Truyện dài : ĐỒNG HÀNH | Chương Mười Ba
Truyện dài : ĐỒNG HÀNH | Chương Mười Ba
Tác giả: Song Nguyễn
13
Chúa bảo vệ và giữ gìn mạng sống…
Người chăm nom khi liệt giường liệt chiếu,
lúc bệnh hoạn, Người chữa cho lành.
(Tv 40,3-4)
Để lấy lại tinh thần sau thời gian đầy biến động vừa qua, các Bà cho chị được nghỉ ngơi một tháng trước khi nhận công tác khác. Lại cũng gần tới kỳ phòng năm và lúc phân công tác chung. Đây cũng là thời gian rất bổ ích cho chị để nhìn lại những ân huệ Chúa đã thực hiện nơi con người yếu đuối của chị. Chị cũng được dịp kiểm điểm lại những công tác đã qua, điểm tốt và điểm yếu; đồng thời, có dịp học hỏi gương của những vị đã đi trước mà giờ đây Chúa nhân từ cho chị gia nhập hàng ngũ các ngài. Nơi các ngài ơn Chúa đã không ra vô ích; trái lại, đã sinh hoa kết quả một cách phi thường. Các ngài đã sẵn sàng hy sinh mọi sự kể cả mạng sống để trung thành với Chúa. Phần chị, chị trông cậy ơn Chúa cũng sẽ không ra vô ích, còn cách thế nào Chúa dẫn chị vào con đường của Ngài, chị sẽ hết sức tuân theo.
Một điều chị cũng cho là ý Chúa quan phòng sắp xếp trong dịp cấm phòng năm, chị được nghe Cha giảng phòng giúp chị em suy gẫm về “gương phục vụ của Đức Ki-tô”, mà đối tượng phục vụ của Ngài là:
Thần trí Chúa ngự trên tôi,
Bởi người đã xức dầu cho tôi.
Người đã sai tôi đem Tin mừng cho người nghèo khó,
Ban bố ân xá cho kẻ tù đày,
Cho người đui mù được thấy,
Cho kẻ áp bức được giải oan,
Loan báo năm hồng ân của Chúa…
(x. Lc 4,18-19)
Tất cả những đề tài đều xoay quanh đoạn Phúc Âm trên đã giúp ích chị rất nhiều. Hơn nữa, nó lại phù hợp với mục đích và tôn chỉ của Dòng.
Sau cuộc tĩnh tâm, lại một lần nữa, chị cũng hồi hộp đợi, không biết nơi Bà sẽ gửi chị đến phục vụ là nơi nào. Chị đinh ninh sẽ được đến phục vụ một nơi nào thuộc vùng quê. Nhưng chị đã lầm, nơi chị phục vụ ở ngay trong thành phố gần nhà Dòng. Lúc đầu, chị hơi ngạc nhiên vì nghĩ rằng Bà không tin tinh thần phục vụ của chị, hay tại lo cho chị quá, nhưng rồi chị được Bà đánh tan nghi ngờ ấy. Bà cắt đặt chị theo yêu cầu công tác. Nhà thương cần một số Dì phục vụ biết ngoại ngữ, vì hầu hết các toa thuốc đều ghi bằng ngoại ngữ.
Ngày đến nhận nhiệm sở, chị nhường các chị nhận công tác trước, phần chị phụ trách khu ung thư phổi, một khu gần như biệt lập với bệnh viện.
Sau khi trình diện ban giám đốc, chị được hướng dẫn đi thăm khu công tác của mình. Viên y tá trưởng khu đã trấn an chị:
– Khu này công việc nhiều hơn những khu khác, và dĩ nhiên, còn có phần nguy hiểm hơn nữa. Nhưng theo chúng tôi ở trong nghề, thấy nó cũng như những phòng khác, miễn là cần phải cẩn thận đề phòng.
Chị thầm nghĩ, nếu các ông làm được, chúng tôi đâu có ngại gì, vì chúng tôi đến đây là để phục vụ mà. Tuy nhiên, khi bước vào khu, nó cũng làm cho chị hơi sợ: Khu gồm hai dãy, một nam và một nữ, người nào người nấy hốc hác, gầy gò. Có người chỉ còn là bộ da bọc xương, đang gắng sức để chống chọi với tử thần. Có người miệng còn đang đỏ ngầu vì mới thổ huyết. Thấy họ, chị nghĩ, dù người cứng bóng vía đến đâu cũng phải sợ.
