hơn một người mẹ nữa vì cha mẹ cô đã không dám giữ cô ở nhà, còn Dì Antony thì đã nhận cô. Nhưng điều đáng kể cô nói đó là đức tin của Dì Antony, đã cứu cuộc đời của cô và biến nó thành một bài ca, ca tụng Thiên Chúa. Những lúc cô đau khổ thất vọng, Dì Antony không nhiều lời khuyên can cô như người khác. Trái lại, Dì nói rất ít lời, nhưng cử chỉ của Dì thì nói rất nhiều, chẳng hạn Dì chỉ nói: “Dì cầu nguyện cho con” hay “các linh hồn đang nhờ con”… Tuy ít lời, nhưng gương mặt của Dì, nhất là cặp mắt của Dì tỏa ra một luồng điện mà không thể nào cô cưỡng lại được. Cô lấy lại được can đảm và sức mạnh để vượt qua cơn thử thách.
Ngoài những đau khổ của riêng cô, cô còn thấy cách thế đầy đức tin mà Dì Antony xử sự trong mọi biến cố xảy ra trong trại. Trước mọi biến cố to nhỏ, Dì Antony rất bình thản và rất tỉnh táo đối phó. Nhiều lúc ban điều hành phải khó chịu đến ngạc nhiên với Dì, nhưng qua biến cố rồi, người ta mới thấy Dì Antony có lý. Dĩ nhiên, biến cố thì có nhiều và biến cố nào cũng in dấu đức tin của Dì Antony. Hy vọng có dịp nhiều giờ hơn tôi sẽ trình bày cho ông. Với thời gian hạn chế này, tôi xin thuật lại cho ông biết đại cương cơn bệnh cuối đời Dì Antony và phản ứng đức tin của Dì.
Theo những nhân chứng giúp đỡ Dì Antony thì Dì bị liệt giường vừa đúng năm tháng trước khi Dì qua đời. Tôi xin đọc cho ông nghe trang nhật ký cuối cùng Dì Antony viết, nét chữ nguệch ngoạc, đứt quãng, chứng tỏ sự cố gắng lớn của Dì chỉ để làm yên lòng người yêu của Dì…
“… Chúa thử con và Chúa biết con… (Tv 138,1)
Chúa ơi! Con đã định buông xuôi theo cơn đau nhức của con, nhưng rồi con bé Mai Liên nó đã kéo con ngồi dậy để viết đôi dòng nhật ký đây. Chúa có biết con bé nó lôi con dậy làm sao không?
Ồ! Chúa biết con bé ấy. Nó thương con lắm. Nó chỉ sợ con đau nặng, nên hễ nó thấy con có chi khác thường là nó lo rồi. Vì thế tối nay vào giờ thường lệ, nó vẫn thấy con ngồi bàn để viết lách sổ sách và nhật ký… Nó hỏi thử để biết con còn đủ sức ngồi viết không? Nó hỏi: ‘Tối nay Dì chưa viết nhật ký?’ Con nhớ chứ, nhưng thân con rời rã. Con cảm thấy các khớp xương con rời ra từng khúc, các gân cốt của con hầu như tê bại, con nằm cũng không còn yên một bề được. Dù vậy, con muốn cho con bé đừng hoảng hốt, lo lắng vì con, nên con trả lời con bé: ‘Có chớ! Dì sẽ viết trễ hơn một chút. Quả thật, con đã bắt đúng mạch con bé nó đang ủ rủ. Nghe con trả lời, nó tươi ngay nét mặt lại, rồi sà lại gần con, nó vân vê bàn tay con và nói: ‘ Chắc là các linh hồn được nhờ Dì lắm nhỉ!’
A! Câu nói của con nhỏ chính là câu nói con vẫn an ủi nó ngày nó mới đến với con. Nó đau buồn đã định đòi tự tử, nhưng con đã an ủi và vỗ về nó bằng những lời đó. Con không ngờ bây giờ con nhỏ lại động viên con bằng chính những lời đó.
