Truyện dài: MỘT ĐỜI DÂNG HIẾN | Chương Bảy
Truyện dài: MỘT ĐỜI DÂNG HIẾN | Chương Bảy
Tác giả: Song Nguyễn
7. Người thầy thuốc toàn khoa
Dì Lan ngước mắt lên nhìn ba như để nhận định thái độ của ba trước câu chuyện Dì đang kể, và ba đoán là Dì Lan bằng lòng về sự chăm chú của ba. Hơn nữa, nếu Dì lan quan sát ba hồi nãy, có lẽ Dì còn thấy ba xúc động ứa nước mắt trước nỗi khó khăn hầu như quá sức đối với một Dì phước non trẻ, mới chập chững bước chân vào đời. Sau khi nhìn ba và đánh giá được thái độ của ba, Dì Lan lại say sưa kể. Dì nói với một giọng thâm tín và kính phục người chị em quá cố. Dì Lan nói tiếp:
– Đối với một bệnh nhân ngoài việc lo ăn uống tẩm bổ ra, nếu muốn cứu sống bệnh nhân còn phải lo thuốc thang cho bệnh nhân nữa. Trường hợp của Dì Antony ở đây cũng thế, không phải Dì chỉ lo cho một bệnh nhân nhưng là hàng trăm người, lại là thứ bệnh nguy hiểm không ngăn chặn kịp thời thì sự tàn phá sẽ ghê gớm. Chính chị Antony đã hốt hoảng tâm sự với Chúa, Dì viết:
“… Đây là người thứ ba rồi. Chưa đầy một tháng con có trách nhiệm mà đã ba người ra đi rồi! Họ thiếu ăn? Thiếu thuốc? Nhưng, theo con thì chắc họ thiếu ăn và nhất là thiếu thuốc, thiếu sự chăm sóc… Con không biện hộ cho con, nhưng Chúa biết đó…”
– Thật sự trong hoàn cảnh của Dì Antony, Chúa không phàn nàn, trái lại Chúa còn cao rao Dì là khác. Theo những người chứng kiến kể lại thì Dì đã làm quá sức của Dì.
Ngay trước ngày tu viện phải rút khỏi trại, trao trách nhiệm lại cho một mình Dì. Số thuốc trong trại hầu như chẳng còn gì vì cuộc chiến đã kéo dài, dai dẳng từ lâu. Thuốc tiếp tế khi có khi không. Bao nhiêu thuốc dự trữ đem dùng cả. Hy vọng thuốc tiếp tế sẽ tới, nhưng rồi chiến tranh đột ngột kết thúc, nguồn tiếp tế thuốc cũng cắt đứt, và rồi các Dì chuyên môn cũng đột ngột ra đi… Trong hoàn cảnh vừa thiếu thốn thuốc men trầm trọng, vừa thiếu người chuyên môn vừa thiếu nhân sự, một mình Dì Antony có thể làm gì được? Khi được nghe kể lại, ai cũng phải ngạc nhiên gần như một phép lạ về những việc Dì Antony làm trong thời gian ấy.
Như tôi vừa nói, trước một tình thế hết sức căng thẳng, các bệnh nhân bị dồn vào thế liều lĩnh. Dì Antony vừa phải trấn an và vãn hồi trật tự, nhất là niềm tin cho nhân dân trong trại, vừa phải lo tìm lương thực cứu sống bệnh nhân, vừa phải chạy chữa và săn sóc bệnh nhân. Công tác nào cũng khẩn trương và phải tiến hành cùng lúc.
Về vấn đề giải quyết lương thực có khó thật, nhưng dù sao cũng còn ban đại diện và lực lượng đông đảo bệnh nhân phụ giúp. Còn về phương diện y tế, không phải ai cũng làm được? Ngay chính bản thân Dì Antony lúc bấy giờ cũng mới là một y tá tập sự. Khấn xong Dì đang tập sự tại dưỡng lão viện, được gửi tới đây để thực tập và học hỏi thêm nơi các Dì đi trước, và thời gian học tập của Dì chưa được bao lâu nên có thể nói tay nghề của Dì còn non trẻ. Nhưng chắc chắn một điều là phần lý thuyết của Dì rất vững. Sở dĩ chúng tôi có thể nói được như vậy vì qua những tài liệu để lại Dì Antony là một học viên xuất sắc về y tế khi Dì còn học ở nhà dòng, và cũng chính vì thế mà nhà dòng muốn đưa Dì về nơi trọng yếu, với hy vọng Dì sẽ học hỏi cho vững tay nghề và có dịp giúp ích nhiều cho bệnh nhân. Không ngờ việc làm có vẻ tự nhiên như vậy lại là việc Chúa quan phòng đặt Dì Antony vào đúng vị trí của Ngài.
