Truyện dài: MỘT ĐỜI DÂNG HIẾN | Chương Ba
Truyện dài : MỘT ĐỜI DÂNG HIẾN | Chương Ba
Tác giả: Song Nguyễn
3. Đường vào trại cùi (Bán đảo Sống và Chết)
Như ba đã viết cho con, sau cuộc viếng mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử, hình ảnh thi sĩ luôn ám ảnh ba. Nhưng có lẽ một phần vì mục đích cuộc hành trình ba đang hướng tới, ba sẽ có dịp không phải chỉ nhìn thấy một Hàn mặc Tử, mà sẽ thấy hàng trăm Hàn Mặc Tử. Do đó ba nôn nao mong sớm thực hiện mục đích.
Cũng vì nghĩ đến đối tượng mà ba sắp gặp, nên tối hôm trước cuộc hành trình vào trại cùi, ba đã kiếm cớ thoái thác cuộc chiêu đãi của tỉnh. Ba muốn để ba có đủ sức khoẻ, đồng thời ba cũng cố tiết giảm ăn uống để chia sẻ với các bệnh nhân. Ðúng như ba dự đoán, cuộc chiêu đãi kéo dài khá muộn. Khi phái đoàn trở về khách sạn, thì ba đã ngủ được một giấc ngon rồi. Và từ lúc đó ba hướng về các con, có lẽ giờ này Tiến em con mới ngủ … Còn con không biết đêm đêm con có được ngon giấc không? Hay luôn bị bầy trẻ phá giấc ngủ của con? Ba nghĩ đến các bệnh nhân, ba thấy họ thật là những anh hùng quả cảm: hứng chịu lấy hình phạt của Chúa để cho các phần tử khác được an lành. Họ chẳng khác gì những chiến sĩ lao vào lửa đạn để bảo vệ hậu phương. Do vậy, những việc làm giúp đỡ những bệnh nhân nói chung, không còn phải là việc bố thí ân huệ, nhưng là một việc làm trả ơn, nếu như không nhờ họ thì mọi người đều phải chia phần vì đó là hậu quả tội nguyên tổ …
Cũng vì hậu quả của cuộc chiêu đãi tối hôm trước, mà mãi gần tám giờ phái đoàn mới khởi hành vào trại cùi được. Đoàn xe vừa chở phái đoàn trung ương và phái đoàn tỉnh, vừa chở đồ cứu trợ, gần cả chục cái xe nối đuôi theo xe mở đường có gắn cờ Hồng Thập Tự trực chỉ trại cùi. Ra khỏi thị xã đoàn xe đi chậm hẳn lại vì len vào con đường đá gồ ghề bọc theo sườn núi. Tội nghiệp nhất là mấy cái xe chở đồ vừa nặng vừa cồng kềnh, hết trồi lên thụt xuống, nghiêng bên này ghé bên kia, làm mấy chú tài phải khó nhọc mới nắm vững tay lái. Chưa hết, ngoài con đường lên xuống ngoằn nghèo nguy hiểm, đoàn xe còn phải leo qua những con cầu bắc qua suối, qua lũng thật là vất vả. Đã vậy rồi từ đầu đường đến gần trại, ba lần đoàn xe phải ngừng lại để ban an ninh kiểm soát.
Qua nhiều trở ngại kéo dài cuộc diện kiến làm ba thật sốt ruột. Một phần ba càng thấy thương những người bệnh nhân hơn: cuộc sống của họ hầu như hoàn toàn ngăn cách với đời sống xã hội bên ngoài: nào đi lại, nào kiểm soát, cố ý cắt đứt họ với bên ngoài. Dĩ nhiên không phải bây giờ mà ngay từ thời xưa Thánh kinh cũng đã nhắc tới số phận của họ.
Vượt qua trại kiểm soát số ba, ba nghe người hướng dẫn cho biết, lúc vào còn tương đối dễ, chứ lúc ra nhân viên kiểm soát rất kỹ, sợ có bệnh nhân tiện cơ hội trốn ra khỏi trại. Ba ngạc nhiên thấy một cảnh vui mắt, hoàn toàn không gì chết chóc như ba tưởng: một cái cổng chào lớn mới dựng trang trí bằng những tàu lá dừa cắt xén công phu, từ nóc cổng từng dây cờ xanh đỏ lộng gió tủa xuống bốn phía trông thật hấp dẫn. Ba có cảm tưởng như đi vào một nơi nào đó không phải là trại cùi.
