Truyện dài : ĐỒNG HÀNH | Chương Hai
Truyện dài : ĐỒNG HÀNH | Chương Hai
Tác giả: Song Nguyễn
2
Ước chi lời con nguyện
như hương trầm bay tỏa trước Thánh Nhan,
Và tay con giơ lên,
được chấp nhận như của lễ ban chiều.
(Tv 140,2)
Paris, ngày…
Chị Hai thương mến!
Em không biết lấy lời nào để diễn tả nỗi vui mừng của em được! Lúc này em thấy ngôn ngữ của con người thật là nghèo nàn và thiếu sót quá!
“Chị Hai thương mến”, mấy chữ đó êm ái và ngọt ngào biết chừng nào! Hai mươi mấy năm trời, em chưa bao giờ được gọi lên. Đã vậy rồi, em còn chịu biết bao nhiêu đau khổ dằn vặt khi nghĩ đến nó. Hôm nay, được gọi chị bằng từ ngữ ấy, em không biết và cũng không thể dùng lời nào để diễn tả được nỗi sung sướng của em…
Chị ạ, không biết đây là lần thứ mấy rồi, em mới viết nổi lá thư gửi về chị đây. Cứ đặt bút xuống là cơn xúc động lại dâng lên, đóng chặt lấy cổ họng, và quả tim như ngừng đập. Hơn nữa, em được biết tin về chị Hai trong khi chị Hai đang gặp tai nạn, khiến em vừa vui mừng lại vừa lo lắng.
Chị Hai ạ, qua nhiều lần trao đổi với Mẹ Bề Trên, cũng như không biết bao nhiêu lần khổ công tìm kiếm chị, ngày nay được biết tin chị, em lại tưởng như đi vào giấc mơ. Thật vậy, chị Hai ạ! Trường hợp của chị em ta đặc biệt quá, không ai có thể đoán được diễn biến của nó, trừ ra Chúa. Trước đây, có thời gian em đã buông xuôi rồi, đành lãnh nhận thân phận mồ côi, cho đến ngày trở về với ba mẹ họa may mới gặp chị. Không ngờ hoàn cảnh xảy đến một cách kỳ diệu quá. Em tin đây là một đăc ân của Chúa: “Chúa đánh, rồi Chúa lại xoa”.
Được tin chị Hai, em muốn bay ngay về để chị em gặp nhau, nhưng em xin chị Hai hy sinh cho em một thời gian, vì chỉ còn một ít ngày nữa, em phải trình Luận án Tiến sĩ. Để chị Hai đỡ trông, nếu chị bằng lòng, em sẽ thuật sơ lược về quãng đời phiêu bạt của em lúc xa chị. Khi nào gặp được chị, em sẽ dài lời hơn. Hơn nữa, Mẹ nhà Dòng có nhắc em là chị còn yếu, cần phải tĩnh dưỡng, cho nên em không muốn làm chị Hai đau buồn thêm.
Em xin vắn tắt báo tin cho chị Hai: Hiện thời em là linh mục phụ trách giáo xứ Việt kiều, ở ngoại ô Thủ đô Paris, nước Pháp. Công việc mục vụ tương đối đỡ, nhưng về việc xã hội thì hết sức phức tạp. Em vẫn mạnh khỏe, tuy thỉnh thoảng bị nhức đầu chút thôi.
Chị Hai! Em thăm chị nhiều! Xin Chúa ban cho chị mau khỏi bệnh. Xin Chúa ban muôn ơn lành cho chị của em, nhất là cho chị mau lành đôi mắt. Em nhớ chị và mong được chóng về gặp chị Hai.
Kính,
Em Chị,
Augustinô Nguyễn Phương Thành
Sài Gòn, ngày…
Em P. Thành thương mến!
Mặc dù chị vừa mới hứa với Bà Nhất là chị sẽ giữ bình tĩnh trước bất cứ một tin nào, ấy thế mà khi đọc thư em và đọc được mấy chữ “Chị Hai thương mến”, chị như bị một làn sóng tình cảm cuốn hút, chị không còn có thể làm chủ được mình nữa, dòng nước mắt dâng lên tràn hai mí mắt, và cứ thế trào ra, chị không thể nào đọc nổi lá thư của em nữa, mặc cho Bà nhắc nhở. Phải một lúc lâu, chị mới dằn được xúc động, trong khi lá thư của em đầm đìa nước mắt.