Trong khi vừa điều trị vừa băng bó cho bệnh nhân, Dì Antony vừa cấp tốc huấn luyện một số người khỏe mạnh có năng khiếu để giúp đỡ Dì. Trong số các trợ tá đó có một người thanh niên tương đối khỏe mạnh, nhanh nhẹn và tháo vát giúp việc Dì rất đắc lực. Dì viết:
“Anh H. đó Chúa! Anh ta được việc lắm và lại được bệnh nhân thương mến…”
Anh H. hiện nay anh vẫn còn sống và rồi tôi sẽ có dịp nói nhiều về anh, nhưng ở đây tôi chỉ nói về công việc chuyên môn anh giúp Dì Antony trong lãnh vực y tế.
Sau một thời gian ổn định và dạy chuyên môn, nhà thương và phòng khám bệnh của trại có thể hoạt động lại được, mặc dù chẳng được như trước nhưng cũng có thể được phân nửa. Thuốc men hạn chế tối đa, ngoài số thuốc quý-quý ở đây là thuốc của bệnh cùi-còn lại và một số hiếm hoi Tòa Giám Mục gửi cho chỉ được dùng trong những trường hợp khẩn. Ngoài ra còn những vết thương nhẹ và những bệnh nhẹ chỉ cần ngăn chận bước tiến của vi trùng thì sử dụng những thuốc tự bào chế. Vì thế vườn thuốc tự chế đã được phát triển tối đa. Môn thuốc này phần lớn dựa vào kinh nghiệm và sự chỉ dẫn của một số bệnh nhân đồng bào sắc tộc. Thầy Sáu tức anh H. nghiên cứu và đem vào vườn trồng rồi đem sử dụng, đặc biệt về phương diện tẩy trùng và giảm đau.
Mỗi khu vực Dì Antony cắt cử người trợ ta và người trợ tá có nhiệm vụ báo cáo tình hình khu vực bệnh tật để kịp thời chuyển đến nhà thương những người cần được săn sóc nhiều. Còn trong nhà thương đứng đầu đội ngũ trợ tá là anh H. Thầy Sáu sẽ cho Dì biết tình trạng từng người mới nhập nhà thương, rồi đích thân Dì Antony sẽ khám nghiệm và định mức độ khẩn trương của từng bệnh nhân.
Sở dĩ Dì Antony phải khám nghiệm và định mức tình trạng của bệnh nhân vì tay nghề của Dì. Người chứng kiến kể lại: hình như Dì Antony có một giác quan thứ bảy. Dì khám bệnh và gọi bệnh rất chính xác. Điều này các bệnh nhân còn lại ai cũng phải công nhận: “Dì gọi bệnh như thánh.” Hơn nữa, nhiều khi Dì Antony không cần khám, Dì chỉ ngó mặt cũng phát hiện ra bệnh mà chính bệnh nhân cũng chưa cảm thấy. Một trong những trường hợp được chính Dì Antony ghi lại làm chứng:
“…Con phải khổ với thằng bé đó quá, Dì Antony tâm sự với Chúa, con đã bảo nó mà nó không nghe. Nhưng rồi Chúa vẫn còn thương nó, nếu không thì trại chúng con lại thêm một…”
Và người chứng kiến thì thuật lại câu chuyện đó như thế này: hôm đó Dì Antony đang đi trên hè, tình cờ Dì gặp thằng N. Dì ngó qua thằng N. và gọi giật nó lại, Dì bảo nó:
– Con phải vào phòng thuốc nói với thầy Sáu cho con uống thuốc trừ sốt rét ngay.
Dì Antony còn nhấn mạnh thêm.
– Dì nói phải nghe ạ!
