Cuối Năm thánh Lòng Chúa Thương Xót, Đọc Truyện Ông Giu-se Trong Cựu Ước
Người đi tìm anh em
Đầu Năm Thánh, tôi đã giới thiệu chuyện “Ông Giô-na”, nhân vật “nguyên mẫu” của người con cả trong dụ ngôn “Người cha nhân hậu và hai đứa con” (x. Lc 15,11-32). Cuối Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót, xin mời đọc chuyện “Ông Giu-se : người đi tìm anh em” trong Cựu Ước, để kiểm nghiệm xem chúng ta đã hoán cải được tới đâu để thực thi lời Chúa mời gọi : ”Hãy thương xót như Cha anh em trên trời là Đấng hay thương xót” (Lc 6,38).
Đây là một câu chuyện dài trong sách Sáng Thế (chương 37 và chương 39 tới hết sách, chương 50). Về phương diện vai trò của chuyện này trong cấu trúc của Ngũ Thư, thì ta có thể nhận ra đây là một phần trong câu chuyện về nguồn gốc dân It-ra-en, giải thích tại sao dòng dõi Áp-ra-ham lại di cư sang Ai-cập, và sống ở đó suốt hơn bốn trăm năm ; chuyện chuẩn bị cho cuốn sách tiếp theo là sách Xuất Hành, kể về dân It-ra-en được cứu thoát khỏi ách nô lệ Ai-cập.
Câu chuyện này vừa mở đầu ở chương 37 thì lại gián đoạn bởi câu chuyện dòng dõi ông Giu-đa (chương 38), có lẽ vì sau này các bộ tộc phía Bắc (vương quốc phía Bắc) do dòng dõi Giu-se (Ep-ra-im) dẫn đầu, sẽ xung đột với dòng dõi Giu-đa (vuơng quốc phía Nam).
Mở đầu : hạt giống ghen ghét
Câu chuyện về ông Gia-cóp (St 25,19 – 37,1), kể nguồn gốc của hai dân tộc sống kế bên nhau, Ê-đôm và It-ra-en. Hai ông tổ là anh em sinh đôi, E-sau và Gia-cóp, con ông I-xa-ác và bà Re-béc-ca. Gia-cóp được mẹ thương nên âm mưu giúp đoạt quyền trưởng nam của E-sau. E-sau căm thù và muốn giết Gia-cóp. Bà mẹ tiếp tục âm mưu nói nhỏ với ông I-xa-ác, giúp Gia-cóp trốn về nhà ông ngoại (St 28,2). Tại đây Gia-cóp được người anh của mẹ (trong tiếng Việt, ngrười miền Bắc gọi là bác, người miền Nam gọi là cậu) tên là La-ban đón về nuôi và gả hai cô con gái Lê-a và Ra-khen cho Gia-cóp. Gia-cóp lại mánh mung làm giàu từ một phần đàn chiên bố vợ chia cho ông để trả công. Sự thành công của Gia-cóp gây ra sự ghen tức của các con trai ông La-ban, khiến chính ông La-ban cũng tỏ thái độ không thân thiện. Thiên Chúa bảo Gia-cóp trốn trở về quê nội.
Gia-cóp đem vợ con và đàn vật trở về đất Ca-na-an, làm hòa được với E-sau, rồi định cư tại “đất mà cha của ông đã trú ngụ, là đất Ca-na-an” (St 37, 1).
Trong thời gian ở quê ngoại, ông Gia-cóp đã sinh được 11 người con, trên đường trở về đất Ca-na-an, bà Ra-khen sinh đứa con thứ hai và là thứ mười hai trong các con ông Gia-cóp, và bà đã chết sau khi sinh đứa con này. Trước khi tắt thở, bà đặt tên cho nó là Ben-ộ-ni (con của nỗi đau của tôi), nhưng ông Gia-cóp đặt tên lại cho nó là Ben-gia-min (con của tay phải= mạnh) vì ông đã già mà còn sinh được đứa con trai này. Ông Gia-cóp vốn thương bà Ra-khen ngay khi gặp nhau bên bờ giếng ngày đầu tiên, vì nàng “sắc xảo mặn mà, so bề tài sắc lại là phần hơn” (x. truyện Kiều). Nhưng khi giữ đúng giao kèo, gả con gái cho Gia-cóp sau bảy năm phục vụ ông, thì ông La-ban lại đánh tráo, sau ngày đầu của tiệc cuới, đêm tân hôn ông đưa cô chị Lê-a “mắt lờ đờ” (St 29, 17) vào lều cho Gia-cóp. “Tối lửa tắt đèn”, Gia-cóp tưởng đã lấy được người mình yêu. Sáng ra mới thấy “người thật việc thật”. Gia-cóp khiếu nại, ông La-ban chống chế : “Phong tục ở đây như thế, không được gả em trước khi gả chị. Thôi con cứ hưởng tuần lễ cưới với đứa này đã, rồi cha sẽ gả cho con cả đứa kia, để bù lại công con phục vụ ở nhà cha thêm bảy năm nữa” (x. St 29, 15-30).
