Truyện dài : ĐỒNG HÀNH | Chương Năm
Truyện dài : ĐỒNG HÀNH | Chương Năm
Tác giả: Song Nguyễn
5
Họ không lo phải nghe tin dữ,
hằng an tâm và tin cậy Chúa.
(Tv 111,7)
Hết năm đệ tử, các bà đặc trách cho chị vào Nhà Tập. Phải rời bỏ chị em đệ tử, chị rất tiếc, vì mối thân tình chị em đã có với nhau, kỷ niệm vui buồn cùng nhau chia sẻ. Nhưng nếu chị không nắm lấy cơ hội, sợ ơn Chúa qua đi mà không trở lại. Đàng khác, ý Bề Trên là ý Chúa, nên chị phải hy sinh tình cảm tự nhiên để làm theo ý Chúa.
Tuần phòng trước khi đi thực tập, chị đã cầu nguyện, suy nghĩ nhiều về việc Chúa sẽ sai chị đi. Chị đã tìm trong Kinh Thánh xem ngày Chúa sai các môn đệ từng hai người một, các ngài đã làm gì, nhưng chị không tìm ra. Chị chỉ chắc một điều là Chúa căn dặn các ngài kỹ lắm và cũng đã ban nhiều ơn đặc biệt để các ngài đương đầu với công việc, nên chị cũng cầu xin với Chúa cho chị được như các môn đệ. Xin Chúa dạy bảo chị như các môn đệ và xin Ngài ban ơn đặc biệt cho chị trong bước đường này, vì chị “ngờ nghệch” quá. Ngoài ra, chị cũng được Cha Sở nâng đỡ, khuyến khích rất nhiều, nhờ vậy chị được an tâm đi làm nhiệm vụ.
Sau tuần phòng, chị được theo Dì Sáu về tập sự tại một bệnh viện sở. Dù chưa biết gì về y tá, nhưng Dì Sáu hứa sẽ huấn luyện chị thành y tá. Dì cho rằng với kiến thức sẵn có, chị sẽ mau học nghề được, như vậy sẽ đỡ được một Dì y tá để giúp cho những chỗ đang cần.
Được theo Dì, chị rất phấn khởi, chị coi đây như một an ủi lớn, vì Dì Sáu của chị rất dễ mến, tính tình vui vẻ bặt thiệp, đối thoại với ai thì như rút ruột người ta ra vậy. Miệng lúc nào cũng như muốn nói. Dì rộng rãi, có gì không để nóng tay. Ai nhờ cũng làm, ai mượn cũng giúp, và có giúp ai là giúp tới nơi tới chốn. Chỉ tội Dì Sáu hơi mập chút thôi, nên mỗi khi có việc gì gấp, Dì hơi vất vả.
Vừa về nhiệm sở, Dì Sáu đã dẫn chị đi gặp hết mọi người. Gặp ai Dì Sáu cũng chào hỏi và giới thiệu “đứa học trò” của Dì. Nội buổi sáng hôm đó, từ giám đốc, y sĩ, y tá, bệnh nhân, nhân viên đều đã biết chị hết. Cũng nhờ Dì mà họ có cảm tình với chị ngay. Chị chưa kịp nhớ mặt, họ đã nhớ và gọi tên chị như đã quen thuộc từ lâu rồi.
Ngay từ ngày đầu, người ta vừa tò mò kéo đến coi mặt chị, vừa để thử tay nghề của chị, khiến chị luống cuống không biết trả lời làm sao. Chị bắt vạ Dì Sáu, chị nói:
– Con bắt đền “má” đó! – Chị quen gọi Dì Sáu là “má”, danh xưng ở đây người ta tặng cho Dì Sáu – “Má” chưa dạy gì con, mà “má” đã giới thiệu để họ chọc quê con!
Dì Sáu đâu có chịu thua. Dì trả lời:
– Để mấy đứa đó cho “má”! – Dì gọi mấy người lớn đến xin thuốc, xin chích là đứa tuốt – Mấy đứa này lộn xộn lắm!…
Sáng hôm sau, vào giờ phát thuốc, Dì Sáu nói oang oang:
– Chị chỉ được phát thuốc thôi, còn chích để đó cho má.
