Tiếp Cận Thế Giới Nghệ Thuật Của Song Nguyễn
Vâng, như vậy mục đích viết của Song Nguyễn là rất khác so với nhiều nhà văn trước đây. Những nhà văn cổ điển như Nguyễn Đình Chiểu thì viết văn là để “ chở đạo, đâm gian” (“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”). Nhà văn Cách Mạng thì “dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ/ Mỗi vần thơ bom đan phá cường quyền”(Sóng Hồng). Nhà văn Hiện Thực như Nam Cao thì dùng ngòi bút để nói tiếng nói đau khổ của nhân gian. Nam Cao viết :” ” Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối , không nên là ánh trăng lưà dối ,nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than,…” ( Giăng Sáng ). Với nhà văn Lãng Mạn, thì nghệ thuật là tiếng nói của cái tôi :”Là thi sĩ nghĩa là ru với gió/ mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”(Cảm Xúc-Xuân Diệu). Nhiều người viết văn trẻ hôm nay họ viết văn là để mưu cầu nổi tiếng và kiếm tiền, vì thế họ có thể viết mọi thứ, kể cả những gì là vô luân. Song Nguyễn viết văn là để rút ra những bài học cho đời mục vụ của mình, và tác phẩm chính là những bài suy nghiệm về những chân lý của Tin Mừng.
Mục đích ấy chi phối đề tài, chủ đề, bút pháp, khuynh hướng thẩm mỹ của ngòi bút Song Nguyễn, từ đó tạo ra một thế giới nghệ thuật khác hẳn với những tác phẩm văn học Việt Nam đương đại.
Thế giới nghệ thuật ấy là hiện thực ở một giáo xứ Công Giáo vùng sâu vùng xa những ngày đầu xây dựng kinh tế mới (1976), lúc đất nước còn bao nhiêu khó khăn. Song Nguyễn giới thiệu những kiểu nhân vật mới, như linh mục Phương Toàn (Đất Mới), người Mục Tửdấn thân cùng đoàn chiên, khai mở miền đất mới trong cuộc sống và tâm hồn con người, những ông trùm chánh, ông phó, những sinh hoạt tôn giáo ở nhà thờ trong những dịp lễ Giáng Sinh, lễ khánh thành nhà thờ…. Đó cũng là thế giới của Một Đời Dâng Hiến, một nữ tu đã hiến trọn đời mình cho những bệnh nhân cùi, người duy nhất ở lại trại cùi Quy Hoà, chăm sóc hàng trăm bịnh nhân trong những hoàn cảnh ngặt nghèo đến cùng cực. Người nữ tu ấy đã sống và chết cho một lý tưởng cao đẹp. Trong thế giới nghệ thuật của Song Nguyễn, bạn đọc còn gặp nhiều con người, nhiều hoàn cảnh khác nhau, bao qúat từ trước 1945 đến nay. Hầu hết đều lâm vào những nghịch cảnh , gặp bao khó khăn, có khi là bi kịch vô vọng, song cuối cùng đều tìm thấy ánh sáng Phục Sinh của Chúa Kitô (Đồng Hành, Định Hướng, Còn Một Niềm Tin, Những Người Mẹ…)
Điểm đặc sắc trong tác phẩm của Song Nguyễn là tư tưởng Nhân Văn Công Giáo (1). Đây là điểm mới mẻ so với tư tưởng nhân văn trong tác phẩm văn học VN trước đó. Tôi chỉ nói thêm điều này, là, tư tưởng nhân văn Công Giáo quan hệ thế nào với thi pháp văn chương của Song Nguyễn.
