Cuối Năm thánh Lòng Chúa Thương Xót, Đọc Truyện Ông Giu-se Trong Cựu Ước
Hồi thứ hai : tìm các anh
1. Bọn do thám
Thời hạn hán đã tới. Không chỉ đất Ai-cập bị mất mùa, đói kém. Ca-na-an cũng chung số phận. Tin tốt cũng lan tới tai ông Gia-cóp. Ông nói với các con : “Sao các con cứ ngồi nhìn nhau ?… Cha nghe nói bên Ai-cập có lúa bán ; các con hãy xuống đó mua lúa về, để chúng ta sống chứ không phải chết.” Khi muốn khử trừ “ông tướng chiêm bao” thì các anh có giải pháp ngay. Bây giờ đến chuyện sống chết của cả gia đình thì các anh “ngồi nhìn nhau” ! May mà ông Gia-cóp nghe được tin. Ông sai muời người anh đi, nhưng giữ Ben-gia-min ở nhà vì ông nói : “Lỡ ra nó gặp tai họa”.
Giu-se tưởng đã “quên được tất cả nhà cha tôi”. Nhưng kìa mười kẻ đồng lõa giết em thuở nào bỗng xuất hiện trong đám người đến mua lúa. Họ làm sao nhận ra “ông tướng chiêm bao” nơi nhân vật đầy uy quyền này. “Họ sấp mặt xuống đất lạy ông”. Lời ông Gia-cóp giải thích chiêm bao của Giu-se bỗng ứng nghiệm trước mắt ông. Ông bình tĩnh đóng kịch. Ông làm như người xa lạ đối với họ, và nói với họ cách cứng cỏi : “Các ngươi từ đâu đến ?” Họ đáp : “Thưa từ Ca-na-an, để mua lương thực.” Giu-se bắt đầu buộc tội họ là một bọn đồng lõa đi do thám.
Để chứng minh họ là người lương thiện, họ kể hoàn cảnh gia đình : “Chúng tôi đều là con cùng một cha.” Giu-se tiếp tục buộc tội. Họ kể thêm : “Các tôi tớ ngài là mười hai anh em, chúng tôi là con cùng một cha, ở đất Ca-na-an. Đứa út hiện ở nhà với cha, còn một đứa thì không còn nữa”. Không hỏi mà khai ! Giu-se vẫn tỉnh bơ kết luận : “Đúng như ta đã nói với các ngươi ; các ngươi là bọn do thám !” Gia đình gồm cha và mười hai an hem là lý chứng duy nhất của họ để chứng minh họ là ngươi lương thiện.
Giu-se bắt đầu thử thách tình anh em của họ : “Ta sẽ thử thách các ngươi thế này : Ta lấy mạng sống Pha-ra-ô mà thề rằng các ngươi sẽ không được ra khỏi đây, trước khi đứa em út của các ngươi đến. Hãy cho một anh em về tìm đứa em, còn các ngươi thì phải ở tù. Ta sẽ thử xem lời các ngươi nói có đúng sự thật hay không. Bằng không, ta lấy mạng sống Pha-ra-ô mà thề rằng : các ngươi là bọn do thám.” Rồi ông giam giữ họ ba ngày.