Một cảnh tượng khác cũng làm giảm nỗi bi quan của ba. Khi xe phải dừng lại lần chót để đợi mấy chiếc xe ca chở đồ cứu trợ tới kịp để cùng vào trại, ba được dịp nhìn bao quát khu vực trại. Ba ngạc nhiên vì thấy trại gần như nằm hướng ra biển, sau màu xanh của lá dừa ba có thể nhìn thấy những ngọn sóng trắng đang xô nhau lao vào bờ, và tiếng sóng vỗ nghe thật rõ. Ba quay sang hỏi người hướng dẫn:
– Trại nằm sát bờ biển hay sao vậy ông?
Người hướng dẫn mở to mắt nhìn ba, nét mặt đấy hãnh diện, ông trả lời:
– Không những nằm sát mà còn gần như bao bọc chung quanh.
– Ở thế thì an ủi cho bệnh nhân quá nhỉ! Ba reo lên.
Ông mỉm cười, giọng ông nói đầy vẻ hân hoan :
– Nếu như người ta bỏ hai chữ “trại cùi” đi, thì đây là một chỗ nghỉ mát lý tưởng hơn hẳn cả lầu ông Hoàng. Ngưng một lát ông ngập ngừng nói: chỗ này thì hơi hẻo lánh một chút. Nhưng rồi có lẽ ông sợ ba đánh giá sai lòng bác ái của ông, cũng như cơ quan ông phục vu, ông lại tiếp tục ca ngợi trại. Ông nói tiếp: đối với anh chị em bệnh nhân đau khổ này, mình cũng phải dành phần ưu tiên cho họ. Nếu phải so sánh với những nơi nghỉ mát tôi được biết: Đồ Sơn, Hà Tiên, Vũng Tàu không đâu bằng chỗ này. Quanh năm khí hậu hầu như không thay đổi rất thích hợp cho bệnh nhân.
Ba gật gù đón nhận phát biểu của ông, rồi ba hỏi tiếp:
– Thế nguồn gốc tìm kiếm được chỗ này ra sao ông?
– Tôi không được nắm vững lắm. Lát nữa ngài có thể hỏi thăm mấy dì phước ở đây. Tôi chỉ biết một cách tổng quát công cuộc khám phá ra nơi này và lập thành trại cho bệnh nhân cùi là do công mấy cố thừa sai.
– Vâng! Ít nhất cũng có những tâm hồn quảng đại dám xông pha khám phá và dám liều mạng để an ủi những người xấu số chứ. Nếu không nhờ họ, số phận những bệnh nhân sẽ ra sao? Chắc là không ai lường được?
Nghe ba phát biểu, người hướng dẫn càng hứng khởi hơn ông tiếp tục ca ngợi trại cùi. Ông nói:
– Không phải chỉ con người ưu đãi bệnh nhân mà ngay cả thiên nhiên cũng chiều chuộng bệnh nhân nữa. Ngoài phong cảnh ít đâu có: giữa đất liền với đại dương có một vách đá bọc quanh ngăn cách, nên dù thủy triều lớn, nước cũng không bao giờ vượt qua vách đá. Cái quý nữa là trại gần như có biển bao bọc, thế nhưng nước ngọt không bao giờ thiếu. Ngoài ra nhờ ở vị trí đặc biệt, ban sáng trại nhận được ánh sáng trước nhất và ban tối nhận được ánh sáng sau cùng.
Một lần nữa ba ngạc nhiên thốt lên:
– Ồ quý quá! Đối với thứ bệnh này, còn ánh sáng là còn hy vọng.
– Phải! Phải! Còn ánh sáng là còn hy vọng, nên có nhiều trường hợp bị đưa vào đây, bệnh nhân trốn đi sau cùng lại phải trở về.
– Cũng có những người trốn nữa sao?
– Có chứ! Vì vậy mới cần kiểm soát gắt gao …
Người hướng dẫn như còn muốn nói nhiều về phần đất trách nhiệm của mình, nhưng đàng sau mấy chiếc xe vận tải đã trờ tới và đang ấn kèn báo. Vị trưởng đoàn cho lệnh đoàn xe từ từ vào trại.