Cảm hứng sáng tác chính trong thơ ca, nghệ thuật Công Giáo VN là tâm tình thống hối và tấm lòng tri ân Thiên Chúa. Tác giả Công Giáo viết tác phẩm là để ngợi ca màu nhiệm Nhập Thể và Phục Sinh. Lm nhạc sư Kim Long nhắc môn sinh rằng, viết và hát thánh ca là để cầu nguyện với Thiên Chúa. Viết và hát thánh ca là vì Chúa, vì Giáo hội và vì cộng đoàn. Với cảm hứng và mục đích sáng tác như thế, các tác giả đã không quan tâm đúng mức đến những gì thuộc về Con Người trần gian, và vì thế, thơ ca Công Giáo không vượt ra ngoài phạm vi nhà thờ để đến với mọi người trong môi trường sống đời thường của họ, để đem Tin Mừng đến cho mọi người như Chúa Giêsu đã căn dặn. Ngày xưa Chúa Giêsu sống giữa mọi người, cả những người tội lỗi và những người bách hại Người, chia sẻ với họ mọi điều và chính trong môi trường trần thế, Người rao truyền Tin Mừng cứu độ. Tư tưởng Nhân Văn Công Giáo phải đặt nền tảng trên thực tại ấy, và phải nhìn con người là bản thể của Thiên Chúa. Văn chương nghệ thuật Công Giáo phải dấn thân cho Con Người, nhất là những số phận dưới đáy xã hội, bởi Nước Trời thuộc về họ.
Song Nguyễn đã viết về Con Người như vậy, đã chia sẻ với họ trong mọi cảnh ngộ. Từ chuyện tình yêu đến chuyện bỏ nuớc ra đi, từ chuyện đối mặt với bọn đầu rô trong rừng, đến chuyện phải ra trước tòa án với bao nỗi nhục nhã, lo âu. Từ chuyện đời thường làm ăn, chuyện bi lợi dụng đến những sinh hoạt ở một cộng đồng bị tàn phá bởi bão, bởi voi rừng, bởi những tệ nạn. Ngòi bút Song Nguyễn cũng mổ sẻ những ngõ ngách phức tạp của tâm hồn con người trong xã hội VN thời kinh tế thị trường, chẳng hạn những thảm cảnh gia đình dẫn đến ly dị, những chuyện hoang thai trong con nhà đạo, nhà ông trùm chánh, chuyện vô sinh, chuyện con cái hư hỏng, và cả những câu chuyện duy tâm ma quỷ trong dân gian. Đặc biệt Song Nguyễn dành nhiều tác phẩm viết về đời tu của các Dì, các thầy tu, các Linh mục, những người tự nguyện dâng hiến đời mình cho đồng loại, tự nhận lấy Thập Giá của tha nhân. Họ trở thành nhân vật lý tưởng của tư tưởng Nhân Văn Công Giáo (Lm Phương Toàn trong Đất Mới, Dì Antony Nhẫn trong Một Đời Dâng Hiến. Chị Đào Thanh Nhẫn trong truyệnNgười Mẹ Bán Xôi…).
Điều mới mẻ ở ngòi bút Song Nguyễn so với các nhà văn khác là ở chỗ, đi theo Chúa Giêsu vào mọi miền của cõi nhân gian, Song Nguyễn đã nhìn thấy ánh sáng Cứu Độ của Chúa Giêsu trong mỗi con người. Song Nguyễn đã miêu tả sự biến đổi thật linh thiêng vẻ đẹp thánh trên khuôn mặt bà Tương Ấn, khi bà qua đời (Đất Mới). Đó là một người nghèo khổ. Lúc sống, bà bệnh tật, gầy ốm, xanh xao. Lúc lâm chung, bà được chịu các phép đạo, và khi qua đời, “khuôn mặt gầy gò xanh mét dần dần trở nên đầy đặn hồng hào, với một vẻ bình an lạ lùng”(Đất Mới, tập2.tr.45) . Cũng từ cái nhìn này, kết thúc truyện của Song Nguyễn hầu hết là kết thúc “có hậu”, các nhân vật đều được hồng ân của Chúa, dù trước đó họ đã trải qua bao nhiêu khổ nhục, nước mắt. Như lời thánh vịnh :”Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong vui sướng. Ai gieo trong nước mắt, sẽ về giữa tiếng cười”.