Chúa ơi! Con chẳng đòi Chúa phải thưởng công con bằng các linh hồn. Con đòi như vậy chẳng hóa ra con đã ra điều kiện với Chúa rồi sao? Vâng, đau khổ bệnh tật con xin mang và con xin Chúa cho phép. Con phải được Chúa cho phép vì con là tạo vật hèn kém và tội lỗi, con đâu có được như các thánh của Chúa. Chúa quá biết con rồi! Vì vậy nếu Chúa không từ chối sự hợp tác của con: Chúa cho con dâng chút đau khổ bệnh tật của con hợp với đau khổ của Chúa, còn sử dụng như thế nào thì tùy ý Chúa.
Chúa ơi! Con cảm thấy như ngày con về với Chúa không còn xa lắm đâu! Hơi con đã ngắn dần và sức con phải cố từng lúc. Phần riêng con, con cảm thấy an ủi và sung sướng vì được về với Đấng con hằng mơ ước. Con còn nhớ ngay từ lúc con còn ngồi trên gối mẹ, mẹ con đã chỉ lên tượng Chúa trên bàn thờ gia đình và nói với con: ‘Con lạy Chúa đi, lớn lên con sẽ được Chúa cho con về với Chúa…’ Con đã lạy Chúa và xin Chúa cho con về trời. Và cũng từ đó, con càng lớn lên con càng biết Chúa rõ hơn, và con càng khẩn thiết xin Chúa cho con về trời. Nhưng không phải Chúa đưa con về trời như những chuyện thần tiên mà con đã đọc lúc nhỏ: cứ ăn ở ngoan ngoãn rồi một lúc nào đó vị thần sẽ xuất hiện ban cho đệ tử cái đũa thần, cầu gì được đó, ước gì đều thỏa mãn, mà thường là những của cải vật chất, danh vọng, có khi để tác oai tác quái người khác nữa. Còn Chúa, Chúa lại đưa con về trời bằng một cách độc đáo, không vị thần nào làm như vậy… Con xin lỗi Chúa nhé, nếu con có xúc phạm. Chúa đưa con về thiên đàng bằng con đường đau khổ.
Vâng! Chính với Người con độc nhất mà Chúa đã nhiều lần cao rao: ‘Đây là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng, hãy nghe lời Ngài…’ (Lc 9, 35). Với người Con yêu dấu độc nhất ấy, Chúa cũng đã đẩy Ngài vào một con đường độc đạo: Thánh Thần Chúa ngự trên tôi… Người sai tôi đi…
Con nói Chúa đẩy không biết có trúng ý Chúa không, nhưng con nghĩ: theo ý nghĩ nông cạn của con ví nhá: trong vườn cây dầu, Đức Giêsu đã thưa với Chúa: ‘Xin cất chén này khỏi Con, nhưng đừng theo ý Con, một theo ý Cha…’ (Mt 26,42)
Như vậy, bản tính tự nhiên con người sợ đau khổ và con người mơ ước được khỏi đau khổ, nên các vị thần con người mơ ước là giải thoát con người khỏi đau khổ: nào thần tài, thần phước, thần lộc, thần nông… Còn vị thần dạy người ta chịu đau khổ và rồi chính Ngài thì bị chết trần truồng trên Thập Giá, một đau khổ ghê sợ và nhục nhã nhất. Chỉ nghĩ đến cũng rùng mình rồi, không cần phải thấy nữa, huống hồ là theo gương. Thế mà Chúa như vậy đó. Chúa lại dạy người ta về trời bằng con đường như thế, hỏi ai mà dám theo Chúa? Thảo nào Chúa chả ít bạn được?
A! Mà Chúa có buồn không? Người ta là con người chưa được cứu chuộc, chưa hiểu được ý Chúa nên người ta chỉ nghĩ, chỉ xử sự một cách tự nhiên như vậy đó. Người ta đâu đã được đọc lời Chúa: (Isaia 55, 8-9)
“Thật vậy, tư tưởng cuả Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta – sấm ngôn của Đức Chúa
Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi và tư tưởng cuả Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.”