Đoàn xe đồng loạt rồ máy, tiếng máy nổ làm át tiếng nói. Bỗng nhiên ba thấy hồi hộp như sắp sửa phải đối diện với một cái gì ghê gớm: “Người chết sinh hoạt.” Nhưng điều ba chờ đợi vẫn chưa ló rạng, trái lại hai bên đường vào trại, hàng dừa trồng cách quãng đều nhau đang thi nhau vẫy tay chào phái đoàn, tiếng lá va chạm vào nhau lạo xạo như tiếng vỗ tay, rồi cả đến quầy dừa nặng trĩu cũng cố đu đưa theo sức gió biển để như cố nói lên tình cảm của mình. Ngay cả đến những cụm mây trời xa lạ đang trôi nổi trên trời, giờ phút này cũng rà xuống gần những ngọn dừa đã bị vướng vít vào, tạo bóng mát cho cuộc hội ngộ có một không hai này.
Xe dẫn đầu ngừng lại, đoàn xe theo sau kè sát vào lề đường, phái đoàn xuống đi bộ để nhận cuộc chào mừng của nhân dân trong trại. Ba vội lôi máy ảnh để ghi những nét đầu tiên của trại.
Bước xuống xe nét đầu tiên ba ghi nhận là khung cảnh dựng cổng chào: một cổng chào to chắc chắn, mỹ thuật. Ngang cổng căng tấm băng rôn trắng với hàng chữ đỏ: Nhiệt liệt chào mừng phái đoàn Caritas. Lui sâu vào bên trong lối chừng hai chục thước là cổng trại. Cổng cũng được sơn quét lại như mới, trên nóc cổng cờ xí la liệt. Nhìn chung từ lúc ba thấy trại cho đến giờ phút này, ba chưa thấy gì là tang tóc bi thảm, trái lại cảnh trí cũng như trang hoàng đều lộ một vẻ vui tươi phấn khởi. Ngay cả đoàn người đông đảo đứng trong cổng chờ phái đoàn cũng không lộ vẻ gì bệnh tật cả. Hai hàng dài có tới năm sáu chục trẻ, ăn mặc gọn gàng, đồng phục tay cầm cờ vẫy qua vẫy lại, mắt hau háu nhìn phái đoàn. Rồi khi phái đoàn bước vào cổng, một tiếng pháo cối chát chúa nổ mào đầu, hàng trăm tiếng pháo nhỏ nối đuôi, tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng người hô, tiếng vỗ tay … ồn ào vui tươi chẳng khác gì những cuộc vui liên hoan ba đã có dịp thấy, khiến ba hồ nghi sự hiểu biết của ba về bệnh cùi.
Nhưng khi bước lại gần ba đã không lầm, tấm ảnh đầu tiên ba ghi lại trong cuộc tiếp đón này là hình anh nhiếp ảnh của trại. Anh ăn mặc sạch sẽ, bảnh bao như một thanh niên bình thường, đeo máy ảnh trước ngực y hệt phóng viên thứ thiệt, nhưng khi anh đứng lên ghế lấy ảnh phái đoàn, ba mới thấy anh chỉ có một tay, còn tay kia chỉ còn từ cùi chỏ đã được băng kín, và anh đã cẩn thận giấu kín trong tay áo. Còn một bên tai anh cũng đã loang lỗ vệt sẩn đỏ. Ngoài người nhiếp ảnh này, ba còn thấy có tới bốn năm người khác cũng đang thi nhau lấy ảnh, và người nào cũng tương tự như người “nhiếp ảnh gia” đầu tiên ba thấy. Có người còn tệ hơn nữa, nhưng có lẽ vì sợ gây cảm giác sợ hãi cho phái đoàn, nên các vết thương đã được che giấu kỹ. Có người đã cụt hẳn một chân cũng cố yêu cầu được đưa ra gần cổng để ngồi một vị trí lấy ảnh cuộc thăm viếng của phái đoàn.