Mấy người đang ngồi đợi xin thuốc, nhìn mặt và nghe Dì Sáu nói, họ ồ cười lên:
– Chà, “má” cưng con gái má quá ta!
Dì Sáu đưa tay lên miệng “suỵt”, làm cho mấy người lại rộ lên cười.
Thấy Dì Sáu thương chị, che chở bao bọc cho chị từng ly từng tí, chị rất cảm động và cố gắng học hỏi theo lời chỉ dẫn của Dì. Chỉ trong một thời gian ngắn, chị có thể giúp Dì Sáu chích thuốc được rồi. Ngoài ra, những tên thuốc mới chị dịch ra tiếng Việt cho Dì Sáu, không phải nhờ y sĩ như từ trước nữa.
Mặc dù Dì Sáu dễ dãi vui tính như vậy, nhưng Dì Sáu đạo đức và có phần kỹ đối với chị. Người nào coi nhẹ hay nhả nhớt với chị, thế nào cũng bị Dì Sáu chỉnh liền. Cũng vì muốn đề phòng cho chị, ít khi Dì để chị giao thiệp với y sĩ, y tá, bệnh nhân… Dì nhắc cho chị luôn:
– Phải biết đề phòng mới được!
Chị rất biết ơn Dì về việc đó, nên có việc gì, chị cũng thưa với Dì Sáu.
Nhưng thật không may cho Dì và nhất là cho chị: vào dịp Tết, nhân có chuyến xe về Sài Gòn công tác, Dì Sáu quá giang về thành phố có chuyện. Mọi lần đi, Dì Sáu chỉ dặn sơ qua mấy việc cần, lần này Dì Sáu dặn rất kỹ, chị đã làm nũng với “má”.
– Kệ má! Con không biết.
Dì Sáu vừa bước lên xe, quay lại an ủi chị:
– Ở nhà khóa cửa, một lát má về à!
Dì Sáu mới ra khỏi nhà được chừng nửa giờ, liền có tin khẩn về: Dì Sáu bị tai nạn xe rồi! Lúc bấy giờ, hồn trí chị lên mây, chị vừa khóc, vừa chạy lui chạy tới, xem tin tức của Dì Sáu.
Nghe tin Dì Sáu bị tai nạn. Ông giám đốc liền cho xe lên chỗ xảy ra tai nạn để xem xét. Chị cũng được theo xe tới nơi xảy ra tai nạn. Dì Sáu và mấy người bị thương đã được đưa về Sài Gòn rồi, chỉ còn có cái xác xe bị húc tung xuống dưới ruộng. Bên kia đường là chiếc xe vận tải bị bể bánh.
Do tai nạn bất ngờ này, Dì Sáu không thể trở về phục vụ bệnh viện được nữa. Trong khi đó nhu cầu nhà thương không thể thiếu Dì y tá được. Trước khó khăn này, Bà Nhất phải để Dì Tư, đang phụ trách phòng bệnh nhà Dòng, tới tạm thay thế Dì Sáu.
Dì Tư vì sức khỏe kém hay đau yếu luôn, nên trước giờ Bà giữ Dì ở lại nhà Dòng. Mà cũng vì sức khỏe ảnh hưởng đến tính tình, nên tính Dì rất bất thường. Dì có tiếng là đòi hỏi, yêu sách. Dì muốn được mọi người chăm sóc giúp đỡ Dì và không chịu ai làm trái ý, nên Dì ở đâu cũng chỉ được một thời gian ngắn.
Khi hay tin Dì Tư về, chị phải hết sức tự trấn an mình và xua đuổi những cái ám ảnh không tốt về Dì Tư. Chị tự nhủ: tốt xấu cũng còn tùy cách cư xử của mình, chứ đâu phải tại Dì; nên ngày Dì về, chị hết sức săn đón chiều chuộng Dì. Dì muốn điều gì là chị làm theo điều đó. Điều gì có thể làm được là chị làm đỡ Dì hết. Tuy nhiên, có những điều ngoài khả năng của chị, như trường hợp những người đến xin thuốc, xin chích, họ quen cái thói “má má con con” với Dì Sáu, gặp Dì Tư họ cũng “má má con con”, liền bị Dì chửi thẳng mặt:
– Ai “má má con con” với các người, đừng cà rỡn!…
Mấy người dân tiu nghỉu như mèo mất tai. Đã vậy rồi, Dì quay sang nạt chị luôn:
– Tôi nói với chị, làm việc chứ không có cà rỡn.