Là con người, người ta chỉ nhìn những gì thuộc về con người, mơ ước những cái gì có lợi trước mắt. Còn Chúa, Chúa từ trời nhập thể, Chúa đưa những sự từ trời xuống thế để dạy con người, và con đường Chúa đưa con về trời đó là con đường Đấng Thiên Chúa làm người đã vạch ra, đã đi và Ngài nói: ‘Ai muốn theo Ta, hãy vác Thập Giá…’ (Lc 15,27).
A! Tại sao Chúa không nói ai theo Chúa, Chúa sẽ cho hạnh phúc, nhiều của, nhiều tiền… mà lại bắt vác Thập Giá? Thập Giá, một hình khổ ghê tởm dành cho tù tội tàn ác nhất trần gian, Chúa lại bảo bạn bè Chúa vác. Ôi kỳ lạ quá!
Điều Chúa đòi hỏi ấy kỳ lạ, nên bắt con suy nghĩ. Con suy nghĩ lâu ngày, lâu tháng và bằng cả kinh nghiệm của đời con nữa: ba má con đang hưởng sự giầu có, nhà cao, cửa rộng, tiền của đầy đủ. Thế mà, không quá nửa giờ bom đạn đã tàn phá bình địa, tay không vẫn hoàn tay không, may mà còn cứu được mạng sống trong gia đình. Rồi đến bản thân con, con vừa biết yêu và chớm hưởng tình yêu, thì một tai nạn đến làm người yêu con chết, và còn rất nhiều chuyện khác nữa…
Qua đó, con thấy danh-lợi-thú ở đời đâu có bền vững, các vị thần tiên chẳng qua chỉ là chuyện bày vẽ để ru ngủ con người giữa biển đau khổ, và khi con người tỉnh trí lại sẽ càng đau khổ thêm. Trái lại, con đường Chúa đưa con về trời, nghe thì sợ hãi và khó chấp nhận, nhưng nếu chấp nhận và nếm thử thì lại thấy nó hiệu nghiệm thật. Các thánh là những chứng cớ hùng hồn: thánh Phaolô chẳng hạn, đã dám tuyên bố những câu để đời: ‘đòn vọt, tù đày, đói khát, trần truồng, ngay cả cái chết cũng không thể làm cho Ngài xa Chúa được…’ (Rm 8,35). Và nơi khác Ngài nói: ‘chết đối với Ngài là một mối lợi’ (Pl 1,21) Các thánh tử đạo trên đường ra pháp trường lại ca hát như ngày đi đại hội. Các ngài còn cám ơn lý hình nữa khiến cho những người muốn tiêu diệt các ngài phải sửng sốt đến điên cuồng và tuyên bố: tôn giáo là thuốc phiện…
Còn hơn thuốc phiện nữa Chúa nhỉ! Vì thuốc phiện thì còn cai được, còn người theo Chúa, một khi biết Chúa rồi thì ai mà bỏ Chúa được, mà nếu có phải bị giết vì Chúa thì lại là một mối lợi. Mầu nhiệm quá Chúa ơi! Không lạ gì mà thánh Phao lô đã viết: ‘Thánh Giá đối với người Do Thái là một sự điên rồ, đối với người ngoại là một cớ vấp phạm, còn đối với người biết Chúa lại là một vinh dự…’ (1Cr 1,23-24). Như vậy, giờ đây, lúc này Chúa đang cho con được thông chia vinh dự với Chúa. Chúa con được tinh thần các thánh tử đạo Chúa nhé!
Nhưng có một điều này con cần phải bàn giao cho Chúa cái đã: đó là các bệnh nhân. Con biết rõ hôm con vào nhận nhiệm sở ở đây, Chúa đã can thiệp một cách rõ ràng: với những cơn bệnh sẵn có của con, con đâu có được may mắn vào phục vụ ở đây. Thế mà khi bề trên cần người, Chúa lại cho con đủ điều kiện. Và từ chỗ được tạm tuyển đến chỗ được ở yên đến nay, Chúa đã an bài rõ rệt. Qua sự an bài này, Chúa và con đã làm giao kèo phục vụ các bệnh nhân ở trại cùi này, nhưng bây giờ thì Chúa thấy con không còn làm gì giúp cho bệnh nhân được nữa, nên con bàn giao lại cho Chúa.