Qua mấy nhiếp ảnh gia, ba đâm hồ nghi mọi người ba gặp, nên gặp ai ba cũng cố quan sát để khám phá thương tích của họ. Sau mấy nhiếp ảnh gia, ba ghi tấm ảnh hai anh đánh trống, đánh chiêng với nét mặt vui tươi phấn khởi, và nụ cười rạng rỡ không ai tưởng được rằng trùng cùi đang gặm nhấm đôi bàn chân của họ. Và một anh cái mũi sưng phồng và đỏ hồng báo hiệu không lâu nó sẽ bị ăn mòn. Nhìn đến các em nhỏ cầm cờ đứng dàn chào và vẫy mừng phái đoàn, thoạt nhìn các em xinh xắn, đẹp như thiên thần, không mấy em là không có dấu chứng của trùng cùi. Ngay cả em được chọn đại diện cho trại dâng hoa cho vị trưởng đoàn, thế mà đôi tai của em cũng đã đỏ hồng, triệu chứng của bệnh cùi sắp sửa xuất hiện.
Sau nghi lễ đón chào, phái đoàn được đưa thẳng vào phòng khách lớn để tham dự buổi chiêu đãi dành cho khách quý, và để nghe ban điều hành trại báo cáo về mọi sinh hoạt của trại.
Quãng đường từ cổng vào đến phòng khách quá ngắn, chưa đủ để ba thấy được nhiều; nhưng có lẽ cũng đủ để ba thấy được: trừ mấy Dì phước và mấy nhân viên xã hội phục vụ tại đây, còn đều là bệnh nhân hoặc là bệnh tái phát hoặc đang chờ bệnh lộ diện. Nhưng có một điều làm ba ngạc nhiên đến khó hiểu là mọi người đều vui tươi không có gì là sầu khổ!!!
Bước vào phòng khách, ba lại tìm thấy một sự ngạc nhiên khác: phòng trang trí rất gọn gàng sạch sẽ; hơn nữa, còn có vẻ nghệ thuật. Có thể là phòng được trang trí để đón phái đoàn, nhưng còn những cái trông không có gì là mới bố trí? Ba hỏi một Dì phước gần ba.
– Thưa Dì, phòng này mới xếp đặt lại hay sao?
Dì nhìn ba mỉm cười. Dì có nụ cười rất duyên. Ba thầm nghĩ giữa cảnh đau thương này Chúa cũng gửi các thiên thần của Chúa đến an ủi bệnh nhân. Với con người xinh như mộng và nụ cười tươi mát này, hẳn làm cho bệnh nhân đỡ héo hắt phần nào. Dì nhỏ nhẹ trả lời ba. Dì nói:
– Cũng có sửa soạn đôi chút, nhưng cũng không khác ngày thường bao nhiêu.
Ngưng một lát, có lẽ Dì đoán được cái thắc mắc của ba, Dì nói tiếp:
– Rồi ra Ngài sẽ thấy, chủ trương của chúng tôi ở đây là cố gắng hết sức tạo cho bệnh nhân cảnh trí đầm ấm, vui tươi để đánh tan cái cảm giác chết chóc, buồn thảm …
Không kìm được sự cảm phục tinh thần của những thiên thần bình an, ba thốt lên :
– Ô! Quý Dì chu đáo quá!
Thấy ba phấn khởi cảm phục, Dì hãnh diện, mặt Dì tươi rói, đôi má ửng hồng, cặp môi đỏ mọng. Dì lại mỉm cười nói lảng đi.
– Đó là nhiệm vụ của chúng tôi!
Nói dứt câu, Dì cáo lỗi để điều động cuộc thuyết trình. Vì đây là trọng tâm của cuộc viếng thăm – trại có được tăng thêm viện trợ và được chấp thuận một số dự án đề ra, một phần cũng do số liệu cụ thể trong cuộc báo cáo này.