Thằng N. đứng tần ngần, nó băn khoăn không hiểu tại sao Dì nói với nó như vậy, bởi vì sáng ngày nó còn ăn vượt tiêu chuẩn. Nó nghĩ hay có lẽ vì nó ăn dành phần người khác và đã có ai tố cáo Dì nên Dì bắt nó uống thuốc cho bớt ăn dành? Nhưng Dì bảo là nó không dám cưỡng. Nó vào phòng phát thuốc đứng vớ vẩn ở trước phòng mãi không dám vào. Một lúc sau Dì Antony có dịp đi qua thấy nó còn đứng đó. Dì lại hối:
– Kìa N. sao con không vào phòng xin thuốc uống đi con?
Nói rồi Dì có việc gấp lại phải đi ngay. Thằng N. vào xin thuốc, thầy Sáu ngó trừng nó thầy tưởng nó giỡn, thầy nẹt nó. Nó vội thưa:
– Dì Antony bảo con vào thầy xin thuốc sốt uống.
Thầy Sáu chau mày suy nghĩ một lát, thầy đoán có lẽ Dì Antony nói gì đó mà nó nghe lộn nên thầy không cho. Thầy định tâm để hỏi lại Dì, vì trong giây lát nữa Dì có việc phải trở lại phòng thuốc. Hơn nữa, thầy cảm thấy thắc mắc: một người đang khỏe mạnh đè ra cho uống thuốc, chích trừ sốt rét là một chuyện phản y khoa quá.
Nhưng rồi vì quá nhiều việc nên thầy Sáu quên. Đàng khác, Dì Antony có những việc quan trọng hơn không trở lại phòng phát thuốc như dự tính. Thế là thằng N. đứng đợi một hồi không ai ngó ngàng gì, nó bỏ về trại và chỉ mấy giờ đồng hồ sau thằng bé lên cơn sốt thật. Và khi người trợ tá khu vực phát hiện ra được đưa nó đến nhà thương thì thằng bé nóng như hòn than.
Dì Antony được cấp tốc mời tới. Tới nơi Dì bỡ ngỡ thấy con bệnh chính là thằng N. hồi sáng Dì đã gặp nó và hối nó đi uống thuốc và chích ngừa. Dì kêu thầy Sáu để hỏi lại trường hợp thằng N., thầy Sáu mới sực nhớ và tường thuật lại việc nó đến xin thuốc… và thầy đã từ chối. Thế là Dì Antony đã phải vất vả lắm mới giật được mạng sống của nó khỏi tay thần chết.
Cũng chính vì tài chẩn bệnh khác thường của Dì Antony như vậy, nên bệnh nhân nào cũng đòi phải được Dì khám và chỉ bệnh họ mới yên tâm. Ngay cả khi những bệnh thường thường thầy Sáu đã chỉ, họ cũng lén để Dì Antony xem lại. Còn một yếu tố nữa khiến Dì Antony phải khám nghiệm và định bệnh, là vì các bệnh nhân được nằm trong nhà thương được đãi ngộ rất nồng hậu. Đang khi ở ngoài vì hoàn cảnh hết sức khó khăn nên phần ăn vừa phải ăn độn tối đa, vừa phải ăn theo tiêu chuẩn; trong khi được nằm trong nhà thương phần ăn tự do lại không phải ăn độn. Hơn nữa lại được săn sóc tận tình nên nhiều bệnh nhân muốn được vào nhà thương để bồi dưỡng.
Vì có những lạm dụng như vậy, một số người đã đề nghị với Dì Antony để phần ăn trong nhà thương giống như ở ngoài. Nhưng Dì Antony giải thích:
– Đáng lý ra mọi bệnh nhân ở trại này phải được đãi ngộ như ở đây và hơn ở đây nhiều nữa. Nhưng vì hoàn cảnh quá eo hẹp thì ít ra những người bệnh nặng vào nằm đây cần phải được săn sóc tốt hơn. Dì Antony nói và đã làm gương cho mọi người. Dì ăn phần ăn của người bệnh bình thường và còn dưới mức tiêu chuẩn nữa. Và Dì quyết tâm theo tiêu chuẩn ấy dù ban đại diện hay nhiều người yêu cầu và vịn dần đủ lý do, Dì cũng không thay đổi.