Trong khi thi hành nhiệm vụ, một điều hân hạnh đối với con là con đã hết sức phục vụ các người bạn yêu của Chúa. Nhưng làm sao mà con không có những thiếu sót đối với Chúa và mọi người, vì con vẫn còn mang nặng xác thịt yếu đuối. Để bù lại những thiếu sót ấy và thiếu sót lỗi lầm cả đời, con dâng những giây phút còn lại của con cho Chúa. Chúa đừng buồn con Chúa nhé! Cho con chào Mẹ Chúa cũng là Mẹ của con, Mẹ đợi con nhá!…”
Gấp cuốn nhật ký lại, Dì Lan ngẩng lên xin lỗi ba và gục xuống bàn. Dì thổn thức… Phần ba cũng chẳng kém gì Dì, ba cũng bàng hoàng như vừa được nghe một lời di chúc một người thân gửi cho ba. Sau một hồi lâu trấn áp được cơn xúc động, Dì Lan mới ngẩng đầu lên thuật tiếp cho ba. Dì nói:
Trang nhật ký mà ông vừa nghe đó cũng là một ơn lạ Chúa ban cho Dì, vì với cơn bệnh của Dì không ai ngờ Dì có thể ngồi lâu như vậy. Chính em Mai Liên cũng nói: con hỏi là để thử xem Dì Antony còn sức khỏe không, chứ con không có ý nhắc Dì viết nhậy ký. Thế rồi khi con thấy Dì ngồi viết lâu con ngạc nhiên cho đến lúc ngạc nhiên của con bị đứt quãng: Dì Antony nằm gục xuống bàn và lịm đi. Con phải cố gắng hết sức mới đưa được Dì vào giường, và rồi từ đó Dì nằm yên không còn ra bàn viết cho đến ngày Dì qua đời.
Còn trong những ngày nằm liệt, Mai Liên cũng như hầu hết những người chứng kiến đều đồng ý Dì Antony đã có đức can đảm của các vị tử đạo. Lúc đầu khi hai bàn tay của Dì chưa bị sưng phồng lên vì bị trùng cùi tàn phá, thì Dì luôn nắm chặt cây Thánh Giá và hôn kính mỗi khi cơn đau vùng lên. Đến khi không còn cầm được nữa, Dì bắt Mai Liên treo Thánh Giá lên ngay trước mặt Dì. Mai Liên đề nghị để Thánh Giá ở đầu giường cho tiện, nhưng Dì Antony không bằng lòng. Dì nói với Mai Liên: giây phút nào Dì không nhìn thấy Chúa chết trên Thập Giá, thì Dì sẽ nghĩ đến đau khổ. Và quả vậy, nhờ Thập Giá Chúa, dù không đi lại được vì hai chân, hai tay đã sưng ,và ăn uống rất ít, thuốc men lại thiếu thốn quá sức; Dì Antony vẫn tươi tỉnh. Dì thường dạy Mai Liên cầu nguyện với Chúa nữa. Thánh Vịnh mà Dì thường đọc to tiếng với Mai Liên là Thánh Vịnh 39:
Tôi hết lòng cậy trông Thượng Đế
Người đoái nhìn nghe thấy tiếng tôi cầu
Mà kéo tôi ra khỏi chốn âu sầu
Mà cho tôi thoát khỏi chỗ bùn lầy nhơ nhớp
Đặt chân tôi lên đá bàng lớp lớp
Để bước đi trong chững chạc vững vàng
Tán dương Ngài, Thượng Đế rất cao sang
Và mở miệng hát lên bài ca mới
Nhìn thấy thế, bao nhiêu người kính sợ
Cậy trông Ngài và tin tưởng nơi Ngài,
Phúc cho ai tín thác nơi Chúa trời
Mà không hùa theo lũ phường gian dối,
Lòng kiêu căng không còn đường còn lối,
Lạy Chúa Trời là Chúa Tể càn khôn,
Muôn lạy Chúa, con cảm tạ không khen,
Bao kỳ công và biết bao thánh ý,
Ngài đã làm biết bao điều kỳ vĩ.