Cũng từ mục đích sáng tác của Song Nguyễn, người đọc có thể nhận ra một văn phong rất riêng của ngòi bút Song Nguyễn, ấy là sự mộc mạc nhân hậu. Xin đọc một đoạn:
“Bà Tám Mão, nếu phải xếp vào loại “mẹ chồng nàng dâu” thì bà cũng được xếp vào loại “Top Ten”.
Bà là người giàu có nhất trong vùng. Bà có nhiều con gái, nhưng chỉ có một người con trai nên bà “cưng như trứng, hứng như hoa”. Bà là người đanh đá chua ngoa, chưa thấy người đã nghe thấy tiếng. Khi phải dụ ai thì ngọt như đường, còn khi la mắng chửi bới ai thì chua như chanh. Đã có lần xảy ra tranh cãi với viên thuế vụ, bà suýt xông vào đánh ông ta. Chính vì vậy, ai cũng né tránh bà. Cả mấy đứa con gái của bà cũng phải bất bình xấu hổ về sự đanh đá của bà.
Người đời thường nói: “ác giả ác báo”, hay “lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt”; nhưng chỉ khổ cho những ai là đối thủ của bà.
Quả thật, “trời xanh có mắt”. Ông chồng bà đã không chịu nổi sự chanh chua của bà, nên rượu chè bê bối và bị ung thư cổ trướng rồi qua đời. Còn cậu con trai cưng của bà là Trần Tuấn Kiện được bà tin tưởng, dự tính trao hết tài sản cho cậu kế thừa. Bà sốt ruột muốn con trai duy nhất của bà phải sớm có cháu nội cho bà. Vì vậy, nhiều lần bà năn nỉ, rồi bà giới thiệu cho Tuấn Kiện hết cô này đến cô khác theo như các thầy tướng số đã chỉ cho bà. Ông thì nói con bà chỉ hợp với tuổi này, ông khác thì bảo con bà chỉ hợp với tuổi kia. Bà bôn ba tìm chọn trong số những cô gái đó, nhất là chủ đích tìm cho được một cô con nhà giàu có mối lái để cầu hôn cho con trai cưng của bà. Nhưng khi hỏi đến Tuấn Kiện thì cậu từ chối bai bải, lấy hết lý do này đến lý do khác. (tập Người Cha Hiền)
Mấy đặc điểm của văn phong của đoạn văn ấy là: văn của Song Nguyễn là văn nói (khẩu ngữ) của người bình dân, dùng nhiều từ ngữ trong cách nói bình dân (Bà là người đanh đá chua ngoa, chưa thấy người đã nghe thấy tiếng. Khi phải dụ ai thì ngọt như đường, còn khi la mắng chửi bới ai thì chua như chanh.)Song Nguyễn không dùng kiểu diễn đạt trau chuốt, không dùng cách kể chuyện tân kỳ như trong các truyện ngắn Hiện Sinh hay truyện Hậu Hiện Đại. Trong một số truyện của Song Nguyễn có những yếu tố hoang tưởng, nhưng đó không phải là thủ pháp của Hiện Thực Huyền Ảo. Bởi vì đối tượng độc giả Song Nguyễn hướng đến là công chung bình dân, bởi nhân vật, sự việc bối cảnh là hiện thực của đời sống nhân dân lao động. Bút pháp chính của Song Nguyễn là bút pháp Hiện Thực kết hợp với tư tưởng nhân văn Công Giáo (khác với Hiện Thực Phê Phán, Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa…). Nói thật đúng, đó là những chuyện “người thực việc thực” được kể lại. Vì thế, nhiều truyện mang chất ký.