Để tỏ ra mình là Ai-cập chính tông, hai lần ông “lấy mạng sống Pha-ra-ô mà thề”. Nhưng khi giáp mặt lại sau ba ngày, ông lại nói : “Các ngươi muốn sống thì hãy làm thế này, vì ta kính sợ Thiên Chúa. Nếu các ngươi là những kẻ lương thiện, thì một anh em cứ phải chịu giam trong nhà tù này, còn các người khác thì hãy ra đi, đem lúa về cho gia đình khỏi đói. Rồi các ngươi hãy đem đứa em út đến cho ta. Bấy giờ sẽ rõ là các ngươi nói đúng, và các ngươi sẽ không phải chết.” Họ đã làm như vậy.” Ông đảo ngược giải pháp ban đầu. Nhưng bấy nhiêu đủ để cho mười người nhớ lại những gì họ đã làm cho Giu-se, và họ tự trách mình. Đến đây người kể mới cho chúng ta biết là ông Giu-se dùng thông ngôn để nói với họ. Nhưng ông không quên tiếng mẹ đẻ, nên khi họ tự trách mình thì ông nghe được hết. Bây giờ chúng ta mới biết là khi bị các anh lột áo quăng xuống giếng thì Giu-se đã năn nỉ các anh. Nay thì họ năn nỉ ông. Ông làm mặt ngầu với họ, nhưng lòng ông đâu phải là khối đá. “Bấy giờ ông lánh ra chỗ khác mà khóc, sau đó mới trở lại nói chuyện với họ. Trong số họ, ông bắt Si-mê-ôn và cho trói trước mặt họ”. Ông không bắt Rưu-ven là anh cả, vì Rưu-ven đã tìm cách cứu ông. Si-mê-ôn là người con thứ hai của bà Lê-a, mang tâm sự của bà : “Đức Chúa đã nghe biết là tôi không được yêu”.
Sau màn công khai tỏ uy quyền và răn đe rất thành công, thì ở hậu trường Giu-se lại ra lệnh “đổ đầy lúa mì vào bao của họ, và trả lại bạc, của ai thì để vào bao người ấy, đồng thời cho họ lương thực ăn đường.”
“Họ chất lúa mì của mình lên lưng lừa và đi khỏi đó”. Nhưng đến chỗ nghĩ đêm thì một người hát hiện bạc của mình được trả lại ở miệng bao lúa. “Họ hết hồn hết vía, kinh hoàng nói với nhau : “Thiên Chúa làm gì cho chúng ta thế này”. Từ đầu câu chuyện tới bây giờ ta mới nghe những người này nói đến Thiên Chúa can thiệp vào cuộc đời họ !
2. Bọn cướp
Về đến nhà họ kể cho cha những gì đã xảy ra và điều kiện để có thể xuống mua lúa lần nữa. Rồi họ phát hiện điều kinh hoàng hơn nữa khi đổ lúa ra : “mỗi người thấy trong bao có túi bạc của mình. Thấy những túi bạc, họ và cha họ phát sợ”. Nhưng ông Gia-cóp chỉ quan tâm tới những đứa con. “Chúng mày cướp con tao : Giu-se không còn nữa. Si-mê-ôn không còn nữa, mà Ben-gia-min chúng mày cũng muốn bắt đem đi. Mọi chuyện đổ lên đầu tao !”
Thật là khốn khổ, xuống Ai-cập mua lúa thì bị “ông chúa xứ ấy ăn nói cứng cỏi và coi chúng con là bọn do thám”. Về nhà thì lại bị cha mắng là bọn cướp, không phải cướp của mà cướp người : “Chúng mày cướp con tao !”
Lại Rưu-ven, người con cả lên tiếng năm nỉ cha cho em đi và cam đoan sẽ đưa em trở về. Nhưng ông Gia-cóp cương quyết : “Con tao sẽ không xuống đó với chúng mày, vì anh nó đã chết, chỉ còn lại một mình nó thôi. Nó mà gặp tai họa trong chuyến đi chúng mày sắp thực hiện, thì chúng mày sẽ làm cho kẻ bạc đầu này phải buồn sầu mà xuống âm phủ”. Lời đay nghiến thật khủng khiếp : chỉ có Ben-gia-min và Giu-se mới là “con tao”, chúng mày là bọn cướp ! Mạng sống tao gắn với “con tao”. Con tao mà chết thì tao cũng chết theo vì buồn phiền. Khi Giu-se mất tích ông đã tuyên bố, “cha sẽ để tang mà xuống âm phủ với con cha”.