Mấy người ngồi đợi, nhiều người tỏ vẻ bất bình, nói thầm: người gì mà cau có lạ vậy.
Nhưng chẳng phải một ai, y sĩ, y tá, bệnh nhân, ai gặp Dì cũng nhận thấy Dì khó. Do vậy, họ đổ dồn đến chị, thế là chị hóa ra cái đích cho Dì kiếm chuyện. Dì gây hết chuyện này đến chuyện kia. Ngay cả việc làm sai của Dì, sau cùng nó cũng trở thành lỗi của chị, như chuyện sau:
Dì Tư có cái tật, tạm coi là lòng thương người nho nhỏ, gặp ai có cảm tình, Dì thường gọi lại cho cái này cái kia, khi vài trái bơ béo, khi mấy trái chuối chín “hơi kỹ”, khi trái dừa Dì đã uống hết nước. Đáng kể nhất là lần Dì gọi hai người công nhân vào nhà, Dì cho ăn món thịt gì đó. Ăn rồi, cả hai người đau bụng đi tháo đi chảy, may mà cứu kịp, nếu không chắc cả hai đều chết. Ấy vậy, mà Dì Tư đã chữa lỗi của Dì bằng cách qui trách cho chị là làm ăn cẩu thả, không chịu đậy đệm đồ ăn thức uống, để chuột bọ bò vào, nên mới xảy ra chuyện đó.
Cứ những chuyện tương tự như vậy xảy ra hoài, dân chúng dần dần xa lánh Dì Tư, đến nỗi khi ai nghe Dì nói nhờ một “xí” – từ riêng của Dì Tư – là người ta tìm cách thoái thác. Cũng do vậy, Dì Tư trở nên cô độc. Trái lại, Dì cho rằng chị đã tuyên truyền, nói xấu Dì, mặc dầu chị đã làm hết sức và đã khóc với Dì Tư nhiều lần. Chị rất thương mến kính trọng Dì, không bao giờ chị dám có một ý tưởng làm tổn thương đến Dì. Nhưng cũng chẳng được ít lâu, tình trạng vẫn cứ căng thẳng. Trong khi đó, chị chẳng được một lời an ủi, dù là nơi Cha Sở, dù là ở các bà. Có chăng là cảm tình của y sĩ… họ sẵn sàng trao cho, thì chị lại phải tránh. Chị thấy mình chới với như một người ở giữa biển cả. Và thực sự, chị bị cám dỗ nặng nề bỏ ơn gọi. Hình ảnh chị đã có về các Bà, các Dì đang dần tan vỡ. Những kỷ niệm đẹp của năm đệ tử đang trở thành vô nghĩa. Lý tưởng cao đẹp “cứu nhân độ thế”, “muối ướp trần gian” đã mất vẻ đẹp, đã bớt mặn mà. Tình thương gia đình hiện ra, mời gọi chị trở về. Má và Tú Anh sẽ mừng lắm, khi thấy chị trở về sống với gia đình. Hay, nếu cần, chị sẽ thưa với Cha Sở cho chị đổi dòng, chứ như thế này chị chịu hết nổi rồi.
Nhưng khổ nỗi, chị càng chán nản bê trễ công việc, bệnh nhân càng kêu trách Dì Tư. Dì Tư càng trở nên cau có, la lối, và chị càng cực hơn, đến nỗi ông giám đốc đã phải can thiệp dàn xếp, làm chị càng bối rối, đau khổ…
Rồi một hôm, trước ngày phân bổ công tác thường niên một tháng. Bà gửi giấy tới kêu cả hai chị em về nhà Dòng, Dì Tư giận dữ cho là Bà làm nhục Dì…, cho là chị tố cáo mách lẻo với Bà…, cho Bà là bênh vực em Bà… Ngoài ra, Dì Tư còn vịn đủ lẽ, Dì nghĩ ra đủ lý do để bào chữa cho việc làm của Dì và kết tội chị. Tuy nhiên, chị tin rằng, thời gian sẽ làm cho Dì Tư hiểu chị.