Cũng vì tính cách quan trọng của bản báo cáo, nên ban điều hành đã trình bày thật đầy đủ, rõ ràng con số các bệnh nhân, từng loại tuổi, phái tính, thời gian sống trong trại, những sinh hoạt trong trại … Ngoài bản báo cáo bằng giấy tờ, từng mục còn những họa đồ biểu diễn cụ thể. Tiếp đến là phần báo cáo về nhân số và báo cáo sơ qua về bệnh lý để phái đoàn dễ nắm những nhu cầu của bệnh nhân. Phần báo cáo về những nhu cầu cũng được chia ra: những nhu cầu tối khẩn về ăn uống, thuốc men, sinh hoạt, đến nhu cầu bồi dưỡng, phòng ngừa, nâng đỡ tinh thần …
Trong khi đó báo cáo viên trình bày tiếp: phần nhà nước trợ cấp, phần quỹ từ thiện giúp tính trên đầu người quá yếu, trong lúc mỗi đầu người một ngày phải cần tối thiểu gấp hai lần về thực phẩm, còn thuốc men tối thiểu cần gấp bốn, gấp năm khoản trợ cấp. Nghe phần này ba thấy choáng váng như ù tai, ba không thể ngờ được ngay một điều ăn uống mà thôi. Ai có thể tưởng được rằng người bệnh nhân lại ăn gấp hai người đồng tuổi khỏe mạnh, chưa kể đến thuốc men tốn kém dễ sợ ?
Không hiểu đối với người khác thì sao, ba đoán có lẽ họ cũng một tâm trạng như ba, phải sửng sốt trước sự chịu đựng của những người làm bác ái ở đây. Riêng ba, ba đã có đôi chút kinh nghiệm: ba nhớ hồi má con đau nặng, ba mới chỉ chạy thuốc và chăm sóc cho một mình má con, ba đã thấy vất vả và chật vật lắm rồi; trong khi đó, còn nào ngoại con, con và biết bao nhiêu người phụ vào nữa. Thế mà ở đây một Dì phước lo cho hàng chục người bệnh, lại là thứ bệnh nguy hiểm dễ nhiễm lây …
Giữa lúc ba đang mải miết theo đuổi những ý nghĩ riêng tư của ba, thì ban điều hành đề nghị nghỉ giải lao trước khi vào phần thảo luận góp ý. May mắn ba lại gặp được Dì phước hồi nãy, Dì đưa nước ngọt và bánh lại mời ba rồi ngồi mạn đàm với ba. Lợi dụng cơ hội hiếm có ba vào đề ngay. Ba hỏi:
– Dì có thể cho tôi biết do động lực nào Dì có mặt ở đây?
Có lẽ bị ba phỏng vấn bất ngờ, Dì hơi lúng túng, mặt Dì đỏ tươi, trông Dì giống y như “vị Sứ Giả Hòa Bình” trong bức tranh ba mới xem ở thành phố, nên ba nói luôn:
– Xin lỗi Dì! Tôi trông Dì quen quá! Hình như tôi đã gặp Dì?
Lấy lại được bình tĩnh Dì cười duyên trả lời ba. Dì nói:
– Ngài thấy tôi ở đâu?
Giờ đến lần ba ngập ngừng. Ba phải lựa câu trả lời cho xuôi để người đối diện không mất cảm tình. Ba nói:
– Tôi được gặp Dì trong tác phẩm “vị Sứ Giả Hòa Bình.”
Dì tròn mắt nhìn ba rồi cười xòa. Dì nói:
– Thưa Ngài đâu có chuyện đó chúng tôi ở nơi khỉ ho cò gáy này, ít khi tiếp xúc với xã hội, nên chắc là không có chuyện đó đâu!
Ba g?t d?u cảm phục tinh thần xả thân của Dì, ba nhìn Dì khích lệ:
– Dì ở nơi hẻo lánh này, có thể là ít người biết Dì, nhưng chắc chắn là Chúa biết rõ, và đối với các bệnh nhân, quý Dì quả là những “vị Sứ Giả Hòa Bình” của Chúa, hay nói khác đi là những người mẹ.
– Dạ! Ngài quá khen, nhưng phục vụ đó là chủ trương của Dòng tôi. Dì trả lời ba.
Qua giọng nói và nét mặt của Dì, ba càng thấy cảm phục Dì cũng như mục đích của Dòng Dì. Ba giải thích câu nói lúc nãy của ba.
– Hồi nãy tôi có nói là tôi thấy Dì quen quen, thực ra không phải là bản thân Dì, nhưng là một Dì nào đó thuộc Dòng Dì. Vì từ cách trang phục, nét mặt đến việc làm: trong bức tranh đó một Dì phước đang cúi xuống băng bó cho một người đàn ông đã bị trùng cùi ăn cụt hết bàn tay. Còn bệnh nhân mắt không nhìn đến thương tích của mình, nhưng hướng về Dì như để tìm một sự an ủi cuối cùng. Đàng sau bệnh nhân đang được băng bó còn hàng dài những bóng mờ các bệnh nhân đang đợi đến lần được bàn tay, và nhất là tấm lòng từ bi nhân ái của “vị Sứ Giả Hòa Bình.”