Muốn loan truyền, muốn lớn tiếng cao rao,
Việc Ngài làm, ai đếm nổi được sao,
Ngài thực hiện thì nào ai sánh được,
Của hiến tế, Ngài chẳng thèm mong ước,
Lễ toàn thiêu, Ngài cũng chẳng hỏi đòi,
Con xin đến, lạy Ngài, con đến thôi,
Vì lạy Chúa, về con đã ghi chép,
Theo ý Ngài, con xin làm muôn kiếp :
Tận đáy lòng, con ấp ủ luật Ngài.
(x.Tv 39)
Trong lúc Dì cầu nguyện và đọc Thánh Vịnh với Mai Liên, nếu ai vô tình đi qua mà không biết trước Dì Antony đau yếu, liệt giường, người ta sẽ tưởng là những lời kinh của các thiên thần.
Một điều đáng ghi nhớ nữa là: dường như Dì Antony biết trước ngày Chúa gọi Dì về với Chúa. Trước ba ngày Dì qua đời, Dì cho gọi từng người trong ban quản trị lại gặp Dì. Dì trao đổi với từng người công việc của họ một cách tỉnh táo, có thể nói chẳng khác gì lúc Dì còn khỏe mạnh, quán xuyến công việc trong trại, chẳng hạn như ông Tuấn lo về nhân khẩu trong trại. Ông đến trao đổi và báo cáo với Dì số nhân khẩu trong trại, số người cần được chăm sóc đặc biệt, số lao động trong trại… Ông nói thiếu sót, phần vì từ lâu không ai nhắc nhở, phần vì trại giao động nhiều trước cơn đau bệnh của Dì Antony… Ông nói sai đâu, Dì sửa đó như hiện thời trại chỉ có bằng này bằng nọ, lực lượng lao động vừa mới mất đi hai người… Sau đó kiểm tra lại thì đúng như Dì Antony nói, vì hai thanh niên mới trốn trại đi đêm vừa rồi mà trại chưa ai biết. Hay người này, người kia mất sức cần phải cho nghỉ và xếp vào hạng cần được chăm sóc đặc biệt… Hầu như ai gặp Dì cũng phải sửng sốt về những điều Dì trao đổi với họ, mặc dù Dì đã không ra khỏi giường nhiều tháng rồi.
Đáng kể nhất, Dì buộc ban điều hành phải thay người gác cổng. Ban điều hành hết sức bênh vực và xin Dì, vì thấy người gác cửa đã sống lâu trong nghề và rất được tín nhiệm trong trại. Ban điều hành còn dùng dằng lấy lý vì chưa tìm được người và Dì nằm một chỗ không biết được. Đêm hôm đó khi mọi người đã ngủ, Dì Antony đánh thức Mai Liên bảo phải gọi ông trưởng ban điều hành đến cho Dì. Khi ông lật đật đến, Dì chỉ vắn tắt nói với ông: “Ông ra mà coi mấy con chó bị thuốc chết hết rồi.” Ông chạy ra ngoài cổng thì quả thấy mấy con chó đang lăn lộn, người gác cổng đã biến mất, cửa ngõ thì bỏ ngỏ. Ông vội vàng chạy về lên hiệu báo động… Sau này người ta kiểm tra lại, nếu không thì đêm hôm đó đã xảy ra một vụ cướp lớn rồi… Những hiểu biết của Dì Antony đã sớm đồn khắp trại, làm cho người ta càng mến phục Dì hơn chính lúc Dì còn khỏe mạnh.
Dặn dò và trao gửi trách nhiệm xong, Dì tiếp tục đi vào hôn mê. Vào đúng giờ báo thức ngày… tháng… năm…, Dì Antony được Chúa đưa về trời.
Ai gieo giống nghẹn ngào trong nước mắt,
Mùa gặt về rộn rã tiếng mừng vui.
Quảy lúa gieo, vừa đi vừa thổn thức,
Nay trở về, hớn hở lúa vàng reo!…
(x. Tv 125)