Có lẽ viên y tá trưởng quá quen với tâm lý người mới đến thăm bệnh nhân lần đầu, nên ông an ủi: hiện nay khoa học đã phát minh được những thứ thuốc công hiệu, tuy chưa diệt được tận gốc, nhưng đã có thể chận đứng sự phát triển rồi.
Mặc dầu chưa được thấy, nhưng chị cũng có thể tin, vì bác sĩ, y tá và nhân viên khu này vẫn thường ngày lặn lộn với bệnh nhân mà họ vẫn giữ được sức khỏe. Chị có hỏi qua về việc ăn uống của bệnh nhân thế nào, cũng được cho biết là khu được săn sóc rất kỹ và được dành cho phần ăn đặc biệt hơn.
Nhưng dù đã tự chủ và đã được thấy những gương trước mắt, mấy ngày đầu, chưa nói gì đến việc tiếp xúc với bệnh nhân, cứ nghĩ đến bệnh nhân là chị phát ớn rồi, đến nỗi chị không dám ăn uống gần phòng bệnh. Mãi một thời gian sau, chị mới dám nhìn và tập quen được. Lúc đó, chị thấy yêu mến và kính trọng họ hơn ai hết, họ là những người được Chúa thương yêu. Phần đông ở đây bệnh nhân thuộc thành phần nghèo khổ, vì phải gắng sức làm việc để giải quyết sinh kế, đến khi gục ngã chỉ còn biết chạy đến nhà thương, kéo dài thêm cuộc sống ngày nào hay ngày ấy. Đã vậy, tình trạng của họ còn bi thảm hơn, họ bị xã hội xa tránh. Khi sống, vì nghèo khó đã bị xã hội coi thường; khi bệnh tật, lại bị xã hội không dám tới gần vì sợ nhiễm lây. Với một hoàn cảnh như vậy, họ rất khao khát và cần đến lòng thương yêu săn sóc.
Chính vì ý thức được sự hiện diện cần thiết của tu sĩ ở đây, chị đã quyết tâm tối đa đem niềm an ủi cho bệnh nhân ung thư phổi, và cũng nhờ vậy, mà chị quen thuộc hầu hết với bệnh nhân. Ngoài việc nhờ vả, chị còn được biết rất nhiều hoàn cảnh bi thảm của bệnh nhân, chẳng hạn trường hợp anh chạy xích lô đạp, nằm điều trị đã gần hai năm, mà chưa lần nào được người nhà tới thăm. Vợ anh trước đây thuộc thành phần buôn gánh bán bưng, nhưng rồi một lần kia bị tai nạn phải nằm nhà thương, bao nhiêu vốn liếng vợ chồng dành được phải đổ vào tiền thuốc, tiền bác sĩ hết, trông cậy vào tiền bồi thường. Nhưng đến khi ra tòa, vừa tốn thêm mà chẳng được gì, chỉ vì người gây ra tai nạn có tiền, có thế… Hay là như hoàn cảnh của một sinh viên nọ nhà nghèo, muốn vừa học vừa làm để kiếm thêm, hầu có điều kiện thoát khỏi cảnh khó khăn. Tương lai không thấy đâu, vì phải làm việc quá sức, lại không được bồi dưỡng, nên giữa đường vỡ mộng, phải vào nằm nhà thương. Tuy nhiên, lại cũng có nhiều người, chắc vì nông nổi ăn chơi trác táng, khi kiệt lực rồi, chỉ còn nơi duy nhất đến dung thân là nhà thương thí.
Hoàn cảnh bệnh nhân mỗi người mỗi khác và hoàn cảnh nào cũng đều đáng thương, cũng cần được cứu sống. Nhưng khổ nỗi, điều kiện nhà thương cũng hết sức hạn chế, thuốc men cần thiết thì thiếu, chỉ đủ để cầm cự, chứ không có hy vọng khỏi được. Đã vậy, ăn uống theo tiêu chuẩn, dù khu ung thư này đã được khẩu phần tốt hơn mọi khu khác, tuy vậy cũng đủ no bụng thôi; trong khi đó, thứ bệnh này cần tẩm bổ nhiều. Vì những điều kiện như thế, số tử vong trong khu này rất cao.