Cũng như em, chị cũng tưởng như mơ: có bao giờ chị nghĩ sẽ có phút giây này đâu, bao nhiêu cố gắng của chị đều vô vọng, tin em càng ngày càng xa vắng. Chỉ mãi tới gần đây, khi ghé thăm chị ở nhà thương, Bà Nhất có hỏi thăm về lý lịch của chị, chị cũng tưởng là bà hỏi những chi tiết đã có, để nhà Dòng làm cuốn kỷ yếu. Chính Bà cũng trấn an chị như thế, chị có ngờ đâu, để Bà sắp xếp biến cố vĩ đại này.
Em Thành thương mến! Được gọi em với tất cả tấm lòng của người chị, chị cảm thấy ngọt ngào, êm ái quá. Hơn hai mươi sáu năm qua, lưỡi của chị tưởng như đã cứng lại với âm thanh đó. Bây giờ chị được gọi lại, thực là một ân huệ hết sức lớn lao đối với chị, chị chỉ biết thưa với Chúa:
Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa,
Thần trí tôi hớn hở reo mừng trong Chúa,
là Đấng Cứu Độ tôi,
Phận nữ tỳ người đoái thương nhìn tới.
(Magnificat)
Chúa đã giấu em khỏi lòng chị cả mấy chục năm nay, bây giờ Chúa ban em lại cho chị trong địa vị linh mục. Chúa đã thưởng công cho chị vượt quá nỗi đau khổ mà chị phải chịu, và đó cũng là lý do chị đã không kìm nổi xúc động.
Em Thành thương mến! Tâm hồn chị lúc này căng thẳng quá, chị muốn được gặp em ngay để giải tỏa những nỗi ấm ức giấu kín từ bấy lâu nay. Nhưng vì em đang mắc bận, chị đành hy sinh và ngược lại, chị yêu cầu em hãy dồn hết tâm sức vào công việc cho thành công. Chị sẽ buồn, nếu vì chị mà em làm hỏng việc. Chị chỉ xin em, như lời em viết cho chị, em lược sơ qua những ngày em xa chị cho chị nhẹ phần nôn nóng. Em đừng sợ sức khỏe của chị, được biết về em là chị hết đau rồi.
Phần chị, chị hứa với Thành là trong thời gian được nghỉ dưỡng sức, chị sẽ thuật lại cho em quãng đời của chị. Có thể nói là một điều vô ích và đáng ghét nữa, vì nó tầm thường với người ngoài, nhưng với những người yêu nhau nó lại là một khúc hát êm đềm, em nghĩ có phải không? Chị cũng nói trước với em nhé! Chị không phải là nhà văn và chị cũng chưa viết tường thuật bao giờ, nhưng chị sẽ làm tất cả vì em và cho em, đây cũng là một điều nói lên lòng chị đối với em của chị.
Em thương của chị, chị bắt đầu đợi thư em rồi đó, em đừng để chị trông nhé! Hôn em.
À mà chị quên, em thấy chị có lúng túng không? Có một việc quan trọng mà chị quên là xin em cầu nguyện thật nhiều cho chị nhé. Lúc này chị đang rất cần nhiều ơn Chúa, chị sẽ nói cho em nghe sau. Em cũng đừng quên ba má chúng ta nhé.
Mến,
Chị của em,
Agnès Nguyễn Phương Tâm
Paris, ngày…
Chị Hai thương mến,
Sáng hôm nay, thứ Bảy đầu tháng Mân Côi Đức Mẹ, em đã dâng thánh lễ tại nhà nguyện Dòng Kín Lisieux, để cùng với Đức Maria là Mẹ các kẻ đồng trinh, với Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu mà em rất quý mến, vì người đã sớm sống đời mồ côi như em, và cùng các nữ tu dâng lên Chúa lời cảm tạ hồng ân mà Chúa đã ban cho chị em mình.
Em phải vận dụng hết ý chí mới khỏi lo ra, vì trước mắt em đang diễn ra bao nhiêu ơn vĩ đại mà Chúa đã dùng để đưa em vào con đường huyền diệu của Ngài, khiến em phải sửng sốt. Con người có là chi mà Chúa phải lưu tâm đến quá như vậy? Em chỉ biết thưa với Chúa :
Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ,
những kỳ công Ngài đã thực hiện
và những điều Ngài dự định cho chúng con:
thật là nhiều vô kể!
Không một ai sánh được như Ngài.
(Tv 39,6)
Lễ xong, em vội trở về nhà để trả lời cho chị đây.