Trong khi đó sức lực của Dì hầu như dành hết cho bệnh nhân, Dì phục vụ họ không kể đêm ngày. Dì tâm sự với Chúa, Dì viết:
“Chúa đừng buồn con Chúa nhá! Con mệt quá Chúa ơi! Nên con mới ngủ gục trước mặt Chúa đó! Tuy nhiên dù sao con cũng xin nhận khuyết điểm. Cái mệt của con đâu có thể sánh được với cái đau đớn của những người Chúa yêu. Cái mệt của con mới chỉ là một phần nhỏ trong cái đau đớn, khinh miệt và… mà những bệnh nhân, những người Chúa yêu đây phải chịu. Con chung phần với họ làm thành hy tế dâng lên Chúa. Chúa tha thứ cho con và Chúa thương họ Chúa nhá”
Cơn mệt mà Dì Antony tâm sự với Chúa ở trên là một trong những cơn mệt liên miên của Dì. Theo nhân chứng kể lại thì Dì đã bỏ ăn và nằm luôn hai ngày trong cơn mệt này:
Bữa đó, không hiểu vì bất cẩn như thế nào, ban nấu ăn có bỏ lầm mấy con cá cóc-người ta đoán thế. Thực ra cũng không có gì chắc chắn, bệnh nhân ăn vào mắc ói mửa và đi cầu dữ dội. Cả trại được báo động khẩn cấp. Còn Dì Antony vừa lo vừa làm hết mình để cứu các nạn nhân.
Sau một ngày làm việc không ngưng nghỉ, Dì Antony mới đẩy lui được thần chết chực bắt đi của Dì từng chục mạng người. Tối đến Dì đang tâm sự với Chúa về biến cố ban ngày thì Dì được gọi vội xuống nhà thương. Người báo tin cho Dì hớt hải nói không ra lời. Nhưng đối với Dì Antony, Dì chẳng cần nghe kể nể dài dòng, cứ nghe báo bệnh nặng là Dì lao tới. Người báo tin lấy hơi gọi giật Dì Antony lại. Y nói:
– Dì! Khoan con nói đã!
Dì Antony ngưng lại rồi lại tính bước đi. Nhưng người báo tin vừa với tay vừa kêu:
– Dì!
Dì Antony khựng lại và khi đợi cho người báo tin tới, Dì hỏi:
– Lại thêm một người đi tả nữa hả!
– Dạ! Thưa không.
Dì hốt hoảng hỏi:
– Thế bệnh gì? Nói mau!
Hỏi rồi Dì nắm tay người báo tin lao về phía nhà thương, vừa đi Dì vừa hỏi:
– Bệnh gì vậy?
– Dạ! Thưa không bệnh. Đẻ!
Dì Antony nghe nói”Đẻ”, Dì buông tay người báo tin, đứng khựng người ra như để moi óc nhớ lại những điều đã học. Dì vỗ tay bù đầu như để cố nhớ những hiểu biết của Dì về nghề hộ sinh. Nhưng rồi như sực nhớ ra điều gì, Dì quay gót vội vàng trở lại nhà nguyện. Người báo tin cho Dì đứng ngẩn người ra, bối rối không biết nên theo Dì trở lại nhà nguyện hay đứng đợi. Y đoán có lẽ Dì quên cái gì trong nhà nguyện nên trở vào lấy. Y chắc trong giây lát Dì sẽ trở ra, vì y vẫn biết đối với bệnh nhân Dì luôn đặt lên hàng đầu trong những việc khẩn cấp của Dì. Đợi một lát không thấy Dì trở ra, y quay gót trở lại; hơn nữa y đang cầm ngọn đèn bão, y muốn trở vào để lỡ Dì có tìm cái gì sẽ dễ dàng hơn.
Trở vào nhà nguyện, y nhớn nhác nhìn tìm bóng Dì. Y ngạc nhiên thấy Dì đang quỳ trước tòa Đức Mẹ và đang lâm râm kêu khấn gì với Đức Mẹ. Thấy có bóng đèn và người trở lại, Dì Antony đứng dậy chào Đức Mẹ rồi ra đi xuống thẳng nhà thương. Đến gần nhà thương Dì đã nghe tiếng người kêu la, người đi bên nói với Dì Antony:
– Tiếng người đàn bà đó!
Dì Antony vội bước đi không trả lời, tâm trí Dì như tập trung cả vào nạn nhân. Dì phải làm thế nào cho tiếng kêu im đi, nghĩa là gấp rút cứu nạn nhân thoát nạn.
Nhưng khi Dì đến gần, người trợ tá hộ sinh đang loay hoay với nạn nhân, thấy bóng Dì, người trợ tá vội chạy lại đón Dì và nói nhỏ:
– Bà ta trở ngại không sinh được.