Ngoài ra, còn một điều bi thảm nữa là khi bệnh nhân chết, cũng không được hòa đồng với mọi người, họ được chôn ở một nơi riêng biệt và được đề phòng tối đa. Chị nói vậy không phải là bệnh nhân tuyệt đối bị bỏ quên. Thật ra đôi khi họ cũng được phái đoàn này phái đoàn khác tới thăm. Nhưng người ta làm cho có hình thức hơn là thực tình, nên nhiều khi người thăm đi rồi, bệnh nhân lại cảm thấy giả như không có mặt người thăm thì hay hơn. Hiểu được phần nào tâm trạng của bệnh nhân, nên chị đã làm hết sức, nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu của họ, nhất là những nhu cầu thuộc lãnh vực tâm giới, chị càng lúng túng hơn nữa, vì nó vượt ra ngoài khả năng hiểu biết và kinh nghiệm của chị. Phải chi chị là Cha linh hướng kinh nghiệm và là nhà phân tâm đại tài, họa may mới có thể giúp ích cho bệnh nhân phần nào. Nhưng ngay cả trong vấn đề vật chất, nhiều khi chị cũng bất lực như trường hợp bệnh nhân đề nghị xin Ban Giám đốc bệnh viện ơn huệ này, ơn huệ kia. Được chấp thuận họa hiếm mới có, thường là bị từ chối. Đã vậy, Ban Giám đốc còn cho đó là yêu sách và có ý phiền trách chị đã không thông cảm với nhà thương.
Tuy nhiên, trong thời gian chị sống ở khu ung thư này cũng có nhiều gương bệnh nhân giúp chị suy nghĩ hơn, như trường hợp của đại chủng sinh sau đây:
Một chủng sinh nọ, chị được nghe anh kể lại, đang tu ở Đại Chủng Viện, nhưng anh thấy ở Đại Chủng Viện không phù hợp với đời sống ưa hoạt động của anh, anh xin sang tu ở một Dòng có tôn chỉ và mục đích đúng với ơn gọi của mình. Nhưng rồi khi chuyển sang tu Dòng, không hiểu vì một lý do gì, nhà Dòng yêu cầu anh tìm hiểu thêm một thời gian. Do vậy, anh lợi dụng thời gian tìm hiểu, xin tình nguyện đi giúp việc truyền giáo cho một điểm xa xôi, gian khổ. Anh làm việc quá hăng say nên ngã bệnh, bó buộc phải về Sài Gòn nằm. Khổ nỗi ở Sài Gòn, anh chẳng có quen một ai, nên sau cũng phải vào nằm nhờ nhà thương thí. Tuy nhiên, điều đáng nói là dù khi nằm nhà thương, bệnh tật trầm trọng đã hết thời, anh không hề tỏ giấu bi quan, chán nản. Trái lại, lúc nào anh cũng vui tươi, tin tưởng tuyệt đối vào Chúa. Ngoài ra, anh hết sức giúp đỡ những người chung quanh, kể cả những việc hy sinh. Thái độ vui tươi, lạc quan đầy tin tưởng của anh, với sự tận tâm giúp đỡ bệnh nhân, làm cho mọi người tiếp xúc với anh vui lây; bệnh nhân một phần nào hiểu được ý nghĩa đau khổ của người công giáo và lòng bác ái của một tu sĩ. Từ ngày có mặt ở đây, anh giúp chị được rất nhiều việc và chị đã học được nơi anh đức tin thể hiện qua lòng bác ái của anh. Sau đó anh đã chết. Cái chết của anh đã ghi khắc trong tâm trí chị một dấu tích khó phai. Anh sống, anh đã hiến trọn thân cho Chúa và hết lòng phục vụ hình ảnh Thiên Chúa qua những người nghèo. Khi chết, anh lại chịu chung số phận của những người bị bệnh ung thư phổi.
Cái chết của anh còn đem đến cho chị một sự khích lệ rất lớn, giữa lúc chị đang gặp thử thách nặng nề về tình cảm, chị phải phấn đấu ngoi lên khỏi vũng lầy tình cảm.
Nhưng bài học của người đại chủng sinh chưa ngấm hết, một biến cố xảy đến dứt khoát kéo chị về với lý tưởng. Ở Sài Gòn vào mùa viêm nhiệt, khí hậu rất oi bức, ít lâu nay mùa này thường xảy ra nạn dịch. Năm nay thần ôn dịch đã nhằm ngay nhà Dòng mà khai mào.