Nhưng lúa ăn sắp hết trong khi nạn đói trở nên trầm trọng hơn. Ông Gia-cóp lại giục các con xuống Ai-cập mua lúa. Lần này thì Giu-đa lên tiếng, nhắc lại điều kiện của “ông chúa xứ ấy”. Nhân dịp này ta mới biết thêm. Ở trên thì câu chuyện giữa họ với “ông chúa xứ ấy” được kể vắn gọn. Trong câu chuyện hôm nay, bị cha trách “sao lại đi khai với ông ấy rằng các con còn một đứa em ?” thì họ kể rằng cuộc “điều tra lý lịch” dài hơn : “Ông ấy hỏi đi hỏi lại về chúng con và họ hàng chúng con ; ông ấy hỏi :’Cha các ngươi còn sống không ? Các ngươi có em không ?’Chúng con cứ theo các câu hỏi mà khai với ông ta. Có ngờ đâu ông ấy sẽ bảo chúng con : Đưa em các ngươi xuống đây !” Rồi Giu-đa cam đoan sẽ đưa em về.
Phải chọn giữa sống và chết cho cả gia đình, ông Gia-cóp đành phải nhượng bộ. Ông bảo các con đem theo sản phẩm địa phương làm quà, đem gấp đôi số bạc để giao lại bạc lần trước và trả cho lần này. Ông phó thác cho Thiên Chúa : “Xin Thiên Chúa toàn năng làm cho ông ấy chạnh lòng thương các con, mà để cho người anh em kia và Ben-gia-min cùng về với các con. Còn cha, nếu phải mất con, thì cha đành chịu mất vậy.” Thế là ông Gia-cóp chấp nhận đổi mạng đứa con duy nhất để cả nhà được sống !
3. Bữa ăn đoàn tụ không lời
“Họ đứng lên, xuống Ai-cập và vào trình diện ông Giu-se. Khi ông Giu-se thấy Ben-gia-min cùng đến với họ, thì nói với người quản gia của ông : “Anh đưa những người này về nhà, giết một con vật, và làm các món ăn, vì những người này sẽ dùng bữa với tôi trưa nay”.
Hôm ở Đô-than, sau khi quăng Giu-se xuống giếng thì các anh ngồi xuống ăn uống. Hôm nay có cả đứa em út thì Giu-se mời họ ăn trưa với ông. Đứng trước sự tử tế của “ông chúa xứ ấy” thì họ lại “suy bụng ta ra bụng người”. Hình ảnh họ xông vào lột áo Giu-se và quăng em xuống giếng trở thành mẫu cho họ tưởng tượng : “Chúng ta bị đưa đi vì chuyện số bạc đã được trả lại trong bao lúa của chúng ta lần trước. Người ta sắp xông tới, nhảy bổ vào chúng ta, bắt chúng ta làm nô lệ, và lấy lừa của chúng ta”. Tới lối vào nhà, họ đánh bạo nói với người quản gia về chuyện số bạc lần trước. Ông này trấn an và giải thích cho họ : “Thiên Chúa của các ông, Thiên Chúa của cha ông các ông đã đặt cho các ông một kho tàng trong các bao lúa của các ông… Sau đó ông đưa Si-mê-ôn ra cho họ”.
Vào trong nhà, quản gia “lấy nước cho họ rửa chân, lấy cỏ cho lừa của họ ăn”. Còn họ thì “bày quà ra”, chờ ông Giu-se về.
Khi ông Giu-se vào nhà, họ dâng quà, và “sụp xuống đất lạy ông”. Ông hỏi thăm ngay về cha của họ. Họ đáp : “Tôi tớ ngài, là cha của chúng tôi, vẫn được bình an, người vẫn còn sống”. Rồi họ quỳ sụp xuống lạy”… Họ nói “tôi tớ ngài là cha của chúng tôi… “ rồi họ quỳ sụp xuống lạy, tức là thay cho cha họ mà lạy. Chiêm bao thứ nhất của Giu-se là bó lúa của Giuse vươn dạy, “những bó lúa của các anh bao quanh và sụp xuống lạy”. Giấc chiêm bao thứ hai là “mặt trời, mặt trăng và mười một ngôi sao đang sụp xuống lạy em”. Ông Gia-cóp nói : “Tao, mẹ mày và các anh mày lại phải đến sụp xuống lạy mày sao ?”Hôm trước mười anh đã sấp mặt xuống đất xuống đất lạy. Hôm nay thì mười một anh em và qua họ cả ông Gia-cóp đã quỳ sụp lạy Giu-se.