Chị Hai mến! Có lẽ em là người phải rời quê hương trong một hoàn cảnh đặc biệt hơn ai hết. Em ra đi không một lời từ giã chị, không được nhìn thấy giọt nước mắt thương mến của chị, không một người thân thuộc, kể cả người đồng hương. Cũng chính vì ba nuôi em sợ cuộc ra đi của em sẽ dây dưa, cản trở công tác của ông, nên trước khi gửi em về nhà ông, ông đã tách rời em khỏi chị và gửi em ở ban xã hội để đợi chuyến máy bay. Cơ hội tới, chính ông bồng em đưa ra máy bay. Mặc dầu được chiều chuộng hết sức, em vẫn khóc đòi chị. Ba nuôi đã gạt em, ông nói là đưa em đi gặp chị. Đã vậy rồi, chính ông sau khi hôn em, cũng bỏ em luôn. Ông trao cho một người đàn bà trông coi. Em lại khóc nữa, nhưng rồi cửa máy bay đóng lại, em bị giam trong phòng bay ồn ào, trong số hành khách chỉ có em là đặc biệt nhất.
Trong suốt quãng đường bay, máy bay khi bay khi hạ, nhưng em chẳng còn phân biệt được nữa. Phần sợ, phần nhớ chị, em lại bị ói mửa, nên em đau li bì. Người ta đặt đâu em nằm đấy. Cả đến khi em được gửi đến nhà má nuôi, em vẫn còn mê man. Tình trạng hôn mê đó kéo dài cả đến tuần lễ sau, em mới tỉnh lại được. Lúc này, em mới nhận ra chung quanh em hoàn toàn xa lạ, từ người đến nhà cửa, đến ăn uống, không có một chút gì giống ở bên nhà cả. Em khóc đòi chị, đòi về với ba má, nhưng chả ai hiểu gì cả. Mỗi lần em khóc như vậy, em lại được vuốt ve dỗ dành và được hai cô con gái con má nuôi cho hết đồ chơi này tới đồ chơi khác để làm cho em nín khóc. Nhưng họ nói gì em đâu có hiểu, em vẫn khóc, vẫn đòi về với ba má và chị. Thêm vào đó, đồ ăn lạ làm cho em đau bụng hoài. Mấy tuần lễ ở đây, em mất sức dễ sợ, má nuôi đành phải mướn một người Việt nuôi dưỡng và săn sóc em. Nhờ vậy, mà em lấy lại sức và dần dần làm quen với cách sống mới.
Gia đình em sống đây chính là gia đình viên sĩ quan đã cứu sống chị em ta. Ông bà có hai cô con gái, người chị lớn hơn em ba tuổi, chị thứ lớn hơn em một tuổi và người con trai lên hai. Như vậy, em gọi hai người con gái của ông bà là chị và người con trai là em.
Bà và các chị hết lòng thương em, không phân biệt giữa con đẻ và con nuôi, nhưng có lẽ họ còn thương em hơn nữa, vì lúc ấy em đau yếu luôn, đáng kể nhất là thời kỳ em bị sưng phổi. Từ má nuôi, vú, các chị đều dồn hết tình thương vào em, chăm sóc em hết mình. Em có thể quả quyết rằng: không kể sự quan phòng của Chúa, em còn sống và lớn lên được là do sự săn sóc của gia đình má nuôi em.
Ngày em đã làm quen được với cuộc sống mới và đã biết nghe, biết nói ngôn ngữ của dân tộc cưu mang em, em được má nuôi gửi em vào trường mẫu giáo. Mỗi sáng thứ hai vú nuôi dẫn em tới trường trao cho các Soeurs, em phải sống xa nhà trọn tuần lễ, mãi đến chiều thứ Bảy, vú mới đến đưa em về.
Tuần nào cũng như tuần nào, ngày nghỉ của em đều được má nuôi với các chị dành cho em những món quà đáng kể; có khi còn có những món quà rất quý, rất hiếm do ba nuôi gửi từ Việt Nam sang. Má nuôi em đạo đức lắm. Cũng thường vào những dịp này: sau khi dẫn em đi dự lễ, đi dạo chơi hoặc đi xem phim về, má đọc cho chúng em nghe thư ba gửi về. Ba kể những nơi ba đã đi qua, cảnh thiên nhiên ba tả rất hấp dẫn, dù em chưa được thấy, nhưng có nhiều nơi hiện nay em vẫn còn nhớ. Hơn nữa, những cảnh mô tả đó còn làm cho má nuôi, các chị thích thú, mơ ước được đến quê hương yêu quý của em để được nhìn thấy những cảnh ấy. Cũng qua đấy, em càng được gia đình quý mến. Ngoài ra, ba còn thuật lại sinh hoạt của đủ hạng người ở Việt Nam. Ba có lối kể dí dỏm lắm, làm cho người đọc các nhân vật ba kể đều có cảm tình.