Một buổi sáng kia, lúc đang tham dự Thánh lễ, chị được tin cấp báo là Bà kêu hết các chị đang phục vụ ở bệnh viện về nhà để đối phó với bệnh dịch. Chị cùng với chị em phải bỏ giờ Thánh lễ, và bằng đủ mọi phương tiện, trở về nhà Dòng gấp. Khi chị về tới nhà, thấy cổng chính mở toang, nhìn vào bên trong thấy hai ba cái xe đã nổ máy chờ sẵn. Bước vào trong nhà, cảnh tượng thật là tấp nập, trên hè người đi qua lại, vội vã, nhớn nhác, mấy chị đang lật đật khiêng bệnh nhân lên xe… Vừa thấy mặt chị, Bà Nhất ra lệnh chị lên xe để đưa chị em bị bệnh đến nhà thương cấp cứu. Nhìn thấy thái độ của Bà, chị không dám hỏi han gì, cứ nhảy lên xe và hướng dẫn tài xế chạy. Đến nhà thương, nhờ quen thuộc, chị đã đưa thẳng vào phòng cấp cứu. Rồi để người trực, phụ đưa các bệnh nhân xuống, còn chị đích thân đi mời các bác sĩ tới giúp. Các bác sĩ cũng đã mau mắn đáp ứng. Dàn xếp xong, chị lại lên xe trở về nhà Dòng. Trên đường về, chị hồi hộp lo sợ, chị thầm than thở với Chúa:
Nghe trong mình tim đau thắt lại,
Bóng tử thần ập xuống kinh hoàng.
Bao run sợ nhập cả vào con,
Bao rợn rùng toàn thân phủ lấy. (Tv 54,5-6)
Chị nhớ lại những bài tường thuật về sự tàn phá của bệnh dịch. Có khi cả thành phố, một làng mạc bị nhiễm lây!… Không hiểu tai nạn này sẽ… Chị nhắm mắt xua đuổi ý tưởng đen tối ấy. Chị bối rối quên cả chỉ chỗ đậu xe để dễ vận chuyển chị em hơn.
Mấy chị đau nặng lại được đưa lên xe, trong lúc đó xe cứu thương của bệnh viện cùng tới tiếp tay; tiếng còi hụ làm cho bầu không khí trong Dòng càng trở nên trầm trọng và bi thảm hơn. Nhận người, đưa đoàn xe bỏ nhà Dòng để trực chỉ bệnh viện. Lần này, nhờ xe cứu thương đi đầu có còi cứu cấp, nên các xe lưu thông đều nhường lối, nhưng chắc chắn là thiên hạ đang đổ dồn con mắt theo dõi đoàn xe, và nếu họ biết đấy là mấy người mắc dịch, hẳn họ sẽ sợ hãi lắm. Lúc đó, chị chẳng còn nghe, còn để ý gì khác, ngoài việc mong cho chóng tới nhà thương.
Xe vừa đậu lại trước phòng cấp cứu, chị chưa ra khỏi xe, đã có người ra cho biết hai chị chết rồi. Tim chị như ngừng đập, và giá phải lúc khác, chị đã khóc rồi, nhưng lúc đó chị đã không khóc. Trái lại, chị càng gắng sức hơn để tiếp tay cứu sống mấy chị đang đau. Chị đẩy cửa bước ra phụ với y tá, nhân viên đưa các chị em xuống phòng cấp cứu đã đầy, mười mấy chị đưa đến sau, phải nằm đợi ngoài hành lang. Đưa chị em xuống xong, chị lại nhảy lên xe và thúc đoàn xe chạy về.
Trước khi hai chị đã chết, số chị em nằm la liệt ở bệnh viện, và ở nhà chắc cũng còn nhiều, làm cho ruột gan chị sôi lên như lửa bỏng, chị thầm cầu xin:
“Chúa bảo vệ và giữ gìn mạng sống…
Người chăm nom khi liệt giường liệt chiếu,
Lúc bệnh hoạn, Người chữa cho lành.”
(Tv 40,4)
Xin Chúa thương mạng sống của chị em, những người thân yêu, những hiền thê của Chúa. Xin Chúa đừng để kẻ không tin vào Chúa cười nhạo kẻ tin vào Chúa… bất chợt chị nhớ đến chiêm bao “đám cưới của Dì Năm”, làm chị lo sợ hay là Chúa để cả Nhà Dòng sẽ theo chân Dì Năm. Tiếng xe thắng két làm chị nhào theo đà xe, chị giật mình vì đã về đến nhà.
Lúc này xe y tế đã tập trung khá đông: họ yêu cầu để xe y tế chuyên chở bệnh nhân cho bảo đảm. Được rảnh tay, chị chạy đi khắp các phòng để quan sát, gặp việc gì có thể làm việc đó: chích thuốc, tẩy uế cả nhà, chỗ nào cũng bận rộn lên như một cuộc đại loạn, người đau nằm rên rẩm, người chưa bị, sợ hãi sẽ đến lượt mình… xe sở y tế vào, còi hụ cứ liên hồi; nhân viên y tế đổ tới, mở hàng rào y tế, các ngã vào Nhà Dòng đều bị chận đứng. Đồng thời, phòng y tế cũng bắt đầu điều tra nguyên nhân gây ra tai nạn.