Điều này rất dễ gây ra ngộ nhận khi người đọc suy đoán nhân vật là người này, người kia. Xin xác định lại rằng, đây là truyện, nghĩa là, “người thật việc thật” chỉ là chất liệu để tác giả khám phá và gửi gắm những thông điệp nghệ thuật. “Viết lại những mảnh đời, những số phận , những trải nghiệm, tác giả chỉ có ý rút ra cho đời mục vụ của mình những bài học từ cuộc sống. Hay nói khác đi, tác phẩm là những bài suy niệm sống qua các nhân vật.”Và như vậy, nhân vật là những chứng nhân cho những thông điệp trong tác phẩm. Điều người đọc cần quan tâm là khám phá những thông điệp ấy. Chuyện dân gian thường được kể bằng lời mộc, người kể coi trọng việc thuật lại sự kiện, bám sát cốt truyện theo tuyến thời gian (không xây dựng nhân vật, không miêu tả bối cảnh,tình huống như cách viết của tiểu thuyết) và kết thúc có hậu. Văn phong của Song Nguyễn có những đặc điểm ấy.
Xét tác phẩm của Song Nguyễn ở những chuẩn mực khác, người đọc sẽ nhận ra nhiều giá trị mà ngòi bút Song Nguyễn góp phần cho văn chương Công Giáo đương đại.
Lần đầu tiên văn chương Công Giáo Việt Nam có truyện dài mà dung lượng hiện thực được miêu tả có tầm vóc sử thi (Đất Mới 3 tập). Tác phẩm này phản ánh một giai đoạn lịch sử rất khó khăn của đất nước, và đặc biệt khó khăn đối với giáo dân Công Giáo Việt Nam, giai đoạn trước và sau 1975 đến thời kỳ đổi mới (1986). Mai sau, muốn hiểu xem người Công Giáo “sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc” như thế nào trong giai đoạn ấy, người đọc có thể tiếp cận với từng con người, từng sự việc một cách cụ thể trong Đất Mới, Một Đời Dâng Hiến, Định Hướng, Đồng Hành…
Trước kia, hình ảnh người Công Giáo, hình ảnh các Linh Mục, nữ tu được thêu dệt phiến diện và xuyên tạc trong một số tác phẩm được viết để phục vụ chính trị (Thí dụ Bão Biển của Chu Văn, Cha Con và…của Nguyễn Khải). Trái lại, tác phẩm của Song Nguyễn đã xây dựng được những nhân vật linh mục, nữ tu, giáo dân sống đức tin giữa đời thường. Họ hành xử theo ánh sáng Tin Mừng, họ noi gương Chúa Giêsu trong mọi khía cạnh làm người, và họ đem đến cho mọi người xung quanh niềm tin của sự bình an. Thí dụ Dì Năm đã sống với các em thiếu nhi vùng sâu vùng xa Đồng Tháp Mười trong những ngày mù mịt những năm 1960, sau đó Dì đã bị giết chết thê thảm bên bờ ruộng, chơ sở nơi ấy cũng bị bắt đi mất tích (chương 10-Đồng Hành), hoặc nữ tu Nhẫn (Ngưới Mẹ Bán Xôi) đã xin trở lại đời thường để lấy một thương binh mù hai mắt cụt hai chân ở chiến trường Cambuchia, chị đem đến cho mẹ chồng đã già và người chồng tàn phế cuộc sống hạnh phúc sinh sôi với hai đứa con đi học Đại Học.
Dõi theo quá trình sáng tác của Song Nguyễn (3), từ tập truyện dàiĐường Về (in trước 1975, nay đã thất lạc, chưa tìm thấy) đến 9 tập truyện đã in hiện nay (2012) (2), người đọc cảm nhận được điều gì? Xuyên suốt 10 tác phẩm là một cảm hứng sáng tác được soi dẫn bởi ánh sáng tư tưởng nhân văn Công Giáo. Song Nguyễn quan tâm, gắn bó không rời với người nghèo mọi nơi, mọi lúc. Ngòi bút Song Nguyễn thể hiện một niềm tin kiên vững trong mọi hoàn cảnh, ngay cả trong những biến động lớn lao của lịch sử. Từ đó tỏa sáng sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, và hun đúc một tinh thần dấn thân không mệt mỏi.