Thật sự em phải cám ơn ba nuôi lắm: chính do tình cảm của ba đối với những cảnh và người mà ba đã thấy, đã gặp và được ngòi bút tài tình của ba kể lại, đã sớm gây lên trong lòng em tình yêu quê hương, đất nước. Em chưa hiểu, chưa được nhìn thấy nhiều, nhưng một người ngoại quốc còn biết quý mến và trọng kính quê hương của người thuộc địa như thế, thì một người sinh ở đó, có cha mẹ và thân quyến, đã từng lấy mồ hôi và máu đào tô điểm quê hương để có những cảnh đẹp, người hiền, khiến người ngoài phải ngưỡng mộ, thì càng phải quý mến quê hương mình biết bao!
Nhưng rồi em đã phải mồ côi thêm lần nữa. Vào cuối năm em học lớp ba, một buổi sáng giữa tuần, vú nuôi bất thường đến xin phép cho em nghỉ và đưa em về. Thấy vú xuất hiện bất thình lình, nhất là thấy nét mặt ủ rũ và đôi mắt đỏ hoe của vú, em linh cảm có gì bất thường xảy đến trong gia đình. Quả nhiên, vừa nắm tay em, vú oà lên khóc làm cho em hoảng hốt cũng khóc theo. Thấy cảnh thương tâm đột ngột, mọi con mắt đều đổ dồn về phía vú và em.
Bà Giám Đốc bước vội lại phía em, bế bổng em lên, hôn em, rồi bà an ủi: “Nín đi cưng! Ba con sẽ sống lại”. Thế là tin ba nuôi em chết được loan truyền đi cả trường, các Soeurs và bạn bè đổ ra chia buồn an ủi em, càng làm cho em khóc nhiều hơn. Nhưng sợ ở nhà má trông, vú phải đưa em về gặp má.
Trên đường về, em chẳng còn để ý gì, ngoài nỗi lo sợ phải mất ba nuôi. Rồi khi em vừa bước vào nhà, chỉ nhìn thấy em là má đã nấc lên rồi, còn em cũng vùi đầu vào lòng má mà khóc. Cả nhà chỉ còn một âm thanh là tiếng khóc. Thế là chúng em đã mất ba rồi, và người thiệt thòi nhất có lẽ là em.
Dù với tuổi đó, em cũng mường tượng được số phận đã dành cho đứa trẻ hai lần mồ côi, vì em rất nhạy cảm trước cảnh đời đau khổ. Ngược lại, nó cũng giúp em biết cố gắng chăm học và làm hết sức để má vui lòng. Sự cố gắng của em lúc ấy, sau này chính má cũng phải nhận là từ hôm ba nuôi mất, tính tình em đổi khác và má rất hài lòng em.
Lên lớp bốn, em được má gửi học ở trường công. Vì là trường miễn phí nên mọi điều kiện sinh hoạt đều thua trường các Soeurs. Tuy nhiên, em vẫn được các thầy cô thương vì những ưu điểm em đã có từ khi đi học. Má nuôi thấy em ở đâu cũng xuất sắc, nên má rất mừng. Má thường đưa những lời ba đã viết trước kia nhắc lại “người Việt Nam rất thông minh”. Em học ở trường này cho đến hết bậc Trung học, những kỷ niệm vui ở đây cũng có, nhưng những điều làm cho em suy nghĩ thấm thía về thân phận người mất quê hương cũng nhiều.
Bạn bè thấy em, một người thua kém chúng về nhiều điều kiện, thế mà vẫn dẫn đầu chúng về nhiều môn học, có lúc cả về mấy môn chơi, nên chúng tìm cách hạ em, cô lập em. Càng lớn em càng thấy rõ tính cách phân biệt màu da rõ rệt, đôi khi các thầy cô cũng ngả theo quan niệm ấy. Em đã nói rõ với má nỗi khổ tâm này, nhưng má cũng chẳng làm gì hơn ngoài những lời an ủi. Thực sự má và các chị khó lòng hiểu được sự xung khắc màu da như thế nào. Trong vụ này, chỉ có vú nuôi là người hiểu em hơn hết. Mặc dầu ít học, nhưng bà lại là người giúp em hiểu được tình nghĩa đồng bào ruột thịt.