Sau nhiều bằng chứng đã được kiểm nghiệm, phòng y tế đã kết luận: nguyên nhân gây ra tai nạn này là món rau sống trộn… Tuy nhiên, dư luận rộng rãi không chịu kết luận ấy. Những bản tin ở báo chí bắt đầu vẽ rắn thêm chân, đưa đủ thứ tin giật gân về tai nạn vừa xảy ra ở Nhà Dòng.
Có người còn bày đặt cho là Nhà Dòng xây cất nhằm khu đất xưa kia là nghĩa trang, nên ngày nay các oan hồn bị lãng quên, về quấy phá Nhà Dòng để phải nhớ đến họ. Cũng như đôi khi ma đã nhập vào người này người nọ hoặc đã gây ra nhiều tai nạn trước đây… Rồi để bảo vệ lập luận của họ, họ nói nào là đêm đêm nhìn thấy nhiều bóng sáng đi đi lại lại trong nhà, rồi chập lại thành một bóng sáng lớn nổ tung ra… Tệ hại là dư luận này ảnh hưởng đến những chị em yếu bóng vía không ít.
Với chị, chị nghĩ ma quỷ là chuyện chị không phủ nhận, nó có thể được phép Chúa để gây ra chuyện này, chuyện kia, như nó đã từng thử thách Chúa, khi Chúa bước vào cuộc đời công khai, hay Chúa đã tha phép cho nó thử thách ông Gióp hoặc các Thánh ngày nay, như Cha Sở họ Ars, Bà Têrêsa Niu-mên… Tuy nhiên, nếu Chúa không cho phép, quỷ ma nào dám lộn xộn.
Trường hợp ở Nhà Dòng, cho dù nếu có việc ma quỷ hoành hành, thì đó là một cái may, vì khi Chúa để cho xảy ra tai nạn ấy, Chúa đã thấy trước sức chịu đựng của con cái Ngài, và Chúa biết Chúa phải làm gì rồi. Còn việc oan hồn, vì không được ai nhắc nhở, phải gây nên tai họa để cho người ta nhớ đến, đúng là một điều phi lý. Gây nên tai họa chẳng những người ta không nhớ mà còn oán nữa là khác, như vậy gây nên tai họa có ích gì.
Theo chị, chẳng có gì khác hơn lời Thánh Phaolô: Mọi sự đều có ích cho người có lòng yêu Chúa. Chúa thường dùng những biến cố trong đời sống để mưu ích cho những người tin ở Ngài. Cũng giống như dân riêng Chúa, sau khi đã được Chúa ban cho muôn vàn ân huệ, họ hưởng mà quên ơn Chúa, nên Chúa đã gởi tai họa xuống để nhắc nhở họ. Cũng vậy, tai họa này cũng có thể chứa đựng lợi ích lớn cho Nhà Dòng, cho cá nhân chị em này, chị em kia …
Riêng phần chị, chị vẫn tin như lời Thánh Vịnh:
Lạy Thiên Chúa, Ngài là nơi con náu ẩn,
là đồn lũy chở che, con tin tưởng vào Ngài.
Chính Chúa gìn giữ bạn,
khỏi lưới kẻ thù giăng, khỏi tai ương tàn khốc.
Chúa phù trì che chở, dưới cánh Người,
bạn có chỗ ẩn thân:
lòng Chúa tín trung là khiên che thuẫn đỡ.
Bạn không sợ cảnh hãi hùng đêm vắng,
hay mũi tên bay giữa ban ngày,
cả dịch khí hoành hành trong đêm tối,
cả ôn thần sát hại lúc ban trưa.
Dù tả hữu có ngàn người quỵ ngã,
dù hai bên có chết cả vạn người,
riêng phần bạn, tuyệt nhiên không hề hấn.
(Tv 90,2-7)
Do biến cố trên, chị phải ở Nhà Dòng ít bữa. Sự vắng mặt của chị đã gây nên một khoảng trống ở bệnh viện. Những bệnh nhân có cảm tình với chị thôi thúc đòi chị phải trở về nhiệm sở sớm. Trước cảm tình này, chị càng thấy mình phải cố gắng hơn để giữ được cảm tình đó, nhất là xoa dịu được phần nào đau khổ của “Chúa Kitô đang ẩn thân trên các bệnh nhân”.