Lấy được người mình yêu rồi thì phục vụ thêm bảy năm nữa có là bao. Trớ trêu là người vợ được yêu thì chờ mãi chẳng sinh được mụn con, còn người vợ không được yêu thì lại được Thiên Chúa bù, cho bà sinh một chuỗi liên tiếp bốn đứa con trai : Rưu-ven, Si-mê-ôn, Lê-vi và Giu-đa. Niềm hy vọng của bà sau mỗi lần sinh là “sẽ được chồng yêu” nhờ đã sinh cho ông một đứa con trai (x. St 29, 31-35). Đến phiên Ra-khen “ghen với chị” và bắt đền ông Gia-cóp. Ông Gia-cóp trả lời : “Tôi đâu có thay quyền Thiên Chúa là Đấng đã không cho bà sinh đẻ”(St 30, 1-2). Bà Ra-khen nảy ra sáng kiến : “Đây Bin-ha, nữ tỳ của tôi, ông hãy đi lại với nó, để nó sinh con trên đầu gối tôi và nhờ nó mà cả tôi nữa cũng có con.”
Thế là bà đã theo sách của bà nội ông Gia-cóp : bà Sa-ra hiếm muộn, bà đề nghị với ông Áp-ra-ham : “Xin ông đi lại với nữ tỳ Ha-ga của tôi, may ra nhờ nó mà tôi sẽ có con”. Bà được như ý… Nhưng thảm kịch gia đình nổ ra ngay. Bà trách ông Áp-ra-ham : “Tôi bị sỉ nhục là tại ông đấy ! Chính tôi đã đặt nữ tỳ của tôi vào lòng ông. Thế mà từ khi nó thấy mình có thai, nó coi khinh tôi”. Bà Sa-ra tỏ ra cao tay : “Bà hành hạ Sa-ra khiến nàng phải trốn đi” (St 16, 1-6). Do sự can thiệp của Thần Sứ Thiên Chúa, Ha-ga quay lại sinh con trong nhà ông Áp-ra-ham. Nhưng khi bà Sa-ra đã sinh được I-xa-ác thì bà thẳng tay bắt ông Áp-ra-ham phải đuổi mẹ con Ha-ga đi (x. St 20, 8-21) (Phong tục này giống kiểu ông bà ta thuở trước. Không có con thì cuới vợ lẽ cho chồng ; tuy vẫn có nguy cơ như bài ca dao diễn tả : “Con cóc ăn trầu đỏ môi, ai muốn làm lẽ bố tôi thì về, mẹ tôi chẳng đánh chẳng chê, mài dao cho sắc mổ mề xem gan”.).
Ra-khen đã thành công. Bin-ha sinh cho bà một đứa con trai. Bà sung sướng đặt tên cho nó là “Đan” vì “Thiên Chúa đã xét xử cho tôi ; Người cũng đã nghe tiếng tôi và đã cho tôi một đứa con trai” (St 30, 7). Bin-ha lại sinh cho bà một đứa con trai nữa. Ra-khen nói : “Tôi đã chiến đấu với chị tôi những cuộc chiến đấu thần thánh, và tôi đã thắng” ; và bà đặt tên cho nó là Náp-tha-li”. Nhưng bà chị Lê-a cũng chưa chịu cho cô em chiến thắng. Bà hết sinh nở rồi, nhưng bà nhập cuộc “chạy đua vũ trang” ; bà cũng áp dụng sách của Ra-khen. Lê-a cũng có một nữ tỳ tên là Din-pa. Bà yêu cầu ông Gia-cóp đi lại với Din-pa. Din-pa sinh liên tiếp hai đứa con trai, bà Lê-a lần lượt thấy mình “may mắn quá” và “hạnh phúc biết bao” sau mỗi đứa con Din-pa sinh cho bà (“Này con cái là hồng ân của Chúa, con mình sinh hạ là phần thưởng Chúa ban. Bầy con sinh hạ thời son trẻ, tựa nắm tên người dũng sĩ cầm tay. Hạnh phúc thay người nào đeo ống đầy loại tên như thế… (Tv 127/126, 3-5)).