Sau khi em tốt nghiệp bậc Trung học, má nuôi cho em được tiếp tục bậc Đại học. Cũng như các bà mẹ khác, má muốn em theo học ngành nào cho có bảo đảm tương lai. Ý má muốn cho em theo ngành khoa học hay ngành thuốc như hai người chị. Nhưng em lại có ý hướng khác hẳn với ý muốn của má, có khi còn chống đối với ý muốn của má nữa. Ý hướng đó là:
– “Con muốn làm linh mục”, em nói với má.
Như em đã dự đoán, bà biết là từ trước đến giờ em vẫn luôn nghe lời bà, thế mà bây giờ em đã nói một câu trái ý bà, nên vừa nghe em nói, bà ngồi thừ ra với dáng vẻ không vui. Nhưng người phản đối ồn ào nhất là chị Ba – chị tỏ thái độ ra mặt và tìm đủ lý do để bác bỏ ý hướng của em.
Em dự đoán, nhưng em không ngờ ý hướng của em đã làm cho gia đình mất vui như vậy. Tuy nhiên, em không thể làm khác được vì ơn gọi thôi thúc trong lòng em. Cho đến lúc này, em đã được hưởng quá nhiều hồng ân của Chúa. Từ số phận đứa trẻ mồ côi, Chúa đã đưa em vào địa vị được ưu đãi. Em phải làm cái gì để đền đáp, mà cách tốt nhất đó là giúp đỡ cho những người nghèo. Hơn nữa, hình ảnh đã ghi sâu trong tâm trí em luôn là tình cảnh khốn cùng của đồng bào Việt lạc hậu trong một quốc gia có đời sống vật chất quá cao.
Bằng nhiều cách, chị Ba cố gắng kéo em bỏ ý hướng linh mục, nhưng chị càng cố gắng thay đổi ý hướng của em bao nhiêu, em càng thấy em chọn đúng đường bấy nhiêu. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh này không phải là đơn giản, chị Ba có đủ mọi lợi điểm. Trước nhất, chị được hầu như cả gia đình đứng vào phía chị; thứ đến, chị Ba là con gái, hơn nữa chị lại là một người có thể nói được là một người con gái lý tưởng, vừa đẹp, vừa có duyên, lại vừa có tài. Điều mà em phục chị nhất là mỗi khi chị ngồi vào đàn, tiếng đàn của chị như có một sức linh thiêng cuốn hút tâm hồn đa cảm của em… Trong khi đó, về phía em chỉ có một mình. Vú nuôi rất tán đồng ý kiến của em và bà khuyến khích em, nhưng bà vẫn sợ uy quyền của cô chủ; đàng khác, em là một người con trai dễ bị tình cảm lung lạc. Nhưng cứ mỗi lần em gần bị lung lạc bỏ ý định, Chúa lại dùng một biến cố này hoặc biến cố nọ kéo em ra khỏi cơn cám dỗ, nhất là cảnh đồng bào mình đi lễ ngày Chúa Nhật, bị người bản xứ coi rẻ, và thái độ mặc cảm của người mình, làm cho em vững tâm theo đuổi lý tưởng.
Sau nhiều ngày ray rứt, em đã mạnh dạn trình bày ý muốn với Đức Giám Mục, ngài đã đón tiếp em và lắng nghe ý kiến của em cách thông cảm. Ngoài ra, ngài còn hứa hết sức giúp em đạt ước nguyện.
Theo lời chỉ dẫn của ngài, em đã ghi tên theo ngành Xã Hội và xin phép gia đình được đến tạm trú tại Đại học Công giáo. Giải pháp này, mặc dù gia đình không vui, nhưng đã giảm sức chống đối.
Sống tạm trú tại Đại học, em dần dần giảm được sự lệ thuộc vào gia đình. Dĩ nhiên là chọn giải pháp này, em phải vất vả về vật chất nhiều; nhưng em lại được lợi rất nhiều về tinh thần: lý tưởng của em ngày càng được củng cố. Hơn nữa em được nhiều dịp tiếp xúc với giới Việt Kiều.
Việt Kiều ở đây rất nghèo, nghèo về vật chất lẫn kiến thức, vì phần đông họ thuộc gia đình binh sĩ trong đoàn quân Lê Dương. Họ sống vất vả thiếu thốn trong những khu nhà ổ chuột, đầy bệnh tật, nên không có điều kiện để học hành. Đã vậy, lại sống bên một xã hội văn minh sa đọa, khiến họ dễ nhiễm thói xấu. Tình cảnh của họ hết sức bi đát: sống thừa, sống bám, lại còn bị người chính quốc khinh khi, kỳ thị.