Dì Antony gật đầu, rồi đẩy người trợ tá. Dì tiến lại gần và cầm tay nạn nhân an ủi:
– Dì đây! Mẹ K. ráng chịu đựng đừng la để Dì giúp.
Nạn nhân gồng mình cắn răng cố dằn tiếng kêu, rồi nạn nhân rên rẩm nói:
– Dì cứu….
Vừa vỗ về nạn nhân, Dì vừa quay nói nhỏ với người trợ tá:
– Lần trước bà ta sanh cũng phải nhờ bác sĩ ngoài thành vào giải phẫu…
Nghe Dì Antony nhắc đến chuyện đó chị mới nhớ ra trước đây có nghe nói, nhưng chị đã quên mất rồi. Còn Dì Antony, Dì nhớ rất rành mạch. Người trợ tá hỏi lại Dì Antony, Chị nói:
– Vậy bây giờ phải làm sao?
Suy nghĩ một lát, Dì Antony lắc đầu. Dường như Dì duyệt xét lại tình hình lúc này chẳng còn có thể làm được gì như xưa nữa, mọi phương tiện đã bị cắt đứt và mọi việc đành bó tay. Tất cả, phải tất cả đều tự túc và trông cậy vào ơn trên. Nhưng rồi bằng một giọng nói đầy tin tưởng và bình thản, Dì Antony nói:
– Đưa chị ta lên bàn giải phẫu!
Người trợ tá và mấy người có mặt ngó nhau, họ sợ tai họ nghe lộn hay là Dì nói lộn. Thực sự mọi người ở đây đều nhận Dì Antony rất xuất sắc về nghề thuốc, nhất là từ ngày còn lại một mình Dì. Nhưng còn việc phải giải phẫu là một việc chuyên môn dành cho bác sĩ chuyên môn. Bằng chứng là trước đây mỗi khi trại có trường hợp phải giải phẫu, các Dì thường phải mời bác sĩ chuyên môn chẳng hạn trường hợp người đàn bà này. Trong khi đó Dì Antony mới thực hành nghề y tá và chưa hề giải phẫu lần nào. Vì những lý do đó nên người trợ tá mới nghi ngờ mệnh lệnh của Dì Antony. Nhưng có thể Dì đọc được điều nghi ngờ đó, Dì Antony nói lại:
– Đưa chị ta lên bàn giải phẫu đi!
Nói rồi Dì đi lấy dụng cụ giải phẫu…
Và người chứng kiến thuật lại: Dì Antony làm việc đó không có gì là gượng ép lúng túng, trái lại rất cẩn thận và kỹ lưỡng. Có điều hơi lâu, nhưng rồi Dì cũng đã cứu được người đàn bà và đứa nhỏ. Khi đã làm xong công việc, Dì Antony phải nhờ người khác dìu về phòng và rồi suốt hai ngày Dì nằm li bì trên giường bệnh.
Kết quả của những công việc mệt nhọc và nhất là dồn tâm trí nghị lực để giải phẫu đã giữ chân Dì Antony lại trên giường bệnh. Việc này đã làm cho cả trại phải lo lắng. Trong khi đó, Dì Antony không cho ai giúp đỡ săn sóc Dì ngoài một bé gái Dì thường đưa đi theo. Dì tự chạy chữa và nhờ bé giúp đỡ. Cũng vì thế mà tin tức bệnh trạng của Dì không được phổ biến, gây nên bầu không khí u ám trong trại. Đã có người nghĩ tới nếu như Dì Antony, linh hồn của trại mà có mệnh hệ nào thì chắc trại cũng chết theo, nên có nhiều người thiếu kiên nhẫn đòi ban đại diện phải cho biết tình trạng sức khoẻ của Dì và phải cử người săn sóc cho Dì… Có lẽ cũng vì nhu cầu cần thiết sự hiện diện của Dì và tình cảm bệnh nhân đã dành cho Dì, nên sau hai ngày nằm liệt Dì đã có thể chỗi dậy đi lại và ra những chỉ dẫn cần thiết trong sinh họat trại…
Ngay cả việc Dì Antony chỗi dậy cũng là một việc khác thường, theo như người biết chuyện kể lại thì trước đó Dì Antony bị cảm sốt nặng. Dì nằm li bì không ăn chỉ uống một chút nước với mấy viên thuốc thông thường. Cứ như mọi người Dì phải nằm cả tuần, có khi cả tháng; trái lại Dì Antony chỉ nằm trong một thời gian ngắn và gần như không săn sóc thuốc men gì. Điều đó đã làm cho cả trại đồn đại kháo láo với nhau: Dì Antony được phép lạ.