Một chuyện “bây giờ mới kể”, cho chúng ta thấy rõ nỗi cay đắng của “cuộc chiến thần thánh” giữa hai chị em, và như hé cho thấy tại sao bà Lê-a ngừng sinh đẻ sau một loạt bốn thằng con trai. Chuyện xảy ra vào mùa gặt. Rưu-ven (con trai cả của Lê-a) ra đồng, hái được mấy trái ngải sâm đem về cho mẹ. Ra-khen xin : “Xin chị cho em mấy quả ngải sâm của con chị”. Ai ngờ quả bom nổ chậm vẫn nằm im bao lâu nay giữa hai chị em bỗng nổ tung : “Đoạt chồng của tôi, đối với cô chưa đủ hay sao, mà cô lại muốn lấy cả quả ngải sâm của con tôi nữa ?” Không biết vì quá thèm trái ngải sâm hay vì muốn làm hòa với chị, Ra-khen đề nghị đánh đổi : “Thế thì ông ấy cứ nằm với chị đêm nay, để đổi lấy mấy quả ngải sâm của con chị”. Chuyện như đùa mà có thật ! “Đến chiều, khi ông Gia-cóp ở ngoài đồng về ; bà Lê-a ra đón ông và bảo : “Ông phải đến với tôi, vì tôi đã bỏ ra mấy quả ngải sâm của con tôi để đổi lấy ông”. Và ông đã nằm với bà đêm ấy”. Thiên Chúa cũng nhập cuộc : “Thiên Chúa đã nhận lời bà Lê-a. Bà có thai và sinh một người con trai thứ năm cho ông Gia-cóp. Bà Lê-a nói : Thiên Chúa đã trả công cho tôi, vì tôi đã hiến nữ tỳ của tôi cho chồng tôi”… Bà Lê-a lại có thai và sinh một người con trai thứ sáu cho ông Gia-cóp. Bà Lê-a nói : “Thiên Chúa đã tặng tôi một món quà quý. Phen này chồng tôi sẽ ở với tôi, vì tôi đã sinh cho ông sáu đứa con trai”… Sau đó bà lại sinh một đứa con gái và đặt tên nó là Đi-na” (St 30, 1-31). Cô con gái rượu này sẽ mang tai họa cho dân Si-khem (x. St 34).
Mỗi lần đặt tên cho một đứa con, ta lại thấy được nỗi lòng của mỗi người vợ. Điệp khúc của bà Lê-a là : “bây giờ thì chồng tôi sẽ yêu tôi” ; “Đức Chúa đã nghe biết làtôi không được yêu” ; “phen này thì chồng tôi sẽ gắn bó với tôi” ; sau đứa con thứ tư thì bà nói “Phen này thì tôi sẽ tạ ơn Đức Chúa”. Khi nữ tỳ của bà sinh đứa con trai thứ nhất thì bà nói “tôi may mắn quá” ; đứa thứ hai thì bà nói “tôi hạnh phúc quá”. Đến phiên bà lại đích thân sinh đứa con thứ năm thì bà nói : “Thiên Chúa trả công cho tôivì tôi đã hiến nữ tỳ của tôi cho chồng tôi”. Khi bà sinh đứa con thứ sáu thì niềm hy vọng lại vươn lên trong lòng bà : “Phen này chồng tôi sẽ ở với tôi, vì tôi đã sinh cho ông sáu đứa con trai”. Những lời tâm sự của bà cho thấy thân phận của bà : là người vợ không được yêu, bà đã chịu số phận “ăn cơm nguội, nằm nhà ngoài”, mà một nữ thi sĩ Việt Nam đã diễn tả nỗi đắng cay ai oán : “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung, kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng…” Trong nếp sống du mục, hai bà vợ thì tất nhiên mỗi bà có một lều. Ông Gia-cóp “thường trú” trong lều bà vợ yêu. Lúc đầu vì ham con thì ông còn năng lui tới với bà Lê-a, nhưng sau khi được bốn thằng con trai, thì có vẻ ông giống cá lia thia : “Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi”. Bởi vì ông có bao giờ thật lòng muốn cưới Lê-a làm vợ đâu ! Nhờ mấy trái ngải sâm bà mới “chuộc” được ông, rồi được trớn nhờ đứa con thứ năm, bà có thêm đứa con thứ sáu và một cô con gái “đội sổ”. Nhưng xem ra ước mong của bà “chồng tôi sẽ ở với tôi” cũng chưa thành sự thật. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông Gia-cóp đổi “địa chỉ thường trú”.