Được xem tận mắt, nghe tận tai những cảnh khốn cùng của đồng bào và cảnh người bản xứ đối với họ, em muốn khóc lên; nhưng em cũng không biết bày tỏ với ai nỗi khổ tâm này. Em nghĩ tới vị Giám Mục đỡ đầu, mặc dù ngài là người Pháp, nhưng ngài vẫn là hiện thân của bác ái, nên em tin chắc ngài sẽ giải tỏa được nỗi khổ tâm của em. Thật đúng như em nghĩ, một lần nữa ngài giúp em nhiều ý kiến rất quý để em có thể thành công.
Sau một thời gian nghiên cứu thu thập tình trạng xã hội của nhóm Việt Kiều, và theo lời chỉ dẫn của Đức Giám Mục, em đưa bản điều tra ra bàn với gia đình, để xin thêm ý kiến của má nuôi, của các chị trước khi thi tốt nghiệp.
Được yêu cầu, cả gia đình nhận lấy công việc như việc riêng của mình: tìm hiểu, tra hỏi tài liệu sách vở cả ngày. Chị Ba còn đến khu Việt kiều để quan sát ngọn nguồn nếp sinh hoạt của Việt kiều. Thật, em không ngờ đề nghị của em được gia đình hưởng ứng như vậy. Nhưng nhất là sự lưu tâm đến vấn đề xã hội này làm cho cả gia đình chấp nhận việc làm của em. Đáng kể nhất là chị Ba, chị ấy có sự thông cảm thực sự với hoàn cảnh cùng cực của những người đồng chủng với em. Quả thực, đây là một sự an bài của Chúa. Lợi dụng hoàn cảnh và tình cảm thuận tiện, nhất là sau khi bài khảo cứu của em đã được đánh giá cao trong cuộc thi, em trở lại ý hướng linh mục của em. Lần này em không bị khó dễ nữa, tuy nhiên cũng không phải là hoàn toàn đồng ý.
Dàn xếp xong việc gia đình, em đã có thể bước chân vào Chủng viện, nhưng trở ngại này mới vượt qua, thử thách kia lại xảy đến. Có lẽ do sự cố gắng làm việc trong thời kỳ vừa rồi, nên vào cuối năm thứ nhất tại Đại chủng viện, em phải nghỉ học vì bị nám phổi. Phải nghỉ học, em hơi ngã lòng vì đây có thể là cách Chúa tỏ ý muốn của Ngài. Điều em nghĩ là tốt, mà Chúa không cho là tốt, vì tư tưởng và đường lối của Chúa khác với đường lối và tư tưởng của người đời (x. Is 55,8-9).
Vừa phần bị vi trùng tàn phá, vừa phần buồn vì lý tưởng không thực hiện được, em xuống sức rất mau. Cả nhà lại đổ dồn săn sóc lo lắng cho em. Ngoài bác sĩ chuyên khoa ra, ở nhà em đã có chị Hai, bác sĩ sắp ra trường, hằng ngày vẫn chẩn mạch săn sóc cho em. Chị Ba là dược sĩ sắp ra trường, chị lùng đủ mọi thứ thuốc tốt nhất mà chị biết được, để trị bệnh và bồi dưỡng sức khỏe cho em. Còn má nuôi, thật tội nghiệp, vì lo cho em mà bà sút trông thấy.
Trước sự săn sóc ấy, một anh bạn đã nói đùa:
– Phải có cả hàng chục người bệnh mới xứng đáng công chăm sóc này.
Em đã lấy lại tinh thần lạc quan và tin tưởng “không bao giờ Chúa thử quá sức em”. Quả thực, việc em dứt bệnh làm cho cả nhà ngạc nhiên. Phần em, em cho đây là phép lạ của Chúa.
Sau cơn thử thách đó, em lại được trở về Chủng viện tiếp tục công việc. Kỳ này đối với em là một thời gian thích thú vì hầu như em không còn gặp một khó khăn nào nữa, lại được học hỏi những điều em cần biết và ưa thích. Đồng thời sức khỏe của em cũng không gặp một trở ngại nào nữa, có điều là nó không được dẻo dai như trước.
Lễ Giáng Sinh cuối năm Thần học thứ tư, em được chính Đức Giám Mục đỡ đầu truyền chức Linh mục cho em. Em không thể nào diễn tả được mối xúc động của em khi Đức Giám Mục đặt tay lên đầu để nài xin Chúa Thánh Thần xuống trên em. Tiếp theo, Đức Giám Mục và các linh mục dự lễ lần lượt cũng đều đặt tay lên đầu, khẩn cầu cho em. Em như được chìm ngập trong lửa mến và em chỉ còn biết thưa với Chúa:
Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng,
là chén phúc lộc dành cho con;
số mạng con, chính Ngài nắm giữ.