Bản thân tôi may mắn được gần tác giả từ những năm 1970 đến nay, được tác giả cho phép chia sẻ bản thảo, được nghe những dự định sáng tác, những tâm nguyện ấp ủ và những mục đích mục vụ văn hóa của tác giả, tôi thực sự khâm phục và học tập ở Ngài nhiều điều. Tôi nói với học trò rằng Ngài là một người thầy nhân hậu, một người thầy lớn về nhiều mặt. Trước hết là nỗ lực làm việc phi thường trong điều kiện sức khỏe có nhiều vấn đề. Ngài cống hiến không mệt mỏi. Ngài là người thầy về tổ chức các mặt hoạt động mục vụ, người thầy về tấm lòng nhân hậu đối với mọi kiếp người, và là người thầy về năng lực sáng tạo. Ngài bảo, sau Đất Mới, ngài sẽ viết Trời Mới. Sau Định hướng 1, Ngài đang viết Định Hướng 2, sau khi đã viết cho người cha, người mẹ, Ngài sẽ viết về gia đình, viết cho giới trẻ…Tôi không hiểu Ngài đã tích lũy vốn sống như thế nào để làm nên bấy nhiêu tác phẩm, đã giữ được niềm say mê thế nào cho trang văn luôn tỏa sáng lòng mến yêu, đã giữ được sức khỏe thế nào ở tuổi 70 để hoàn thành bao nhiêu công việc lớn lao như vậy.
Với 10 tập truyện đã được in, bao quát một thời gian lịch sử khá dài, chiếm gần hết sự quan tâm của một đời người, Song Nguyễn thực sự đã đóng góp nhiều giá trị cho văn chương Công Giáo đương đại, đặc biệt là sự khai mở tư tưởng Nhân Văn Công Giáo, cả trong nội dung và bút pháp, là cách khai thác đề tài, nhân vật, và những vấn đề của đời sống tôn giáo trong giáo dân. Rồi đây, những thế hệ nhà văn Công Giáo đi sau có thể kế thừa ở Song Nguyễn được nhiều điều. Trong hoạt động văn hóa, Người cũng đặt nền móng cho Giải thưởng Văn hóa Nghệ thuật Đất Mới, nhằm phát huy tiềm năng nghệ thuật trong giáo dân, thúc đẩy mạnh mẽ mục vụ văn hóa như mong mỏi của Giáo Hội, góp phần xây dựng một nền văn hóa Công Giáo trong di sản văn hóa dân tộc. Cầu xin Chúa Giêsu đổ tràn hồng ân cho Ngài, để những ước nguyện của Ngài trở thành hiện thực, mưu ích cho Giáo Hội và cho mọi người.
Tháng 2.2012
___________________________________________________
(1) Xin đọc bài : Tư tưởng Nhân Văn Công Giáo trong Đất Mới, và bài giới thiệu tập truyện ngắn Những Người Mẹ
(2) Tác phẩm đã in của Song Nguyễn
1.Một Đời Dâng Hiến, truyện dài,Nxb Tôn Giáo. 2009
2.Đất Mới, truyện dài 3 tập. Nxb Tôn Giáo. 2009
3.Đồng Hành, truyện dài, Nxb Tôn Giáo. 2010
4.Định Hướng, truyện dài. Nxb Tôn Giáo. 2011
5.Chuyến Xe Về Trời, tập truyện ngắn 1 Nxb Tôn Giáo. 2011
6.Còn Một Niềm Tin, tập truyện ngắn2. Nxb Tôn Giáo. 2011
7.Suối Nguồn, tập truyện ngắn 3. Nxb Tôn Giáo. 2011
8.Người Cha Hiền, tập truyện ngắn 4. Nxb Tôn Giáo. 2012
9. Mẹ Yêu Của Con , tập truyện ngắn 5. Nxb Tôn Giáo. 2012
(3) Song Nguyễn là bút danh của Đức Giám Mục Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Giám Mục GP Xuân Lộc.