Việc Dì khỏi bệnh mau chóng và những cách Dì Antony chữa trị cho bệnh nhân đã gây nên một sự tín nhiệm lạ lùng, mà hầu như một thầy thuốc cao tay cũng không dễ gì dành được. Nắm được cơ hội tốt đó, Dì Antony cố sức thực hiện kế họach của Dì. Dì viết lại trong nhật ký của Dì:
“Thời gian này… không trông cậy gì có thêm chị em, có được những người chuyên môn chăm sóc cho bệnh nhân. Tốt hơn hết mình phải tự đào tạo lấy tay nghề, càng nhiều càng tốt, càng chuyên càng hay, nhất nữa là như cơn đau vừa rồi nếu Chúa không thương và can thiệp đặc biệt thì…”
Dì Antony hướng dẫn kỹ càng cho những trợ tá đặc biệt là thầy Sáu. Nhờ có kiến thức và nhất là nhiệt tâm, thầy Sáu tỏ ra không thua kém những tay nghề chuyên môn. Có nhiều trường hợp thầy làm cho người khác ngạc nhiên như lần thầy nhổ răng cho một bệnh nhân. Bình thường thì thầy vẫn nhổ răng sâu cho các bệnh nhân trong trại. Nhưng có một thiếu nữ bị một cái răng hàm, chân răng ăn móc với giây thần kinh trọng yếu, mà trước kia bác sĩ, nha y cũng không dám nhổ. Mỗi lần cô đau, bác sĩ chỉ chữa cho giảm đau, nhưng rồi nó lại đau nhức và mỗi lần như vậy cả một bên mặt cô sưng lên. Lần này cô đau nhức quá không chịu nổi nữa. Dì Antony đưa cô đến thảo luận với thầy Sáu. Sau một hồi thảo luận, Dì Antony nói với thầy Sáu:
– Không làm thế nào khác được nữa đâu. Thầy cứ nhổ cho cô ta!
Thầy Sáu xem ra cũng chịu giải pháp Dì Antony đưa ra, nhưng thầy còn hỏi lại:
– Đây là trường hợp lớn đây Dì ạ!
– Phải! Lớn chứ! Tôi biết. Nhưng nếu để nó cứ vậy mãi và còn có nguy cơ làm độc trầm trọng nữa.
– Vậy Dì…
Dì Antony hiểu ý thầy Sáu muốn Dì yểm trợ tinh thần và nhất là cầu nguyện cho việc làm của thầy. Kết quả là thầy Sáu đã thành công: cô gái đã không vong mạng , ngược lại đã thoát hiểm. Nhờ đó uy tín thầy Sáu cũng lên rất cao.
Song song với việc huấn luyện và nâng đỡ các người phụ tá, Dì Antony còn nhìn thấy một mối nguy cơ khác không kém phần trầm trọng, đó là thiếu thuốc triền miên. Nếu biết được cây thuốc nào, Dì cố vận động và đích thân Dì trông coi để có thêm nguồn thuốc bổ túc vào nguồn thuốc hiếm hoi thỉnh thoảng đưa lén vào cho Dì. May mắn cho công việc bổ túc nguồn thuốc tây thường dùng, trong trại có một bệnh nhân biết qua về thuốc Bắc và thuốc Nam, nên ông ta cũng chỉ dẫn cho Dì Antony nhiều cây thuốc Nam có giá trị và chỉ dẫn cách trồng tỉa. Rất tiếc là ông ta đi lại khó khăn vì một bàn chân ông đã bị trùng cùi ngậm nhấm mất quá nửa rồi. Những cây thuốc trồng được đưa lại cho ông và ông bào chế thành những chén thuốc thông thường cho bệnh nhân, hiệu nghiệm nhất là về đường ruột… Trong nhật ký của Dì Antony viết về người ân nhân cung cấp thuốc Nam cho trại, Dì ghi lại lời Thánh Vịnh:
Việc Ngài làm đều tín thành chính trực,
Mệnh lệnh Ngài hết thảy được vững bền,
Được lập ra cho muôn kiếp lưu truyền
Sự nghiệp Chúa tràn đầy trên mặt đất
(x.Tv 110,7-8)