“Ngước mắt lên, ông thấy Ben-gia-min, người em cùng mẹ với ông, ông liền hỏi… “ Vẫn giữ vai quan lớn, ông nói với em : “Con ơi, xin Thiên Chúa đoái thương con”. Nhưng liền đó “ông xúc động nghẹn ngào, rồi đi vào phòng riêng mà khóc.” Sau đó ông rửa mặt và đi ra… Hôm trước ông đã “lánh ra chỗ khác mà khóc” khi nghe các anh ân hận vì đã không đếm xỉa tới lời năn nỉ của ông. Hôm nay ông “vào phòng riêng mà khóc” vì đã gặp lại đứa em cùng mẹ với ông. Chú ý tới sự thay đổi nơi ông khóc : từ “chỗ khác” ở nơi làm việc, tới “phòng riêng”ở trong nhà ông.
Ông truyền dọn bữa ăn lên. Ba bàn khác nhau : bàn riêng cho Giu-se, bàn riêng cho người Ai-cập và bàn riêng cho các anh em ngồi đối diện với ông. Họ ngồi theo thứ tự trong gia đình. Họ nhìn nhau kinh ngạc. Ngồi hai bàn đối diện, nhưng thức ăn dọn trên bàn của Giu-se. “Ông truyền đem cho họ những phần thức ăn dọn trước mặt ông”. “Phần của Ben-gia-min thì nhiều gấp năm phần của tất cả những người khác. Họ cùng với ông ăn uống say sưa”. Một bữa ăn đoàn tụ gia đình, nhưng chưa nói chuyện với nhau.
4. Bọn vô ơn và ăn cắp
Sau bữa ăn, Giu-se lại âm mưu với người quản gia : đong lúa cho đầy, trả bạc lại như lần trước, nhưng giấu cái chén bạc của ông vào bao của đứa út.
“Khi trời sáng, người ta để cho các anh em ra đi, cùng với lừa của họ”. Hôm qua họ tưởng tượng người ta sẽ xông vào, bắt họ làm nô lệ và lấy lừa của họ !
Khi họ rời khỏi thành chưa được bao xa thì ông Giu-se thực hiện tiếp âm mưu : sai quản gia đuổi theo, cáo tội vô ơn, ăn cắp…
Mở đầu câu chuyện này thì Giu-se là người mách cha những tiếng đồn không hay về các anh”. Có vẻ như Giu-se chơi trò “đã mang tiếng thì cho mang tiếng luôn !” Hôm trước buộc tội họ là bọn do thám, hôm nay thì buộc tội họ là bọn vô ơn, trộm cắp. Hôm trước họ đem gia đình làm chứng cứ họ là người lương thiện. Hôm nay thì họ đưa chuyện lương thiện vì đem trả lại số bạc lần trước và tự đưa ra hình phạt khủng khiếp để chứng minh họ không thể là kẻ trộm cắp : “Hễ tìm thấy đồ vật đó nơi ai thì kẻ ấy phải chết, còn chúng tôi sẽ làm nô lệ cho ngài”. Người quản gia với Giu-se đóng kịch thật ăn ý với nhau ! Ông ôn tồn giảm nhẹ mức hình phạt : “Hễ tìm thấy đồ vật đó nơi ai, thì người ấy phải làm nô lệ cho tôi còn các ông sẽ vô can”. Ai nấy vội vàng hạ bao lúa của mình xuống đất, rồi mở bao ra.” Người quản gia bắt đầu lục soát, bắt đầu từ người anh cả và kết thúc nơi người em út. Cái chén được tìm thấy trong bao lúa của người em út”.
Hôm trước thì họ lột áo Giu-se và quăng cậu xuống giếng, thấm áo vào máu dê gởi về cho cha. Hôm nay thì họ “xé áo mình ra, rồi mỗi người chất đồ lên lưng lừa của mình và trở về thành.”