(Tv 15,5)
Người đầu tiên nhận phép lành do Chúa thông ban cho em qua chức Linh mục là má nuôi. Má ôm hôn em và nước mắt má giàn giụa, y như ngày nào ba qua đời. Rồi đến chị Hai, chị Ba và em Năm, tất cả đều vui mừng và xúc động; nhất là vú nuôi, thấy em là bà quỳ xuống ôm lấy chân em, khiến ai thấy cũng cảm động.
Ngày chịu chức của em còn một điểm đáng nói nữa, đó là cảnh mẹ gà con vịt, từ má nuôi đến các chị em, bạn bè đều là người Pháp, mà em chẳng có gì là Pháp cả, nên cũng gây chú ý cho nhiều người: một cảnh lạ mắt xưa nay chưa có. Nhưng đối với em, đây lại là một hồng ân có một không hai, do vậy, em cũng cảm thấy em có nợ rất lớn đối với gia đình ấy. Em nguyện cố gắng làm tròn bổn phận của em để thay thế cho gia đình.
Sau ít ngày nghỉ ngơi, em lại trở về Chủng viện để hoàn tất các chương trình. Ngày ra trường, Đức Giám Mục xếp em vào xứ gần khu Việt kiều, như điều em sở nguyện.
Nhận nhiệm vụ, em bắt tay vào việc ngay; nhưng cái khó là thiếu phương tiện trước một nhu cầu hết sức to lớn. Tuy nhiên, đó không phải là chướng ngại không thể vượt qua; trái lại, nhờ sự can thiệp đặc biệt của Đức Giám Mục, sự đóng góp công sức của gia đình má nuôi, cơ sở cũng có được ít nhiều phương tiện cơ bản. Hoạt động lúc đầu với vài kết quả đã gây được sự tín nhiệm với giáo quyền và sự chú ý của chính quyền. Rồi cũng do sự vận động của Đức Giám Mục, bộ Cựu chiến binh và Xã hội đã cung cấp ngân khoản để em sang lại một căn nhà kho làm nơi cầu nguyện và hội họp với giá ủng hộ.
Căn nhà đó là kho chứa hàng của một thương gia, gồm ba căn thông nhau với một lầu, xây cất bằng vật liệu nặng, nằm ở một địa điểm qua lại rất thuận tiện. Nên khi sang được căn nhà này, em chỉ mất một ít thời gian tu sửa là nó đã trở thành một nơi hội họp khá lý tưởng.
Công việc coi sóc, bảo trì căn nhà đó do vú nuôi em đảm trách. Bà rất phấn khởi và nhiệt thành với công tác này, cũng như bà đã nhiệt thành với em trong thời gian trước. À, mà em chưa nói với chị, cũng chính vì nhiệt tâm với em, mà bà đã phải bỏ nhà má nuôi em, trong giai đoạn em quyết liệt theo đuổi lý tưởng linh mục. Gia đình em, nhất là chị Ba, cho rằng em cứ khăng khăng theo đuổi lý tưởng là một phần do tại vú nuôi; nên để thay đổi hướng đi của em, chị Ba đã làm bằng mọi cách để vú nuôi phải ra đi. Nhưng bây giờ lý tưởng em đã đạt, chị Ba đã hiểu em rồi, chị rất bằng lòng với mọi người giúp đỡ em.