Chuyện kể tiếp : “Thiên Chúa nhớ đến bà Ra-khen, Thiên Chúa đã nhận lời bà và đã cho bà sinh đẻ được. Bà có thai và sinh một đứa con trai. Bà nói : “Thiên Chúa đã cất nỗi hổ nhục của tôi” ; bà đặt tên cho nó là Giu-se, bà nói : Xin Đức Chúa thêm cho tôi một đứa con trai khác”. Thiên Chúa cũng nhận lời bà, cho bà thêm một đứa con trai nữa, nhưng bà phải trả giá bằng chính mạng sống của bà (Chuyện bà An-na mẹ của Sa-mu-en (1S 1, 1-23) cũng tương tự, nhưng bi đát hơn vì bà luôn bị bà kia nhục mạ.).
Hai chị em mang hai nỗi khát vọng : người không được yêu thì Chúa cho bù nhiều con, nhưng chỉ mong được yêu. Người được yêu thì lại hiếm hoi, muộn màng, chỉ mong có con. Nhưng giữa hai chị em có một cuộc chiến dai dẳng, chỉ một lần bùng nổ cũng đủ cho ta thấy sức nặng của nó. Cuộc chiến này đi vào huyết quản của những đứa con. Sáu đứa con của bà Lê-a làm sao quên được nỗi đau của mẹ phải chịu số phận hẩm hiu “ăn cơm nguội nằm nhà ngoài”. Bốn đứa con của hai người nữ tỳ, cũng thấy và chung phần thân phận “nữ tỳ” của mẹ. Thế là cái mầm mống ganh tị đã nối kết mười đứa con này với nhau.
Thêm vào đó, ông Gia-cóp tiếp tục dồn tình yêu dành cho bà vợ yêu sang hai đứa con của bà, nhất là cho Giu-se. “Ông Ít-ra-en (Tên Chúa đặt cho ông Gia-cóp trên đường về đất Ca-na-an) yêu Giu-se hơn tất cả các con, vì ông đã già mới sinh được cậu, và ông may cho cậu một áo chùng dài tay”. Cái lý do “ông đã già mới sinh được cậu” xem ra là lý do bề mặt thôi, lý do sâu xa là ông thấy ở nó hình ảnh của mẹ nó. Tình yêu đặc biệt dành cho nó chỉ là sự nối dài của tình yêu ông đã dành cho mẹ nó. Hậu quả tất yếu không phải chờ lâu : “Các anh cậu thấy cha yêu cậu hơn tất cả các anh, thì sinh lòng ghét cậu và và không thể nói năng tử tế với cậu”. Đó là cách biểu lộ tối đa lúc này, vì Giu-se được cha “nâng như nâng trứng”, các anh đâu có thể làm gì hơn.
Chính Giu-se lại đổ dầu vào lửa. Chuyện thứ nhất : “Giu-se được mười bảy tuổi thì đi chăn chiên dê với các anh. Khi ấy cậu còn trẻ, cậu đi với các con trai bà Bin-ha và các con trai bà Din-pa, là các bà vợ của cha cậu. Cậu mách cha tiếng đồn không hay về họ”
Chuyện thứ hai. Với tâm hồn ngây thơ trong trắng, đuợc cha bao bọc, Giu-se chưa hiểu được cái khúc mắc trong tương quan giữa cậu với mười người anh em cùng cha khác mẹ kia, nên cậu kể những giấc chiêm bao (St 37, 8-11) khiến chính ông Gia-cóp cũng phải kinh ngạc : “Giấc chiêm bao mày đã thấy là gì ? Tao, mẹ mày và các anh mày lại phải đến sụp xuống đất lạy mày hay sao ?” Tuy nhiên ông đã gồm thâu cả trái tim của Ra-khen để yêu thương đứa con mồ côi mẹ, nên “ông ghi nhớ điều ấy”. Các anh nghe những chuyện ấy thì “ghen với cậu”. Thế là đủ cặp “ghen – ghét” rồi !