“Khi ông Giu-đa và các anh em vào nhà ông Giu-se, thì ông còn đang ở đó”. Từ lúc này Giu-đa bỗng trở thành người dẫn đầu và đại diện anh em để trình bẩm với ông Giu-se. Ông Giu-se lại đánh phủ đầu : “Các ngươi làm gì vậy ? Các ngươi không biết rằng một người như ta phải có tài bói toán sao ?” Ông Giu-đa nói : “Chúng tôi biết thưa gì với ngài, nói năng làm sao, tự biện hộ thế nào ? Thiên Chúa đã phơi bày tội của các tôi tớ ngài ra. Chúng tôi xin làm nô lệ cho ngài, cả chúng tôi lẫn người bị tìm thấy đang giữ cái chén”. Tất cả các anh liên đới với Ben-gia-min.
Họ “á khẩu” vì Thiên Chúa đã phơi bày tội của họ. Tội nào ? Chuyện này là ông Giu-se bày ra mà ! Ông Giu-se nhắc lại lời quản gia đã thay ông mà nói với họ : “Không đời nào ta làm như vậy…” Giu-đa lại kể cậu chuyện của gia đình, nhấn mạnh tương quan giữa cha già hai đứa em cùng mẹ, kể lại cuộc đối thoại với Giu-se lần trước, và lời cha nói trước khi cho họ đi chuyến này : “Tôi tớ ngài là cha của tôi, nói với chúng tôi : “Các con biết rằng vợ của cha đã sinh cho cha hai đứa. Một đứa đã lìa cha và cha đã nói : Đúng là nó đã bị xé xác và cho đến nay cha chẳng được nhìn lại nó. Nếu các con đem cả đứa này đi xa cha, và nó gặp tai họa, thì các con sẽ làm cho kẻ bạc đầu này phải đau khổ mà xuống âm phủ”.
Giu-đa nhận trách nhiệm của mình và cả nhóm mười người về mạng sống của cha và của Ben-gia-min : “Vậy bây giờ nếu tôi về với tôi tớ ngài là cha của tôi, mà không có thằng bé cùng về với chúng tôi, bởi vì người chỉ sống khi nó sống, thì khi thấy là không có thằng bé người sẽ chết mất. Các tôi tớ ngài sẽ làm cho kẻ bạc đầu là tôi tớ ngài và là cha của chúng tôi, phải buồn sầu mà xuống âm phủ.
Qua lời kể của Giu-đa, Gia-cóp chỉ coi Ra-khen là vợ và hai đứa bà sinh cho ông là con ông. Nhưng Giu-đa gọi ông là cha của tôi, rồi cha của chúng tôi. Giu-đa đã nhìn nhận sự khác biệt trong tương quan giữa “nhóm mười” với cha, và nhóm hai đứa con bà Ra-khen với cha, đồng thời vẫn nhận ông là cha của mình và của cả nhóm mười. Lúc khử trừ Giu-se, họ đã chẳng thương tiếc cha, dù ông Gia-cóp tuyên bố “cha sẽ để tang mà xuống với con cha ở âm phủ”. Hôm nay thì họ thật sự quan tâm tới mạng sống của cha.
Ông Giu-đa tiếp tục nói về trách nhiệm riêng của mình : “Trước mặt cha tôi, tối tớ ngài đã bảo lãnh cho thằng bé và nói : “Nếu con không đưa nó về cho cha thì con sẽ đắc tội với cha suốt đời”.
Lời cuối cùng của Giu-đa : “Vậy bây giờ, tôi tớ ngài xin ở lại làm nô lệ ngài thế cho thằng bé, còn thằng bé thì xin cho nó về với các anh nó. Thật vậy, tôi về với cha tôi thế nào được, nếu thằng bé không thể cùng đi với tôi ? Tôi không thể nào chứng kiến tai họa sẽ giáng xuống cha tôi !”
Tuyệt vời ! Giu-đa xin thế mạng cho Ben-gia-min để cứu mạng của cha, và xin choBen-gia-min về với các anh nó. Nó không chỉ là em của Giu-se, mà là em của cả “nhóm mười” nữa, vì cha của hai đứa con bà Ra-khen cũng là cha của chúng tôi.