Ngày khánh thành nhà “Huynh Đệ”, tên do chị Ba đặt, gây nhiều cảm động: có Đức Giám Mục đỡ đầu em, Đức Giám Mục phụ tá; có đại diện chính quyền, gia đình má nuôi và rất đông kiều bào… Trong phần đáp từ, đại diện chính quyền hứa sẽ quan tâm nhiều hơn đến đoàn thể Việt kiều và sẽ làm hết sức để thăng tiến nếp sống của đoàn thể… Về phía giáo quyền, Đức Giám Mục coi giáo hữu Việt kiều trong giáo phận cũng như mọi giáo hữu khác mà nhiệm vụ chủ chăn phải chăm sóc; nhất nữa, hoàn cảnh Việt kiều khó khăn hơn, càng đáng ngài quan tâm hơn. Ngài đã, đang và sẽ làm, để đoàn thể Việt kiều thành một cộng đoàn gương mẫu trong Giáo phận… Còn gia đình má nuôi, chị Hai, chị Ba, em Năm, nhận đỡ đầu cho đoàn thể và sẽ đóng góp công sức như: khám bệnh miễn phí, cung cấp thuốc men…
Sau phần thủ tục hành chánh là phần thánh lễ dành cho Việt kiều. Lần đầu tiên, đồng bào có một nơi tham dự thánh lễ với nhau, hát những bài ca bằng tiếng Việt, làm cho nhiều người không thể cầm được nước mắt, nhất là những người có tuổi. Khi nghe những lời ca tụng Chúa bằng ngôn ngữ của mình, dĩ vãng đã như sống lại trong lòng họ. Buổi lễ kết thúc bằng một bữa tiệc trà gồm toàn món ăn thuần tuý Việt Nam: nước trà Blao, mứt hạt sen, kẹo đậu phộng…
Buổi lễ bỗng trở thành một dịp hướng về quê hương, bao nhiêu kỷ niệm hầu như chết, có dịp sống lại. Những biến cố lớn nhỏ của quê nhà cũng được đưa ra phê phán nhận định… Và mọi người đều cảm thấy mình phải làm một cái gì để bảo vệ nguồn gốc quê hương và đóng góp phần mình vào nơi đã là cái nôi cho mình. Từ đó nhiều dự thảo đã được thành hình.
Đến đây, cái vườn công tác kể như đã có, nhưng làm cho nó lớn mạnh lại là chuyện khác. Tất cả như một vấn đề hết sức phức tạp và nhiêu khê, thiên hình vạn trạng…
Như em đã thưa với chị ở đầu thư, vì bận quá em không thể nào thuật lại cho chị hết những công việc em đã làm. Em hy vọng sẽ có dịp hoặc là về thăm chị hoặc là em sẽ có nhiều thì giờ hơn…
Nhân tiện đây, em xin kể chị nghe, mới rồi em có dịp gặp một người từ bên nhà sang thăm người bà con ở bên này. Em đã trao đổi ý kiến với ông trong một bữa ăn, và ông cho em biết là thấy em, ông nhớ ông già ở gần nhà ông ta. Em đã nắm lấy cơ hội đó thăm dò tin tức về ba má, nhưng rất tiếc, ông ta không biết gì nhiều, vì ông bà này mới tới chỗ ông ta ở, nên ông chưa có dịp làm quen, chỉ thấy ông già bà già đi lễ hoài, nên nhớ mặt thôi.
Câu chuyện tình cờ của ông làm cho em nhớ đến ba má hết sức. Ba má còn sống hay đã chết, luôn luôn là điều thắc mắc của em. Em đã cố gắng nhiều nhưng đều vô vọng. Chỉ có một người có thể biết được thì Ngài lại làm thinh. Có lẽ Chúa để cha mẹ chúng ta chịu đau khổ để chị em chúng ta được ơn kêu gọi chăng? Do vậy, hễ có ai nhắc đến ba má là em lại cảm thấy ngậm ngùi. Em cũng làm một việc cầu may là tặng ông ta một tấm ảnh của em và ghi địa chỉ của chị. Nếu Chúa không chê lời cầu nguyện và hy sinh của chị em ta, Ngài sẽ cho chúng ta được biết tin ba má…
Chị Hai mến, những dòng em viết cho chị Hai đây, mới chỉ là một khúc hát “dang dở”, nếu gọi được thế. Em sẽ có dịp viết trọn bài ca ấy hòa với khúc hát của chị Hai. Em mong được đọc bài ca của chị, em tin rằng nó sẽ réo rắt, thê lương, và như vậy đời chị, đời em sẽ thành một bài ca để chúc tụng Đấng đã đưa chị em chúng ta vào đời làm người và làm con Chúa. Có thể bài ca của chị em chúng ta sẽ rất vô duyên với người đời vì nó tầm thường như cây cỏ, nhưng trong chính cây cỏ cũng in dấu tốt đẹp của Thiên Chúa, và cây cỏ ca ngợi Chúa như Chúa đã tạo thành nên nó. Hơn nữa, có thể nói, vì cây cỏ chẳng có gì để khoe khoang tự phụ, song nó chỉ nói lên những gì nó có.
Tạm biệt chị Hai, em luôn ở bên chị trong kinh nguyện và chia sẻ với chị trong mọi nỗi vui buồn của cuộc đời. Em tin chắc chị Hai thương em và mãi mãi thương em. Em sẽ về thăm chị trong một ngày gần nhất.
Em trông bài tường thuật đời chị đó nhá! Chị nhớ gửi hình cho em nữa.
Kính,
Em Chị,
Augustinô Nguyễn Phương Thành