Ba nói dứt lời, Dì phước nhún vai mỉm cười nói:
– Thế mà Ngài làm tôi giật mình. Ngưng một lát Dì nói tiếp: ảnh với thật khác nhau nhiều Ngài ạ!
Ba căng mắt nhìn Dì, rồi ba gật gù nói với Dì:
– Dạ! Đúng! Tôi nhất trí với Dì. Rồi ba giải thích phát biểu của ba: bức tranh cho dù tài nghệ của họa sĩ có tài ba, gây được rung động cho người xem ý tác giả muốn diễn tả, nhưng làm thế nào bằng khi được chứng kiến cảnh thật trước mắt nó sống động và truyền cảm hơn nhiều.
Vừa nói ba vừa quan sát Dì, quả thật, ba thấy Dì rất chăm chú nghe ba nói. Lợi dụng cơ hội tốt ba nhấn mạnh :
– Phải! Ở đây mà người ta được thấy bệnh nhân và cuộc sống các Dì ở trại, hẳn người ta sẽ hết chỗ phục.
Lần này Dì phước cảm động thật, mắt Dì ướt ướt, nhưng Dì đã mau chóng chống lại cơn cám dỗ, Dì đẩy chai nước ngọt lại gần ba. Dì run run nói: Ngài quá đề cao chúng tôi. Rồi Dì cố ý lái câu chuyện sang vấn đề khác. Dì nói:
– Mời Ngài dùng nước giải khát.
Nhận phần nước của ba, nhưng ba thắc mắc vì thấy không có nước của Dì, ba hỏi:
– Còn nước của Dì đâu?
Dì mỉm cười không trả lời câu hỏi thẳng của ba. Dì nói:
– Dạ! Mời Ngài dùng, chúng tôi mới uống.
Câu trả lời của Dì khiến ba thầm nghĩ có thể Dì mới uống thật, nhưng thứ nước Dì uống không phải là thứ nước ba uống, có thể đây là loại nước xa xỉ và chỉ dành cho loại khách sợ nhiễm trùng cùi.
Và rồi hình như Dì sợ ba thắc mắc thêm, Dì mượn cớ mời mọc các khách khác. Dì đứng dậy đi bàn khác. Dì đi rồi càng làm ba suy nghĩ về Dì cũng như các Dì đang phục vụ trong trại cùi này. Ba nghĩ với một số bệnh nhân, chắc là loại bệnh nhân đỡ nhất tham dự cuộc đón tiếp phái đoàn, thế mà hầu như không một ai toàn vẹn. Hẳn là còn rất nhiều bệnh nhân nặng khác không thể đi lại được, và theo bản báo cáo vừa rồi, họ chiếm đa số. Như vậy, công việc của quý Dì ở đây chắc vất vả và nguy hiểm… Thật chỉ những người có lý tưởng và đức tin mới dám đảm nhận công tác này. Đã vậy, các Dì lại phải kiềm chế trong công việc ăn uống để sống theo gương “thần tượng” của mình.
Càng nghĩ ba càng thấy cảm phục các thiên thần của Chúa, các “vị Sứ Giả Hòa Bình” của Chúa đã đổi sự sống mình lấy hạnh phúc cho người khác. Và chính lúc này ba nghĩ đến con, ba thấy an ủi và hãnh diện. Mặc dù đối với ba bước đầu có phần miễn cưỡng, giờ đây ba cũng đóng góp vào công cuộc tạo hạnh phúc cho người khác một người con. Và ba hy vọng sẽ thuyết phục Tiến em con cũng theo gương con để đóng góp vào công cuộc bác ái. Nhìn các Dì ở giữa khung cảnh này, ba có cảm tưởng như giữa trời tối người đi biển được nhìn thấy sao mai. Ba nhớ tới câu Thánh Thi đã đọc:
Kìa sao mai xuất đầu lộ diện
Báo tin vui xuất hiện vầng hồng
Đêm tàn đỏ ửng trời đông
Bình minh soi chiếu cõi lòng nhân gian